Việc đưa tin bài về địa phương, đặc biệt với những mảng đề tài “nóng” liên quan đến sai phạm của cơ quan, tổ chức hay đụng chạm đến quyền lợi của cá nhân, nhóm lợi ích luôn đặt các phóng viên thường trú vào tình huống “cân não” và đôi khi đó là những rào cản vô hình.
Theo nhà báo Trần Long (bút danh Long Anh) - thường trú Báo Giáo dục và Thời đại tại Vĩnh Phúc, nhìn chung, phóng viên thường trú địa bàn luôn nhận được sự tôn trọng, hỗ trợ giúp đỡ từ phía cơ quan quản lý báo chí, UBND tỉnh nơi thường trú.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, phóng viên thường trú gặp không ít rào cản trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt là khi thực hiện các đề tài điều tra có tính thời sự, thu hút sự quan tâm của độc giả. Có thể lấy ví dụ như, trong quá trình điều tra đơn thư bạn đọc trong lĩnh vực đất đai có liên quan tới nhiều cán bộ có trách nhiệm, việc khai thác và tiếp cận hồ sơ các vụ việc này khá phức tạp và khó khăn. Có thể xuất hiện các hành vi cản trở tác nghiệp của phóng viên với những đòi hỏi hết sức vô lý nhằm viện lý do “né” cung cấp thông tin. Thậm chí, trong quá trình thực hiện đề tài, không ít vụ việc phóng viên rơi vào hoàn cảnh bị “nịnh”, mua chuộc, dụ dỗ để “ém” thông tin liên quan trực tiếp tới người trong cuộc…
Nhà báo Quốc Toản - Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam thường trú tại Thanh Hóa cho biết, phóng viên thường trú, xét ở góc độ nhất định được coi là đại diện cho cơ quan báo chí tại địa phương. Do đặc thù công việc, phóng viên thường trú có nhiều thời gian để tìm hiểu, tiếp cận với cơ quan, đơn vị trên địa bàn nên việc xây dựng mối quan hệ phục vụ cho tác nghiệp được dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, khi đã “biết mặt, biết tên” thì việc tiếp cận với cơ sở càng được thuận lợi.
Nói như vậy không có nghĩa công việc của phóng viên thường trú về mọi mặt đều được thuận lợi. Bởi, trong tác nghiệp, ngoài những thông tin thời sự, một số nội dung liên quan đến phản ánh mặt trái, những phóng sự “nóng” đôi khi gặp phải những tình huống rất khó xử, đôi khi là cả những “rào cản” vô hình.
Thứ nhất là tư tưởng “ăn cây nào, rào cây ấy”, không ít người nghĩ rằng, phóng viên thường trú phải có nhiệm vụ nói tốt cho địa phương. Ngay cả khi gặp những đề tài “nhạy cảm” thì cũng phải “ủng hộ” địa phương. Đây là quan điểm không hoàn toàn chính xác nhưng có thật mà phóng viên thường trú hay gặp phải. Lúc này, phóng viên sẽ phải đứng trước 2 lựa chọn là theo định hướng hay tìm hiểu thông tin khách quan của vụ việc. Và, thực tế đã có phóng viên đi theo hướng này, hướng khác.
Thứ hai là mối quan hệ, đã là phóng viên thường trú thì sẽ phát sinh nhiều mối quan hệ cả trong công việc và xã hội. Vì vậy, khi gặp đề tài có tính chất đụng chạm, phóng viên phải suy nghĩ xem viết cái gì? Viết thế nào? Để vừa đạt được yêu cầu của đề tài đăng ký vừa mang tính chất xây dựng, giữ được mối quan hệ tốt với đơn vị.
Thứ ba là áp lực, khi phóng viên tìm hiểu thông tin về những đề tài “nóng”, người trong cuộc sẵn sàng vận dụng hết khả năng để đối phó. Họ có thể gây khó khăn, hạn chế phóng viên tiếp cận thông tin hoặc có thể nhờ vả những mối quan hệ để can thiệp. Khi đó, phóng viên sẽ chịu áp lực vô cùng lớn từ “trên xuống, dưới lên” trong khi đề tài đăng ký vẫn phải hoàn thành…
Mặc dù vẫn biết, công việc là công việc, quan hệ là quan hệ nhưng ở góc độ nhất định vẫn có tác động đến tâm lý, khiến phóng viên không khỏi băn khoăn, suy nghĩ. Khi đó, chỉ có lòng yêu nghề và bản lĩnh của người làm báo thì mới có thể xóa bỏ những rào cản vô hình này.
Nhà báo Nguyễn Trường (bút danh Chương Huyền) - phóng viên thường trú Báo Xây dựng tại Bắc Giang chia sẻ: Ai cũng đều biết những thuận lợi của phóng viên thường trú đó là bám sát được các vấn đề nóng hổi cũng như những vấn đề nhức nhối lâu năm của địa phương nơi mình thường trú; có được mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền, các doanh nghiệp và cả giới báo chí địa phương…
Thế nhưng, có những vấn đề mà chỉ có phóng viên thường trú mới phải nếm trải và cũng bắt nguồn từ chính cái sự… “quen biết” giữa phóng viên thường trú và cơ sở. Việc quen biết tạo điều kiện để có được những thông tin nhanh nhạy, kịp thời nhưng mặt khác, quen biết cũng dễ khiến cơ sở… qua mặt hoặc nhờ cậy. Đặc biệt là đối với các vấn đề tiêu cực khi đã đăng hoặc chuẩn bị đăng thì rất dễ bị can thiệp xin xỏ hoặc thậm chí là đe dọa.
Cũng không ít các trường hợp, các đối tượng dựa vào mối quen biết với người thân của phóng viên thường trú để gây sức ép để không đưa tin, bài phản ánh tiêu cực. Nhẹ nhàng thì nhờ người thân nói hộ, nặng thì có thể huỵch toẹt với những người này về những bất lợi xảy ra nếu không nghe theo lời của họ. Đối với các phóng viên thường trú mà quê hương, bản quán ở tại địa phương đó luôn thì càng là một “yếu điểm” bởi hầu hết anh em đều mong muốn: không thể để ảnh hưởng đến người thân.
Còn theo nhà báo Nguyễn Hoàng Long – Q. Trưởng VP Đại diện Báo Lao động khu vực Tây Bắc Bộ: Rào cản lớn nhất của phóng viên thường trú lại chính là những rào cản vô hình trong tư tưởng.
Theo nhà báo Hoàng Long, phóng viên thường trú, đặc biệt là phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương thường nhận được sự quan tâm, ưu ái nhất định từ lãnh đạo địa phương. Chính vì lẽ đó, khi thực hiện các tuyến bài có tính chất phản ánh ở góc độ tiêu cực của địa phương, bản thân phóng viên thường trú sẽ mất nhiều thời gian để cân nhắc hơn xem có nên làm hay không, và làm như thế nào để vừa đạt được hiệu quả công việc, vừa không làm ảnh hưởng đến sự quý mến, chu đáo của địa phương.
Theo Trâm Anh/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên