Là một trong những phóng viên, biên tập viên của Đài TNVN tình nguyện lên đường vào TP. Hồ Chí Minh, MC Thanh Liêm (kênh VTC 14) mang đầy tâm thế và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí xác định cuộc chiến này cam go chưa hẹn ngày về… Báo Nhà báo & Công luận có cuộc trò chuyện cùng Thanh Liêm.
Lần tác nghiệp này để lại cho tôi cú “sốc” ban đầu
- Vào Facebook của anh, nhiều người cảm động khi đọc được dòng anh chia sẻ: “Tổ quốc vẫy gọi ta lên đường”. Thanh Liêm có thể nói rõ hơn về động lực đã thôi thúc anh lên đường vào TP. Hồ Chí Minh tác nghiệp?
+ Ngay sau khi Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Đài VTC phát động kế hoạch tăng cường phóng viên, biên tập viên tác nghiệp tại tâm dịch TP. Hồ Chí Minh, tôi đã sẵn sàng hưởng ứng theo lời kêu gọi. Cá nhân tôi luôn nghĩ rằng với vai trò là một thanh niên, một chiến sỹ trên mặt trận thông tin, một người dẫn chương trình, luôn mong muốn được trải nghiệm, lắng nghe, quan sát và thấu hiểu được tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sự nỗ lực, vất vả của các lực lượng tuyến đầu, tôi sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc vẫy gọi.
- Vào tâm dịch của cả nước, anh đã có sự chuẩn bị như thế nào?
+ Về đồ đạc chỉ vỏn vẹn 1 vali bao gồm những vật dụng thiếu yếu. Chuyến công tác cùng với các bác sĩ tăng cường của Bệnh viện Bạch Mai nên tôi cũng xác định những thiết bị y tế cần thiết như một số loại thuốc men, đồ bảo hộ và đặc biệt là thực phẩm mang tính dài ngày như lương khô, nước sát khuẩn… là vô cùng cần thiết. Về tinh thần, tôi chỉ xác định là đi chứ chưa hẹn ngày trở về, bởi lẽ còn phụ thuộc vào điều kiện tác nghiệp và sức khỏe, cũng xác định trường hợp xấu nhất có rủi ro phơi nhiễm Sars-Cov2. Tôi quan điểm, không chủ quan, nhưng cũng không hoang mang, mọi thứ cá nhân gác lại, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.
- Tác nghiệp tại tâm dịch, anh cảm nhận thế nào về không khí tác nghiệp của anh em đồng nghiệp?
+Thực sự ban đầu khi tiếp cận Trung tâm hồi sức ICU, Bệnh viện Bạch Mai, thuộc Bệnh viện dã chiến 16, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh, tôi có chút bàng hoàng. Bởi lẽ tại đây không khí làm việc rất khẩn trương, căng thẳng và có cả những hiểm nguy. Tôi đi cùng ekip VTC14, tất cả có 3 người nên chia sẻ với nhau rất nhiều, nhưng có lẽ lần này hoàn toàn khác với tâm dịch Bắc Giang. TP. Hồ Chí Minh là một môi trường rộng lớn, rất nhiều thông tin cần phải cập nhật nhanh chóng, đặc biệt là số ca mắc mới, cũng như là guồng làm việc áp lực để cứu chữa những bệnh nhân nhiễm Covid-19 rất nặng tại ICU.
Có thể nói, lần tác nghiệp này để lại cho tôi cú “sốc” ban đầu, sau đó tôi cùng họp với anh em trong ekip vạch ra một số đề tài để triển khai và bước đầu có hiệu quả.
Hoàn thiện sản phẩm báo chí ngay tại nơi quay hình
-Vào TP. Hồ Chí Minh anh đã sản xuất được nhiều chương trình chưa? Cách triển khai có gì khác so với ở Hà Nội?
+ Thực sự 1 tuần là chưa đủ để có thể nắm bắt tất cả những điều tâm dịch TP. Hồ Chí Minh đang hứng chịu và các y bác sĩ tuyến đầu đang trải qua, tuy nhiên, dưới góc nhìn và kế hoạch tác nghiệp tại ICU lần này, một số tin tức, phóng sự phản ánh cập nhật về một cách cụ thể. Đó có thể là những con số thống kê ban đầu trong ngày, câu chuyện kết nối trực tiếp về ngày 2/9 đặc biệt của các y, bác sĩ, những pha cấp cứu giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Sự khác biệt là rất nhiều so với tại Hà Nội, thứ nhất về khoảng cách địa lý cũng như mức độ tiếp cận thông tin là rất khó khăn. Thay vì phải trở về đơn vị để hoàn thiện sản phẩm báo chí, thường chúng tôi xử lý ngay tại nơi quay hình. Điều đó có nghĩa mỗi người đều phải trực tiếp làm từ 2-3 công việc với mức độ đa nhiệm đạt đến mức tối đa. Cũng rất may mắn tại khu vực tác nghiệp về điều kiện công nghệ thông tin cũng tối đa khiến việc kết nối trở lại đơn vị chúng tôi cũng thuận lợi hơn.
-Tác nghiệp ở vùng dịch như TP. Hồ Chí Minh là rất nguy hiểm, Thanh Liêm có thể chia sẻ một số kinh nghiệm vừa có thể hoàn thành được nhiệm vụ được giao vừa có thể đảm bảo được an toàn?
+ Xác định nhiệm vụ là thông tin tuyên truyền, chúng tôi cũng cần mất thời gian để được tập huấn cách sử dụng đồ bảo hộ, đó là điều tiên quyết. Một chút sơ sảy bất cẩn trong quá trình tác nghiệp và đặc biệt là sơ hở với đồ bảo hộ sẽ khiến tiên lượng kế hoạch sản xuất trở nên xấu đi, chưa kể sức khỏe của mình. Mặc dù đã tiêm 2 mũi vắc xin, song tôi vẫn đặt yếu tố bảo hộ lên hàng đầu. Tiếp đến là câu chuyện về cách đảm bảo sức khỏe khi mặc đồ bảo hộ. Phải thú thật, phải mặc đồ bảo hộ cấp 4 (mức cao nhất) để tác nghiệp trong ICU, mới hiểu được cảm giác nóng bức, mất nước, kiệt sức nó nguy cơ đến thế nào. Lúc cởi bỏ đồ bảo hộ cũng là lúc quần áo chúng tôi ướt sũng. Việc cần làm là bổ sung nước điện giải, Vitamin C trước và sau quá trình tác nghiệp, là điều kiện đủ để đảm bảo sức khỏe.
-bXin cám ơn anh, chúc anh và đồng nghiệp tác nghiệp an toàn!
Ngô Khiêm - Hải Danh (thực hiện)
Nguồn NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên