Nếu so với những phóng viên khác, anh đến với nghề tương đối muộn. Ở độ tuổi ngoài 30 anh mới bắt đầu bấm máy cho những cảnh quay đầu tiên với tư cách là một phóng viên quay phim của Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Bạc Liêu. Đến hôm nay thì anh đã có hơn 20 năm trong nghề, đó cũng là khoảng thời gian anh không ngừng miệt mài phấn đấu, chắt chiu từng khung hình, từng cảnh quay để có những tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả gần xa.
Ở Đài PT-TH Bạc Liêu, ai cũng biết anh là một trong những phóng viên đoạt nhiều giải thưởng nhất; từ cấp tỉnh, khu vực và Trung ương anh đều có những giải cao qua các cuộc thi, liên hoan nghiệp vụ. Đồng thời anh em đồng nghiệp còn biết đến anh qua đặc điểm nghề nghiệp đã gắn liền với anh hơn 20 năm qua - đó ý thức tự học, tự tìm tòi sáng tạo và luôn ray rứt với sản phẩm của mình. Bởi thế, không ít người đã đặt cho anh biệt danh “Người quay phim khó tính”. Đúng là anh khó tính thật! Song anh chỉ khó với nghề và tự khó với chính bản thân mình.
Trước đây, tôi là người thường xuyên cùng anh đi cơ sở. Đối với tôi, những chuyến đi cơ sở ấy luôn đầy ắp những kỷ niệm của một thời lăn lộn với nghề, trong đó có rất nhiều kỷ niệm gắn liền với anh. Tôi nhớ không ít lần anh bắt tôi phải ngồi hàng giờ ở một quán cà phê nào đó ven đường để đợi anh đi quay lại những cảnh quay mà anh cho là chưa vừa ý. Có lần tôi và anh được Ban Giám đốc phân công thực hiện bộ phim tài liệu để tham dự liên hoan nghiệp vụ các Đài PT-TH khu vực Nam sông Hậu. Đề tài của phim là phản ánh tình trạng sạt lở đất đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến tài sản, tính mạng của hàng ngàn người dân sống ven biển thị trấn Gành Hào. Sau khi quay xong ở hiện trường, chúng tôi bắt tay vào làm hậu kỳ, do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên công tác hậu kỳ từ dựng phim cho đến làm nhạc đều diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Tối hôm đó, hai anh em hẹn nhau xem lại lần cuối để chiều hôm sau trình lên Ban Giám đốc. Xem xong, chúng tôi hơi băn khoăn với cảnh mở đầu của phim. Trong phim tài liệu, cảnh mở đầu đóng vai trò cực kỳ quan trọng, bởi nó mang tính chất gợi mở vấn đề cho người xem. Cảnh mở đầu của phim mà chúng tôi đang sử dụng là một cảnh cực rộng. Hình ảnh thể hiện là một buổi bình minh đang lên trên biển Gành Hào. Cảnh quay rất đẹp, song nó lại bình yên quá, trong khi đề tài lại phản ánh tình trạng sóng biển đang làm sạt lở đất dữ dội ở Gành Hào. Thấy anh có về ái náy, tôi nói: “Thôi kệ nó đi, chiều ngày mai phải trình cho Ban Giám đốc duyệt rồi!”: Chúng tôi ra về. Thế nhưng 3 giờ sáng, một mình anh chạy xe gắn máy thẳng xuống Gành Hào để quay lại cảnh mở đầu của phim.
Đối với anh, làm nghề không chỉ có trách nhiệm mà nó còn là niềm đam mê, sự dấn thân. Hôm nào không đi tác nghiệp là anh dành trọn thời gian cho việc nghiên cứu, vệ sinh máy và chăm sóc thiết bị. Anh quý chiếc camera như con của mình. Với anh, làm việc không có khái niệm thứ Bảy hay Chủ nhật, hễ hôm nào trời đẹp là anh lặng lẽ với chiếc flycam trên lưng rong ruổi khắp nơi để thực hiện niềm đam mê của mình là đi tìm những khoảnh khắc đẹp. Trong chương trình hàng đêm của kênh truyền hình Bạc Liêu thường xuất hiện những cảnh quay bằng flycam rất ấn tượng, tác giả của nó không ai khác mà chính là Nguyễn Thanh Thế.
Cũng xuất phát từ niềm đam mê tìm tòi sáng tạo, mặc cho tuổi tác đã cao, thời gian gần đây anh không ngần ngại lấn sân sang lĩnh vực kỹ thuật dựng hình, kỹ xảo và đồ họa. Sau nhiều đêm thức trắng, những bữa quên ăn, đến hôm nay thì có thể nói anh cũng đã thỏa mãn được niềm đam mê của mình. Mặc dù anh là phóng viên quay phim, nhưng nếu nói về dựng phim thì cả những kỹ thuật viên dựng hình chuyên nghiệp mấy chục năm trong nghề cũng phải e dè.
Hơn 20 năm qua, Nguyễn Thanh Thế vẫn cứ thế, anh không bao giờ chấp nhận sự qua loa trong nghề nghiệp, sẵn sàng chịu thương chịu khó, sẵn sàng học hỏi để tay nghề ngày một nâng cao, làm sao có được những cảnh quay ưng ý nhất cho tác phẩm của mình.
Nguyễn Nhật Minh
Người làm báo Bạc Liêu