Nhà báo Lê Thị Quỳnh - Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa: “Tôi cảm thấy câu chữ nào mình viết lên cũng sẽ là thừa”...

Thứ sáu - 22/10/2021 11:41
Tác phẩm “Hiếu và Minh” được trao giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020 ở thể loại phim tài liệu truyền hình do nhóm tác giả Lê Thị Quỳnh, Mai Xuân Sơn, Đào Quang Phú, Hồ Đình Hai của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa thực hiện.

Để tạo sức hút, mang đến cho khán giả những điều thú vị, mỗi tác phẩm truyền hình cần thể hiện sức sáng tạo của người thực hiện. Thậm chí phải mang được cá tính riêng của mình vào tác phẩm, mặc dù việc sáng tạo sẽ phải đầu tư thời gian công sức nhiều hơn” - nhà báo Lê Thị Quỳnh chia sẻ khi nhắc đến tác phẩm “Hiếu và Minh”.

Tác phẩm này được trao giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020 ở thể loại phim tài liệu truyền hình do nhóm tác giả Lê Thị Quỳnh, Mai Xuân Sơn, Đào Quang Phú, Hồ Đình Hai của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa thực hiện.

111
Nhà báo Lê Thị Quỳnh - Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa

Câu chuyện... không có lời bình

 + Một câu chuyện xúc động về hành trình 10 năm không kể ngày mưa hay nắng, Hiếu đều đặn đưa Minh đến trường trên đôi chân của mình vì Minh bị dị tật bẩm sinh... Tình bạn trong sáng cao đẹp, nghị lực sống và tình yêu thương của hai nhân vật đã lay động lòng người. Nhóm tác giả đã bắt đầu khai thác như thế nào, thưa chị?

- Tôi biết đến “Hiếu và Minh” từ đầu năm 2018 qua người quen, khi đó hai bạn đang học lớp 10, tôi và đồng nghiệp có quay dựng làm một phóng sự hơn hai phút, đây cũng là phóng sự đầu tiên về hai em. Do chỉ quay trong vòng một buổi chiều nên phóng sự cũng chưa có nhiều hình quay đặc sắc. Đến năm 2020 tôi quyết định làm một bộ phim sâu hơn về hai nhân vật này. Tôi cũng trăn trở làm sao để làm mới được câu chuyện mà nhiều người đã xem, đã biết tới. Về sau tôi quyết định triển khai đi sâu vào giai đoạn các bạn chuẩn bị tốt nghiệp THPT bước vào môi trường đại học.

Ngay từ đầu khi viết kịch bản tôi thấy rằng bản thân câu chuyện của hai bạn đã nói lên tất cả, mình sẽ không viết bình luận thêm. Tôi cảm thấy câu chữ nào mình viết lên cũng sẽ là thừa. Vì thế tôi quyết định xây dựng một phim tài liệu mà không có lời bình, các nhân vật tự nói lên câu chuyện, cảm xúc của mình. Chúng tôi xây dựng kịch bản theo hướng tác phẩm bắt đầu từ hiện tại, nghĩ về quá khứ và kết thúc ở hiện tại để từ đó mọi người ngẫm tương lai. Tất cả hình ảnh, âm thanh đều diễn ra như cuộc sống thường ngày, không có sự sắp đặt nào.

+ Để triển khai một bộ phim tài liệu truyền hình mang hơi thở đời sống thường ngày, chắc hẳn là một câu chuyện không hề đơn giản?

- Đúng vậy, khác với tác phẩm đầu năm 2018, bộ phim này chúng tôi đầu tư hơn, các tư liệu trước kia không dùng lại được vì hai năm trước chúng tôi không thực hiện thu tiếng động từ hiện trường để thành một câu chuyện. Trong quá trình tác nghiệp, ngoài hình ảnh từ ngôi nhà, mái trường ở quê nhà còn có nhiều hình ảnh các địa phương khác, nơi có các trường đại học mà các bạn đăng ký xét tuyển vào, nghĩa là phải đi ra tỉnh khác. Đặc biệt là liên hệ với các trường đại học nơi các bạn sẽ vào học, việc này cũng không đơn giản. Để ghi lại cuộc sống thường ngày, chúng tôi mất hơn một tháng để đồng hành cùng hai bạn, vài ngày quay một lần, tận dụng thời gian các bạn rảnh rỗi, hết giờ học.

+ Mỗi một hình ảnh trong phim như chạm đến trái tim khán giả. Sau khi phát sóng, tác phẩm đã có sức lan tỏa như thế nào trong cộng đồng, thưa nhà báo?

- Cả tác phẩm năm 2018 và 2020 sau khi lên sóng đều được nhiều khán giả theo dõi, mọi người khâm phục trước nghị lực của cả hai bạn, đã có nhiều khán giả liên hệ xin thông tin về hai bạn để hỗ trợ. Tôi thấy đó là niềm vui lớn vì công việc của mình đã giúp các bạn được một phần nào đó, các nhân vật trong phim nhận được những lời động viên chia sẻ hỗ trợ từ mọi người và các bạn xứng được nhận điều đó.

Tôi nghĩ đây là một phần của hoạt động báo chí để lan tỏa những câu chuyện nhân văn trong xã hội, nếu tôi không làm thì cũng có nhiều anh chị phóng viên khác sẽ làm. Hiếu đưa Minh tới trường, cứ đều đặn ngày này qua tháng khác, việc này không phải bắt đầu khi các bạn đã trưởng thành mà từ khi các bạn mới học lớp hai, còn rất nhỏ. Bản thân câu chuyện của hai bạn đã được mọi người quan tâm rồi, họ rất đáng để mọi người tôn vinh và ngưỡng mộ, còn tác phẩm của chúng tôi chỉ đơn giản là đưa đến một góc nhìn cho mọi người mà thôi.

111
Nhà báo Lê Thị Quỳnh cùng đồng nghiệp chụp ảnh lưu niệm khi làm bộ phim tài liệu.

Làm phim truyền hình lắm công phu

+ Hơn một tháng thực hiện bộ phim tài liệu này, chắc hẳn chị và ê-kíp đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

- Trong suốt thời gian tôi làm phóng sự này, đã có khá nhiều cảnh về những ngày Hiếu đưa bạn tới trường. Đó là buổi sáng sớm, trưa nắng hè, những ngày mùa đông giá rét, nhưng chúng tôi muốn thể hiện việc Hiếu giúp đỡ Minh không phải là một ngày, một tháng, một mùa mà suốt nhiều năm trời.

Thế nên, trong khoảng thời gian quay phim là mùa hè nắng gắt, chúng tôi còn mất rất nhiều công sức để có được cảnh quay vào ngày mưa gió, phải chờ trời mưa. Có khi tại cơ quan chúng tôi làm việc mưa, nhưng nơi nhân vật ở lại không mưa. Có ngày ở thành phố mưa khi về đến điểm quay thì trời tạnh. Có ngày cả ê-kíp đi đi về về giữa cơ quan và điểm quay 2, 3 lượt chỉ để đợi 1 cơn mưa. Ở trên phim tài liệu cảnh cơn mưa xuất hiện dù vài giây nhưng chúng tôi đã mất vài tuần để ghi hình.

Nhưng đổi lại tôi may mắn vì trong quá trình triển khai nhận được sự phối hợp rất nhiệt tình từ Hiếu, Minh và gia đình, nhà trường nơi các bạn sinh sống, học tập. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ chia sẻ của các anh chị đồng nghiệp, đặc biệt là ban lãnh đạo đài có những động viên góp ý kịp thời.

+ Sau tác phẩm “Hiếu và Minh” chắc chị sẽ có thêm được nhiều kinh nghiệm cho hành trình làm truyền hình sau này?

- Tôi thấy rằng ngoài việc xây dựng kịch bản chi tiết, thì sự hỗ trợ của các đồng nghiệp trong ê-kíp là rất quan trọng, mọi người đều phải hiểu nhau để có sự phối hợp ăn ý với nhau, thống nhất với nhau về kịch bản, cảnh quay. Mọi người đều phải đồng lòng để có thể dễ dàng vượt qua những khó khăn phát sinh, hoàn cảnh không mong muốn, sẵn sàng lên đường bất cứ khi nào.

Bên cạnh đó, khi làm mỗi một tác phẩm truyền hình cần có sự đổi mới về cách làm, tránh đi theo những lối mòn cũ. Để các tác phẩm luôn có sức hút, mang đến cho khán giả những điều thú vị, thể hiện sức sáng tạo của người làm. Thậm chí người làm truyền hình nên mang được cá tính riêng của mình vào từng tác phẩm, mặc dù việc sáng tạo sẽ phải đầu tư thời gian, công sức nhiều hơn.

+ Xin cảm ơn chị!

Lê Tâm (Thực hiện)
Theo NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây