Hơn 6 năm gắn bó với những tác phẩm truyền hình, từ một cậu phóng viên trẻ, nhà báo Anh Tuấn đã dần khẳng định sự trưởng thành, bản lĩnh của người chuyên làm phóng sự truyền hình. Nhưng đằng sau mỗi loạt bài làm lay động hàng triệu trái tim đó là những khó khăn, áp lực và hiểm nguy rình rập. Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Anh Tuấn – phóng viên Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam.
Vượt lên mọi cám dỗ đi tìm sự thật
- Trong nhiều phóng sự của mình, anh hay khai thác ở mảng đề tài người bệnh, những con người bất hạnh khi vừa mang bệnh vừa phải gánh thêm những chi phí vô lý trong quá trình khám chữa bệnh. Đâu là những phóng sự khiến anh tâm đắc nhất, thậm chí ám ảnh nhất?
Họ là những bệnh nhân ở những vùng quê nghèo đến các bệnh viện lớn để mong rằng sẽ được quan tâm hỗ trợ. Tôi có làm một số phóng sự về việc thu tiền trái quy định của một số bệnh viện, như thu tiền xét nghiệm tại bệnh viện Đa khoa Định Hóa, Thái Nguyên; tình trạng thu phí đón bệnh nhân tại bệnh viện Quân y 103; bệnh viện Vân Đình hay Thuốc ung thư giả bằng than tre; Hành trình vượt biên của "rác thuốc" nhập lậu…
Tôi nghĩ phóng sự điều tra là những tác phẩm báo chí đi sâu vào bản chất của sự việc, mang đến cho công chúng cái nhìn chân thực nhất về cuộc sống, đồng thời phơi bày được những sự thật trần trụi nhất mà khán giả đang quan tâm.
Như phóng sự "Bảo kê xe cứu thương ở viện 103" là đề tài mà tôi dành nhiều tâm huyết nhất, hài lòng nhất và cũng ám ảnh nhất tới thời điểm hiện tại. Với những người bệnh cần đến xe cứu thương nghĩa là ranh giới của sự sống và cái chết mong manh như ngọn đèn trước gió. Vậy mà một băng nhóm đối tượng vẫn tiếp cận, bằng thủ đoạn đe dọa, ép người nhà bệnh nhân phải sử dụng dịch vụ xe cứu thương của chúng gọi đến với giá cao hơn nhiều lần so với mức giá bệnh viện quy định.
Chứng kiến một bệnh nhân quê ở Nghệ An mắc ung thư giai đoạn cuối đang hấp hối, được bệnh viện trả về, nhóm đối tượng đã tiếp cận người nhà bệnh nhân ngay tại khuôn viên của viện mà tôi cảm thấy vô cùng bức xúc. Đây thực sự là việc làm thất đức, vấn nạn vô cùng nhức nhối cần lên án.
Tôi luôn nung nấu muốn đưa sự việc ra ánh sáng. Đến giờ, điều mà tôi và ê-kíp hài lòng chính là cơ quan chức năng đã bắt giữ, xử lý băng nhóm đối tượng này. Đồng thời, đến nay hiện tượng này không còn diễn ra nữa.
- Làm phóng sự điều tra ngoài việc dấn thân, “nằm vùng”, phải xây dựng kế hoạch, kịch bản, thu thập bằng chứng một cách khách quan đa chiều?
Đúng vậy, để có được những phóng sự điều tra chất lượng, hình ảnh sắc nét, chân thực nhất xuất hiện trên sóng truyền hình mà khán giả thấy chỉ tính bằng giây hay một vài phút nhưng đó là cả một sự chuẩn bị kỹ lưỡng đoàn kết của ê–kíp.
Trước khi thực hiện một đề tài nào đó, mình phải tìm hiểu, cân nhắc thật kỹ xem, nếu phóng sự đó phát trên truyền hình, thông tin được công bố ảnh hướng hay tác động như thế nào đến xã hội. Đôi khi một vài lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng đến cả cộng đồng thì hành vi đó đáng lên án.
Công việc nào cũng vậy, bạn càng làm, càng đam mê và hứng thú, kinh nghiệm cũng lớn dần theo thời gian. Thời điểm mới bước chân vào nghề tôi cũng tràn nhiệt huyết, có thể vụng về khi thu thập thông tin, đưa ra những quyết định vội vàng khi thực hiện một phóng sự nào đó. Nhưng đã có độ từng trải nhất định, việc tác nghiệp cũng bài bản, khoa học và chuyên nghiệp hơn. Cách tiếp cận đề tài chậm rãi hơn, chứng cứ được chuẩn bị chặt chẽ và đầy đủ hơn.
Công việc của người làm báo điều tra luôn phải đặt tính pháp lý lên hàng đầu, thông tin phải khách quan, đa chiều. Đam mê là một lợi thế để bạn gắn bó với công việc mình đang làm, nhưng làm phóng sự điều tra, bạn quá đam mê mà thiếu sự tỉnh táo khi xử lý tình huống lúc tác nghiệp là điều không nên. Điều quan trọng bạn phải vượt lên mọi cám dỗ để làm nghề, không bao giờ được thỏa hiệp với cái xấu mà mình đang đấu tranh. Có như vậy, mình mới phơi bày được bản chất của sự việc. Đó là đạo đức của người làm báo, là ý nghĩa nhân văn mà mình hướng đến.
Giữ bình yên cho cuộc sống
- Năm 2018 anh có phóng sự về “Thâm nhập tụ điểm buôn bán ma túy giữa Thủ Đô”, anh đã mất hơn 3 tháng để bám địa bàn để theo dõi toàn bộ diễn biến sự việc này. Sau khi lên sóng, cơ quan chức năng vào cuộc và đã giải tỏa bức xúc cho hàng nghìn hộ dân sống khu vực này, anh có thể chia sẻ thêm về khoảng thời gian triển khai đề tài này?
Giữa thủ đô vẫn có một nơi tụ tập hàng trăm con nghiện, rất nhiều trong số đó đang mang trong mình bệnh tật hiểm nghèo, lâm đến đường cùng… có thể gây nguy hiểm cho ê-kíp tác nghiệp bất cứ khi nào họ phát hiện ra chúng tôi. Giữa một đường dây bảo kê từ ngoài cổng bệnh viện được bố trí dày đặc các đối tượng cộm cán mang đầy tiền án, tiền sự, chúng tôi phải hóa thân thành nhiều nhân vật như: Bán hàng rong, lái xe ôm, lao công dọn rác... tại nhiều địa điểm khác nhau.
Có lúc tôi ở đó cả ngày, thậm chí phải túc trực cả đêm, thay đổi nhiều vị trí ẩn nấp để có thể ghi hình cận cảnh vào mọi thời điểm. Nguy hiểm là những chiếc bơm kim tiêm còn dính máu vứt la liệt ở đường đi lối lại, trên nền nhà và cắm trên tường… Chỉ cần vô tình giẫm phải có thể trở thành mối hiểm họa cho bản thân chúng tôi.
Niềm vui lớn nhất sau khi phóng sự lên sóng, người cung cấp thông tin cho tôi đã nhắn rằng: Cảm ơn anh, nhờ anh mà cuộc sống của người dân nơi đây mới được bình yên trở lại, không còn cảnh sáng ngủ dậy là thấy người nghiện sốc thuốc tử vong trước cửa nhà. Người dân không phải thấy hình ảnh con nghiện đánh nhau, tranh giành thuốc. Các cư dân cũng không phải bán nhà đi nơi khác, họ đã tìm lại được cuộc sống bình yên ngay trên mảnh đất, ngôi nhà của mình.
- Tháng 4 năm 2021 vừa qua, trên sóng truyền hình xuất hiện hình ảnh anh bị "lôi đi" lúc đang dẫn hiện trường. Khi đó anh thực hiện phóng sự về vấn đề khai thác khoáng sản tại Hà Nam. Anh có thể cho biết rõ hơn về loạt phóng sự này?
Tôi làm loạt phóng sự “Chia sẻ lợi ích của người dân nơi khai thác khoáng sản ở huyện Kim Bảng và Thanh Liêm (Hà Nam)”. Bà con chịu nhiều thiệt thòi, những gì họ nhận được chưa tương xứng với lợi ích mà doanh nghiệp khai thác khoáng sản cũng như chính quyền địa phương thu lại. Không chỉ dừng lại ở đó, bà con phải sống trong môi trường ô nhiễm. Vị trí các hộ dân ở vùng khai thác đá tới các mỏ khai thác cũng không an toàn...
Sau khi phóng sự phát sóng trong chương trình Chuyển động 24h đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ người xem cũng như các đồng nghiệp. Cùng với đó, người dân địa phương gọi điện, chia sẻ khó khăn mà ê-kíp gặp phải.
Đặc biệt, vệt phóng sự đã nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, các cấp chính quyền vào cuộc. Điều này là niềm vui nho nhỏ, là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện công việc của mình.
- Dịch bệnh xảy ra, phóng viên làm việc online trực tuyến, tuy nhiên việc tránh tiếp xúc lại ảnh hưởng tới hoạt động tác nghiệp. Vậy với phóng viên điều tra như anh, thời điểm này hoạt động tác nghiệp diễn ra như thế nào,thưa anh?
Đợt dịch Covid-19 lần này diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội, mọi người thực hiện nguyên tắc 5K trong phòng chống dịch, hạn chế tập trung đông người, nhiều dịch vụ đóng cửa… Đặc thù nghề nghiệp nhà báo phải tiếp xúc nhiều, nên trong khoảng thời gian này, ngoài việc thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, thì chúng tôi hạn chế việc tác nghiệp đông người nhất có thể...
Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện một số đề tài điều tra đang ấp ủ, tuy nhiên vì cộng đồng, vì trách nhiệm của mỗi cá nhân với xã hội... đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch là quan trọng nhất, chúng tôi tạm gác lại những chuyến công tác xa, những đề tài không phải vấn đề thời sự lúc này. Khi nào hết dịch, thì lại bắt tay vào và thực hiện đề tài ấp ủ đó thì vẫn chưa muộn....
Vâng, trân trọng cảm ơn anh!
Theo Nguyên Phong/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên