Nhà báo Lê Đình Giao và bài thơ nhớ vợ Xuân Nhâm Dần 2022
Thứ ba - 22/02/2022 16:51
Trong số các nhà báo quê Hưng Yên từng công tác tại Báo Hưng Yên những năm 60, rồi công tác tại Báo Hải Hưng những năm sau này, duy nhất chỉ một nhà báo Lê Đình Giao hiện còn sống tại làng Bái, xã Đông Kết, huyện Khoái Châu. Các bậc đàn anh cùng thời làm báo Hưng Yên những năm 60 với nhà báo Lê Đình Giao như các nhà báo Trần Tuấn Doanh, Lê Ngọc Dưỡng, Lâm Hải Ngọc, Lê Tất Đắc, Nguyễn Như Nhất, Hoàng Kim, Thế Dũng, Nguyễn Hưng đều đã mất. Nhà báo Lê Đình Giao sinh năm 1937, nay đã bước sang tuổi 85, nhưng vẫn rất khoẻ mạnh và minh mẫn, dù hàng ngày phải uống thuốc cao huyết áp. Đã nhiều năm nay tôi không có dịp gặp chú Giao. Mà thực ra, hồi làm báo Hải Hưng, tiếng là cùng cơ quan nhưng tôi cũng ít được gặp chú. Vì thời gian ở với chú không được nhiều, khoảng 2 năm (tôi về Báo cuối năm 1988, chú nghỉ hưu năm 1990). Mặt khác, do công việc, chú là phóng viên thường trú, mỗi tháng về cơ quan nhận kế hoạch công tác một lần, tôi thì còn trẻ, lại thường chơi với cánh thanh niên, nên chỉ khi nào chú ngủ lại cơ quan thì chú cháu nói chuyện với nhau nhiều hơn. Có một số lần cô Gái - vợ chú ra chơi, cô chú nấu cơm rồi bảo tôi ăn cùng… Từ ngày chú nghỉ hưu, tôi cũng đôi lần ghé thăm chú. Và dịp Tết Nhâm Dần 2022 này, sau tiếng tôi gọi, chú đã nhận ra tôi ngay, mặc dù tôi thực hiện 5K, đeo khẩu trang che kín nửa mặt. Chú đưa tôi sang khu nhà thờ. Nhà thờ ba gian bằng gỗ mới được xây dựng khá là rộng rãi và bề thế. Cháu trai trưởng của chú đang là chủ của một cửa hàng in ấn hiện đại về giúp ông pha trà tiếp khách. Theo lời chú Giao kể thì chú về Báo Hưng Yên năm 1965. Hồi ấy, chú là chiến sĩ tuyên truyền thuộc Tỉnh đội Hưng Yên. Chú hay viết tin, là cộng tác viên của Báo. Chú có tài văn nghệ, vừa là diễn viên nghiệp dư, lại có tài đánh đàn và thổi sáo nên đơn vị muốn giữ chú lại. Chính nhà báo Lê Ngọc Dưỡng - Phó Tổng Biên tập Báo Hưng Yên hồi đó đã sang Tỉnh đội đặt vấn đề xin chú về Báo. Nhờ đó chú chuyển ngành và gắn bó với nghề báo 36 năm trời. Chú tâm sự: “Cần có trách nhiệm với nghề, 36 năm, mình chưa một lần nghỉ phép, vì mải làm nên quên đề nghị việc tăng lương nên có dạo 8 năm trời mới được lên một bậc, nhưng bài vở bao giờ cũng đúng hẹn. Dạo lụt năm 1971, nước lụt tứ bề nhưng mình vẫn đạp xe từ Khoái Châu sang khu Tỉnh uỷ Hải Hưng, hôm đó chỉ có mình và Tổng Biên tập Nguyễn Thi, nước ngập quá đầu gối, hai người hì hục khuân vác báo chí, tài liệu và đồ dùng, Tổng Biên tập giao cho mình giữ luôn cả con dấu của cơ quan, một vài ngày sau mọi người mới đến”. Nói về trách nhiệm “tai nghe mắt thấy” của người viết báo, chú kể: “Chú từng viết bài phê bình huyện Châu Giang bỏ không trồng cây trong dịp Tết. Năm ấy, tỉnh phát động trồng cây từ ngoài Tết, vậy là từ mồng Một Tết, chú đã đạp xe khắp huyện Châu Giang, khi tin đăng lên, cán bộ huyện có người không bằng lòng, nhưng cuối cùng chính Bí thư huyện uỷ gặp chú và tiếp thu. Sau này, có vụ việc nào nổi cộm, Báo Hải Hưng thường cử chú đi điều tra...”
Nhà báo Lê Đình Giao trước khi nghỉ hưu là Phó phòng Biên tập và tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Hải Hưng nhiệm kì III từ năm 1986 đến 1990. Trong mắt đồng nghiệp, chú Lê Đình Giao là một nhà báo tâm huyết, có bản lĩnh và rất quan tâm giúp đỡ mọi người. Khi về hưu, chú còn được dân làng bầu làm trưởng thôn 10 năm trời. Nhiều năm chú kiêm luôn Bí thư chi bộ. Sau này, chú còn làm Chủ nhiệm Quỹ Tín dụng Đông Kết 10 năm liền với doanh số cho vay rất lớn và mang lại nhiều lợi nhuận cho xã viên…
Trong câu chuyện, chú tỏ lòng biết ơn người bạn đời - cô Gái, vợ chú đã đảm đang việc nhà, vừa lo làm kinh tế, vừa lo chăm sóc chồng con, để chú yên tâm viết báo. Quả thật, tài đảm đang vừa làm ruộng giỏi lại thạo nghề làm giò chả, nghề bánh trái cùng đi buôn bán trong Nam ngoài Bắc của cô được truyền kể từ hồi tôi cùng làm báo với chú. Các con của cô chú cũng rất trưởng thành và quan tâm tới mẹ cha. Bảy người con của cô chú đã “mỗi người một dinh cơ” như chú nói. Nỗi buồn khôn nguôi của chú là cô Gái đã mất vào tháng 3 năm Tân Sửu 2021 vừa qua. Tết năm nay, đêm giao thừa chú khóc vì nhớ cô, và chú đã làm thơ về người bạn đời của mình như sau:
TÂM SỰ ĐÊM GIAO THỪA
Ăn Tết năm nay, vắng bóng bà Tôi buồn, tôi chẳng thiết chơi hoa Đốt hương ba nén chưa toả khói Máy lửa buông rơi nước mắt nhoà
Thôi thế từ đây một một ta Một ta lặng lẽ đón giao thừa Pháo nổ đì đùng người vui Tết Giội vào lòng ta mỗi xót xa
Nhớ bà, nhớ lại cảnh năm xưa Cảnh nghèo rau cháo, bữa đói no Nửa đêm bà còn đi chạy gạo Con cái tựa cửa ngóng trông chờ
May sao cảnh đó sớm qua nhanh Thắng giặc, hoà vui cả nước mình Thị trường mở cửa, đua buôn bán Chợ Bái tưng bừng khách bôn ba
Trời phú cho bà nết đảm đang Giao lưu bè bạn lắm chiêu hàng Buôn bán đã hay, cày cũng giỏi Con cái theo bà cũng mở mang
Từ đó nhà ta trọn niềm vui Bảy con, bảy cửa, bảy cơ ngơi Nhìn theo xã hội lòng hưng phấn Ơn Đảng cao sâu tựa biển trời
Cội nguồn, ta nhớ đến cha ông Ta dựng nhà thờ, phụng Tổ tông Đời đời cháu con về kính lễ Huyết mẹ - Danh cha giữ lấy dòng
Ngẫm thế, thời tôi cũng nguôi nguôi Nghĩ lại, rồi tôi cũng qua đời Hổ chết để da, chim để tiếng Linh ứng hồn thiêng, để lại đời.”
… Trong câu chuyện, nhà báo Lê Đình Giao kể hàng năm vẫn được Báo Hưng Yên, Báo Hải Hưng tới tặng quà Tết, và nhà báo mong được gặp lại cơ quan cũng như các hội viên nhà báo để ôn lại một thời đạp xe khắp Hải Hưng tìm cái hay cái mới và cả những điều chưa đẹp cần phê phán để đưa tin viết bài…