“Rất khó tìm được người có giọng đọc đẹp như NSND Tuyết Mai”

Thứ tư - 09/03/2022 10:30

Nhiều thế hệ thính giả đã gắn bó và yêu mến Đài Tiếng nói Việt Nam bắt đầu từ giọng đọc sâu lắng, truyền cảm của NSND Tuyết Mai.

NSND Tuyết Mai là giọng đọc đã tạo nên thương hiệu của nhiều chương trình phát thanh như “Đọc truyện đêm khuya”, “Tiếng thơ”, “Trang văn nghệ chủ nhật”, "Dành cho đồng bào ở xa Tổ quốc",… Giọng đọc đẹp, truyền cảm và đầy biến hóa của NSND Tuyết Mai cũng gắn liền với nhiều dấu mốc lịch sử của dân tộc và là ký ức tuổi thơ gần gũi của nhiều thế hệ người Việt Nam.

111
NSND Tuyết Mai và đồng nghiệp tại phòng thu của Đài TNVN. (Ảnh tư liệu)

Người thể hiện lời xướng khắc sâu trong tâm trí của bao thế hệ thính giả

Trên trang cá nhân, nhà báo Kim Trung, Giám đốc – Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội chia sẻ: “Mình nhớ hồi nhỏ, nhà có cái đài radio hiệu National. Một trong những lý do khiến mình thích bật cái đài vỏ da đấy đến hết cả pin, là dò sóng AM 675Mhz để được nghe các chương trình được đọc hoặc giới thiệu bởi một phát thanh viên (mà mãi về sau mình mới biết tên) - NSND Tuyết Mai”.

“Bà là người thể hiện lời xướng khắc sâu trong tâm trí của bao thế hệ thính giả: “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cũng như nhiều chương trình, từ “Vươn thở” cho đến “Tiếng thơ”, rồi Trang văn nghệ chủ nhật, Kể chuyện cảnh giác, Dành cho đồng bào ở xa Tổ quốc, Sân khấu truyền thanh, Đọc truyện đêm khuya...và nhiều nội dung khác trong hơn 40 năm gắn bó với làn sóng Tiếng nói Việt Nam. Mình tin nhiều người giống mình, có ấn tượng sâu sắc với làn sóng Tiếng nói Việt Nam bắt đầu từ những giọng đọc như của bà Tuyết Mai”, nhà báo Kim Trung bày tỏ.

111
Nhà báo Kim Trung,
Giám đốc – Tổng Biên tập Đài PT&TH Hà Nội

Nhà báo Kim Trung cũng chia sẻ, điều ông thấy thú vị đó là bà là một phụ nữ sinh ra ở vùng biển Cát Hải, Hải Phòng, nơi được mặc định của những giọng ăn sóng nói gió, rất khác với chất giọng trung ấm áp, trong trẻo và rõ ràng mà bà đã chinh phục hàng triệu người nghe đài.

“Những bậc đàn anh, những cha chú đi trước nói rằng để có được giọng đọc đó, ngoài thiên phú thì yếu tố quyết định nhất là sự rèn luyện và tinh thần làm việc nghiêm túc của bà suốt 4 thập niên trước micro. Bà không chỉ để lại một di sản về phát thanh, để lại những lời xướng vẫn vang lên trên sóng hơn nửa thế kỷ nay, mà còn để lại cho những thế hệ đồng nghiệp đi sau một tấm gương về sự nghiêm túc trong nghề nghiệp”, nhà báo Kim Trung bày tỏ.

Phát thanh viên thông tuệ trong xử lý và đọc văn bản

Còn đối với nhà báo Trần Bá Dung, từ lần đầu nghe câu xướng “Đây là tiếng nói Việt Nam…”, lời xướng chương trình “Tiếng thơ” 22 giờ đêm Chủ nhật hàng tuần từ lúc còn bé đến khi làm phóng viên của VOV trong 12 năm, được tiếp xúc, trực tiếp làm việc cùng NSND Tuyết Mai là cả sự trân trọng, nể phục. Để rồi sau đó, nhiều kinh nghiệm, bài học từ NSND Tuyết Mai vẫn theo ông khi chuyển đơn vị công tác khác.

111
Nhà báo Trần Bá Dung

“NSND Tuyết Mai không chỉ có giọng đọc trong trẻo, sang trọng, trí tuệ, diễn cảm mà tôi cũng ấn tượng với phong cách làm việc của bà. Bà là một phát thanh viên rất ân cần, tỉ mỉ, khoa học và đầy trách nhiệm. Khi cầm một văn bản, bà hỏi từng câu, từng chữ, hỏi lại cụ thể từng chỗ chưa rõ, sau đó dùng bút ngắt từng đoạn, từng chữ. Bởi thế, văn bản qua bà thể hiện luôn có điểm nhấn, cảm xúc rõ ràng”, ông Dung kể lại.

“Làm việc cùng bà, tôi cũng học được ở NSND Tuyết Mai rất nhiều, trong đó là cách viết câu hay nói làm sao phải có nhịp, ngắt nghỉ rõ ràng. Ở bà thể hiện rõ sự thông tuệ trong xử lý văn bản. Không chỉ là giọng đọc, bà còn hiểu và trình bày văn bản ở mức độ đúng và truyền cảm xúc tốt nhất đến thính giả”, ông Bá Dung nói.

Tuy nghiêm khắc trong văn bản là vậy nhưng NSND Tuyết Mai lại rất hỏm hỉnh, chan hòa hay vui đùa thân mật cùng các anh em phóng viên, đồng nghiệp và cả những người bảo vệ, lao công…

“Vào mỗi dịp Tết, NSND Tuyết Mai là phát thanh viên, chúng tôi nói vui là “đắt khách” nhất, bởi anh em phóng viên ai cũng muốn được bà đọc bài Tết cho mình. Qua giọng thể hiện của bà, bài viết trở nên sống động, chân thực, không chỉ là nghe, hiểu mà còn hiện lên cả hình ảnh, cả suy tưởng đọng lại rất lâu sau đó”, ông Bá Dung nhớ lại.

Rất khó tìm được người có giọng đọc đẹp như NSND Tuyết Mai

Với NSƯT Hồ Thanh Hương, vợ cố nhạc sĩ Thuận Yến, giọng đọc của NSND Tuyết Mai là có nhạc trong lời đọc. Giọng đọc của bà được thính giả khắp nơi mến mộ từ thành thị đến nông thôn.

111
NSƯT Hồ Thanh Hương và con gái Thanh Lam

“Chị Tuyết Mai là phát thanh viên đầu tiên của Đài TNVN. Giọng của chị là giọng đẹp hiếm có, rất khó có thể tìm được người có giọng như thế thay thế được. Đặc biệt là trong ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, nghe giọng chị rất xúc động. Một giọng đọc vừa hùng hồn lại dõng dạc. Đó là đọc bản tin thời sự, còn khi đọc truyện đêm khuya, văn nghệ lại rất truyền cảm, sâu lắng. Người nghe thấy giọng đọc của chị Tuyết Mai là có nhạc ở trong đó”, bà Thanh Hương chia sẻ.

“Thời gian chị Tuyết Mai tham gia làm phát thanh viên cho kênh đối ngoại phát cho lính Mỹ ngụy nghe, ngay cả họ cũng rất mến mộ. Có thể nói chị Tuyết Mai cũng như Hana Việt Nam thứ hai đối với những người lính Mỹ ngụy lúc đó. Ngay cả khi đến tuổi về hưu, chị Tuyết Mai vẫn được rất nhiều nơi mời đọc vì chất giọng đặc biệt hiếm có đó. Năng suất làm việc của chị còn hơn cả những người trẻ đang làm lúc bấy giờ. Chị Tuyết Mai cũng tiếp tục cống hiến cho đến khi bị bệnh, phải nằm một chỗ”, bà Thanh Hương kể lại.

NSND Tuyết Mai đã ra đi nhưng giọng đọc của bà hiện vẫn vang lên trên nhạc hiệu nhiều chương trình của Đài TNVN. Nhiều thập kỷ qua chưa có ai thay thế được giọng đọc ấy!

NSND Tuyết Mai tên thật Bùi Thị Thái, sinh năm 1925 tại đảo Cát Hải, Hải Phòng. Từ năm 12 tuổi, gia đình bà chuyển về sống tại Hà Nội.

NSND Tuyết Mai, nguyên Trưởng phòng Phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam, thường trú tại số 5 Trần Phú, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội đã từ trần hồi 22h12 ngày 5/3/2022 (tức ngày 3/2 năm Nhâm Dần), hưởng thọ 98 tuổi.

Tang lễ được tổ chức từ 7h ngày 10/3/2022 tại nhà riêng số 5 Trần Phú và hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ – Văn Điển, Hà Nội. Lễ an táng diễn ra vào 11h ngày 18/3/2022 tại Nghĩa trang xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội./.

Theo Vân Anh/VOV.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây