NSND Nguyễn Thước: "Làm phim tài liệu như được nạp thêm vốn sống"

Thứ hai - 12/12/2022 14:54

 

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022 với bộ 3 tác phẩm phim tài liệu gồm "Đất lạnh", "Cỏ xanh im lặng" và "Không chỉ là thương hiệu".
111
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022 với 3 tác phẩm phim tài liệu gồm "Đất lạnh", "Cỏ xanh im lặng" và "Không chỉ là thương hiệu".

Đầu tháng 12, Bộ VHTT&DL thông tin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký 4 quyết định tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho 128 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (VHNT) năm 2022. 

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lần này với bộ 3 tác phẩm phim tài liệu gồm "Đất lạnh", "Cỏ xanh im lặng" và "Không chỉ là thương hiệu".

Nếu có được làm lại, tôi vẫn làm phim tài liệu

PV: Là một trong những tác giả được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022, cảm xúc của đạo diễn NSND Nguyễn Thước như thế nào?

NSND Nguyễn Thước: Giải thưởng Nhà nước là danh hiệu cao quý với những người làm văn học nghệ thuật nói chung, với người làm điện ảnh nói riêng và cụ thể hơn là làm điện ảnh tài liệu như chúng tôi. Đó là vinh dự, sự ghi nhận cả một đời làm nghề với các tác phẩm được đánh giá cao tại các kỳ liên hoan phim toàn quốc, giải Cánh diều hàng năm.

 

Giải thưởng Nhà nước là cột mốc trong chặng đường làm nghề của tôi. Tôi rất vui vì giải thưởng này là điều mà tôi có thể tự hào với các em sinh viên mình đang giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Đây cũng là điều động viên các em với con đường làm nghề sau này.

PV: Được biết khi học ở trường Sân khấu - Điện ảnh, NSND Nguyễn Thước học quay phim nhưng sau đó lại chuyển sang làm đạo diễn phim tài liệu. Điều gì đã khiến ông có quyết định này?

NSND Nguyễn Thước: Có lẽ đó là ham thích của từng người thôi. Tôi tốt nghiệp khoá quay phim của trường Sân khấu điện ảnh. Trong những năm học tập tại trường, các bài tập của tôi thường làm phim truyện. Thậm chí đến phim tốt nghiệp, tôi đã làm xong một phim truyện ngắn. Nhưng sau đó thời gian còn, tôi lại thử sức với một loại hình mới là phim tài liệu.

Khi đi quay bộ phim tài liệu về nghệ thuật trang phục dân tộc Thái, tôi được lang thang rất nhiều huyện trên vùng cao, thú vị lắm. Sau khi về, không hiểu một điều gì ùa đến, rất lạ, tôi quyết định không chọn bộ phim truyện nữa mà lấy phim tài liệu này làm phim tốt nghiệp.

Học xong, tôi có nhiều lựa chọn. Lúc đó, NSND Nguyễn Hải Ninh đang là Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam rất muốn kéo tôi về, trường cũng muốn giữ lại nhưng tôi đã có quyết định bất ngờ là đầu quân về Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.

111
NSND Nguyễn Thước (trái) quay phim cùng đạo diễn Lê Mạnh Thích.

Đã có rất nhiều đồng nghiệp hỏi tôi như này: nếu như làm lại, anh có tiếp tục làm phim tài liệu không, hay sẽ thay đổi. Đến bây giờ, tôi vẫn khẳng định là không bao giờ thay đổi. Nếu có được làm lại, tôi vẫn làm phim tài liệu.

Làm phim tài liệu là một nghề rất thú vị, một công việc mà tôi được đi nhiều nơi, gặp rất nhiều người, được hiểu rất nhiều thân phận. Mỗi lần làm phim tài liệu như một lần được nạp thêm vốn sống.

111
Một cảnh trong phim "Đất lạnh". 

PV: Nhìn lại quãng đời làm nghề hơn 30 năm, tác phẩm nào có ý nghĩa đặc biệt với NSND Nguyễn Thước?

NSND Nguyễn Thước: Với những người làm phim, kể cả phim truyện hay phim tài liệu thì mỗi bộ phim đều có cuộc sống riêng, ký ức riêng, bài học riêng. Tuy nhiên cũng có những bộ phim cứ theo với mình mãi.

Một trong số đó là bộ phim tôi được giao làm nhân kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng miền Nam vào năm 2005. Công việc lúc đó với tôi rất khó khăn, bởi vì đã có quá nhiều phim làm về sự kiện này, có những phim rất lớn, rất thành công. 

Lọ mọ mãi, tôi cùng anh Đào Thanh Tùng, Trưởng phòng biên kịch của Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương lúc bấy giờ, bật ra ý tưởng hãy gặp những nhân chứng đã có mặt tại TP.HCM đúng ngày 29, 30/4/1975 ấy. Với tất cả câu chuyện của họ, những cảm xúc của họ về cuộc chiến. Đấy là khoảnh khắc vô cùng đặc biệt với tất cả con người Việt Nam. Lúc ấy, chúng tôi tin rằng đó là một bộ phim rất khác, khác hẳn với những phim đã nói về ngày 30/4 năm ấy. Chúng tôi đặt tên phim là “Ngày cuối cùng của chiến tranh”. Một bộ phim với góc nhìn rất thú vị về cuộc chiến. Cho đến bây giờ tôi vẫn dùng bộ phim ấy để giảng bài. 

111
Một cảnh trong phim tài liệu "Cỏ xanh im lặng". 

Một bộ phim cũng rất ấn tượng và theo tôi mãi là phim “Đất lạnh” làm về đề tài nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Thời điểm đó, những vấn đề về nông nghiệp, nông thôn, nông dân là đề tài nóng. Tôi đã chọn mảnh đất Thái Bình để làm phim. Có hai lý do, đó là quê cha đất tổ, nơi tuổi thơ tôi từng gắn bó. Nhưng điều quan trọng hơn, Thái Bình, tuy chưa phải tỉnh nghèo nhất nhưng lại chứa đựng trong nó nhiều mâu thuẫn trong vấn đề nông nghiệp nông thôn. 

Rất mừng, bộ phim đã gặt hái được nhiều thành công, trong đó có giải thưởng Bông sen vàng. Khi nhận giải tôi phát biểu: “Đôi khi thất vọng thực thúc đẩy người ta hành động hơn là một hy vọng giả” và bộ phim “Đất lạnh” ấy là một thất vọng thực về những vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam.

Bộ phim đặc biệt nữa là “Cỏ xanh im lặng” làm về người anh hùng Hồ Giáo. Đây là bộ phim tôi làm trước khi nghỉ hưu. Ông Hồ Giáo là một người nhân vật rất đặc biệt, một người cả đời làm những công việc dung dị như nuôi bò, nuôi trâu, chăm cỏ nhưng anh đã được 2 lần phong tặng Anh Hùng, 3 kỳ làm Đại biểu Quốc hội. Anh làm việc đến 80 tuổi mới nghỉ. Tôi làm phim này bằng tất cả tình cảm, cảm xúc của mình. Có thể nói, ông Hồ Giáo đã làm những công việc giản dị nhưng với tình yêu vĩ đại. 

PV: Cùng với "Đất lạnh", "Cỏ xanh im lặng", bộ phim "Không chỉ là thương hiệu" nằm trong bộ 3 các tác phẩm được xét tặng Giải thưởng Nhà nước lần này, ông có thể chia sẻ về bộ phim này?

NSND Nguyễn Thước: "Không chỉ là thương hiệu" là bộ phim khai thác đề tài thương hiệu Việt Nam. Đây là một đề tài khó làm, rất nhiều đạo diễn sẽ rất ngại nhưng tôi đã làm với cảm xúc, đau đáu của mình về thương hiệu Việt Nam đang đứng ở đâu. Điều khiến tôi vui nhất là khi hoàn thành bộ phim này, nhiều doanh nghiệp gọi điện cho tôi và chia sẻ với tôi về thương hiệu Việt Nam. Tôi rất bất ngờ, với một bộ phim với vấn đề khô cứng như vậy, nhưng tôi đã giành hai giải thưởng, một giải Cánh diều và một giải ở Liên hoan phim Việt Nam.

PV: Theo NSND Nguyễn Thước, để trở thành một đạo diễn phim tài liệu thì nhà làm phim phải có tố chất gì?

NSND Nguyễn Thước: Với phim tài liệu thì rất khó. Một đạo diễn học xong ở trường Đại học Sân khấu điện ảnh, thông minh một chút có thể làm phim truyện được ngay. Nhưng phim tài liệu thì chưa chắc. 

Ở nhiều nước, để được học trở thành đạo diễn thì cần phải tốt nghiệp một trường đại học trước đã. Còn ở nước ta thì sau khi học phổ thông, các em có thể thi tuyển vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Điều kiện mỗi nước khác nhau nhưng tôi cho rằng để trở thành đạo diễn phim tài liệu thì phải có bản lĩnh sống đã, sau đó mới đến tri thức và tài năng.

Còn tôi học quay phim sau đó giành được 3 giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất ở 3 Liên hoan phim Việt Nam kế tiếp. Trong 10 năm tôi gần như không có đối thủ. Nhưng đến một lúc, tôi muốn được nói lên điều gì đó của chính mình, chứ không phải thực hiện điều đạo diễn muốn nói. Thế nên tôi trở lại trường, học xong một khoá đạo diễn và bắt đầu làm đạo diễn từ năm 2000 đến lúc nghỉ hưu. 

Đó cũng là những chặng đường khác nhau. Tôi được phong NSƯT với tư cách là quay phim. Và cũng sau hơn 10 năm làm đạo diễn, tôi được phong tặng danh hiệu NSND. Đó là niềm tự hào của một người cả đời gắn với nghề phim tài liệu như tôi.

PVLàm phim tài liệu gặp muôn vàn khó khăn, một trong số đó là tiếp cận khán giả. Có khi nào ông chạnh lòng khi không được công chúng biết đến nhiều không?

NSND Nguyễn Thước: Phim tài liệu có đối tượng khán giả riêng, thậm chí có những bộ phim với đề tài đặc biệt thì có những tầng khán giả khác nhau. Đương nhiên, đôi lúc cũng hơi chạnh lòng khi thấy bạn bè mình làm phim truyện lập tức được tung hô, có người theo để xin chữ ký. Nhưng phim tài liệu có giá trị riêng của nó, có khán giả riêng của nó. Sự phát triển của phim tài liệu luôn gắn với sự phát triển của dân trí. Chúng tôi tự hào về các tác phẩm mình đem đến với người xem có ích như thế nào.

111

Tôi muốn dành sức lực cho thế hệ trẻ

PV: Ở thời điểm hiện tại, NSND Nguyễn Thước dành nhiều thời gian cho công tác giảng dạy, có khi nào nào ông nhớ nghề không?

NSND Nguyễn Thước: Có lẽ giây phút này, tôi hài lòng với cuộc đời làm nghề của mình. Tôi muốn dành sức lực cho thế hệ trẻ. Tôi yêu các bạn sinh viên của tôi và mang tất cả những gì mình có chuyển giao lại cho tất cả các bạn ấy. Đúng là phim truyện luôn có sức hấp dẫn, tạo ra một ánh hào quang đối với các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ muốn làm phim truyện, nhưng trong các lớp tôi dạy, cũng có rất nhiều bạn yêu thích phim tài liệu, bởi các bạn ấy cảm nhận được sức mạnh của phim tài liệu với cuộc sống. Đó cũng là điều tôi mong muốn khơi gợi trong các sinh viên của mình.

PV: Nhiều bạn trẻ yêu thích phim tài liệu nhưng vì sao số lượng phim tài liệu hiện nay vẫn còn rất hạn chế?

NSND Nguyễn Thước: Chúng ta có giai đoạn là cường quốc phim tài liệu khi 5 năm liền giành giải Phim tài liệu hay nhất tại Liên hoan phim Châu Á Thái Bình Dương. Nhưng ở thời điểm này, tôi nghĩ các hãng phim tài liệu lớn đang ở giai đoạn chững. Dù vậy, chúng ta có sự xuất hiện của những nhà làm phim độc lập, phim tài liệu rất tốt như Nguyễn Thị Thắm, Trần Phương Thảo, Đoàn Hồng Lê,… Các bạn đã gặt hái rất nhiều thành công trên thế giới. Chúng tôi luôn cố gắng mang những hơi thở của chính những nhà làm phim Việt Nam đó đến với sinh viên.

PV: Điều quan trọng nhất mà ông muốn nhắn nhủ với cho học trò của mình?

NSND Nguyễn Thước: Nếu đã lao vào nghề này thì phải biết yêu nó, sống với nó và hết lòng vì nó. Có lẽ đó là điều quan trọng nhất với những người làm điện ảnh.

PV: Xin cảm ơn NSND Nguyễn Thước./.

 

Hạnh Lê - Hà Phương/VOV.VN
Ảnh: NVCC

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây