Nhà báo Nguyễn Hữu Mão: Từ người lính trở thành nhà báo chuyên nghiệp

Thứ năm - 06/01/2022 09:40
Dịp về Hà Nội dự Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam cuối năm vừa rồi, tôi được nhà báo Nguyễn Hữu Mão tặng cuốn “Hồi ức & Nhật ký: Những năm tháng không quên” (NXB Thanh Niên 2021). Như tác giả nói, đây là bộ phim ngắn có độ dài 10 năm viết nhật ký và nửa thế kỷ cuộc đời làm lính và làm báo của ông. Người làm báo Hưng Yên xin trân trọng giới thiệu một số trich đoạn của cuốn sách liên quan đến nghề làm báo để bạn đọc biết rõ thêm về một thế hệ nhà báo dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước.
111
Bìa cuốn sách
Tháng 8 năm 1970, khi vừa học hết năm thứ 2, khoa Văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, cùng đông đảo sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, Nguyễn Hữu Mão đã “xếp bút nghiên ra trận”. Trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngay trong những ngày ở chiến trường, Nguyễn Hữu Mão vừa đánh giặc, vừa ghi chép nhật ký và viết bài gửi báo chí. Ông viết: “Nhớ lại ngay từ những ngày tháng đối mặt đánh trả máy bay Mỹ cực kỳ gay go, ác liệt ở “chảo lửa” Nghệ An năm 1972, cuộc sống, chiến đấu hy sinh của các đồng đội, sự khốc liệt của chiến tranh và tình quân dân trong khói lửa đạn bom đã thôi thúc tôi cầm bút viết bài gửi Báo Quân đội nhân dân và Tạp chí Văn nghệ Quân đội…”.
111
Tập thể lớp Báo 5 trước ngày ra trường năm 1988
Có thể nói Nguyễn Hữu Mão say mê viết báo ngay từ những ngày ở chiến trường. Khi đơn vị “đi B” làm nhiệm vụ bảo vệ vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973, ông vẫn tiếp tục viết tin, bài gửi ra báo Quân đội nhân dân. Ở chiến trường, mỗi khi viết được cái gì đó, ông lại cho vào phong bì rồi ra ngã ba Khe Sanh, nơi  đường 14 gặp đường 9, chặn hỏi xem có xe ô tô nào của quân ta ra Bắc là nhờ lái xe cầm thư ra ngoài ấy gửi hộ. Vì vậy, ông đã trở thành Thông tin viên chiến trường của báo Quân đội nhân dân.

Kết thúc chiến tranh, ông và một số Thông tin viên xuất sắc của báo Quân đội nhân dân gọi về tòa soạn ở Hà Nội dự một lớp bồi dưỡng viết báo. Ta hãy nghe ông tâm sự thật chân tình: Qua lớp học cấp tốc theo kiểu nhà binh chỉ có mấy tháng ấy, nhờ sự tận tình truyền nghề của các nhà báo bậc thầy như Tổng biên tập Trần Công Mân, các Phó Tổng Biên tập Bùi Tín, Bùi Biên Thùy, các nhà báo phụ trách các phòng biên tập như Vũ Hồ, Trần Ngọc, Ngô Chí Hoạt… và nhiều nhà báo kỳ cựu khác, chúng tôi đã trút bỏ được lối viết cảm tính, tự nhiên theo kiểu “điếc không sợ súng” để hiểu và viết báo một cách có bài bản! Có thể nói, nhờ “cái nôi” ấm áp tình đồng đội ở Báo Quân đội nhân dân và những nhà báo bậc thầy, kỳ cựu dìu dắt, chỉ dẫn từ những bước chập chững thuở ban đầu vào nghề nên hầu hết chúng tôi - những Thông tin viên xuất sắc của Báo Quân đội ở các Quân khu, Quân đoàn, Quân binh chủng dự lớp học ấy - sau này đều đã trở thành các nhà báo chuyên nghiệp…”.

Ông đã dành một chương trong cuốn sách để viết về những dấu ấn trong cuộc đời làm báo của mình. Là một đồng nghiệp, tôi thật sự cảm phục ông về lòng yêu nghề và trách nhiệm của người cầm bút. Đúng như nhà báo Phạm Quốc Toàn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (2005-2015) đã viết về ông trong bài “Một thế hệ nhà báo dấn thân” đăng trên Tạp chí Người làm báo của Hội Nhà báo Việt Nam: Nguyễn Hữu Mão là con người của công việc, trách nhiệm, chu toàn, nghĩa tình, con người của sự dấn thân, tài hoa. Do vậy mà ở đâu, làm bất cứ việc gì đều hoàn thành xuất sắc công việc”.
111
Tặng báo Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Hội báo Xuân Đinh Sửu - năm 1997
Năm 1983, nhà báo Nguyễn Hữu Mão được Quân chủng Phòng không cử đi học Đại học Báo chí ở Trường Tuyên huấn Trung ương 1 (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) với dự kiến khi tốt nghiệp trở về phụ trách tờ báo của Quân chủng. Với tuổi Đảng, tuổi đời vào loại cao nhất so với các học viên trong lớp nên ông được lãnh đạo Trường và Khoa Báo chí chỉ định làm Bí thư Chi bộ của lớp. Rồi suốt cả 5 năm học, qua các lần Đại hội nhiệm kỳ Chi bộ, ông đã gánh vác nhiệm vụ này liền một mạch cho tới lúc tốt nghiệp ra trường! Nhớ về quãng thời gian này, ông viết: “Đây cũng là quãng thời gian tôi có thêm nhiều bạn bè đồng nghiệp ở khắp mọi miền đất nước suốt từ Hà Giang, Cao Bằng đến Kiên Giang, Cà Mau. Tình bạn, tình đồng nghiệp ấy, tôi vẫn trân trọng và giữ mãi. Đến bây giờ, dù đã nghỉ hưu cả chục năm, đi đến địa phương nào tôi cũng có niềm vui được gặp lại bạn bè đồng nghiệp của lớp Báo 5 ngày ấy mà đến nay hầu hết cũng đã nghỉ hưu. Anh em vẫn rất tình cảm và gọi tôi một cách trìu mến là “Anh cả”, là “Bí thư” - cái chức danh mà tôi gắn bó với tập thể lớp suốt 5 năm trời”!

Là một học viên của lớp Báo 5, tôi ngẫm ra chuyện này cũng có nguyên nhân là suốt 5 năm học nhận trách nhiệm làm công tác Đảng ở trường Đảng, mặc dù là sĩ quan Quân đội được cử đi học, nhưng nhà báo Nguyễn Hữu Mão không cứng nhắc mà luôn tỏ rõ chính kiến bảo vệ anh chị em trong lớp - vốn là các nhà báo rất có cá tính - trước những vụ việc phát sinh. Mà lớp Báo 5 chúng tôi thì có nhiều chuyện “nổi tiếng” toàn trường, “nổi tiếng” so với các khóa đào tạo báo chí trước đây!

Kết thúc 5 năm học, với kết quả học tập và thực tế hoạt động làm báo, Nguyễn Hữu Mão được Khoa Báo chí và Trường Tuyên huấn Trung ương 1 ngỏ ý muốn giữ lại làm cán bộ giảng dạy nhưng ông trở về tiếp tục làm báo ở Quân chủng Phòng không.

Bằng lối kể dung dị, ông nói về chặng đường làm báo của mình ở báo Chiến sĩ Phòng không với không ít khăn thiếu thốn. Lúc bấy giờ chưa có thuật ngữ “truyền thông đa phương tiện” nhưng thực tế là các phóng viên báo Quân chủng Phòng không lúc ấy đã hoạt động theo mô hình đó: Làm báo viết để đăng trên tờ tin của Quân chủng và Báo Quân đội nhân dân; làm báo nói khi cộng tác với  Phát thanh Quân đội và làm báo hình khi tham gia cùng Truyền hình Quân đội.

Và dù chỉ “tay ngang” làm truyền hình nhưng ông đã được các đồng nghiệp ở Truyền hình Quân đội đánh giá cao. Truyền hình Quân đội xuống Quân chủng đặt vấn đề xin ông lên Phòng Truyền hình Quân đội công tác và làm nguồn kế cận lãnh đạo Phòng. Thế nhưng một lần nữa ông lại không qua được cửa ải của “nạn giữ người” như những lần trước đây ông bị đơn vị giữ chặt! Và thế là nhiều cơ hội đến rồi lại đi, tuột khỏi tầm tay. Đúng là cán bộ tốt - trách nhiệm lại chịu … thua thiệt nhiều mặt! Vì vậy, trong các cuộc gặp mặt cựu phóng viên Báo Phòng không - Không quân hàng năm, mọi người vẫn nhắc lại chuyện này và nói vui: Lẽ ra cái vị trí Thiếu tướng - Giám đốc Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội là của Nguyễn Hữu Mão…

Nhưng rồi giữ mãi cũng chẳng được, cuối năm 1991, báo Tuổi trẻ Thủ đô của Thành Đoàn Hà Nội rất cần có một Phó Tổng Biên tập, thông qua sự “mách mối” của những nhà báo có uy tín, Thành Đoàn Hà Nội đã vào Quân chủng Phòng không xin và Nguyễn Hữu Mão đã được chấp thuận cho chuyển ngành ra làm Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô từ tháng 1/1992 nhưng với điều kiện 6 tháng đầu ông phải làm việc hai nơi để hoàn thành một số công việc cho Quân chủng Phòng không chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống (1/4/1953 - 1/4/1993).

Đúng là “hữu xạ tự nhiên hương”, ở báo Tuổi trẻ Thủ đô được một năm rưỡi, đến giữa năm 1993, Bộ Tài chính khi ấy có kế hoạch ra tờ báo của ngành vì đã gần 50 năm thành lập mà một Bộ lớn quan trọng như thế mới chỉ có Tạp chí chứ chưa có báo. Lãnh đạo Bộ Tài chính nhờ Vụ Báo chí - Bộ Văn hóa thông tin tìm người về giúp Bộ xây dựng tờ báo. Nguyễn Hữu Mão được Vụ Báo chí giới thiệu cho Bộ Tài chính. Vậy là từ tháng 8/1993, ông chuyển công tác về Bộ Tài chính làm phóng viên một thời gian ngắn, sau đó làm Phó Phòng rồi Trưởng Phòng Thư ký Tòa soạn liền một mạch đến khi nghỉ hưu cuối năm 2011 với cương vị Tổng Thư ký Tòa soạn Thời báo Tài chính Việt Nam.
111
Thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháng 5/2006
Thật thú vị khi đọc những trang viết của ông về quãng thời gian này: “Trong gần 20 năm làm việc ở Thời báo Tài chính Viêt Nam, tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ của đời làm báo, trong đó đáng nhớ nhất là lần tặng báo Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Hội báo Xuân toàn quốc dịp Tết Nguyên đán Đinh Sửu năm 1997 và cuộc gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp mùa hè năm 2006”.

Cho đến nay, các đồng nghiệp của ông ở Thời báo Tài chính Việt Nam đều nói rằng, bức ảnh nhà báo Nguyễn Hữu Mão tặng báo Tổng Bí thư Đỗ Mười là bức ảnh truyền thống đẹp nhất của báo.

Đọc đến đoạn ông viết kể lại lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi phải ghen tị với ông bởi không phải nhà báo nào cũng có được niềm vinh dự như thế! Ta hãy nghe ông kể: “Trung tuần tháng 5/2006, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập đơn vị, Ban liên lạc Bạn chiến đấu Trung đoàn 263 tên lửa phòng không - đơn vị tôi trong những năm chiến tranh - tổ chức một đoàn đại diện cựu chiến binh của Trung đoàn, trong đó có cả các đồng chí mang quân hàm cấp tướng, đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu - Hà Nội. Năm ấy Đại tướng đã 95 tuổi, nhìn dáng vẻ bên ngoài, tôi thấy hôm đó hình như Đại tướng không được khoẻ cho lắm, nhưng ông trò chuyện vẫn rất tinh nhanh và đầy trí tuệ. Mở đầu, đồng chí Trưởng Ban liên lạc Bạn chiến đấu của Trung đoàn tôi giới thiệu sơ qua từng anh em có mặt. Khi đồng chí Trưởng Ban liên lạc giới thiệu đến tôi nguyên là sinh viên khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội nhập ngũ ngay từ đợt đầu tiên tổng động viên sinh viên các trường đại học vào quân đội tháng 8/1970, từ chiến sỹ thông tin của Đại đội chỉ huy trở thành sỹ quan - trợ lý chính trị của Trung đoàn, Sư đoàn, Quân chủng và hiện đã chuyển ngành ra làm báo, Đại tướng nhìn tôi chăm chú:

- Như vậy là khi đất nước có giặc thì xếp bút nghiên ra trận. Đánh giặc xong rồi ta lại về với nghiệp cầm bút… Đồng chí làm ở báo nào?

- Dạ… Thưa Đại tướng! Tôi ở Thời báo Tài chính Việt Nam thuộc Bộ Tài chính ạ.

- Vậy à… - Đại tướng cười hỏi tôi - Làm báo của Bộ Tài chính thì chắc là nhiều tiền lắm nhỉ?

Thế là tất cả chúng tôi đều cười vui cùng câu hỏi đùa của Đại tướng”…

Với một nhà báo có thâm niên và tinh thông nghề thư ký tòa soạn như ông Nguyễn Hữu Mão, trước ngày ông nghỉ hưu, mấy Tổng biên tập báo của các hội đoàn thể đã ngỏ ý mời ông tiếp tục về làm việc với chức trách Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung nhưng ông đều từ chối vì như ông nói “thực sự đã đến lúc tôi muốn nghỉ ngơi sau nhiều năm làm việc”.

Tuy vậy, sau ngày nghỉ hưu được ít tháng, đầu năm 2012, với niềm đam mê nghề nghiệp chưa nguội lạnh, ông đã nhận lời giúp cơ quan Kiểm toán Nhà nước chuẩn bị cơ sở vật chất trang thiết bị, tuyển dụng và bồi dưỡng phóng viên, hướng dẫn thực hiện quy trình làm báo. Chỉ sau 4 tháng, đúng vào dịp kỷ niệm 18 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước, ngày 11/7/2012, tờ báo Kiểm toán số 1 đã ra mắt bạn đọc trong niềm vui mừng, phấn khởi của lãnh đạo, cán bộ, công chức ngành Kiểm toán Nhà nước. Thể theo yêu cầu của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và cũng là nguyện vọng của anh chị em trong tòa soạn, ông ở lại giúp Báo Kiểm toán với tư cách một chuyên gia thêm 5 năm nữa, đến đầu năm 2017 thì nghỉ hẳn.

Ông khép lại chương sách viết về những dấu ấn của cuộc đời làm báo bằng lời tâm sự thật đáng trân trọng: “Chặng đường làm báo chuyên nghiệp hơn 30 năm của tôi dừng lại ở đó nhưng cũng từ ngày ấy, tôi vẫn thường xuyên cộng tác viết bài cho các báo như một cái nghiệp của nghề cầm bút - đó là nghề do tôi chọn có chủ định và tôi luôn cho rằng mình đã chọn đúng! Nghề ấy, có thể ví như bắt đầu từ cái hạt được ươm mầm trong 2 năm Đại học Sư phạm Văn khoa rồi được vãi ra “mảnh đất” là cuộc sống chiến đấu đánh giặc của người lính để mọc thành cây… Rồi cái cây ấy đã phát triển tươi tốt, gắn bó với cả đời tôi và tôi luôn tự hào với nghề nghiệp của mình: NHÀ BÁO”!
Với tư cách là một đồng nghiệp lứa đàn em, tôi thực sự ngưỡng mộ nhà báo Nguyễn Hữu Mão!

 
Nguyễn Công Đán

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây