+ Làm phim tài liệu luôn đòi hỏi chất lượng, sự sáng tạo cao, vậy “Giặc nội xâm” được xây dựng dựa trên ý tưởng, kịch bản nào thưa anh?
- Khi nhận nhiệm vụ từ Ban Tuyên giáo Trung ương để triển khai làm bộ phim về công tác phòng chống tham nhũng trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, chúng tôi đã xác định đây là một đề tài hóc búa và chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng rất may mắn, ngay từ lúc xây dựng và phát triển ý tưởng, chúng tôi đã nhận được sự chia sẻ, góp ý rất nhiệt tình, sâu sắc của các chuyên gia của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh, Vụ Tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Trung ương, từ đó hình thành kết cấu 3 tập phim trải theo chiều dài lịch sử ngàn năm của dân tộc.
Ngay cả tên phim “Giặc nội xâm” - chữ của Bác Hồ dùng để chỉ nạn tham nhũng, lãng phí cũng là gợi ý của các chuyên gia. Hơn nữa, trong giai đoạn làm đề cương và kịch bản, các chuyên gia đã tham gia nhiều ý kiến quý giá, giúp chúng tôi hoàn thành nội dung kịch bản, cũng như xây dựng phân cảnh và phương án sản xuất. Thách thức lớn nhất với thể loại phim tài liệu luôn là việc thu thập tài liệu, tư liệu gốc, tổ chức các cuộc phỏng vấn nhân chứng, chuyên gia để phân tích, làm rõ các vấn đề cũng như đưa ra các giải pháp.
Điều này đặc biệt khó đối với bộ phim “Giặc nội xâm” vì thời lượng bộ phim lên tới 90 phút cho 3 tập, bối cảnh từ thời kỳ phong kiến đến thời điểm hiện tại, nội dung không chỉ bó hẹp trong việc chống tham nhũng mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của lịch sử, văn hóa, đời sống, xã hội. Nhờ có sự hỗ trợ rất nhiệt thành của các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chúng tôi đã vượt qua thách thức.
Về sử liệu thời phong kiến, chúng tôi được tiếp cận với những tư liệu, tài liệu gốc quý hiếm của Thư viện Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Với các tài liệu quý bằng chữ Hán Nôm, các chuyên gia đã dịch và chú giải chi tiết. Về sử liệu thời đại Hồ Chí Minh, chúng tôi được sự giúp đỡ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, các Ban của Đảng, cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao và nhiều địa phương.
+ Được biết, bộ phim đã được thực hiện trong các đợt dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, ê-kíp đã gặp những khó khăn như thế nào, thưa ông?
- Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Quá trình tác nghiệp của đoàn làm phim cũng gặp không ít khó khăn. Ví dụ quá trình di chuyển đến các địa phương, việc tiếp cận, phỏng vấn nhân vật trong đó có các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các nhà nghiên cứu, sử gia… cũng đều gặp khó khăn.
Tuy nhiên, đoàn làm phim đã linh hoạt trong việc tổ chức, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch ghi hình. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, đoàn làm phim chủ động tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có kỹ năng phòng chống dịch cá nhân. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các thành viên của đoàn cũng như những người mà chúng tôi tiếp xúc.
+ Được đánh giá là tác phẩm đồ sộ, công phu, có nội dung sâu sắc về công tác phòng chống tham nhũng trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, “Giặc nội xâm” mang đến những câu chuyện đã diễn ra trong lịch sử, vậy làm sao để nhắc về lịch sử mà vẫn đảm bảo được tính hấp dẫn?
- Phim tài liệu được cho là một loại hình khá khô khan và việc tạo ra một tác phẩm hấp dẫn, cuốn hút luôn là thách thức đối với tất cả các đạo diễn. Đối với đề tài chống tham nhũng thì thách thức ấy càng lớn. Chính vì vậy, chúng tôi đã phải họp bàn rất nhiều cuộc, thử nghiệm nhiều thủ pháp nghệ thuật, nhiều cách tiếp cận khác nhau để hóa giải khó khăn này. Sự chuẩn bị kỹ càng về nội dung, chắt lọc những nội dung quan trọng, kết hợp với cách kể các câu chuyện, sự xuất hiện các nhân vật một cách hợp lý, phương án kỹ xảo đồ họa, sử dụng âm nhạc tinh tế đã góp phần tạo ra tiết tấu, cũng như sự hấp dẫn của bộ phim.
+ “Giặc nội xâm” không chỉ nêu những bài học ngày hôm qua mà còn thể hiện quyết tâm và hành động của ngày hôm nay, ê-kíp đã triển khai nội dung này như thế nào, thưa ông?
- Việc tiếp cận nguồn sử liệu, tư liệu quý hiếm, trong đó có cả các tài liệu liên quan đến các vụ án tham nhũng khiến cho bộ phim có nội dung rất phong phú. Hơn nữa, đoàn làm phim rất thuận lợi trong các cuộc phỏng vấn, bao gồm phỏng vấn lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, phỏng vấn nhân sĩ, trí thức, các nhà nghiên cứu và nhiều người dân. Chất lượng các cuộc phỏng vấn rất cao, không chỉ đúng trọng tâm mà còn khái quát, mở rộng mang tính dự báo. Điều này làm cho bộ phim vững chắc về nội dung, đồng thời đảm bảo tính thời sự, mang hơi thở cuộc sống đương đại.
+ Làm phim tài liệu chưa bao giờ là dễ dàng, ngoài những kỹ năng về phim ảnh, kỹ xảo, âm thanh còn phải rèn luyện tri thức, có sức sáng tạo, ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Làm phim tài liệu luôn là một thách thức, muốn thành công bạn cần có niềm say mê và tiếp cận một cách chân thành. Theo kinh nghiệm của tôi, điều kiện cần là không thể thiếu kỹ năng làm phim, nhưng điều kiện đủ là phải có phông kiến thức đủ sâu, rộng và luôn giữ sự nhạy bén nghề nghiệp. Với mỗi đề tài cần lựa chọn cho mình một cách tiếp cận, cách kể chuyện riêng. Lắng nghe ý của các chuyên gia luôn mang đến cho bạn những thông tin quý giá. Giống như nhà báo, những người làm phim tài liệu luôn cần đề cao đạo đức nghề nghiệp, trong đó sự trung thực luôn là điều kiện tiên quyết. Và trên tất cả là bạn cần luôn giữ được lửa nhiệt huyết trong tim.
+ Vâng, trân trọng cảm ơn anh!
Lê Tâm (Thực hiện)
Nguồn NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên