Hội viên nhà báo Mùa A Ký hiện đang đảm nhiệm chức danh phó trưởng phòng Phòng Phát thanh, Truyền hình tiếng dân tộc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Điện Biên. Yêu nghề báo và đến nay đã qua hơn 30 năm công tác, nhà báo Mùa A Ký đã đặt chân lên hầu như khắp các vùng miền của tỉnh Lai Châu trước đây nay là tỉnh Điện Biên để cảm nhận và sáng tạo các tác phẩm báo chí phát thanh, truyền hình phản ánh sinh động cuộc sống của cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Lối viết trong sáng, mộc mạc, dễ hiểu và gần gũi nhất để đồng bào hiểu được nhiều nhất qua các chương trình phát thanh, truyền hình là phương châm hoạtđộng của anh. Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam xin ghi lại những suy nghĩ và tình cảm của Nhà báo Mùa A Ký đối với nghề mà anh đã chọn.
Với tôi, hai từ “Nhà báo” thật thiêng liêng, không chỉ trong quá trình “mình” đã thành nhà báo, mà ngay từ thuở còn là trẻ chăn trâu mỗi khi nhìn thấy có chú cán bộ mặc áo nhiều túi “áo ký giả”, quàng máy ghi âm bên hông hay trên ngực lủng lẳng cái máy ảnh... đến tác nghiệp tại vùng quê là lũ trẻ bản chúng tôi đã mê, kính nể nhà báo lắm. Rồi có lẽ do cái số mình quá yêu nhà báo, mà nay cũng lại thành nhà báo. Bản thân chưa một lần ao ước thành nhà báo lớn, nhưng lại nghĩ, đã là nhà báo thì cần phấn đấu viết báo... nên bản thân đã nỗ lực học hỏi cách viết báo, kinh nghiệm của các đồng nghiệp để góp công viết nên những tác phẩm báo chí. Giữa năm 1987, 3 chúng tôi: Sùng A Súa, Vừ Thị Sua, và tôi từ vùng quê xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo được đến công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Lai Châu (nay là Điện Biên) làm nghề báo. Trong khi riêng bản thân tôi lúc đó chỉ có trình độ văn hóa 9/12. Sau vài năm vừa học, vừa làm phát thanh viên, biên dịch viên tiếng Mông, đến năm 1992 chúng tôi được kết nạp hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Điện Biên. Khi đó bản thân tôi nghĩ: “Mình đã là nhà báo thì ngoài nhiệm vụ phát thanh viên - biên dịch viên cũng phải tham gia viết bài để có tác phẩm báo chí, nên bản thân đã tập viết báo phát thanh. Việc khai thác tư liệu để học viết báo không khó, bởi hàng ngày cánh biên dịch viên, phát thanh viên chúng tôi phải luôn tiếp xúc với bao bài báo của phóng viên, cộng tác viên và các phóng sự, tin tức trong các tờ báo, tạp chí... Chính vì thế nên bản thân tôi và không ít phát thanh viên, biên dịch viên mặc dù chưa qua trường đào tạo báo chí nhưng đã tham gia viết tin bài góp phần cho các chương trình phong phú hơn. Rồi đầu năm 1993, chúng tôi được cơ quan cử đi học Đại học tại chức chuyên ngành Báo chí. Nhờ được cơ quan quan tâm, cho đi đào tạo đúng chuyên ngành nên tôi đã được tiếp thu nghiệp vụ báo chí tuyên truyền bổ ích từ các giảng viên của Học viện Báo chí - Tuyên truyền từ đó trang bị cho bản thân có thêm những kiến thức hoạt động báo chí chuyên nghiệp hơn. Công tác đã 30 năm, trong bao năm qua chúng tôi đã được cơ quan trang bị cho những phương tiện tác nghiệp: Từ máy ghi âm Hung Ga Ri vuông to gấp đôi chiếc bánh trưng, rồi máy quay phim cơ VHS băng to bằng quyền số tay, dòng máy quay phim DVCam, nay lại có máy quay sử dụng thẻ nhỏ như cái cúc áo... bản thân đã được cọ xát thi liên hoan Phát thanh - Truyền hình toàn quốc trước các đồng nghiệp nhà báo toàn quốc. Trong quá trình làm báo thời gian qua, tôi đã có một tác phẩm đạt Giải báo chí Quốc gia do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức và giải báo chí khu vực và Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên tổ chức.
Báo chí nước ta là báo chí cách mạng, khát vọng trở thành nhà báo là để được tham gia góp sức nhỏ bé của mình vào cùng phục vụ lợi ích cho quê hương, nước nhà bằng những tác phẩm báo chí. Thế nhưng, suy ngẫm lại, trong hơn 30 năm hoạt động báo chí, bản thân mới chỉ góp được một phần nhỏ bé cho báo chí tỉnh nhà nói chung, Đài Phát thanh - Truyền hình nói riêng. Nhưng trong thâm tâm luôn nghĩ phải luôn nỗ lực phấn đấu: đã là người làm báo thì phải có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng; phải nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt phải lăn lộn, dấn thân, trải nghiệm cùng thực tế thì mới phát hiện vấn đề; phải có cách thâm nhập thực tế, nhất là những cơ sở điểm nóng - dân đang bức xúc, phải có vốn kiến thức thể hiện tác phẩm của mình, phải biết xử lý lời bình cho phù hợp bối cảnh tình hình và nhận thức, cách sống của người dân sở tại...
Tôi xin ví dụ một lần tác nghiệp, thực hiện Phóng sự Huổi Khon trở lại bình yên như sau: “Sau vụ tập trung đông người ở Huổi Khon xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé được giải tán, tôi được cơ quan giao đề tài viết bài và quay phim tuyên truyền ổn định cuộc sống người dân. Thế nhưng, khi đến địa bàn chính quyền và bên lực lượng an ninh chỉ cho chúng tôi vào riêng bản Huổi Khon, hạn chế phóng viên vào một số bản còn nóng ở vùng đó, nhất là hạn chế không tiếp xúc với người nhà các đối tượng cầm đầu. Khó khăn thế, nhưng không thể bỏ dở nhiệm vụ cơ quan giao. Chúng tôi vừa chấp hành quy định địa phương, lực lượng an ninh vừa tìm giải pháp phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ. Qua nắm tình hình biết chị Sùng Thị Dung là vợ của một người cầm đầu đang đi làm nương xa bản, mà lán nương lại ở phía gần quốc lộ, chỉ hơn một tiếng đi bộ. Đây thật sự là cơ may hiếm có cho chúng tôi được tiếp xúc phỏng vấn chị Sùng Thị Dung. Việc tìm cách tiếp cận người cần phỏng vấn là khó thế, nhưng chưa khó bằng khi đã tiếp cận được rồi thì chị Dung nhất quyết không hợp tác với chúng tôi nên chẳng nói năng gì hết, biết vậy tôi thận trọng bằng những từ ngữ tiếng dân tộc Mông rất đời thường tạo cảm xúc cho đối tượng, rồi dần dà tìm hiểu nội dung liên quan đến bài viết làm cho người cần phỏng vấn tự thấy rõ nỗi buồn gia đình thế là chị Dung không còn ngồi lầm lì nữa mà khóc òa lên, rồi kể hết mọi chuyện cho chúng tôi nên đề tài được giao không những được hoàn thành mà tác phẩm sau đó có sức lan tỏa tốt. Khát vọng thành nhà báo, là phải phấn đấu sáng tạo những tác phẩm báo chí tốt, hay, đúng, trúng để được khán, thính giả, người đọc báo yêu thích, nội dung là phục vụ lợi ích chung của đất nước và địa phương mình nhằm góp sức làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Người làm báo chúng ta thật vô cùng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhà báo vĩ đại, với phong cách mẫu mực, mãi là tấm gương để chúng ta học tập và noi theo. Rồi những lời căn dặn của nhà báo lão thành Hữu Thọ: “Người làm báo phải mắt sáng, lòng trong, bút sắc sẽ mãi khắc ghi sâu vào mỗi người làm báo chúng tôi.