Quả thực đó là điều có thể nhìn thấy rõ nét trong những ngày qua. Người làm báo không chỉ tham gia xung kích trên mặt trận thông tin tuyên truyền nơi tuyến đầu chống dịch mà trên mặt trận thiện nguyện họ cũng “lăn xả” chẳng từ nan.
Còn rất nhiều cơ quan báo chí, rất nhiều nhà báo trong hành trình thiện nguyện vẫn đang kiên trì, miệt mài ngoài kia chung sức cùng xã hội giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh covid-19. Biết bao nghĩa tình trao gửi, biết bao những khó khăn vợi bớt và biết bao niềm tin đang ươm mầm... để thêm tin rằng, ngày không xa, hết mưa trời lại nắng, gian khó rồi sẽ qua thôi.
Khó khăn, hiểm nguy nơi tuyến đầu đã thôi thúc chúng tôi... là điều mà rất nhiều người làm báo làm thiện nguyện chia sẻ.
Người làm báo những ngày này đang lăn xả trên mọi mặt trận, vừa nỗ lực để dòng tin tức không ngừng chảy trong điều kiện dịch bệnh, vừa kêu gọi cộng đồng chung tay, thậm chí cùng bỏ tiền túi ra để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những gia đình gặp hoạn nạn trong mùa dịch...
Những công việc này hoàn toàn tự nguyện, đơn giản với họ là vì nghĩa đồng bào, vì sự tin tưởng của người dân mà dốc lòng dốc sức. Cũng bởi tâm thế xuất phát từ tâm ý, tấm lòng và sự tử tế ấy mà công việc ý nghĩa này đã góp phần thắp lên ngọn lửa nhân ái, lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội thời gian qua. Từ những khó khăn của những bác sĩ tuyến đầu, thiếu thốn ở các bệnh viện, khu cách ly, người lao động nghèo... đều là lý do để khởi phát các chương trình thiện nguyện ấy.
Mới đây nhất, khi số liệu hơn 1.500 em học sinh rơi vào cảnh mồ côi vì mất đi cha mẹ hoặc người bảo trợ thì ngay lập Báo Người Lao Động đã phát động chương trình “Tình thương cho em”. Đây là hoạt động để nối dài nhịp cầu nhân ái trong xã hội, nhằm kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp có điều kiện cùng các nhà hảo tâm chung tay chăm lo cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19.
Đứng trước thực trạng đau lòng ấy, Báo Thanh Niên cũng vừa quyết định phát động Chương trình bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 nhằm giúp đỡ các em vượt qua nỗi đau quá lớn, lấp bớt phần nào khoảng trống tình cảm và nỗi âu lo đời thường, giúp các em có được tình cảm ấm áp và sự chăm sóc tận tình của cộng đồng.
Những nghĩa cử cao đẹp của người làm báo càng cao đẹp hơn khi thời điểm này các cơ quan báo chí cũng là lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, trong đó nhiều phóng viên, hội viên, nhà báo đang tác nghiệp như những chiến sĩ trong cuộc chiến đấu này, cùng với đó là những khó khăn khi các tòa soạn cũng không ít nhọc nhằn trong bài toán kinh tế báo chí.
Và dù rằng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, những người làm báo vẫn nỗ lực tìm cách hỗ trợ bà con chứ nhất định không lùi bước. Họ luôn cố gắng kêu gọi cộng đồng san sẻ, làm sao để bà con nghèo có được những bữa cơm ấm áp, cùng nhau chiến thắng đại dịch...
Họ đã làm được nhiều hơn những gì họ nghĩ... Bởi đó không chỉ là những chuyến xe nghĩa tình, không chỉ là những đồng tiền trang trải qua ngày, những chiếc máy thở, thiết bị y tế... hay những thực phẩm, bao gạo, mớ rau con cá... đỡ khi đói lòng mà hơn thế đó còn là ân tình, là giá trị tinh thần không gì đong đếm được.
Tôi đồng ý với Phó Tổng Biên tập báo Tiền phong Phùng Công Sưởng rằng, thẳm sâu trong con người Việt Nam luôn có tinh thần tương thân tương ái, nghĩa cử cao đẹp được hun đúc từ yêu thương, từ nghĩa đồng bào,... Khó có nơi nào mà tình người lại ấm áp, ngập tràn tình yêu thương như ở đất nước mình. Đạo lý đó được truyền nối qua bao thế hệ và cô đúc thành những câu ca dao, tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm áo rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, “ Một miếng khi đói bằng một gói khi no”…
Dĩ nhiên, để khơi dậy tấm lòng nhân ái từ triệu triệu trái tim người Việt và nhen lên ý thức cộng đồng quả thực không hề dễ dàng. Những công việc thiện nguyện của người làm báo dù trong hoàn cảnh nào cũng đều như một ngọn lửa được nhóm lên, có sức mạnh lan tỏa... Bởi nghề báo được ví như một nghề đầy vinh quang, được xã hội coi trọng nên uy tín, sức ảnh hưởng của người làm báo trong xã hội cũng vì thế mà có phần cao hơn. Dẫu vậy, đó không thể và chưa bao giờ là điều quyết định được hiệu quả của sự kêu gọi, sự hưởng ứng trong các chương trình thiện nguyện.
Như đúc kết của nhà báo Tô Đình Tuân rất thấm thía: “Có 3 điều quan trọng để một chương trình đạt được thành công. Trước hết, chương trình đó phải có ý nghĩa, giúp được cho cộng đồng, góp phần bảo vệ điều mà mọi người mong mỏi. Thứ hai là cách triển khai phải cụ thể, công khai, minh bạch, đúng người đúng chỗ. Thứ ba là có một kế hoạch truyền thông thực tế, gắn với chương trình, không cần nói nhiều, không cần nói quá, chỉ cần nói đúng! Và đặc biệt là điều chúng ta làm phải từ trái tim thì mới chạm được tới trái tim mọi người!”.
Chạm đến trái tim... như Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân nhấn mạnh là điều mà người làm báo đã làm được trong thời gian qua. Thực tế đã chứng minh rằng, từ những công việc nhỏ bé nhưng xuất phát từ tâm, rồi nhen nhóm lên ý thức cộng đồng, trách nhiệm công dân với Tổ quốc, tình yêu quê hương, đất nước... chắc chắn sẽ được đồng lòng, hưởng ứng.
Bởi thế nên các chương trình ý nghĩa cứ liên tiếp ra đời như “ATM gạo”, “Tổ quốc cần cả nước chung tay”, “Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch”, “Tình thương cho em”, “Cùng Tiền phong tiếp sức tuyến đầu chống dịch covid-19”, “Quỹ Hạt Vừng”... đều là những hoạt động vô cùng ý nghĩa và thiết thực.
Hành trình này có lẽ vẫn sẽ còn dài bởi dịch bệnh dù đã có những tín hiệu tích cực hơn nhưng những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 với cuộc sống của người dân vẫn còn hiện hữu.
Xúc động khi nghe lời chia sẻ chân thành từ nhà báo Vũ Tùng cũng là tâm sự của những người làm báo mà chúng tôi từng gặp: “Chương trình chúng tôi vẫn đang tiếp tục. Tình hình dịch lan nhanh phức tạp, chúng tôi biết ra đường, vào khu phong tỏa, đến bệnh viện dã chiến lúc này, nguy cơ rất cao. Nhưng “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”...
Bao y bác sĩ, bao người ở tuyến đầu đang ngày đêm căng mình chống dịch đối mặt với nguy hiểm lớn hơn nhiều và cần tuyến sau hỗ trợ. Dẫu biết khó khăn, dẫu biết tình hình dịch nguy hiểm, ráng giữ an toàn bản thân qua việc đeo khẩu trang hay những tấm chắn giọt bắn, nhưng chúng tôi sẽ cố. Vì những tấm lòng, vì bà con thành phố, vì tuyến đầu chống dịch”…
Dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp. Sẽ còn nhiều mảnh đời, thân phận cần sự chung tay giúp sức từ cộng đồng, trong đó có những người làm báo. Vì thế, hành trình nhân ái vừa qua cũng có thể xem như mới chỉ bắt đầu, mà sẽ còn phải được nối dài, được tiếp lửa… thổi bùng lên, tạo thành sức mạnh góp phần giúp người dân vượt qua đại dịch.
Theo Hà Vân/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên