Nhà báo Phan Quang: Hội tụ tình người - tình văn

Thứ ba - 18/05/2021 10:23
Thuở học sinh trường huyện thời kháng chiến 9 năm trường kỳ, tôi và nhiều bạn bè cùng lứa tranh nhau để đọc một cách thú vị các bài báo, bút ký, truyện ngắn của nhà báo, nhà văn Phan Quang trên tờ Cứu Quốc Liên khu IV dưới bút danh Hoàng Tùng. Còn khi được gặp ông - người thật, ấy là lúc ông đã về báo Nhân Dân dưới gốc cây đa số 71 phố Hàng Trống bên bờ Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội. Bây giờ  tuổi đã cao nên không còn nhớ đó là năm nào, chỉ đọng lại khi gặp và chào ông tại trụ sở 58 Quán Sứ khi ông đến làm việc với Đài Tiếng nói Việt Nam trong cương vị Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương. Chỉ là gặp chốc lát thôi, nhưng cuộc gặp hôm ấy đến nay vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của tôi.
111
Nhà báo Phan Quang
Bản Đề dẫn cũng như tham luận của một số đồng chí lãnh đạo, cán bộ quản lý, người viết báo, viết văn trước tôi đã nói, tôi không nhắc lại, chỉ mạn phép trao đổi sơ lược về ông ở hai điểm: đó là tình người, tình văn trong con người Phan Quang.

Tôi là cán bộ dưới quyền của ông mấy năm liền. Tôi kém ông ngót một giáp, nhưng cả hai coi nhau như người trong một nhà. 75 năm trước, Phan Quang rời đất Quảng Trị - quê hương chôn rau cắt rốn lên chiến khu tham gia kháng chiến. Ông đi một mạch, ông làm báo Cứu Quốc Liên khu IV, sống đời sống đạm bạc ở vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh với “đặc sản” nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn cùng bát nước chè xanh làm bạn. Đi và viết. Phóng sự, bút ký, truyện ngắn... ông đều có. Về Hà Nội, làm việc ở báo Nhân Dân, với trọng trách Trưởng ban Nông nghiệp, Trưởng ban Kinh tế, Trưởng ban Xây dựng Đảng trước khi làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin... là nhà báo ông được tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo vốn xuất thân là nhà báo như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, một số lần được chính Bác Hồ trực tiếp góp ý, sửa bài, giúp Phan Quang vững tin trên con đường báo chí, văn chương chữ nghĩa của mình.

Sau đại thắng 30-4-1975, Phan Quang lăn lộn mấy tháng trời, làm bạn với bà con cô bác nơi miệt vườn Nam Bộ để sau đó có tác phẩm khảo sát, nghiên cứu giá trị về nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long. Đó là một trong những cống hiến thuộc về nghề nghiệp có giá trị để đời của nhà báo họ Phan. Không rõ ông đã cho đăng mấy trăm bài báo; riêng 4 cuốn sách xuất bản sau những chuyến đi sau ngày miền Nam giải phóng đã có 1.500 trang: Đất nước một dải(1985), Lâm Đồng - Đà Lạt (1987)... Riêng cuốn Đồng bằng Sông Cửu Long in lần đầu năm 1980, đã tái bản 5 lần. Bên cạnh, ông đã xuất bản 50 đầu sách cùng 10  cuốn sách dịch. Dù là báo hay sách, giao tiếp thường ngày, bên cạnh cái lịch lãm, trọng thị người ta tìm thấy, nhận ra trong con người ông cái ý nhị, sự chân tình, quan tâm, động viên, giúp đỡ nhau đối với đồng nghiệp, với bạn bè, dù họ nhiều hay ít tuổi hơn mình, có chức vụ hay không có chức vụ, chức to hay chức nhỏ.

Đến cuộc họp, ông quan sát rất kỹ nếu phát hiện vắng những đồng nghiệp cao tuổi, lập tức ông hỏi dò hay tìm cách liên hệ để biết lý do. Sự quan tâm nhau của ông đến từ những chi tiết như vậy. Rất tình và cũng rất quý. Trong cuộc sống có được điều ấy thực ra không đơn giản chút nào.

Tôi cảm phục nhà báo, nhà văn họ Phan. Vào độ tuổi ngoài cửu thập (90) sức làm việc, sức cống hiến cho nghề, cho đời của ông vẫn như thời trai trẻ, cố nhiên độ chín, sự thông tuệ về nhiều phương diện, những góc độ khác nhau của đời và nghề xét ra không phải bàn. Đọng lại trong con người tôi, đó là con người ông luôn hiện hữu, thường trực những dòng văn học, báo chí cận, hiện đại, kim cổ Đông Tây đủ cả. Từ Nghìn lẻ một đêm; Nghìn lẻ một ngày; Một mình dưới đáy đại dương... đến tham gia soạn thảo Luật Báo chí hay Quy ước đạo đức nghề báo... luôn ắp đầy tình người ở trong đó. Khi đương nhiệm người đứng đầu Hội Nhà báo Việt Nam, ông bàn trong Thường trực Hội ban hành Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam để tặng hội viên lâu năm là một trong những việc làm thuộc về tình người, về tính nhân văn báo chí...

Với nhà báo, nhà văn Phan Quang dù ở thể loại nào, người đọc cũng tìm thấy trong tâm hồn, trí tuệ của ông cái ngồn ngộn của tình văn, tình báo, giúp chúng ta thêm điều kiện hiểu sâu sắc hơn sự xoắn xuýt, gắn bó giữa đời và nghề, một trong những thuộc tính của người cầm bút, bất luận thời gian, không gian. Cái hay của ông là không bao giờ tự “đánh bóng” tác phẩm báo chí hay văn học của mình, ông đề cao “thuyết” hữu xạ tự nhiên hương, mưa dầm thấm đất. Nhưng với người khác, không cần gợi ý, không cần xin hễ ông thấy sách hay, có ích cho người đọc là ông “nhào dô” viết bình luận, giới thiệu trung thực, khách quan sách, báo của người khác. Đó là tình văn, ý văn, tình báo, ý báo của ông không phải ai cũng có được.

Hội Báo Xuân bây giờ bắt nguồn từ cuộc “Trưng bày báo Tết do Giám đốc Nhà Văn hóa Hội, anh Phùng Quang đề xướng. Sau đó, Chánh Văn phòng Hội Nguyễn Xuân Lương đề xuất nâng thành Hội Báo Xuân (tương tự Hội báo của Đảng Cộng sản Liên Xô, Nhật Bản và Pháp) rồi được ông cùng tập thể lãnh đạo Hội chấp nhận tổ chức, chỉ đạo, cổ vũ hết lòng. Cùng đề xuất này là đồng thời tặng toàn bộ báo Xuân cho bộ đội hải đảo và biên phòng (do Bộ Tư lệnh Hải quân tiếp nhận, phân phối).

Nếu tôi không nhầm, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đã chủ xướng, chủ trì ít ra là 7-8 cuộc hội thảo, tọa đàm về các nhà báo tiêu biểu qua các thời kỳ. Nhưng đó là những người đã về nơi thiên cổ. Lần này tọa đàm khác trước. Đó là tư duy mới. Mấy năm trước, anh Võ Tử Thành nói với tôi rằng, Hội nên sớm tổ chức hội thảo về anh Phan Quang. Tôi cho rằng đó là ý hay liền trao đôổ với anh Hồ Quang Lợi, anh Trần Bá Dung, hôm nay trở thành sự thật.
Để kết thúc đôi điều cảm nhận về ông, cho phép tôi chúc mừng nhà báo - nhà văn Phan Quang dồi dào sức khỏe, trường thọ, trí tuệ mẫn cán và có thêm nhiều tác phẩm báo chí - văn học làm đẹp cho đời. - cho nghề. 


 
                                                                  Nhà báo Nguyễn Xuân Lương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây