Chuyện về một người anh của ''làng báo'' chúng tôi

Chủ nhật - 13/02/2022 19:50
Ngày 30/11/1991 đánh dấu sự ra đời của Đài Phát thanh – Truyền hình (PT - TH) Kon Tum. 30 năm đã qua, mỗi dịp được tề tựu, sum vầy, chúng tôi lại không nguôi nhớ về “cái thuở ban đầu ” còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn. Với anh Võ Tấn Long - Giám đốc, Tổng Biên tập đầu tiên của Đài PT-TH, đó chính là sự kính trọng, quý mến dành cho một người lãnh đạo, một người anh gần gũi, thân thiết.

Lần giở lại kỷ niệm từ những năm tháng công tác đầu tiên sau ngày Đài PT-TH được thành lập, thật may mắn khi tôi còn lưu giữ một số bản viết tay tin, bài của chính mình. Quên làm sao được những ngày gian khó thực hiện phóng sự “Lời ngỏ một vùng sâm''' (đề cập đến quan tâm bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh). Lại nhớ biết bao những ngày lặn lội hoàn thành chương trình “Tiếp nối một chặng đường” (ôn lại truyền thống của lực lượng vũ trang thị xã Kon Tum)... Ngày ấy, trên trang giấy không dòng kẻ hẩm vàng, Ở phần đầu góc trái viết tay của chúng tôi, đều ghi dấu một chữ ký quen thuộc. Chữ ký của Giám đốc, Tổng biên tập Võ Tấn Long. Bao năm trôi qua, màu mực vẫn chưa nhòe...

Còn nhớ, sau một thời gian ngổn ngang bận rộn với việc sắp xếp, ổn định tổ chức và hoạt động của đài tỉnh, cuối năm 1991, chú Dúi Dăm Reng - Lãnh đạo đầu tiên trong cương vị Phó Giám đốc Đài vui vẻ thông báo về việc đón  giám đốc của Đài.

Được đào tạo chỉn chu chuyên ngành báo chí-tuyên truyền, lại trải qua thực tế tác nghiệp tại Báo Đảng của tỉnh Gia Lai Kon Tum (cũ) là thuận lợi cơ bản, song cùng lúc đảm nhận trọng trách Tổng Biên tập Báo Kon Tum và Giám đốc Đài PT-TH tỉnh, với anh Võ Tấn Long là thử thách không nhỏ. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, chỉ tập trung cao độ cho công việc thì chưa đủ, mà quan trọng là phải chủ động cách thức chỉ đạo, điều hành, bố trí, sắp xếp phù hợp mọi công việc, hoạt động. Từ vài dãy nhà cấp 4 cũ tận dụng của Công ty Cao su,  phòng dựng truyền hình là chiếc cô-nét cũ chật chội đến đầu tư xây dựng trụ sở kiên cố, phòng dựng cách âm, lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật với máy quay băng VHF, từ những chương trình với thời lượng khiêm tốn đến các bản tin đa dạng về nội dung, các phóng sự “dài hơi”, các mục và chuyên mục; từ tiếp nhận, bổ sung nhân lực đến kiện toàn bộ máy tổ chức Đảng, đoàn thể  cơ quan... đều không thể nằm ngoài chủ động sắp xếp, tính toán của người đứng đầu.
Nhìn lại những ngày đầu thành lập Đài, có lẽ, không được chứng kiến, không thể hình dung nổi sự thiếu thốn, những thử thách, khó khăn đến nhường nào. Tuy vậy, vượt lên tất cả, tiếng nói của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vẫn nhanh chóng được vang lên một cách đầy tự tin, tự hào.
Anh Hoàng Xuân Công - Nguyên Trưởng phòng Biên tập (nay là phòng Thời sự), Đài PT-TH tỉnh kể: Được “chia lửa” từ Đài Gia Lai Kon Tum, song ban đầu, anh chị em phóng viên đã ít ỏi, lại hầu hết đều còn trẻ cả về tuổi đời, tuổi nghề, chưa nhiều kinh nghiệm. Cán bộ quản lý các phòng đa phần cũng mới được đề bạt, còn bỡ ngỡ. Vì vậy, được làm việc dưới sự lãnh đạo của một “đàn anh” có “tay nghề”, vững chuyên môn thì thực sự rất yên tâm, phấn  khởi.

Không chỉ trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, công việc cũng là nơi bản tính thật thà, tốt bụng của người đứng đầu được thể hiện rõ nét, đem lại sự tin cậy cho mọi người. Được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ “gác cổng” khâu nội dung, trọng tâm biên tập, điều anh Xuân Công trân trọng là sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, rành mạch của  Tổng biên tập Võ Tấn Long luôn tạo cho cấp dưới sự tin tưởng rất cần thiết. Trong chỉ đạo, điều hành, tuy không nặng về họp hành, song luôn kịp thời, nhanh chóng, quyết đoán. Giao nhiệm vụ, song anh Long không lơ là, “khoán trắng”, mà luôn theo dõi sát sao, thường xuyên trao đổi để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Hoàn cảnh tài chính cơ quan eo hẹp, anh thường cân nhắc, cân đối, ưu tiên tập trung phục vụ yêu cầu công tác chuyên môn. Giai đoạn đầu sau thành lập tỉnh còn nhiều khó khăn, nên việc tranh thủ tuyên truyền về địa phương trên làn sóng quốc gia luôn được anh đặc biệt quan tâm. Với các kỳ Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc do VTV tổ chức, bộ phận biên tập luôn được chỉ đạo chủ động kế hoạch, phương án tác nghiệp và tập trung xúc tiến; tạo sự tin tưởng, hòa nhập trong sự phát triển chung.

Trưởng thành từ một phóng viên của Đài PT-TH Kon Tum, với nhà báo Lê Tuất, dấu ấn về người lãnh đạo Võ Tấn Long trước hết, là một nhà báo, nhà quản lý báo chí “có nghề và có tâm”. Trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều anh coi trọng là khơi dậy tính tự chủ, sáng tạo của anh em; vì vậy, anh thường “gợi mở” chứ “không áp đặt” và đặc biệt là rất coi trọng công sức của mọi người, tôn trọng tác phẩm của anh em phóng viên. Đó chính là những điều đáng quý trọng mà nữ nhà báo nhiều kinh nghiệm luôn tâm niệm học hỏi, vận dụng trong thời gian chị đảm nhận cương vị Phó Tổng Biên tập  Báo Kon Tum.

Bởi chân chất, thật thà, sống cởi mở, chan hòa, nên nhà báo Võ Tấn Long luôn quan tâm đến công việc, đời sống của anh em. Bằng sự cảm nhận của mọi người, thì mọi việc làm của thủ trưởng đều không phô trương, “làm màu”, mà vô cùng giản dị, thực chất.

Cho dù đã lâu chưa trở lại nơi đã bén duyên với nghề, song nhà báo Duy Hiển, Trưởng phòng Chuyên để Đài PT - TH tỉnh Quảng Nam, nguyên phóng viên Đài PT-TH tỉnh Kon Tum luôn dành cho người Thủ trưởng cũ Võ Tấn Long tình cảm sâu đậm, đáng quý. |
Năng lực của mỗi cá nhân được nhìn nhận một cách chân tình, đúng đắn bằng cái tâm trong sáng, nên trong thực tế, anh luôn tạo điều kiện tốt nhất để anh chị em làm việc, phát huy thế mạnh sẵn có, ra sức đóng góp cho tập thể Đài. Duy Hiển làm sao có thể nào quên sau những lúc bù đầu đề hoàn thành một bài viết, chương trình, hay mỗi chuyến nhọc nhằn công tác vùng sâu vùng xa, lại được giám đốc gọi vào uống trà, chia sẻ tâm tư, chuyện trò thân mật. “Sự nghiệp này rồi đến lúc tụi em sẽ là người kế tục chứ còn ai ...”Chỉ một lời mộc mạc của anh chính là điều gửi gắm chân tình với lớp phóng viên, kỹ thuật viên trẻ của cơ quan.

Nhớ lần khảo sát lắp đặt trạm phát lại truyền hình ở xã Mường Hoong, huyện Đăk Giei lẽ ra chỉ cần chỉ đạo từ xa nhưng anh Long vẫn hăng hái lên đường cùng anh em để nắm bắt thực tế. Ngày đó, giao thông khó khăn, đi bộ leo dốc cả tiếng đồng hồ mới lên đến nơi khiến ngay cả người khỏe mạnh cũng mệt lử, chứ chưa kể với một thương binh từng bị mảnh đạn vào chân như anh. Vẫn không nề hà, vẫn tạo không khí lạc quan bằng cách đùa vui cho đù sau đây là nhiều ngày đau nhức hành hạ, đó chính là kỷ niệm không quên về anh.

30 năm thành lập Đài PT - TH Kon Tum cũng là hơn 20 năm người anh gần gũi, thân thiết của làng báo Kon Tum rời cương vị Giám đốc, Tổng Biên tập Đài PT-TH tỉnh. Để lại dấu ấn về người lãnh đạo trong giai đoạn 1991-1999 đã góp phần tạo nên vóc dáng của KRT hôm qua và mai sau luôn là tình cảm giản dị mà ấm áp, nồng hậu:

“…Cho dù vẫn có điều chưa trọn vẹn, những việc chưa thể hoàn thành như mong muốn, song tôi đã sống và làm việc bằng chính cái tâm chân thành của mình, luôn đặt yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ chính trị lên hàng đầu... Đọng lại trong tôi cho đến giờ và mãi về sau, chính là tình cảm mộc mạc, đơn sơ mà các anh chị, các em, các cháu đã dành cho....”    
    

Xin nhắc lại dòng tâm sự của anh thay lời ghi nhận chân thành của thế hệ đi sau dành cho vị lãnh đạo của một thời gian khó dựng xây Đài PT-TH tỉnh Kon Tum. 
                                                                          
  Nghĩa Hà

                                                             (Người làm báo Kon Tum)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây