Kỷ niệm 95 năm ngày sinh đồng chí Trần Bạch Đằng (15-7-1926 - 15-7-2021): Trần Bạch Đằng - Nhà báo tài hoa, uyên bác
Thứ năm - 15/07/2021 14:47
Trần Bạch Đằng tham gia cách mạng và làm báo từ rất sớm. Mới tuổi 20, ông đã được giao phụ trách tờ “Chống Xâm Lăng” của Thành ủy Sài Gòn. Năm 1951, ông làm Tổng biên tập báo “Nhân Dân Miền Nam” của Xứ ủy Nam bộ. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của ông đều gắn với tuyên huấn và báo chí.
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, ông là một trong những người viết báo khỏe nhất, chuyên nghiệp nhất dù ông chưa bao giờ tự nhận mình là nhà báo. Có ngày, trên các báo xuất hiện tới 4 bài viết của ông. Trần Bạch Đằng viết hầu như ở tất cả các thể loại từ chính trị kinh tế, văn chương, đối ngoại, chống tham nhũng; ông là cây bút quen thuộc của nhiều tờ báo lớn. Đặc biệt, những bài viết của ông về chống tham nhũng được xem là những bài viết “nảy lửa” khi ấy. Ông đã xung phong đi đầu, vạch trần tất cả những tệ hại, xấu xa của xã hội và đưa lên mặt báo với phong cách “không sợ bất kỳ ai, không sợ bất cứ điều gì”.
Những bài viết của ông đều có những đề xuất, những kiến giải rất sâu sắc và thú vị. Trong bài viết “Dân chủ nội bộ và dân chủ xã hội” ông đã thẳng thắn chỉ ra: “Đảng cầm quyền phải công khai trước quần chúng - đó là một nguyên tắc. Sinh hoạt nội bộ thu hẹp trên những việc đơn thuần chỉ liên quan đến nội bộ mà không ảnh hưởng đời sống xã hội - tất nhiên ta không nói những bí mật giữ gìn của đất nước”. Và, ông đi đến kết luận: “Một đại biểu trẻ ở một đảng bộ, trong tham luận nêu vấn đề “nên có đối thoại giữa Đảng và thanh niên?, một cán bộ lãnh đạo bác liền: không thể có đối thoại như vậy; Đảng không đối thoại với thanh niên! Không có đối thoại thì chỉ có độc thoại, điều trái với quy luật của dân chủ. Không có dân chủ, không thể có đổi mới tư duy”. Trong bài viết “Đề nghị quyết bước ra khỏi phòng họp? ông cho rằng bản lĩnh của một chính Đảng không chỉ ở việc đánh giá đúng tình hình, đề ra biện pháp khắc phục mà quan trọng nhất là “thực hiện cái gì đã quyết” tức “nói đi đôi với làm? không để nghị quyết chỉ là nghị quyết và ông kết luận: “Nghị quyết trong phòng họp. Quán triệt nó không phải ở một phòng họp khác”. Nợ công của Việt Nam mới chỉ tăng nhanh trong những năm gần đầy, nhất là tăng cao trong giai đoạn 2011 đến nay. Thế nhưng, năm 2003, Trần Bạch Đằng đã cảnh báo những vấn đề hôm nay trở thành vấn nạn: “Một trụ sở khang trang mà dùng ngân sách của trung ương là sự lãng phí lớn nhất - lãng phí đồng thời kém lòng tự trọng. Nền kinh tế và đời sống tại chỗ không liên quan gì đến vẻ lộng lẫy của một trụ sở. Việc này, Bộ Tài chính đã nhiều lần nhắc nhở. Còn tham nhũng nữa (...) Đừng để con cháu trách cứ thế hệ chúng ta nợ nần chồng chất và bắt con cháu phải trả... “Chống tham nhũng có lẽ là đề tài mà ông dành rất nhiều tâm sức và trí tuệ - Và cả nỗi niềm trăn trở trong đó. Những năm tham nhũng mới chỉ như “ngứa ghẻ”; “mon men” tiến vào cửa các quan công quyền, bằng mẫn cảm của một nhà chính trị, nhà báo lão luyện Trần Bạch Đằng đã phát hiện ra điều này và lên tiếng cảnh báo rất khẩn thiết. Trong bài viết Giải pháp tình thế chiến dịch “bàn tay sạch” đăng trên Báo Phụ nữ số Xuân Giáp Tuất 1994 ông đã kiên quyết: “Giải pháp bàn tay sạch nghiêm túc. Nó phải loại trừ ngay từ xuất phát các toan tính bè phái, “thí tốt cứu tướng” to tiếng về chuyện nhỏ, cốt lo những vụ tày trời... hoặc chúng ta hành động ngay bây giờ hoặc chẳng bao giờ. Đặc biệt trong bài viết “Phiếm luận về tham nhũng và chống tham nhũng” ông đã chỉ ra căn nguyên của công cuộc chống tham nhũng không hiệu quả là do: “Trong những người hò hét diệt tham những, đám tham nhũng nhận diện ra “người đồng hội đồng thuyền” với mình”.
Đối với tỉnh Đồng Nai, Trần Bạch Đằng không chỉ là nhà lãnh đạo của Trung ương Cục trong những năm kháng chiến chống Mỹ mà tuổi thơ ông còn gắn bó sâu sắc với Đồng Nai bằng nhiều kỷ niệm. Mới 5 tuổi, ông đã rời quê hương Rạch Giá và sau giải phóng miền Nam mới lần đầu trở về nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình. Trong ký ức của ông, vẫn in đậm hình ảnh ngôi chùa nhỏ mà bên kia sông là Cù lao Rùa, nơi gia đình ông tá túc khi ở Biên Hòa. Sau này, trong nhiều bài viết, tác phẩm của mình, ký ức về tuổi thơ ở quê hương Biên Hòa vẫn hiện lên đầy ấm áp trong từng trang viết của ông “Tôi vẫn nhớ dân Bửu Long, những người in gạch đá mướn, những người đục đá nghèo... Nửa thế kỷ qua, số phận các nhân vật làng Bửu Long hẳn thăng trầm theo biến thiên của đất nước song tôi đinh ninh lịch sử nhiều chục năm của Biên Hòa mà cái kết cuộc là ngày giải phóng tháng 4 năm 1975” - theo ông, có bàn tay đóng góp của những người dân nghèo Bửu Long, Biên Hòa. Sau này, gia đình ông chuyển về làng Bình Ý và tuổi học trò của ông ở Tân Phong, Bến Cá. Biên Hòa, như chính ông đã từng khẳng định: “Có thể nói đất Biên Hòa góp phần quan trọng vào quá trình hình thành tâm hồn và giác ngộ cách mạng trong tôi. Tuy trong hai cuộc kháng chiến, tôi không làm việc trực tiếp ở Biên Hòa, song lúc nào tôi cũng đinh ninh mình liên quan chặt chẽ với mảnh đất này, mảnh đất đầy kỷ niệm ấu thơ, kỷ niệm vào đời”.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, đã từng viết: “Dân Nam bộ thường nói Nam bộ có ba chiến đấu viên họ Trần mà trí tuệ và những đóng góp cho thành phố nói riêng, Nam bộ và cả nước nói chung đáng cho hậu thế ngưỡng mộ. Đó là Trần Văn Giàu, Trần Văn Trà và Trần Bạch Đằng” Là một chiến sĩ, hẳn nhiên ông là chiến sĩ xung kích trên mặt trận chống tham những bằng ngòi bút “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Trần Bạch Đằng không những là một nhà cách mạng đầy bản lĩnh mà ông còn là một nhà báo tài hoa, sắc sảo.