"Nhiều độc giả của tờ báo gọi tôi là bố Mai, có những kỷ niệm sâu sắc và gắn bó. Tôi nhớ từng đứa một, yêu thương chúng nó như con cái" – ông Nguyễn Như Mai, Trưởng Ban biên tập đầu tiên của báo Hoa học trò chia sẻ với PV Dân Việt.
Hoa học trò ra đời vào ngày 15/10/1991, mở ra một cánh cửa hoàn toàn mới cho lứa tuổi học trò khi ấy. Theo thời gian, tờ báo đã trở thành thanh xuân của nhiều thế hệ, lưu giữ những trang viết của một thời hoa mộng hồn nhiên và trong trẻo.
Người đặt những viên gạch đầu tiên cho ấn phẩm đặc biệt này là nhà báo Nguyễn Như Mai, nguyên Trưởng Ban biên tập của tờ báo Hoa học trò. PV Dân Việt đã có cuộc gặp gỡ với ông tại nhà riêng, sau 30 năm Hoa học trò ra đời, để cùng trò chuyện về những ký ức đẹp đẽ về tờ báo.
Vào ngày này, 30 năm trước, tờ báo Hoa học trò số đầu tiên đã ra đời và ngay sau đó trở thành người bạn của rất nhiều thế hệ độc giả trẻ. Tại sao tờ báo lại có tên Hoa học trò – một cái tên rất đặc biệt so với các tờ báo khi ấy, thưa ông?
- Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tại miền Bắc khi đó mới chỉ có hai tờ báo dành cho thế hệ trẻ là báo Thiếu niên và báo Nhi đồng (cũng được tách ra từ báo Thiếu niên). Trong khi đó, tại phía Nam, họ đã nhanh nhạy cho ra đời những tờ báo dành cho lứa tuổi mới lớn như Mực tím, Áo trắng.
Sự thiếu thốn này đã khiến Ban biên tập báo Thiếu niên tiền phong quyết định tách trang mục dành cho đội viên lớn, thành lập ra một tờ báo riêng cho lứa tuổi học trò. Lứa tuổi này có đặc thù rất hay, đó là khi các em đang "thay áo nhân cách", từ thiếu niên chuyển sang người lớn, nhưng lại chưa phải người lớn hẳn.
Trước kia, một tờ báo thường được đặt tên theo đối tượng độc giả. Thí dụ báo dành cho phụ nữ sẽ đặt tên Phụ nữ Việt Nam, báo dành cho các bé tiểu học đặt là Nhi đồng, chúng tôi mong muốn sẽ làm ra một tờ báo mới mẻ, tiên phong, thế nên cùng nhau đắn đo để tìm ra cái tên thích hợp. Một cuộc thi đặt tên báo đã được tổ chức trên báo Thiếu niên tiền phong, với lời thông báo: "Ai chọn được tên báo hay sẽ nhận phần thưởng".
Đúng lúc đó, có một cô bé ở Tây Ninh gửi về tòa soạn một bài thơ mang tên "Hoa học trò". Chú Phi Hùng – người biên tập phần Văn học cho báo Thiếu niên tiền phong khi ấy thấy cái tên này hay quá, liền đề xuất lên thành tên tờ báo. Đây cũng là tên của một tản văn do thi sĩ Xuân Diệu sáng tác từ trước đó. Chúng tôi nhận thấy, cái tên này vừa hình tượng, vừa rất đúng với lứa tuổi. Cái tên Hoa học trò ra đời từ đó.
Một trong những cái tên gắn bó với tờ báo Hoa học trò là bút nhóm Hương đầu mùa với những cây viết đình đám cho tới thời điểm hiện tại như: Trang Hạ, Phương Mai, Dương Thụy. Bút nhóm này đã được tòa soạn bồi dưỡng như thế nào?
- Rất đơn giản thôi, khi thấy các em viết văn, viết thơ gửi về, nhóm biên tập chúng tôi muốn tạo dựng cho các em một Câu lạc bộ để các em gắn kết. "Hương đầu mùa" ra đời vì thế, đầu tiên là quy tụ các tác giả thơ, sau phát triển dần ra truyện ngắn, tản mạn...
Hàng tháng, bút nhóm tập trung ở hội trường nhỏ xíu trên tầng 2 của tòa soạn Hoa học trò, các em trò chuyện, trao đổi bài vở, ngoài ra còn "măm măm" quà vặt. Tôi thường mua cho chúng bánh rán, bánh bột lọc làm quà... Dần dần, "Hương đầu mùa" như một trung tâm hội tụ của các cây viết, các em ở tỉnh khác cũng hay về sinh hoạt, giao lưu… Nhóm có sức lan tỏa lớn và được các bạn học trò ngưỡng mộ. Nhiều cây bút được coi như thần tượng, hằng ngày nhận được vô cùng nhiều thư hâm mộ.
Những cây viết ngày ấy giờ đều đã trở thành những nhà văn, nhà báo nổi tiếng. Đó là Trang Hạ (Hà Nội) chuẩn đàn chị, Hoàng Dạ Thi (Huế) ly lắc, Nguyễn Phương Mai (Hà Nội) gai góc, Diệu Linh (Hà Nam) ngơ ngác đồng quê, Dương Thụy sôi nổi, Phan Hồn Nhiên tinh tế. Lê Thu Thủy - Dạ Hương (Nghệ An) sắc sảo, Phạm Thùy Hương - Dạ Thảo (Thanh Hóa) phóng khoáng. Tất cả đã tạo nên những hương sắc khác nhau của một "Hương đầu mùa", mà cho tới giờ, nhiều thế hệ độc giả vẫn còn mãi nhớ.
Ông từng chia sẻ, nhờ ý tưởng của các thành viên của bút nhóm "Hương đầu mùa" mà CLB bóng đá Hoa học trò mới ra đời, và trở thành nòng cốt của Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam?
- Đúng vậy. Đây cũng là một dấu mốc, một kỷ niệm đặc biệt của Hoa học trò, xuất phát từ yêu cầu của chính các cô bé "nhất quỷ nhì ma" khi ấy.
Hôm ấy, các em hội bút "Hương đầu mùa" sinh hoạt tại tầng 2 tòa soạn, trong khi sinh hoạt thì các cô bé loay hoay viết một "bản sớ", đề nghị tòa soạn thành lập đội bóng đá nữ. Chiều ý chúng, ngay tuần kế tiếp, tôi kéo tất cả ra sân bóng 10/10. Khi ấy, cả đội chưa có giày dép, không có bóng, may gặp một nhóm nữ sinh học karate ôm quả bóng ra, nhân đó mà thách đấu nhau, tạo thành một trận cầu vui vẻ. Nhận thấy đây là một sinh hoạt tiềm năng, tôi liền đăng lên báo một góc nhỏ, mời các nữ sinh yêu thích bóng đá tới ngày này, giờ này tập hợp ở sân vận động 10/10, đăng ký vào CLB bóng đá của Hoa học trò.
Hôm ấy có 200 bạn có mặt và xin đăng ký, cựu cầu thủ Trần Quang Hậu giúp tòa soạn sơ tuyển. 60 bạn vượt qua, được ghi tên, ra sân tập, chia ra 3 cầu môn để chơi bóng. Bác Nguyễn Đình Hãn - Giám đốc Cung Thể thao 10/10, chú Tạ Quang Hậu trước đó là cầu thủ của đội Đường Sắt cũng hăng hái ra sân hướng dẫn,
Dần dà, báo xin được cho các em bộ quần áo đồng phục, rồi mãi về sau mới xin được giày bata để các em không còn phải chơi bóng bằng chân đất. Chúng tôi tổ chức giải đấu bóng đá nữ đầu tiên tại Hà Nội, bao gồm 4 đội, có 6.000 khán giả tới tham dự. Sau đó, đội tuyển bóng đá của Việt Nam được hình thành với những thành viên của CLB bóng đá Hoa học trò là nòng cốt. Bùi Hiền Lương, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Thúy Hà, Phùng Minh Nguyệt - những danh thủ thời bấy giờ đều xuất phát từ CLB, họ vẫn luôn nhớ tới những ký ức xưa. Hiện tại, các em vẫn đang tập trung, gặp gỡ và chơi bóng với nhau mỗi tuần, khi không có dịch.
Những thành viên của "Hương đầu mùa" đều nhắc tới "bố Mai" với những gì thân thương, trân quý nhất. Chắc hẳn ông đã dành cho "những đứa con" của mình rất nhiều tình cảm?
- Không chỉ thành viên bút nhóm Hương đầu mùa mà các thành viên CLB bóng đá Hoa học trò, nhiều độc giả của tờ báo đều gọi tôi là bố Mai, có những kỷ niệm sâu sắc và gắn bó. Tôi lưu giữ ký ức với từng đứa một, yêu thương chúng nó như con cái.
Ngày làm Hoa học trò, gia đình tôi còn rất nghèo, ở trong một căn hộ vỏn vẹn 18m2, nhưng cánh cửa với bọn chúng luôn rộng mở. Những cây viết của Hoa học trò từ miền Nam, miền Trung cứ ra Hà Nội là tới nhà tôi ăn cơm, gia đình có gì ăn nấy.
Tôi vẫn nhớ Nguyễn Diệu Linh (Hà Nam) – thành viên bút nhóm "Hương đầu mùa" ra đây học lúc nào cũng bám bố Mai, lại chơi với Quỳnh Mây (con gái tôi). Tôi trở thành bạn của bố mẹ Diệu Linh, đến dự hôn lễ của người thân trong gia đình cô ấy. Hàng năm, cô bé "Mực tím" Trần Đức Hạnh vẫn thường đưa con ra Hà Nội chơi, tôi đều tháp tùng rồi đưa đi thăm thú, con trở về cũng hay gửi đồ từ Nha Trang ra biếu cô chú.
Đặc biệt, có những cái phúc, cái lộc mà tờ báo Hoa học trò đã dành cho tôi, như câu chuyện của tôi với con gái nuôi Bàn Ngọc Bích (người dân tộc Dao). Năm ấy, tôi cùng cả đoàn lên Tuyên Quang, vào trường Dân tộc nội trú của tỉnh viết bài, phóng viên Hoài Linh khi đó đã chụp ảnh và đưa Bàn Ngọc Bích lên trang bìa tờ báo.
Tốt nghiệp lớp 12, Bàn Ngọc Bích xuống Hà Nội học, cháu bỡ ngỡ, ngây thơ, không có ai dựa dẫm. Ngọc Bích rất yêu quý bố Mai, cứ Chủ nhật lại dẫn cả bạn tới nhà chơi, ăn uống cùng gia đình. Vợ chồng tôi cũng hỗ trợ cháu học hành, tổ chức đám cưới, đón dâu. Đến một ngày, Ngọc Bích xin làm lễ, nhận chúng tôi làm bố mẹ nuôi. Bây giờ, vợ chồng cháu sinh sống gần nhà, có gì tôi đều nhờ vợ chồng cháu sang giúp đỡ (các con ruột của tôi hiện đã định cư và có cuộc sống ổn định tại Canada).
Vợ ông (bà Lê Thị Hợi) có chia sẻ, ông bị hỏng một bên tai từ năm 5 tuổi. Điều này có cản trở gì ông trong việc làm báo sau này?
- Tôi sinh ra tại Cao Bằng, trong một vùng quê nghèo, bố mất sớm, mẹ lấy chồng người dân tộc, tôi phải theo bà tới một xã miền núi xa xăm để sinh sống. Tôi ở Cao Bằng tới năm 15 tuổi, đi bộ 30km để từ huyện này sang huyện khác trọ học. Năm 5 tuổi, vì một trận ốm, một bên tai tôi bị hỏng, miệng tôi cũng có di chứng. Người tôi gầy gò, chấy rận xung quanh, nhưng tôi yêu văn thơ từ nhỏ.
Tôi kết bạn với hai người là anh Bế Thành Long, Đoàn Đức Thành, ra một tờ báo tường mang tên "Mặt trời mọc". 15 tuổi, tôi đã có bài viết được đăng tải trên báo Thiếu niên tiền phong, được nhạc sỹ Phong Nhã – Tổng biên tập đầu tiên của tờ báo viết thư phản hồi. Tôi mừng lắm nhưng vô cùng rụt rè, nhút nhát. Có lần về Hà Nội, đi qua ngõ của Tòa soạn, tôi rất muốn bước vào nhưng do dự không dám bước chân.
Về sau, tôi về Hà Nội theo học Đại học khoa Địa chất, thế nhưng rồi cơ duyên lại đưa tôi quay về với nghề báo. Tôi luôn làm nghề này với tất cả đam mê và cũng chưa khi nào thấy có gì bất lợi.
Tận hiến cho tờ báo Hoa học trò, cũng như đam mê công việc nghiên cứu và viết lách, chắc hẳn phía sau ông phải là một người vợ kiên cường và hết lòng yêu thương chồng?
- Tôi gặp vợ trong những ngày sơ tán về Hà Tây, bà xã khi ấy đang làm giáo viên mầm non, lại là hoa khôi của trường làng. Chúng tôi được chính lũ trẻ "mai mối", từ đó yêu thương nhau và gắn bó tới hiện tại.
Nếu không có vợ, tôi không thể làm báo tới quên mình như thế. Bà ấy một mình lo cho ba đứa con, lo kinh tế để tôi yên tâm làm việc. Vợ tôi xởi lởi, thương người, yêu lũ trẻ. Lúc đó gia đình tôi nghèo lắm, chúng tôi sống trong một ngôi nhà cấp 4 rộng 18m2, về sau cơi nới được một gian phòng bên trên. Các bạn đọc trong Nam ngoài Bắc đều đến thăm và ăn uống, các thành viên Hương đầu mùa, CLB bóng đá Hoa học trò cũng hội tụ ở đây, nếu vợ tôi khó khăn, chặt chẽ, tôi không có thể có nhiều con tới vậy.
Vợ tôi tiết kiệm với chính mình, chưa bao giờ dùng phấn son trưng diện, thế nhưng luôn bao dung, xởi lởi với mọi người, thấy các con từ báo Hoa học trò gặp khó khăn, bà còn đề nghị tôi giúp đỡ.
Tôi chưa bao giờ có cơ hội nói với bà ấy lời biết ơn, nhưng thực sự không có bà ấy, tôi không thể có những ngày tháng làm nghề như thế!
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Tận hiến cho tờ báo Hoa học trò, cũng như đam mê công việc nghiên cứu và viết lách, chắc hẳn phía sau ông phải là một người vợ kiên cường và hết lòng yêu thương chồng?
- Tôi gặp vợ trong những ngày sơ tán về Hà Tây, bà xã khi ấy đang làm giáo viên mầm non, lại là hoa khôi của trường làng. Chúng tôi được chính lũ trẻ "mai mối", từ đó yêu thương nhau và gắn bó tới hiện tại.
Nếu không có vợ, tôi không thể làm báo tới quên mình như thế. Bà ấy một mình lo cho ba đứa con, lo kinh tế để tôi yên tâm làm việc. Vợ tôi xởi lởi, thương người, yêu lũ trẻ. Lúc đó gia đình tôi nghèo lắm, chúng tôi sống trong một ngôi nhà cấp 4 rộng 18m2, về sau cơi nới được một gian phòng bên trên. Các bạn đọc trong Nam ngoài Bắc đều đến thăm và ăn uống, các thành viên Hương đầu mùa, CLB bóng đá Hoa học trò cũng hội tụ ở đây, nếu vợ tôi khó khăn, chặt chẽ, tôi không có thể có nhiều con tới vậy.
Vợ tôi tiết kiệm với chính mình, chưa bao giờ dùng phấn son trưng diện, thế nhưng luôn bao dung, xởi lởi với mọi người, thấy các con từ báo Hoa học trò gặp khó khăn, bà còn đề nghị tôi giúp đỡ.
Tôi chưa bao giờ có cơ hội nói với bà ấy lời biết ơn, nhưng thực sự không có bà ấy, tôi không thể có những ngày tháng làm nghề như thế!
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Nhà báo Nguyễn Như Mai sinh năm 1941, ông tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về đề tài lịch sử cho thiếu nhi như: "Sử ta chuyện xưa kể lại" (4 tập); "Những người thầy trong sử Việt". "Hiền tài là nguyên khí quốc gia", Những nhân vật tên còn trẻ mãi", "Cùng em tìm hiểu Trường Sa - Hoàng Sa"... cùng nhiều đầu sách khác.
Nhà báo Nguyễn Như Mai cũng là cố vấn cho một loạt chương trình trên VTV như "7 sắc cầu vồng", "Ai là triệu phú", "Vì bạn xứng đáng", "Trạng nguyên nhí"...
Nguồn Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên