Nhà báo – Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành và cuộc hành trình của ký ức
Thứ bảy - 01/05/2021 07:54
Nhà báo – Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành và cuộc hành trình của ký ức
Nói về thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975, nhà báo Đinh Quang Thành chia sẻ: “Giờ phút ấy tôi không nghĩ mình có thể vào được Dinh Độc Lập hay sân bay Tân Sơn Nhất ở giây phút lịch sử đó. Chúng tôi đã có bao ngày cùng bộ đội, chịu đựng nhiều gian khó, hứng chịu những trận bom đạn của kẻ thù và khi có mặt ở thời khắc lịch sử quan trọng đầy ý nghĩa, đối với tôi đó là điều vô cùng may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp”.
Chàng thư sinh trở thành phóng viên chiến sự
Nhà báo - Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành nguyên là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) bước chân vào nghề báo như có một niềm say mê yêu thích từ nhỏ. Ngay từ khi được ngồi trên ghế nhà trường, ông luôn xây dựng cho mình một ý thức trách nhiệm cao, lắng nghe những kiến thức quý báu từ thế hệ đi trước. Ông kể rằng, ông bắt đầu học về báo chí là từ 1960, tiếp xúc với những thầy giỏi, có nhiều kinh nghiệm, trong đó ông vẫn nhớ nhà báo Đào Tùng - cố Tổng Giám đốc TTXVN; nhà báo Hoàng Tùng - nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân.... Chính từ những kiến thức ban đầu đó đã giúp ông sau này có nhiều bức ảnh mang giá trị lịch sử và nghệ thuật đồng thời mang dấu ấn riêng.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, mỗi phóng viên TTX là những chiến sỹ trên mặt trận tuyên truyền, ghi lại khoảnh khắc với những nhân chứng cụ thể. Tin tức của TTX truyền đi trong nước và nhanh chóng đến với thế giới để nhận được sự đồng tình ủng hộ của bạn bè năm châu. Từ giữa năm 1961, Mỹ - Diệm tiến hành cuộc “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ bắt đầu đưa quân và trang thiết bị vào miền Nam Việt Nam, đồng thời tấn công đánh phá miền Bắc. Xung phong ra tiền tuyến, nhà báo Đinh Quang Thành bắt đầu trở thành phóng viên chiến sự từ đó. Ông có mặt ở nhiều điểm địch đánh phá ở khắp miền Bắc và khu vực miền Trung. Ông Đinh Quang Thành nhớ lại những ngày tác nghiệp ở các khu vực trọng yếu, những nơi công binh, dân quân, nhân dân làm đường, sự vất vả hiểm nguy như thế nào đều được ông ghi nhận lại...
Trong giai đoạn đó, chỉ với một chiếc xe đạp của cơ quan cấp, ông đã đạp xe từ Hà Nội vào Vĩnh Linh, Quảng Trị để tác nghiệp kịp thời. “ Hơn 700km, nhưng tôi còn rẽ vào các đường xương cá, không phải đi thẳng một mạch mà đến một đoạn đường nhánh nào biết được có đơn vị đang chiến đấu thì rẽ sang để chụp ảnh, lấy thông tin. Chỗ nào địch thả bom nhiều thì vác xe lên vai, tránh những hố bơm để đi, ngày đó anh nhà báo có xe đạp để tác nghiệp là điều rất quý, xe đạp cơ động, đồ nghề luôn mang theo sửa chữa bất cứ khi nào”, ông Đinh Quang Thành nhớ lại.
Đường ra tiền phương
Hiện nay, dù đã ở tuổi 86, nhưng mỗi bức ảnh ông chia sẻ với chúng tôi đều mang trong đó một câu chuyện rất ý nghĩa gắn với lịch sử của đất nước. Từ thời gian chụp, ở đâu đều được ông nhớ chi tiết, tỷ mỉ.
Ấn tượng nhất có lẽ là câu chuyện về Phà Ghép trong thời kháng chiến chống Mỹ, Khu vực phà Ghép (thuộc Quốc lộ 1A, ở xã Quảng Trung (Quảng Xương) một thời chứng kiến bao trận mưa bom, bao lần pháo kích từ máy bay và từ chiến hạm của đế quốc Mỹ. Thâm hiểm hơn, giặc Mỹ còn nghĩ ra cách thả ngư lôi phong tỏa khu vực này. Trong hoàn cảnh đó, mỗi lần xe qua phà Ghép đều là những lần cân não và sinh tử của quân và dân ta. Chính từ mưa bom bão đạn ấy đã xuất hiện những con người anh hùng với những hành động thật phi thường. Nhà báo Đinh Quang Thành kể lại: “Một lần tôi với người anh hùng Vũ Xuân Khuê cùng thực hiện nhiệm vụ xử lý những quả ngư lôi ở bến phà. Hai người đi trên chiếc thuyền bằng sắt, ai “săn” những quả ngư lôi, kéo ra khu vực xa để hủy nổ, đảm bảo an toàn cho đoàn xe chi viện đi qua. Là người làm báo tôi cảm thấy trách nhiệm của mình làm sao phải truyền tải được hình ảnh này đến mọi người. Tôi xác định đi chiến trường là không run sợ”.
Lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc đó là tập hợp những mảnh ghép của từng giai đoạn, nhưng tất cả đều có một điểm chung là mọi người đều chung một ý chí mạnh mẽ và kiên định. Và ở mỗi giai đoạn người phóng viên thời chiến lại tạo ra những bức ảnh đắt giá, mang tầm vóc lớn lao. Một trong những bức ảnh đến nay khi xem lại ông vẫn lâng lâng cảm xúc, là bức ảnh “Đường ra tiền phương”, bức ảnh chụp vào giai đoạn “địch phá ta cứ đi”. Ông nhớ lại: “Vào ruột đêm tháng 6/1966, tôi đến cầu Gián Khuất, đoạn qua sông Đáy trên quốc lộ 1A đúng ngày người TNXP Nguyễn Thị Phúc bị cưa cụt một cẳng chân vì bất ngờ một loạt bom nổ giữa đầu cầu. Không kịp cấp cứu, máu ra nhiều, cô gái ấy đã hy sinh. Ngay đêm sau, nhiều đội viên nữ trong đơn vị đã tranh nhau làm nhiệm vụ thay Nguyễn Thị Phúc. Tôi đã chụp tấm ảnh đêm hôm đó với tên gọi là đường ra tiền phương” với hình ảnh một nữ TNXP đang đứng, tay cầm lá cờ lệnh đỏ, tóc buông dài, vai mang súng, chỉ đường cho các đoàn xe ra trận....”.
Bức ảnh đã gây được tiếng vang lớn, không chỉ nói lên tinh thần quả cảm của người lính TNXP, trong đó tấm áo mưa được coi như biểu tượng về sự giản đị thường ngày. Dù không thể hiện có chiếc xe chở hàng nào, nhưng với những vệt sáng cao thấp, đang lao vun vút trong đêm đã thể hiện khí thế của quân và dân ta là tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Bản hùng ca bằng hình ảnh
Chiến dịch này nối chiến dịch kia, người làm báo thời chiến không khác gì những chiến sỹ, tham gia ghi lại chân thực nhiều trận chiến. Và đã có những trận chiến mà người chiến sỹ cầm bút ghi lại trở thành bản anh hùng ca bất tử, là động lực tinh thần, về tinh thần sức mạnh đoàn kết, tương ái.
Vào những ngày cuối tháng 3/1975, nhà báo Đinh Quang Thành được lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã phân công tham gia “Tổ mũi nhọn” đi đưa tin về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 (Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử). Trong khí thế hừng hực hướng về Sài Gòn, ông đi suốt ngày đêm, tới Huế lại tiếp tục hành trình vào Đà Nẵng. Ngày 21/4/1975, thị xã Xuân Lộc được giải phóng, ông cùng Sư đoàn 304 tiếp tục hành quân vào Sài Gòn. Mỗi bức ảnh ông chụp đều gắn với những kỷ niệm, câu chuyện đáng nhớ. Nhưng có lẽ, những bức ảnh bộ đội ta truy kích địch ở sân bay Tân Sơn Nhất để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Theo lời kể của ông, đó là khoảng 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, sau khi ông vừa ghi lại những khoảnh khắc Lữ đoàn Tăng 203 tiến vào Dinh Độc Lập, ông liền đến sân bay Tân Sơn Nhất. Giữa mịt mù khói lửa, ông nhìn thấy một tổ bộ đội ta đang chạy qua đường băng, truy kích địch trong sân bay. Ông giơ ngay máy ảnh chụp liên tục khoảnh khắc lịch sử đó.
Ông chậm rãi kể: “Giờ phút ấy, tôi không nghĩ mình có thể vào được Dinh Độc Lập hay sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng tôi đã có bao ngày cùng bộ đội chịu đựng nhiều gian khổ, hứng chịu những trận bom đạn của kẻ thù và khi có mặt ở thời khắc lịch sử quan trọng và ý nghĩa, đối với tôi đó là điều vô cùng may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp”.
Gắn bó hàng chục năm với nghề báo, nhà báo Đinh Quang Thành luôn quan niệm, muốn làm báo giỏi, kiến thức về văn hóa xã hội là điều quan trọng vô cùng, người làm báo càng giỏi bao nhiêu thì kiến thức văn hóa càng rộng bấy nhiêu. “Người phóng viên ảnh cũng vậy, họ phải biết vận dụng kiến thức văn hóa xã hội đó gắn với nghiệp vụ chuyên môn về ảnh, xây dựng nên một bức tranh đương thời. Người làm báo cũng luôn cần phải học nhiều, đọc nhiều... vì thế giới bao la, tri thức vô cùng vô tận” - nhà báo Đinh Quang Thành nhấn mạnh.