Nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất của nhà báo Lưu Quý Kỳ (1/8/1982 – 1/8/2022): Người thầy đầu tiên

Thứ hai - 01/08/2022 11:04
Tháng 8 lại về, chúng tôi lại nhớ thầy Lưu Quý Kỳ và Lớp B6 thân yêu. Không phải vì bóng năm tháng che phủ hạnh phúc của 150 anh chị em làm báo thời đó gây xao động mà có lẽ bởi vòng tay ấm áp của người thầy tận tâm, luôn dang rộng dẫn dắt chúng tôi đi suốt hành trình dài.

Ngày 1/8 tới là kỷ niệm lần thứ 40 ngày mất của thầy Lưu Quý Kỳ (1/8/1982 – 1/8/2022) kính mến. Xin mạo muội mấy lời chân thành nhất thay dòng ký ức sẻ chia cùng Hội Nhà báo Việt Nam và quý đồng nghiệp thân yêu.

111
Nhà báo Lưu Quý Kỳ (bên phải) - Nguồn: Tư liệu phim của Đài Truyền hình Nhật Bản

Tôi may mắn được nhà báo Lưu Quý Kỳ - một nhà báo tên tuổi, đã dạy tôi nghề báo là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Có lẽ vì vậy mà hơn bốn chục năm qua, tôi vẫn miệt mài với mỗi nghề báo, dù đã có lúc cơm hẩm, cá ươn, con đau, vợ khổ; thậm chí phải nhận lấy một biến cố gì đó trong cuộc đời...

Cuối năm 1978, tôi được tòa soạn đưa lên Thủ Đức, TP. HCM học lớp báo chí phía Nam tại Trường Tuyên huấn Trung ương III (cùng với Mai Hoa, Minh Gương, Ái Liên, Thanh Bình). Lớp có tên tắt là B6, quy tụ gần 150 anh chị em đang làm báo tại các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẵng trở vào đến chót mũi Cà Mau. Có thể nói đây là khóa học rất đặc biệt vì chỉ có một không hai từ sau ngày thống nhất đất nước đến giờ.

Diễn ra trong 9 tháng 10 ngày thì kết thúc, mặc dù trường có ý định kéo dài thêm, vì thấy nội dung chương  trình “có chất lượng tốt”. Sau này, tôi nhớ lại là hình như do chiến tranh từ phía Tây Nam và biên giới phía Bắc đang đến hồi cao điểm, nên...

Tuy ngắn hạn nhưng dài cảm xúc và ấn tượng. Không một ai trong chúng tôi có thể quên nhà báo Hữu Thọ, với bài kỹ năng viết phóng sự điều tra - đó là một thể tài hấp dẫn đòi hỏi thật kỳ công và rực lửa máu nghề. Rồi thầy Việt Long, thầy Thép Mới với những trang tin nóng hổi tính thời sự, những bài tùy bút vang động núi rừng. Nhớ thầy Dương Đình Thảo với triết lý nghệ thuật thắng từng bước để thành chiến thắng trọn vẹn của cách mạng Việt Nam; và công cuộc đấu tranh chống tiêu cực với mối hiểm họa mang tên “viên đạn bọc đường” của thời yên bình đất nước.

Tác giả quyển sách Nước về biển cả - Lưu Quý Kỳ là thầy học của tôi về nhiều phương diện chứ không chỉ có thể tài bút ký chính luận. Ấy là cái phẩm chất sống chết với nghề; là làm hết việc chứ không hết giờ; là làm báo thì không có chức tước, phẩm hàm. Làm báo, theo thầy Kỳ là nghề biên niên sử. Bởi vậy, nhà báo phải là người mẫu mực, trung thực, thẳng ngay, luôn đặt chuẩn chất “Lễ - Trí - Dũng” lên hàng đầu.

111
Họp mặt các học viên lớp B6 ngày ấy - Nguồn: Huỳnh Văn Thanh

Ở nhà báo Lưu Quý Kỳ, sắc sảo, đam mê, nhân văn là ba nét nổi trội, tác động qua lại làm nên tác phẩm và tài năng của ông. Mỗi cuộc hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Lưu Quý Kỳ còn nêu bật thêm nhiều điều mới lạ. Và cho đến nay (theo tinh thần hội thảo ngày 18/3/2017, thể tài bút ký chính luận vẫn giữ nguyên giá trị là “số một” của nhà báo - nhà văn Lưu Quý Kỳ qua các thời kỳ).

Nhà báo Lưu Quý Kỳ luôn nhắc nhở lớp chúng tôi, thời giờ là vàng ngọc, hãy tranh thủ mọi nơi, mọi lúc mà học hành, tác nghiệp, sáng tạo các tác phẩm báo chí, văn học. Ông hay thốt lên câu: Lại sắp Tết nữa rồi! Người thân và lớp, bạn bè ông giải thích ý của ông là thời gian thì cứ trôi đi thấm thoắt, Tết này qua, Tết tới lại gõ cửa mọi nhà (Tết là thời điểm sống động nhất của đất trời, là cái mốc chuẩn chất cho người và vạn vật). Ông nhắc đến sự tích tắc, tích tắc của kim đồng hồ để lưu ý con cháu và lớp đồng nghiệp đàn em đừng bao giờ lãng phí thời gian.

Nào ai biết lần gặp gỡ ấy (1978) là lần sau cuối đối với lớp báo chí chúng tôi! Năm đó, thầy Kỳ phải ngồi xuống ghế dựa để giảng bài cho lớp chúng tôi. Thi thoảng, thầy mới đứng lên ghi vào bảng đen về những tình tiết quan trọng cho chúng tôi dễ nhận. Căn bệnh phổi quái ác đã lấy đi của thầy quá nhiều sức lực. Tôi nghe tiếng nói của thầy bị khàn và hơi thở thì hụt hẫng lắm. Ít ai biết thầy chỉ “hô hấp” bằng một lá phổi từ nhiều năm tháng của cuộc chiến ác liệt, trong khi công việc của một Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Quốc tế, Vụ trưởng Vụ Báo chí Trung ương luôn réo gọi và cần nhiều đến thầy.

Tôi có cảm giác là thầy Lưu Quý Kỳ đã làm việc một cách hối hả và hết sức tranh thủ thời giờ vào những năm tháng cuối đời. Không mấy năm sau khi giảng dạy ở lớp chúng tôi, thầy đã vĩnh viễn ra đi, bỏ lại nghề báo với biết bao công trình dang dở, biết bao đồng môn, người thân với niềm tiếc thương vô hạn…

40 năm học và làm theo thầy, tôi gặt hái được nhiều kết quả tốt dù có đôi khi phải vượt qua lắm éo le, nghịch cảnh. Nhưng tôi rất vui khi được học với thầy và được suốt cuộc đời làm cái nghề mà mình yêu thích. Tôi giờ đã hưu trí, vẫn không quên lui tới chỗ mấy sạp báo lẻ, hiệu sách tìm đọc những tờ nhật báo, tuần san. Đọc nhiều báo in để nhớ về một thời làm báo. Nhìn ra ta bà thế sự, mỗi góc phố, làng quê hễ thấy có đề tài gì là viết cho tờ Báo Đồng Khởi quê nhà và mấy tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Pháp Luật, Thời Nay… Càng nhớ thầy, tôi càng phấn đấu nâng thêm tầm bút.

Lưu Quý Kỳ, 20 tuổi, 25 tuổi đã là cây bút, Thư ký tòa soạn sắc sảo của nhiều tờ báo như: Dân, Dân Tiến, Dân Muốn, Tiến Tới, Lao Động Phổ Thông, Công Luận, Điện Tín, Thế Kỷ… Ông viết bài với nhiều bút danh khác nhau: Thanh Vệ, Phác Căn, Lưu Quang Khải... Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Lưu Quý Kỳ làm chủ bút Báo Quyết Thắng của Mặt trận Việt Minh Trung Bộ, chủ bút Báo Ánh Sáng, chủ bút Báo Cứu Quốc khu IV, phụ trách tạp chí Kháng Chiến, Báo Sáng Tạo ở khu V; Giám đốc Sở Tuyên truyền Nam Bộ, chủ bút Báo Thống Nhất, chủ bút Báo Nhân Dân Miền Nam, chủ nhiệm tạp chí Lá Lúa…

Sau năm 1954, tập kết ra Bắc, nhà báo Lưu Quý Kỳ là Vụ trưởng Tuyên truyền miền Nam, sau đó là Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Quốc tế, Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam; Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương; Phó chủ tịch Tổ chức nhà báo Quốc tế (OIJ) được tặng Huy chương Julius Fucik về nhà báo cống hiến cho hòa bình và hữu nghị thế giới.

Lưu Quý Kỳ là tấm gương sáng cho các nhà báo về hoạt động thực tiễn và tấm lòng say mê nghề nghiệp. Ông hoạt động xuyên suốt một đời làm báo suốt 47 năm, đi nhiều nơi từ Nam ra Bắc, đến với 20 nước, viết 3 ngàn bài các thể loại, in 27 quyển sách. Ông mất ngày 1/8/1982, lúc 63 tuổi.

 

Theo Huỳnh Văn Thanh/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây