Để hiểu rõ hơn về quá trình thực hiện đề tài này, PV Báo NB&CL đã có cuộc trò chuyện cùng nhà báo Nguyễn Công Khanh - Thư ký tòa soạn Báo Đại Đoàn Kết xung quanh loạt bài này.
+ Ngay từ bài đầu tiên trong bài loạt bài điều tra độc quyền về hoạt động về CLB Tình Người đăng tải, Báo Đại Đoàn Kết đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của dư luận. Một đề tài khá khó và gai góc, vậy quá trình triển khai bắt đầu như thế nào thưa anh?
- Xuất phát từ phản ánh của những nạn nhân của CLB Tình người, phóng viên tiếp cận được những nạn nhân của CLB này. Họ đã từng sinh hoạt trong CLB, thập chí là sinh hoạt lâu, đã giữ vị trí quan trọng trong câu lạc bộ. Mục đích ban đầu của họ là tham gia CLB để làm thiện nguyện, mong muốn đóng góp công sức cho xã hội, hỗ trợ cộng đồng với mục đích tốt đẹp. Nhưng sau một thời gian tham gia, nhiều nạn nhân này thấy rằng, những gì tốt đẹp mà một số cá nhân chủ chốt của CLB rao giảng nó chỉ là vỏ bọc, để các thành viên chủ chốt này trục lợi từ các thành viên khác.
Khi bị trục lợi cả về danh tính, uy tín, cả về vật chất, công sức lao động, những nạn nhân này nhận ra sai lầm. Họ cảm thấy không thể chấp nhận được. Họ muốn bóc trần những sai trái, để không ai bị lôi kéo thêm, đồng thời thức tỉnh những thành viên khác. Họ sẵn sàng đối đầu với những thành viên chủ chốt câu lạc bộ mà họ đã tham gia. Ngoài việc đăng tải sự thật lên mạng xã hội, họ đã tìm đến Báo Đại Đoàn Kết để nêu những bức xúc mà mình gặp phải. Nhiều thành viên đã phản ánh CLB đang có nhiều dấu hiệu lừa đảo. Các bằng chứng cho thấy CLB này đã tạo ra vỏ bọc minh bạch để ẩn chứa các hoạt động khác…
Sau khi nhận thấy đây là một vấn đề lớn, nhưng cũng là vấn đề khó, quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt đã quyết định thực hiện tuyến bài điều tra, để phóng viên thâm nhập tìm hiểu thực tế CLB, xác minh rõ lại thông tin, đây chính là điểm mấu chốt để ra đời tuyến bài.
+ Loạt bài về hoạt động của CLB Tình Người có nhiều tư liệu, hình ảnh chân thật, việc sử dụng câu từ chặt chẽ, thống nhất, đặc biệt là tinh thần tôn trọng sự thật, chắc hẳn công tác thu thập hồ sơ tài liệu, chứng cứ được Ban biên tập đặc biệt quan tâm, thưa anh?
- Đúng vậy! Trước khi triển khai, dưới sự chỉ đạo của nhà báo Lê Anh Đạt, báo đã xây dựng kế hoạch, lường trước các vấn đề có thể xảy ra, chúng tôi hiểu rằng muốn viết nên sự thật thì phải tiếp cận sự thật. Chúng tôi đã cử phóng viên thâm nhập thực tế và thấy rằng những điều các nạn nhân thông tin cho báo là đúng sự thật, có cơ sở. Bằng những hoạt động nghiệp vụ, báo đã thu thập thêm các tư liệu, gặp gỡ nhân chứng, làm việc với các cơ quan chức năng, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, luật sư…
Sau một thời gian, chúng tôi đã thu thập được nguồn tư liệu rất lớn. Gồm các văn bản, giấy tờ, hình ảnh, video, ghi âm… các nguồn tài liệu khác. Chúng tôi tập trung phân tích tài liệu, bóc tách các mảng miếng để có được bức tranh toàn cảnh và nhiều chiều về CLB này.
Đặc biệt, khi nhận thấy CLB có những hoạt động mang màu sắc mê tín, truyền bá dị đoan, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ những quy định pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo để áp dụng, phân định rõ đúng sai. Dưới sự chỉ đạo nhất quán và mạnh mẽ của Ban Biên tập, nhóm phóng viên điều tra đã rà soát từng chi tiết nhỏ, thậm chí ngay cả cách gọi tên các nhân vật trong bài làm sao cho đúng, gọi tên hoạt động như thế nào cũng được tính toán, đảm bảo tính thống nhất.
May mắn hơn, trong quá trình triển khai, báo đã nhận được sự đồng lòng tích cực từ các nạn nhân của CLB, họ sẵn sàng cung cấp các thông tin. Ban đầu họ là những nhân chứng ngầm, nhưng sau khi báo đăng tải những loạt bài có hiệu ứng mạnh mẽ, họ đã sẵn sàng xuất hiện trên mặt báo. Họ nói lên tiếng nói của mình, họ là những người mạnh mẽ, vững vàng. Đây cũng là điểm quan trọng để báo có sự tương tác với bạn đọc, truyền tải thông tin đến bạn đọc.
+ Viết về đề tài đấu tranh bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan, một lĩnh vực được nhiều người quan tâm, nhưng cũng tương đối khó, chắc hẳn anh và đồng nghiệp cũng có những áp lực riêng?
- Sau loạt bài đầu tiên, chúng tôi nhận được nhiều sự ủng hộ của bạn đọc, nhiều độc giả gửi thư đến cảm ơn quý báo đã giúp họ thoát khỏi “nhà tù” của mê tín dị đoan. Nhiều bạn đọc đã cảm ơn vì sự dũng cảm của báo để đưa sự việc ra ánh sáng. Chúng tôi cũng nhận được được sự tiếp lửa của nhiều cơ quan báo chí lớn khác. Nhưng bên cạnh đó cũng nhận được sự phản kháng dữ dội từ CLB, họ cho rằng báo đã đăng thông tin sai lệch. Cho rằng họ làm đúng, đại diện CLB đã lên làm việc với báo, Ban biên tập báo đã tiếp và làm việc với CLB, họ yêu cầu báo phải gỡ, sửa thông tin.
Tuy nhiên vì nắm trong tay những tư liệu chắc chắn, những thông tin đầy đủ, khách quan đa chiều về hoạt động của CLB nên báo đã vững tin, giữ nguyên các bài viết đã đăng tải, tiếp tục làm sâu, rộng hơn những vấn đề đã nêu. Đích thân quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt đã theo dõi sát sao và có các chỉ đạo kịp thời các bước đi của tuyến bài.
Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu bạn đọc, sau đó Ban Biên tập quyết định thực hiện đăng báo giấy, với loạt bài “Vén bức màn bí ẩn Câu lạc bộ Tình Người mang màu sắc “ma mị” giữa Thủ đô”. Chúng tôi triển khai một cách mạnh mẽ để phân tích về quyển sách được gọi là “pháp bảo” của CLB. Về mô hình tổ chức của CLB, về hoạt động, nguồn tài chính. Chúng tôi cũng đăng tải những tâm sự chân tình của nạn nhân của CLB, họ mất mát như thế nào, chịu đựng ra sao…
Sau mỗi một số báo đều nhận được phản hồi từ CLB, nhưng báo vẫn tiếp tục giữ vững quan điểm đi đến cùng và nói lên sự thật. Bước tiếp theo báo đưa vấn đề này lên diễn đàn Quốc hội, phỏng vấn xin thêm ý kiến của các cơ quan chức năng như: Ban Tôn giáo Chính phủ, các cuộc họp báo của Chính phủ, UBND TP. Hà Nội, UBND Quận Cầu Giấy, các cơ quan quản lý nhà nước khác ở các địa phương…
+ Trong quá trình triển khai và phát hành, báo đã có nhiều hình thức truyền tải thông tin tới bạn đọc, công chúng rất sáng tạo và hiệu quả. Anh có thể chia sẻ thêm về buổi tọa đàm này?
- Sau nhiều loạt bài trên báo giấy, báo điện tử, chúng tôi tổ chức tọa đàm với chủ đề “Trách nhiệm công chức trước hoạt động mê tín dị đoan”. Buổi tọa đàm có sự tham gia của Giáo sư Hoàng Chí Bảo; Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng; ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội…
Đây là toạ đàm thứ hai mà chúng tôi thực hiện nhằm khẳng định sự công khai, minh bạch với bạn đọc. Buổi tọa đàm gióng lên hồi chuông cảnh báo và cảnh tỉnh những người còn đang làm thành viên của CLB, khi còn đang là cán bộ công chức, thậm chí là giữ chức vụ lãnh đạo trong cơ quan đơn vị. Họ đang bị lợi dụng, tránh cho họ trở thành bia đỡ đạn, chỗ dựa cho những thành viên cốt cán câu lạc bộ lợi dụng để trục lợi. Sau khi loạt bài đăng tải, nhiều nạn nhân đã thức tỉnh không tham gia nữa.
+ Loạt bài được trao giải B Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba. Đây là sự ghi nhận, biểu dương công sức, trí tuệ của các nhà báo. Qua loạt bài này anh và đồng nghiệp sẽ có thêm những kinh nghiệm gì cho hành trình sau này?
- Qua việc thực hiện đề tài gai góc này, chúng tôi đã được trang bị những bài học nghiệp vụ lớn từ khâu xác định đề tài, thu thập tư liệu, thẩm định thông tin, tiếp cận nhân chứng… Một trong những điều quan trọng nhất là chúng tôi nhận được sự chỉ đạo sát sao và quyết tâm từ lãnh đạo báo. Quyết tâm lớn đó đã truyền động lực cho nhóm thực hiện loạt bài một cách bài bản, chặt chẽ với tinh thần không bỏ cuộc.
Do làm việc một cách bài bản, khoa học nên hiện báo vẫn còn trữ lượng tài liệu lớn về hoạt động của CLB này và sẽ tiếp tục phản ánh, đi tới cùng sự thật.
Sự thành công của loạt bài, giúp chúng tôi hiểu rằng mọi hoạt động báo chí phải luôn luôn dựa trên tinh thần tôn trọng sự thật, đầu tư kỹ lưỡng về mặt nghiệp vụ với tinh thần quyết tâm đi đến cùng vụ việc. Chúng tôi không chỉ đấu tranh để tìm ra tiêu cực, đưa sự thật ra công luận mà còn đấu tranh một cách tích cực, mang tính xây dựng, giúp nhiều người lầm đường quay trở lại cuộc sống với sự cảnh tỉnh sâu sắc.
Lê Tâm (thực hiện)
Theo NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên