Giữ lại hồn cốt dân tộc
"Bảo tàng" đồ đá cũ và kỉ vật chiến tranh của ông nằm ở thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) trở thành điểm tham quan hấp dẫn của nhiều bạn trẻ đến tìm hiểu về lịch sử. Khi còn công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và đến khi nghỉ hưu theo chế độ năm 2006, ông luôn tâm niệm cần sưu tầm và lưu giữ những hiện vật mang giá trị lịch sử. Đặc biệt sưu tập các đồ vật phục vụ sản xuất nông nghiệp của ông cha, để trân trọng những ký ức về một thời đã qua... mong muốn thế hệ sau này biết về lịch sử của cha ông.
Ông Nguyễn Đắc Nông chia sẻ “Từ khi còn làm truyền hình tôi thấy rằng mình cần lưu lại, giữ lại những gì của lịch sử, những gì đất nước ta đã trải qua. Như bác Hồ nói “Dân ta phải biết sử ta”, làm sao để thế hệ trẻ không quay lưng với lịch sử. Khi học sinh, sinh viên được học lịch sử bằng những đồ vật trực quan bao giờ cũng mang lại hiệu quả hơn so với chỉ học trên sách vở, nên từ đó tôi bắt đầu sưu tầm”.
Làm truyền hình nhiều năm, ông Nông luôn hiểu rằng muốn giữ lại những gì của lịch sử, không chỉ đơn thuần là qua những thước phim, những bức ảnh mà điều cần hơn là các hiện vật, khi nhìn vào đó mọi người đều thấy được đặc trưng những giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc. Giữ lại hồn cốt dân tộc. Biết được thời cha ông ta đã đi qua những khó khăn vất vả như thế nào.
“Trước đây khi còn công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang tôi có làm nhiều tác phẩm báo chí, truyền hình chuyên về văn hoá, lịch sử, nhưng tuyên truyền bằng trực quan, bằng các hiện vật cụ thể sẽ cho hiệu quả cao hơn. Không khác gì học trực tiếp với học trực tuyến online bây giờ.” ông Nguyễn Đắc Nông chia sẻ.
Cách đây 30 năm, khi đó ông còn là một anh phóng viên chuyên viết tin bài, hôm đó có chuyến đi công tác qua xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế. Tại đây, ông nghe người dân kể chuyện về một người đàn ông trong xã đào được đôi chum bằng sành ở bãi sông Sỏi. Ông quyết định vét túi mua đôi chum. Ông đi thẩm định chữ nho khắc trên chiếc chum thì có niên đại từ thời nhà Lê. Đam mê đi sưu tầm đồ cổ bắt đầu từ đó. Sau này ông rong ruổi khắp làng quê ngõ xóm trong tỉnh Bắc Giang, rồi sang Bắc Ninh, lên vùng Lạng Sơn, Thái Nguyên để tìm tòi những vật dụng sinh hoạt cổ.
Cùng với việc sưu tầm các đồ vật gắn với sản xuất nông nghiệp, ông còn lưu giữ những hiện vật gắn liền với người lính thời kỳ chống Pháp và Mỹ. Những hiện vật chiến tranh trong “bảo tàng” của ông đều chứa đựng những câu chuyện lịch sử. Hiện ông sưu tầm và lưu giữ được gần 500 hiện vật chiến tranh và các đồ dùng sinh hoạt bằng đồng, sành sứ và gỗ như mâm, thau, bát, đĩa. Có những đồ vật có từ thời Lê.
Ông Nông chia sẻ: “Trước đây tôi đi nhiều nơi để làm các phóng sự về vẻ đẹp ở các vùng miền trong cả nước, làm phim tài liệu trong những ngày lễ, kỷ niệm lớn của dân tộc. Như đi lên cột cờ Lũng Cũ, Đồng Văn, Hà Giang làm phóng sự về nơi địa đầu của tổ quốc, ở đây tôi cũng xin một viên đá nhỏ về làm kỷ niệm. Hay lần tôi đi Điện Biên để làm phóng sự về kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi đặc biệt thích thú với những di vật, hiện vật còn lại của một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc”.
Đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người ông càng có thêm nhiều mối quan hệ, có nhiều người dù không quen biết, nhưng nghe nói ông là người thích sưu tầm và rất quý trọng nên đã gửi gắm, trao tặng nhiều hiện vật. Ngoài ra, mỗi khi rảnh, nghe tin ở đâu có đồ cổ dù xa xôi, mang vác vận chuyển rất khó khăn nhưng ông luôn cố gắng mang về bằng được, sửa chữa, bảo tồn tránh bị hư hỏng vì để mưa nắng. Mỗi hiện vật đều gắn với liền với những kỷ niệm, câu chuyện khác nhau, phần lớn đều được ông ghi lại, rồi để miêu tả để diễn thuyết cho mọi người hiểu.
Tuyên truyền giáo dục truyền thống, lịch sử
Nói về kỷ vật mình nhớ nhất, ông Nông tâm sự: “Tôi có những chiếc đài cũ từ những năm 1986, thời kỳ cả nước bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước XHCN. Ngày đó bà con nhân dân huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang xây dựng nhiều câu lạc bộ nghe đài, rồi phát triển trở thành phong trào, thời điểm đó từ người già, trẻ em, đến những công nhân, nông dân ai ai cũng đều nghe đài, coi chiếc đài không chỉ là tài sản quý và những chương trình phát thanh là món ăn tinh thần, không thể thiếu”.
Và vẫn chiếc đài của hơn 35 năm về trước, cho đến giờ vẫn âm thanh phát ra từ đó, nhờ những chiếc đài này mà ông vẫn giữ thói quen gắn bó với những chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, coi đó là một phần trong đời sống hàng ngày.
Vừa sưu tầm, vừa tìm tòi cách làm "bảo tàng" ở nhiều nơi, trong thời gian này ông vẫn tiếp tục sắp xếp, phân loại, ghi chú các hiện vật, về thời gian nơi sưu tầm, xây dựng các bản thuyết minh về hiện vật, đồng thời số hoá từng phần theo trình tự thời gian.
Tiếng lành đồn xa, “bảo tàng” của ông được nhiều người trong vùng biết đến, các trường trong vùng đã tổ chức cho học sinh đến để học tập, trải nghiệm. Điều này cũng là mong muốn của ông. Với ông sưu tầm đồ cổ không phải để bán làm giàu mà chỉ đơn giả là muốn truyền lại cho đời sau những gì mang giá trị văn hoá lịch sử của dân tộc. Theo ông đó là thứ quý già hơn tất cả.
"Bảo tàng" gia đình ông trở thành địa chỉ quen thuộc của học sinh ở nhiều trường học trong và ngoài tỉnh Bắc Giang. Mỗi năm, ông đón khoảng 20 đoàn học sinh đến thăm và tìm hiểu về các hiện vật ông sưu tầm.
Có thể nói, với cách giáo dục truyền thống, lịch sử của nhà báo già Nguyễn Đắc Nông thực sự tạo động lực, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong học tập. Giúp thế hệ trẻ biết vượt qua khó khăn, có ý chí và khát vọng phấn đấu để trở thành những công dân có ích, đóng góp tích cực vào sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước.
Theo Nguyên Phong/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên