Nhớ Phan Tường

Thứ ba - 18/10/2022 14:52
Nhà báo Phan Tường sinh năm 1943, quê ở Thừa Thiên - Huế. Ông được đồng nghiệp quý mến bởi tính trung thực, nhiệt tình và quảng giao.
111
Nhà báo Phan Tường (đứng giữa).

Trước khi về Báo Hànộimới, Phan Tường có thời gian hoạt động báo chí tại tờ “Chiến sĩ Tây Bắc”  (nay là tờ “Quân khu Hai”), Cơ quan của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2, “Tiếng nói của Lực lượng vũ trang và Nhân dân Tây Bắc”. Có lẽ khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc đã góp phần làm nên tính cách Phan Tường, chân thật, phóng khoáng, nghĩa tình.

Phan Tường về công tác tại Báo Hànộimới từ năm 1979, ban đầu làm phóng viên Ban Nội chính, sau đó chuyển về làm phóng viên Ban Bạn đọc, rồi làm Trưởng ban Bạn đọc cho đến khi nghỉ hưu năm 2003.

Phan Tường là người nhiệt tình, sôi nổi. Nhiệt tình trong công việc, trong giao lưu bạn bè, trong thể thao. Đặc biệt, trên cương vị Trưởng ban Bạn đọc, anh giữ quan hệ rất tốt với cơ sở, với các cơ quan, ban, ngành của thành phố, thân thiết với nhiều người không chỉ với tư cách người làm báo mà như anh em chí cốt. Đó là điều mà những người làm báo Hànộimới ghi nhận và học tập.

Các thành viên đội bóng đá Báo Hànộimới còn nhớ hình ảnh nhà báo Phan Tường cao lớn lăn xả trên sân, lúc là tiền vệ, lúc ở vị trí tiền đạo, khi giữ gôn, ở vị trí nào cũng chơi hết mình. Có lần Ban Biên tập và đội trưởng Phan Tường mời được đội tuyển bóng đá nữ quốc gia của Huấn luyện viên Mai Đức Chung về giao lưu tại Tòa soạn và thi đấu giao hữu trên sân bóng đá của trường Chu Văn An đầu phố Thụy Khuê. Trận ấy, lần đầu tiên đội bóng đá báo nhà được cọ xát với các cầu thủ “quần đùi áo số” chuyên nghiệp, được biết thế nào là nữ tuyển thủ quốc gia. Trên sân, “quân ta” lăn xả, dù rất e ngại va chạm với chị em. Trong cương vị đội trưởng, Phan Tường đã tổ chức trận đấu thành công. Ngoài trận đấu, Phan Tường và anh em cầu thủ là người chủ nhà ân cần với các em, các cháu vận động viên đội tuyển nữ quốc gia.

Có lần, nhà báo Phan Tường đề xuất với Hội Cựu chiến binh Báo Hànộimới tổ chức phát động quyên góp giúp đỡ anh em cựu chiến binh tỉnh Sơn La gặp khó khăn về nhà ở. Đợt ấy, Hội Cựu chiến binh Báo Hànộimới hành quân về Sơn La, mang món quà nghĩa tình đến với những người đồng đội một thời chung chiến hào đánh Mỹ. Lạ một điều, cứ đi công tác là Phan Tường như cá gặp nước, như hổ về rừng, đến đâu cũng gặp người quen cũ, chào hỏi, nói cười, bắt tay, ôm nhau thắm thiết, rất cảm động.

Trong quan hệ công việc, Phan Tường đặc biệt thân thiết với anh em Công an thành phố Hà Nội, nhất là cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Giao thông. Do giữ quan hệ tốt nên hai bên trao đổi nhiều thông tin nóng sốt về tình hình an ninh trật tự, tình hình giao thông, phản ảnh của người dân với ngành Công an, từ đó hỗ trợ Công an Thành phố hoàn thành nhiệm vụ. Phóng viên Báo Hànộimới lúc đó khi đến các đơn vị thuộc Công an Thành phố mà giới thiệu là “quân của chú Phan Tường” đều được ưu ái cung cấp thông tin và kèm theo câu “cho gửi lời thăm anh Phan Tường”.

Một số phóng viên hơi ngại tính “gia trưởng” khi làm việc với Phan Tường, nhưng anh là người biết lắng nghe, không cố chấp. Có một vụ việc được Ban Thư ký Tòa soạn chuyển cho Ban Bạn đọc thụ lý, Phan Tường cho đăng tài liệu ban đầu và dặn “không đăng” một tài liệu tiếp theo. Hôm sau, Báo vẫn có bài đăng tài liệu mà Phan Tường dặn “không đăng”, anh sang Ban Thư ký Tòa soạn, giận dữ lắm. Đến khi xem tài liệu có chữ ký duyệt cho đăng của anh, Phan Tường nguôi giận ngay, nói lời xin lỗi. Ẩn sâu bên trong con người tưởng như khô khan ấy, vẫn là một tâm hồn nhạy cảm. Một đồng nghiệp kể, có hôm trưa muộn được nhà báo Phan Tường rủ đi ăn trưa, Hai anh em chở nhau trên con đường ven hồ Gươm, Phan Tường chợt thốt lên: “Đi trong tiết trời thu ven hồ này, càng thấy thêm yêu Hà Nội”.

Về hưu mới 3 năm, Phan Tường mắc bạo bệnh, chỉ trong thời gian ngắn mà người gầy sút, hốc hác hẳn. Anh em đồng nghiệp đến thăm, lúc ra về Phan Tường giữ lại một người trước đây có lúc mâu thuẫn với mình. Anh ân cần nắm tay, nói: “Trước đây anh em có lúc tưởng như không bằng lòng nhau, nhưng không phải thế đâu. Bây giờ bỏ qua cho nhau thanh thản, em nhé”.

Cuối năm 2006, nhà báo Phan Tường qua đời. Sau khi anh mất, một người anh em kết nghĩa của anh là Lã Văn Vinh, cán bộ Công an quận Hai Bà Trưng đã xin phép được đưa anh về yên nghỉ tại khu vườn riêng của gia đình mình. Nhiều cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới đã về khu vườn ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì viếng Phan Tường. Nhìn ngôi mộ ốp đá trang trọng, càng nhớ nhà báo đàn anh và suy ngẫm về nghề nghiệp, về cuộc đời.
 

Theo Nguyễn Năng Lực/Hànộimới

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây