Đó là chia sẻ của nhà báo ALăng Ngước – Báo Quảng Nam khi nói về loạt bài “Ánh sáng ở vùng cao” vừa giành giải B Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ VI - năm 2021.
+ “Ánh sáng ở vùng cao” là tác phẩm đời thường, giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Xuất phát từ đâu anh lựa chọn đề tài này?
- Viết về xây dựng Đảng thường rất khó, phóng viên nội chính sẽ thực hiện vì luôn bám sát các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND, biết những đường lối chính sách, nghị quyết đề ra. Tôi phụ trách mảng dân tộc miền núi và quân sự của báo, là người con của đồng bào dân tộc Cơ Tu, lợi thế phụ trách thông tin tuyên truyền về đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, trong những năm vừa qua, lãnh đạo Báo, Ban Biên tập Báo Quảng Nam luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí viết về xây dựng Đảng.
Đồng thời, nhờ sự khuyến khích động viên, “đặt hàng” của Báo Quảng Nam nên chúng tôi luôn đầu tư triển khai các tác phẩm mang chất lượng cao. Loạt bài “Ánh sáng ở vùng cao” nói về đời sống cán bộ người dân vùng cao không phải là mới vì nhiều năm qua cán bộ đảng viên và nhân dân luôn có sự chung sức chung lòng.
Để triển khai đề tài này tôi đã xâu chuỗi lại rất nhiều vấn đề để cố gắng xây dựng được những bài chuyên sâu hơn. Làm sao phản ánh một cách đầy đủ, gần gũi câu chuyện về những cán bộ đảng viên đã làm nhiều việc ý nghĩa cho cộng đồng. Tôi xây dựng đề cương, đăng ký với Ban Biên tập. Ngay sau khi được sự đồng ý của Ban Biên tập, tôi tiến hành triển khai thông tin và viết bài.
+ Phỏng vấn những người dân cho đến Bí thư Chi bộ, lãnh đạo huyện miền núi ở nhiều địa phương xa xôi, trong quá trình triển khai anh đã gặp những khó khăn gì, thưa nhà báo?
- Dù đã tìm hiểu từ lâu, nhưng để triển khai loạt bài cũng mất khá nhiều thời gian, thậm chí là cả tháng. Đa số đồng bào dân tộc sống khu vực biên giới, rừng núi, quá trình đi rất lâu, mỗi nhân vật mình gặp có thể mất một tuần mới trở về. Từ thành phố mà lên huyện miền núi khoảng hơn 300km. Nhưng cái khó khăn nhất vẫn là hẹn gặp được nhân vật, nhiều người đi làm nương rẫy. Họ vào rừng từ sớm, có khi mất cả ngày để chờ. Tôi thường trao đổi thông tin bằng tiếng đồng bào dân tộc nên cũng rất thuận lợi. Vì dùng tiếng phổ thông họ sẽ không truyền đạt được hết ý nghĩa những câu chuyện mà họ muốn chia sẻ.
+ Trong loạt 4 bài “Ánh sáng ở vùng cao” anh nhớ kỷ niệm gì, đặc biệt những nhân vật với những việc làm ý nghĩa của họ?
- Điều tôi ấn tượng là những giá trị thật sự mà họ đã làm, rất nhiều người, như ông Nguyễn Thế Thọ - một đảng viên tại phòng VH-TT huyện Phước Sơn. Trong một lần đi xuống cơ sở, khi tình cờ biết sự việc ông bất chấp hủ tục của làng để cứu sống một đứa trẻ vừa ra đời nhưng mẹ mất, được người dân làng cho là “ma rừng” phải chôn sống cùng mẹ. Vượt qua mọi cản trở của dân làng, ông mang về nuôi dưỡng và đặt tên con là Nguyễn Thế Phước, ông luôn coi Phước như là con ruột của mình. Đó là một trong những người đảng viên quyết đoán mà tôi luôn ấn tượng.
Trong bài 3 nói về “Đối đầu, bước qua hủ tục” tôi cũng chia sẻ về câu chuyện của chính tôi, khi từng suýt bị chôn sống. Năm đó, mẹ tôi kể, lúc sinh ra đời, tôi không chịu khóc, mặc cho bà đỡ dùng rất nhiều biện pháp. Dân làng “khuyên” mẹ tôi nên bỏ đứa trẻ vì “bây giờ không khóc, có sống nó cũng bị câm”. Nhưng, mẹ nhất quyết giữ lại, giành giật mạng sống cho con từ hủ tục cay nghiệt, để có tôi hôm nay.
Từ câu chuyện của mình và câu chuyện của những đảng viên dám đối đầu với hủ tục tôi thấy được giá trị thực sự của cuộc sống. Ngoài ông Nguyễn Thế Thọ còn có rất nhiều đảng viên khác có những việc làm ý nghĩa, sáng tạo cho cộng đồng. Nhiều người còn kiên trì đối đầu với những suy nghĩ lối sống tiêu cực khi bà con phát triển kinh tế xã hội. Đã có những đảng viên, Chi bộ Đảng khéo léo vận động đồng bào dân tộc tham gia các mô hình trồng sâm Ngọc Linh, chăn nuôi cho đến nay mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, nhờ đó mà thoát nghèo.
+ “Ánh sáng ở vùng cao” không khô cứng trong cách thể hiện một tác phẩm báo điện tử, vậy anh làm thế nào để từng câu, từng đoạn trong các bài đều có sức hút độc giả?
- Đây là thể loại báo chí phóng sự, đòi hỏi cách viết phải mới lạ hấp dẫn trong câu từ, đặc biệt phóng sự mà viết về xây dựng Đảng càng khó hơn. Làm sao lồng ghép được những quyết sách, chủ trương của Đảng, Nghị quyết vào với đời sống cán bộ đảng viên. Sau nhiều lần suy nghĩ, tôi nghĩ nếu chỉ là phóng sự ghi chép bình thường sẽ không thu hút, hấp dẫn, tôi chuyển sang viết phóng sự gắn với những câu chuyện của nhân vật. Kể lại câu chuyện của các nhân vật một cách mới mẻ hơn. Mỗi nhân vật tôi đều cảm nhận được tinh thần của họ trong đó.
Tôi cũng học khá nhiều ở những phóng sự của đồng nghiệp, cách sử dụng văn phong ra làm sao. Tôi nghĩ viết về xây dựng Đảng sẽ rất rộng, viết không nhất thiết phải cho vào đó Nghị quyết, Chỉ thị, văn bản hay các con số. Ở đây xây dựng Đảng là những câu chuyện của đảng viên, các Chi bộ ở cơ sở với những việc làm của họ cho cộng đồng, đó cũng là một cách tuyên truyền linh hoạt, hiệu quả về công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Thông qua việc làm gương, hành động thực tế mang hơi thở cuộc sống của họ và các đảng viên, người dân nơi khác sẽ hưởng ứng để nhân rộng hơn.
+ Như anh nói, việc thực hiện loạt bài thường mất nhiều thời gian, có khi hàng tháng, vài tháng. Anh đã làm như thế nào để xây dựng được các vệt bài chất lượng, đoạt được nhiều giải thưởng báo chí thưa anh?
- Ngoài công việc đưa tin bài xuyên suốt hằng ngày, hằng tháng, thì tôi có đặt mục tiêu là làm loạt bài chuyên sâu trong một năm. Để làm được loạt bài này mất rất nhiều thời gian, công sức. Nhiều anh em báo chí của tỉnh cũng đặt mục tiêu như vậy để hướng tới, tham gia các Giải Báo chí do HNBVN tổ chức. Đó cũng là một cách để khích lệ tinh thần, tạo động lực, vui hơn về nghề, học hỏi thêm cách làm báo của anh em đồng nghiệp, để cố gắng tạo ra tác phẩm báo chí chất lượng hơn.
Làm báo là kiên trì, mạch viết của mình cần phải được thông suốt, nếu bị ngắt quãng dừng viết việc nối lại phải mất rất nhiều thời gian. Kinh nghiệm của mình là đi về thì làm luôn cho “nóng” theo đúng mạch cảm xúc mình vừa đi thực tế. Thậm chí trên đường về mình có thể hình dung các chi tiết, đoạn này sẽ viết như thế nào cho hay, chỗ nào để dành...
Là người đồng báo dân tộc thiểu số Cơ Tu, tôi trải qua nhiều khó khăn, kể cả thời đi học ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú, trong những lúc khó khăn nhất đó nhờ nghề báo đã giúp tôi vượt qua tất cả, ngoài tiền nhuận bút hỗ trợ lúc đi học, chính những nhân vật đã phỏng vấn cho mình thêm mạnh mẽ hơn…
+ Xin cảm ơn anh!
Lê Tâm (thực hiện)
Theo NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên