Nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương: Nhà văn tham gia cuộc chiến chống Covid theo cách của riêng mình

Thứ bảy - 14/08/2021 20:35

Đại dịch Covid 19 đang là tâm điểm chú ý của mọi người dân trên thế giới, khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. Với nhà văn, nhà thơ, những người được cho là có tâm hồn “nhạy cảm” hơn cả với thời cuộc, họ đã, đang và sẽ làm gì trong giai đoạn nóng bỏng này? Liệu văn chương có còn cần thiết với đời sống nhân dân lúc này hay không? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương, nữ nhà văn đã từng sống trong chảo lửa dịch Covid 19 ở Bắc Giang trong đợt bùng phát thứ 4.

111

- Được biết chị đang sinh sống, công tác tại tỉnh Bắc Giang, nơi từng là điểm bùng phát dịch Covid – 19 nóng nhất cả nước, chị có thể cho biết, là một nhà văn, chị đã sống, làm việc, lao động sáng tạo ra sao trong đại dịch?

 Nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương: Chúng ta không ai hình dung ra dịch bệnh Covid 19 lại ập đến và hoành hành dữ dội như hiện tại. Cuộc sống con người bị đảo lộn, thiệt hại về vật chất và tinh thần là không thể tính hết. Thậm chí có lúc, bản thân mỗi người còn hoang mang trước sinh mệnh của mình, bởi Covid là kẻ thù vô hình, biến ảo khó lường, ai cũng có thể bị mắc. Chính Bắc Giang quê hương của tôi cũng vừa trải qua những ngày bão tố khủng khiếp, cả chính quyền và mọi người dân phải gồng mình lên, huy động mọi nguồn lực chống dịch. Rất nhiều khu dân cư phải phong tỏa, cách li, thực hiện giãn cách xã hội nhiều ngày. Tỉnh Bắc Giang đã thực hiện cuộc cứu chữa người bệnh, cách li các F1 và cứu trợ công nhân, người lao động lớn chưa từng có trong lịch sử. Mỗi ngày chống dịch trôi qua thực sự như một ngày trong cuộc chiến nóng bỏng với quá nhiều việc cấp bách phải giải quyết. Bây giờ, khi Bắc Giang đã ổn thì lại đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam đối mặt với những khó khăn chồng chất. Với trải nghiệm bản thân, tôi rất chia sẻ và thấu hiểu hoàn cảnh của những người viết lúc này, đó là phải thực hiện giãn cách, ở yên một chỗ không đi đâu được, ngoài kia những người làm nhiệm vụ chống dịch ngày đêm đối mặt với hiểm nguy. Ban đầu, có thể sẽ có chút cảm giác bất lực, nghĩ rằng, văn thơ sẽ giúp gì cho chống Covid lúc này, các bác sĩ cần trang thiết bị y tế, người bệnh cần được cứu chữa, người lao động khó khăn cần cơm ăn, chỗ ở... Nhưng rồi bình tâm lại, nghĩ đến nhiệm vụ xã hội phân công,  là một nhà văn, trong lúc dịch bệnh, không thể đi làm công tác trực tiếp chống dịch, thì rõ ràng mình phải đồng hành cùng nhân dân, quê hương mình bằng cách của riêng mình. Từ những thực tế mỗi ngày chống dịch, từ số phận của đồng bào trong dịch bệnh, những bất trắc, lo lắng, hay chia sẻ, yêu thương ngoài kia... đều có thể giúp nhà văn viết được những câu chuyện, những tác phẩm nhằm cổ vũ tinh thần nhân dân chống dịch, phản ánh những hiện thực đang diễn ra để chính quyền nhìn nhận và điều hành xã hội cho phù hợp. Không ai khác chính nhà văn là người viết lên tâm trạng, tâm tư của bao số phận con người. Họ lo lắng, bất an, đau khổ khi đối mặt dịch bệnh, hốt hoảng di chuyển về quê tìm nơi an toàn hơn...Chính quyền thì làm việc bất kể ngày đêm tìm phương cách đối phó dịch bệnh... Đó là câu chuyện Covid hay câu chuyện của quản trị xã hội, câu chuyện an sinh? Xã hội nào cũng vậy, lòng dân yên thì mới thái bình. Nhà văn nghe những điều đó, gạn lọc, rồi viết về nó. Tôi đã đọc sách và viết  suốt những ngày giãn cách. Viết về những con người quê mình trong cuộc chiến  chống covid, nhân vật của tôi là công nhân, là bác sĩ, là người dân nghèo, anh lái xe từ thiện, bà mẹ đơn thân đi cứu trợ, là cán bộ chống dịch...

Lúc này, tôi nghĩ cũng là lúc chúng ta sắp xếp lại cuộc sống cá nhân, viết về những con người thật gần, quanh mình...

-Theo chị, ngoài sự thôi thúc sáng tạo trong mỗi nhà văn, thì văn chương có còn và đang là món ăn tinh thần cần thiết cho mọi tầng lớp nhân dân ở thời điểm dịch dã hoành hành hay không?

Nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương: Đúng là một câu hỏi khó, và cũng khó trả lời. Tôi xin kể câu chuyện có thật là khi Bắc Giang bùng phát dịch, có ngày có đến mấy trăm công nhân trở thành F0, hầu như toàn dân mất ngủ vì lo lắng, vì dõi theo tin tức. Khi ấy, trên mạng xã hội đã xuất hiện những bài thơ rất cảm động do chính các bác sĩ, giáo viên, tình nguyện viên đang trong khu cách li sáng tác nói về thực tế dịch bệnh, ca ngợi các chiến sĩ áo trắng, bày tỏ nỗi lòng khi quê hương lâm nạn... Hàng mấy trăm lượt chia sẻ trên các trang facebook, Zalo; các đài truyền thanh cơ sở đã đọc những bài thơ đó. Hiệu ứng chung là mọi người đã xúc động và cảm thấy cần sẻ chia với nhau, yêu thương nhau nhiều hơn. Tạp chí Sông Thương chỗ tôi công tác cũng nhận được những bài thơ, truyện ngắn về đề tài chống Covid 19; khi in ra, bạn đọc đều trân trọng. Như vậy, rõ ràng, dân tình cũng cần có văn chương chứ; lúc dịch bệnh này, văn chương như một phương tiện chuyển tải cảm xúc vậy. Ở một khía cạnh khác, lúc giãn cách, ở nhà với gia đình, là lúc mà chúng ta nên đọc sách, đọc văn chương. Nghỉ dịch, cũng là lúc cần bồi đắp tâm hồn mình, cần nhìn nhận lại đời sống, cần bình tĩnh suy ngẫm. Và lúc này cần văn chương, cần những tác phẩm có sức lay động con người. Chỉ tiếc là trong thực tế, số người đọc sách thường xuyên không nhiều lắm. Dân mình chỉ có bộ phận nhỏ duy trì thói quen đọc sách hàng ngày. Vì thế nên những người yếu thế, thiệt thòi trong xã hội, có khi nghỉ dịch rất rảnh rỗi nhưng không thích đọc, ít có nhu cầu tiếp nhận kinh nghiệm, bài học gì từ sách vở. Họ còn sốt ruột bởi dịch bệnh gây mất việc hay ảnh hưởng thu nhập, đời sống, còn phải xoay xở bởi cơm áo mưu sinh... Chỉ khi nào sách vở được coi là mặt hàng thiết yếu của đời sống, ngay cả khi dịch bệnh, chắc rằng, khi ấy, văn chương sẽ là thứ không thể thiếu được với mỗi người.

- Với trách nhiệm của nhà văn, chị sẽ viết về số phận của con người trong đại dịch như thế nào? Liệu nền văn học sẽ có được những tác phẩm phản ánh hiện thực xuất chúng trong giai đoạn này hay không?

 Nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương: Tôi nghĩ, chúng ta nên hy vọng. Mọi việc vẫn còn ở phái trước. Bởi trong quá khứ, chúng ta đã thấy hiện thực đời sống sẽ luôn là chất liệu để nhà văn tạo ra tác phẩm của mình. Nhà văn nổi tiếng cũng được sinh ra trong thời đại mà họ sống. Một xã hội tàn khốc “có ba trăm lạng việc này mới xong”,  xã hội  “ăn thịt  người” khi xưa đã khiến Nguyễn Du viết được Truyện Kiều bất hủ, bản thân nhà văn trở thành đại thi hào đó thôi. Đại dịch Covid 19 tràn đến cũng bóc trần, bộc lộ rất nhiều điều trong xã hội chúng ta. Có nhiều điều tốt đẹp, nhân văn, có sức lan tỏa yêu thương, tình người rất lớn; nhưng cũng có những điều khiến chúng ta phải day dứt, phải buồn. Ngay như chúng ta buộc phải nghĩ rằng, con người trên thế giới này đã lạm dụng, đã tàn phá thiên nhiên nhiều quá, đã kiêu căng, tự mãn hưởng thụ quá nhiều vật chất, tàn sát động vật, sống tẻ nhạt, ít quan tâm đến nhau... nên tai họa sẽ có ngày giáng xuống. Covid 19 đến, làm cho con người mất mát nhiều quá, và nó buộc chúng ta phải thức tỉnh, phải tự nhủ sống sao đó để đoàn kết hơn, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau nhiều hơn, bởi trong cộng đồng rộng lớn, mỗi cá nhân riêng lẻ đều có kết nối chằng chịt với những người còn lại và thế giới này.

Vâng. Xin cảm ơn chị!

Phạm Sỹ (thực hiện)
Nguồn: Văn nghệ

 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây