Mấy cảm nghĩ về nghề, từ nhà báo lớn Phan Quang

Thứ ba - 27/04/2021 10:05
Do biết tin Hội thảo chỉ trước bốn ngày, nên tôi không có điều kiện viết một tham luận đầy đủ về chặng đường 72 năm gắn bó với nghề báo, nghề văn của Phan Quang - một trong những cây đại thụ của làng báo Việt Nam. Tôi chỉ xin nêu mấy cảm nhận chung quanh chủ đề rộng lớn này.
111
Cuốn sách về nhà báo Phan Quang vừa được NXB Thông tin và Truyền thông xuất bản
1. Cuộc đời hành nghề của Phan Quang có thể khái quát bằng mấy chữ “NHÀ” tiêu biểu: nhà báo, nhà văn, nhà dịch giả, nhà văn hóa, nhà chính khách... Nếu có thể nói gọn thì xin gọi Phan Quang là Nhà báo  cách mạng chuyên nghiệp, bởi lẽ từ lúc cậu thanh niên Phan Quang Diêu rời ghế nhà trường ở làng Thượng Xá, bên bến sông Nhùng của đất Quảng Trị sỏi đá và nắng lửa, bước vào con đường hoạt động cách mạng cho đến lúc về hưu, nhận sổ bảo hiểm xã hội là 57 năm 8 tháng! Gần 6 thập niên dài dặc ấy, với ý thức tổ chức kỷ luật, ngay ngày đầu Ông vui vẻ nhận sự phân công về làm báo Cứu Quốc Liên khu IV, mặc dù đang ôm mộng văn chương vì có năng khiếu và tài năng rộng mở. Và rồi thực tiễn sống động từ những ngày chứng kiến cả nước nổi dậy và bản thân được tham gia làm cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đã giúp ông say men nghề viết báo. Sau gần một năm cách mạng thành công, thực dân Pháp đã từ Huế tràn ra chiếm 2 tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, gây ra cảnh thiêu cháy xóm làng, nhiều chiến sĩ cách mạng và cả dân thường bị đầu rơi, máu chảy. Vậy là cậu thanh niên chưa tròn tuổi 20, hăm hở tay bút, tay súng, mấy lần leo dọc Trường Sơn từ vùng địch hậu ra vùng tự do, rồi quay lại tham gia bốn chiến địch, trong đó có chiến dịch Thượng Lào, Điện Biên Phủ.

Sau ngày Hiệp định Genève lập lại hòa bình tại Việt Nam năm 1954 có hiệu lực, ông được cấp trên điều từ báo Cứu quốc Liên khu IV về Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng. Thế là Thủ đô vừa giải phóng được ba ngày, ông theo đoàn xe tải chở đoàn cán bộ báo Nhân Dân cùng một số phương tiện làm việc từ huyện Đan Phượng tỉnh Hà Đông, nơi báo Đảng vừa chuyển từ chiến khu Việt Bắc về đóng tạm trụ sở, vào nội thành Hà Nội. Theo sự phân công của Đảng, ông nhận nhiệm vụ làm phóng viên chuyên về nông nghiệp. Vẫn biết trước đó đã 6 năm làm Báo Cứu Quốc, nhưng về khuôn viên cây đa cổ thụ ở phố Hàng Trống, cuộc đời làm báo của ông mở ra nhiều điều mới mẻ, nhiều thuận lợi đi liền thách thức, mà điều lớn nhất là tư duy và cách viết báo cần phải thay đổi khi cách mạng sang trang mới, nhu cầu của bạn đọc cũng đổi thay cùng thời cuộc. Vẫn chiếc ba lô theo ông đi lên các vùng kinh tế mới ở Tây Bắc, ra với ngư dân ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng; vào vùng giới tuyến Vĩnh Linh phản ánh cuộc sống ở “Đôi bờ tắm nước một dòng sông ”. Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, ông lại vào Đường 9, Khe Sanh, đến ngày Hiệp định Pari được ký kết, ông được qua sông Bến Hải, viết những phóng sự nao lòng về tình người ở đôi bờ tạm bị cắt chia bao năm đau xót. Đúng vào ngày 25/3/1975, Huế được giải phóng, không kịp ghé thăm quê, ông theo đoàn quân giải phóng đi thẳng vô Đà Nẵng, rồi đi dọc các tỉnh “Khu 5 dằng dặc khúc ruột miền Trung”, và ngỡ ngàng lần đầu gặp Sài Gòn, chứng kiến cảnh Thượng tướng Trần Văn Trà tuyên bố “Thắng lợi này là của toàn thể nhân dân Việt Nam”, và cho phép tướng Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của ông được rời Dinh Độc lập trở về đoàn tụ với gia đình. Vậy là những dòng tin, những bài phóng sự của ông phi vội ở những điểm dừng chân ngồn ngộn sức sống, phơi phới niềm vui và niềm tin chiến thắng khi đất nước sạch bóng ngoại xâm, non sông liền dải. Những cuộc đoàn tụ đầy nước mắt xúc động đi liền những nỗi đau mất mát, được Phan Quang ghi chép, miêu tả tràn đầy tính nhân văn và niềm lạc quan cách mạng. Như lời ông bộc bạch: “Tình nhà, tình nước thắm vào máu thịt tôi, làm nên con người, con chữ không thể hờ hững trước những nỗi đau, sự hi sinh và mất mát của con người ”. Và cái tên Phan Quang, từ thời điểm lịch sử ấy càng được công chúng tìm đến, vì mỗi một bài của ông đều mang lại cho bạn đọc nhiều thông tin tươi mới, truyền nhuệ khí và sức sống mới của dân tộc đã vượt qua đạn bom và xiềng gông, đứng lên tự làm chủ và xây đắp cuộc đời mình. Những phóng sự của ông lay động lòng người qua hành động dũng cảm của quân và dân trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở quận Phú Tân Sơn (Sài Gòn); về cuộc sống đổi thay ở vùng đất Vựa lúa Chín Rồng sau ngày giải phóng; về những tình cảm sâu nặng của người dân ở vùng đất mũi Năm Căn dành cho cách mạng trong những tháng năm chống Mỹ, cứu nước... Quá khứ đan xen hiện tại; quá khứ gian khó và hào hùng là bệ phóng cho hôm nay và mai sau được cây bút Phan Quang diễn tả sinh động, có chiều sâu, góp sức đắp bồi sức mạnh và ý chí đại đoàn kết toàn dân, một động lực lớn lao để vượt qua những gian khó mới của đất nước sau chiến tranh chịu nhiều thương đau, mất mát.
Trở về Hà Nội, với trọng trách là Ủy viên Ban biên tập, Trưởng ban Nông nghiệp báo Nhân Dân, ông vẫn dành thời gian đi nghiên cứu thực tiễn ở nhiều vùng đất, viết những phóng sự điều tra ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc, gợi mở những vấn đề quan trọng giúp các cơ quan hoạch định chủ trương, hoàn thiện các chính sách sát hợp với cuộc sống, như chuyện dời cả xã lên đồi ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), chuyện thí điểm cơ giới hóa nông nghiệp ở huyện Nam Ninh (Hà Nam Ninh), chuyện “khoán chui” ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Hưng (sau này nhờ các bài của một số phóng viên Báo Nhân Dân, trong đó ông là cây bút chủ lực, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 100; sau đó Trung ương ban hành Nghị quyết số 10 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp (gọi tắt là “Khoán 10”).

2. Vừa là phóng viên, vừa là nhà quản lý, bằng thực tiễn sống động trong suốt quá trình hành nghề, đặc biệt là trong gần 30 năm ở Báo Nhân Dân, ông có may mắn và vinh hạnh được Ban Biên tập cử đi tháp tùng các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước để viết bài tổng thuật. Chính trong quá trình đó, những cuộc trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, nhất là những lời căn dặn về nghề báo của Bác Hồ, Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong thời gian ông tháp tùng Đại tướng đi nhiều nơi trên miền Bắc mở rộng Phong trào thi đua yêu nước Đại Phong, các nhà thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên..., đã giúp ông đúc kết một công thức để có một tác phẩm báo chí hay - bao gồm 4 nhân tố: Đọc - Đi - Nghĩ - Viết, một tổng kết có giá trị truyền bá kinh nghiệm làm nghề cho các thế hệ báo chí hôm nay và mai sau. Không phải ngẫu nhiên mà ông nêu ra 4 chữ để đời đó cho những người làm báo trẻ tuổi, mà đó còn là kết quả của sự đam mê nghề nghiệp trong 6 năm ở báo Cứu Quốc, 28 năm ở Báo Nhân Dân, hơn 5 năm làm Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương; sau đó, từ Thứ trưởng Bộ Thông tin về nhận nhiệm vụ Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam trong 9 năm và 10 năm đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ở các thời điểm này, công việc quản lý đã hạn chế việc đi và viết, nhưng ông đã dồn sức cho việc tổng kết hoạt động nghề báo, giúp lớp trẻ nâng cao chất lượng tác nghiệp các thể loại báo chí. Ở tầm vĩ mô, chúng ta không quên một đóng góp rất quan trọng, khi ông với tư cách là người chủ trì Ban biên soạn dự thảo Luật Báo chí đầu tiên của nước ta, được Quốc hội khóa VIII thông qua tại Kỳ họp thứ 6, ngày 28/12/1989. Trước đó, từ năm 1993, sau khi nghiên cứu hơn 50 bản Quy ước về đạo đức nghề nghiệp báo chí khác nhau trên thế giới, ông chủ trì soạn dự thảo “Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí”, được Đại hội VI Hội Nhà báo Việt Nam thông qua tháng 3 năm 1995. Cho đến nay, Quy ước đó được bổ sung, hoàn thiện nhiều lần cho sát hợp tình hình báo chí từng thời kỳ cụ thể, nhưng làng báo Việt Nam không quên công lao ông đã đặt nền móng cho một văn bản có ý nghĩa đề cao ý thức tự giáo dục, khơi dậy lòng tự hào về sứ mệnh và phẩm giá cao cả của người làm báo cách mạng Việt Nam.

3. Tôi được may mắn viết lời giới thiệu cho cuốn Hồi ký “Trên nẻo đường này xưa ta đã đi” của Phan Quang, xuất bản vào tháng 8 năm 2019. Bài được báo Nhân Dân đăng lại với tiêu đề “Một đời báo, đời văn đồ sộ”. Tôi nhớ lại thời gian làm việc ở Báo Nhân Dân trong những thập niên 60 đến hết thế kỷ XX, thư viện báo Nhân Dân vẫn giữ truyền thông lưu giữ các bài viết được cắt dán của từng phóng viên của báo, đặt vào các ô ở các kệ gỗ trong phòng đọc. Chúng tôi, lớp người đi sau thường hay vào đây tìm đọc những bài viết của các thế hệ đàn anh. Thật ngỡ ngàng và ngưỡng mộ, trong “gia tài” ấy có hàng ngàn bài viết của Phan Quang - những sản phẩm kết tinh công sức và trí tuệ sung mãn của cây bút yêu nghề, luôn sáng tạo, đổi mới từ cách phát hiện vấn đề đến cách thể hiện sinh động, cuốn hút nhờ độ nhạy cảm chính trị, nghệ thuật nắm bắt xu hướng thời cuộc vận động cùng với sự chắt chiu làm giàu vốn ngôn ngữ. Đọc bài ông, người đọc trân trọng biệt tài giao hòa lửa báo với hơi văn - cách truyền tải các tư liệu từ hiện thực đời sống, dẫn dắt khéo léo người đọc dễ tiếp nhận nhờ cách diễn đạt nhẹ nhàng mà tinh tế, bình dị mà lắng sâu. Nhờ vậy, các bài xã luận, chính luận - một thể loại báo chí vốn dễ khô khan, nhưng với những con chữ có hồn, nên người đọc nhập tâm nhanh và gây dấu ấn. Ở khía cạnh này, tôi thiết nghĩ, cho dù mộng viết văn chuyên nghiệp của ông từ ngày rời ghế nhà trường chưa thực hiện được trọn vẹn, nhưng ông có quyền tự hào đã nêu lên một mẫu hình về sự kết hợp tài hoa giữa báo và văn. Đúng như ông tâm sự: “Báo chí và văn học là hai thể loại rạch ròi, nhưng là con cùng một mẹ, nghề báo, nghiệp văn luôn gắn bó với nhau, trong báo có văn, trong văn có báo ”.

4. Công tâm mà nói, trong lĩnh vực viết văn, Phan Quang cũng đã có không ít truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, một số tiểu luận văn học... đã được đăng trên nhiều báo và tạp chí, như Lửa hồng (truyện ngắn đầu tay viết trong một đêm để kịp đăng trên báo Cứu Quốc Liên khu IV, số Xuân 1949 khi ông vào tuổi 20), Chiếc khăn tang, Vô du kích, truyện vừa Đất rừng (xuất bản 1955). Ông còn là một trong những dịch giả tài ba, giới thiệu tới công chúng yêu văn học ở Việt Nam, một số ký sự chiến tranh của nhà văn Liên Xô Konstantin Simonov; Từ sông Vônga đến sông Đông của Konstantin Paustovsky: bút ký Những ngôi sao ban ngày của nữ nhà thơ Nga Olga Bergholtz, Đặc biệt, công chúng ở nhiều lứa tuổi say mê đọc Nghìn lẻ một đêm của Ả Rập (đã tái bản 48 lần với số lượng hàng chục vạn bản); Nghìn lẻ một ngày của Ba Tư (đã tái bản 17 lần); dịch và bình chú một số Sử thi huyền thoại Đông Tây; tiểu luận Trà thư của Nhật Bản; một số truyện dân gian ở các châu lục, trong đó có Chuyện rừng châu Phi, một số tuyển tập du ký như Bên mộ vua Tần, Thơ thần Pari, Chia tay trên sông... Ông khiêm nhường tâm sự: “Tôi viết văn, viết báo với tất cả trí tuệ và tâm hồn, viết như một phương thức tồn tại của bản thân, coi những gì mình viết ra đều nhằm giao lưu kết nối với người đọc, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân”...

5. Như là sự ngẫu nhiên, trong thời gian tôi được bầu làm Đại biểu Quốc hội hai khóa cùng thời với ông, là Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, do Phan Quang làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban liên tục 3 khóa. Tôi tự thấy, cấp trên cũng như bạn bè, đồng nghiệp đã có “con mắt tinh đời” chọn đúng người, giao đúng việc cho ông làm chính khách đối ngoại khắp bốn biển năm châu, đi “thuyết khách” thuyết phục bạn bè quốc tế đồng tình và ủng hộ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của chúng ta; đồng thời tranh thủ quảng bá hình ảnh, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới; tham gia phát hiện, chọn lọc và giới thiệu tinh hoa nhân loại vào nước ta. Là người thành thạo nhiều ngoại ngữ, nhất là tiếng Pháp, tiếng Anh cộng với sự uyên thâm, phong cách lịch lãm, ông đã gây thiện cảm với nhiều học giả nổi tiếng quốc tế nể trọng và tin cậy, được họ tín nhiệm bầu vào các chức danh của một số tổ chức quốc tế, như Chủ tịch Liên đoàn báo chí ASEAN, Thành viên Hội đồng và Giảng viên chính thức Tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ, chịu trách nhiệm tổ chức Trường OIJ thứ tám trên thế giới, trụ sở đặt tại Hà Nội, Phó Chủ tịch OIJ phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương...

Tôi nhớ như in một kỷ niệm vào đầu năm 2005, với tư cách là Trưởng đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam, tôi tham dự Hội nghị thường kỳ của Liên đoàn báo chí ASEAN ở Singapore. Mặc dù lúc đó Phan Quang đã thôi cương vị lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Hội nghị vẫn trân trọng mời ông dự họp với tư cách là Khách mời đặc biệt. Tại phiên khai mạc, ông được Đoàn Chủ tịch mời phát biểu về xu hướng phát triển báo chí ở Đông Nam Á trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của các đại biểu. Chính thực tiễn hoạt động đối ngoại và văn học đầy hiệu quả của Phan Quang, nhân kỷ niệm 90 năm tuổi đời và 70 năm tuổi nghề của ông (năm 2018), tôi viết tặng ông bài thơ “Còn ắp sức xuân”; trong  đó có đoạn: “Thế giới có Việt Nam/ Qua trang viết Phan Quang/ Ta tiếp nhận tinh hoa nhân loại/ Qua dịch thuật Phan Quang/ Người tiếp lửa nhịp cầu Hữu Nghị”...

Khép lại bài viết chưa đầy đủ này, tôi muốn dùng lời tâm sự chân tình của Phan Quang khi nói về nghề báo, nghiệp văn: “Tôi đã để nghề báo ngập lụt cuộc đời mình. Khi nghỉ hưu ở tuổi 75, một nhà báo nữ đến phỏng vấn: “Ông có ý định dành thời gian rỗi rãi chuyên tâm sáng tác văn học, làm nên một tác phẩm để đời?”. Tôi đáp: “Muộn mất rồi! Con người ai chẳng có mối tình đầu! Nhưng đến mức tuổi tôi hôm nay mà chỉ biết mải mê săn đuổi mối tình đầu, chẳng hóa ra mình phụ bạc người vợ hiền gắn bó bên nhau từ thuở muối dưa?”.

“Người vợ hiền” ấy là báo chí vẫn đang song hành và thắp lửa đam mê trong tâm hồn nhà báo lớn Phan Quang ở tuổi 92, để tới hôm nay, vẫn tiếp tục “nhả tơ” sáng óng từng con chữ, ấm nóng tình đời, tình người, tình bạn bè, đồng nghiệp... 

PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh?
Nguồn: Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây