Nhà báo Trần Quốc Khải từng có nhiều năm chiến đấu chống quân PôL pốt xâm lược. Đất nước bình yên, buông tay súng, Trần Quốc Khải lại "tay mềm mại bút hoa" trên giảng đường Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội: Sau 4 năm miệt mài đèn sách, mang theo tình yêu quê hương anh về đầu quân cho Báo Hà Bắc. Là lớp phóng viên đầu tiên của báo có trình độ đại học, cử nhân văn chương của một trường đại học uy tín, Trần Quốc Khải xông xáo, đi nhiều, viết khỏe và có nhiều bài báo có tiếng vang trên ngôn luận.
Tôi thấy mình là người may mắn khi có một quãng thời gian khá dài được làm việc với nhiều nhà báo là cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và công cuộc bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Tây Nam của Tổ quốc. Trong số đó có nhà báo Trần Quốc Khải từng có nhiều năm chiến đấu chống quân PôL pốt xâm lược. Đất nước bình yên, buông tay súng, Trần Quốc Khải lại “tay mềm mại bút hoa” trên giảng đường Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau 4 năm miệt mài đèn sách, mang theo tình yêu quê hương anh về đầu quân cho Báo Hà Bắc. Là lớp phóng viên đầu tiên của báo có trình độ đại học, cử nhân văn chương của một trường đại học uy tín, Trần Quốc Khải xông xáo, đi nhiều, viết khỏe và có nhiều bài báo có tiếng vang trên ngôn luận. Anh nhanh chóng chiếm được niềm tin yêu, nể trọng của bạn đọc và đồng nghiệp. Nhiều người tâm niệm đó là quyền lực mềm “trời cho” Trần Quốc Khải. Có người lại nghĩ Trần Quốc Khải là nhà báo có thẩm quyền.
Tôi nhớ những năm 80-90 của thế kỷ trước, đội ngũ cán bộ, phóng viên của báo Hà Bắc đa phần là các cựu chiến binh. Đó là các nhà báo Hoàng Tiến, Trọng Việt, Trần Khoát, Đỗ Tuân, Nguyễn Đích, Khánh Đàm... trở về từ chiến trường chống Mỹ gian khổ, ác liệt. Đó là các anh Ngô Trọng Bình, Trần Đại Đồng, Trần Quốc Khải, Nguyễn Thế Dũng... người đánh đuổi giặc Pol pốt bên nước bạn Cămpuchia, người chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Còn các anh Trương Hoà, Trương Giáo, Đinh Quyến, Minh Lộc...trước khi làm cán bộ báo chí đã hoàn thành nghĩa vụ người lính với Tổ quốc. Cựu chiến binh Nhà báo Trần Quốc Khải cũng như những đồng nghiệp đồng đội khác vẫn mang vẹn nguyên chất lính vào công việc làm báo. Nghị lực vượt khó, ý chí quyết tâm của Anh bộ đội cụ Hồ như làn hơi ấm tràn vào cơ quan báo Hà Bắc. Cánh trẻ chúng tôi như được sưởi ấm, cứ thế không khí làm báo, sinh hoạt nghiệp vụ lúc nào cũng sôi động, cuốn hút.
Tôi không thể quên những ngày đầu chập chững đến với nghề báo. Mang theo tấm bảng cử nhân sử học Trường đại học Tổng hợp Hà Nội đi làm báo, không hiểu biết gì về kinh tế nên khi được cơ quan bố trí làm việc tại phòng phóng viên kinh tế do nhà báo Hoàng Tiến, phó Tổng biên tập kiêm trưởng phòng, tôi rất hoang mang. Dường như đọc được tâm lý của tôi, nhà báo Trần Quốc Khải động viên: “ Khi mới ra trường, anh cũng như em bây giờ không tránh khỏi bỡ ngỡ, lo lắng. Nhưng chịu khó học hỏi, anh tin em sẽ làm được.” Tiếp đó là những tháng ngày tôi cùng anh lóc cóc đạp xe khắp các miền quê trong tỉnh để lấy tin tức. Khi thì về vùng trũng Quế Võ, Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành...Khi lại ngược miền rừng Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế. Nhiều hôm nhỡ độ đường, trời mùa đông tối đen như mực, hai anh em vẫn lầm lũi đạp xe trong cái đói cồn cào, cái rét cắt da cắt thịt. Những hôm làm việc tại toà soạn, bữa trưa của hai anh em là điệp khúc mì tôm nấu với rau cải cúc, rau muống. Cuộc sống thanh đạm, công việc khó khăn, vất vả nhưng anh luôn say nghề. Khi thấy tin, bài của tôi có những chệch choạc, cẩu thả, anh gọi lại bảo: “Anh thấy chú học hành tử tế. Vì vậy từ nay chú phải thể hiện tin ra tin, bài ra bài. Chú làm được không?” Chính cái cách giao nhiệm vụ này của anh khiến tôi luôn có sự thôi thúc, chỉn chu, nghiêm túc, trách nhiệm hơn với công việc làm báo.
Tôi luôn đón đọc các tác phẩm báo chí mới xuất bản của Trần Quốc Khải và thấy rằng, tuy học văn chương nhưng anh lại rất sắc sảo khi viết về kinh tế. Nếu thống kê thì số lượng tác phẩm báo chí của anh phần nhiều thuộc lĩnh vực kinh tế. Cũng dễ hiểu bởi khi làm báo Hà Bắc anh có thời gian khá dài nằm trong quân số phòng phóng viên kinh tế, sau này làm báo Công nghiệp, báo Xây dựng và báo Thanh Tra...ở đâu anh cũng bén duyên với các vấn đề về kinh tế. Còn nhớ những năm giao thời chuyển đổi từ bao cấp sang kinh tế thị trường, bằng những bài báo nóng hổi thực tiễn, Trần Quốc khải đã chỉ ra nhiều khuyết tật của cơ chế quản lý hành chính quan liêu, đồng thời phát hiện, cổ vũ những cách làm ăn mới có hiệu quả. Những chuyện tưởng nhỏ nhưng lại không hề nhỏ như ” Lốp và vấn đề sản xuất lốp”, “Kíp lao động gia đình - Hướng tổ chức lao động mới ở Tương Giang”, “ Cây ớt xuất khẩu trên đồng đất Lạng Giang”, “ Cây thuốc lá giống mới và nỗi trăn trở giữa hai đầu: Sản xuất tiêu thụ”, “Con lợn nghĩa vụ và cách thu mua ở Thuận Thành, . "Khoán gọn ở Thành Bắc”, “Tấc đất chợ Thương nhìn từ góc độ kinh tế”, “ Vấn đề nổi cộm phía sau khoán 10”..Chỉ ra điểm nghẽn và kiến giải những vấn đề mới trong hoạt động kinh tế, các bài viết của Trần Quốc Khải đã có tiếng vang rất lớn trong những năm đầu đổi mới.
Tôi nhận thấy nhà báo Trần Quốc Khải rất có thế mạnh khi làm phóng sự điều tra. Phải chăng sau này học thêm Đại học Luật Hà Nội và trở thành luật sư nên các bài điều tra của anh luôn chặt chẽ, thấu lý, ,đạt tình? Nhiều vấn đề gai góc đã được anh phơi bày trên ngôn luận được đông đảo bạn đọc quan tâm, ví dụ: “ Xung ,quanh vấn đề thuế công thương nghiệp ở Bắc Giang, “Phía sau những bản hợp đồng bị phá vỡ, “ Những điều khó thương ,ở chợ Thương”, “ Hòn đất mà biết nói năng”, “Bài học kinh nghiệm từ một vụ vi phạm hợp đồng kinh tế”, “ Xử lý nghiêm hành vi tháo dỡ nhà dân”, “Tại sao họ lại cố tình làm trái?”, “ Lợi ích chính đáng của xã viên HTX thuyền Xuân Tiến cần được bảo vệ”, “ Những kẻ thích luật rừng cần được xử lý nghiêm bảng phép nước”, “Như thế là tham nhũng”...Khó có thể kể hết các phóng sự điều tra sắc sảo, chiến đấu không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác, cái tiêu cực, tham nhũng của Trần Quốc Khải. Chỉ biết rằng, bằng những bài báo sắc lẹm của mình, Trần Quốc Khải đã giúp đỡ được nhiều cảnh đời oan trái, đã bảo vệ, chở che, bênh vực được cái đúng, đấu tranh lại trừ nhiều cái sai, cái xấu trong xã hội.
Tôi cũng rất khâm phục Trần Quốc Khải ở chỗ anh rất tinh nhạy trong phát hiện các vấn đề của báo chí. Bởi lẽ với nghề báo, việc phát hiện và lựa chọn được đề tài tốt coi như đã thành công một nửa, nửa còn lại là thể hiện tác phẩm đó như thế nào mà thôi. Chỉ cần nêu một ví dụ, có không ít nhà báo đã được đi Trường Sa, trong số đó có nhiều người cả chuyến đi chỉ thể hiện được 1-2 tác phẩm báo chí về vùng biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Nhưng nhà báo Trần Quốc Khải lại khác biệt, anh cho ra một loạt 5 kỳ phóng sự ghi chép và ẵm luôn giải thưởng đặc biệt do Bộ Quốc phòng và Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng cho tác giả có thành tích xuất sắc tuyên truyên về biển đảo năm 1995-1996.
Tôi nghĩ rằng khó có thể kể hết những kỷ niệm về chuyện đời, chuyện nghề của những người làm báo thời Hà Bắc nói chung và của nhà báo Trần Quốc Khải nói riêng. Nhân anh chuẩn bị xuất bản cuốn sách “ Hà Bắc một thời để nhớ”, tôi biên vài dòng cảm nhận của mình hy vọng cũng là cảm nhận của nhiều bạn nghề và bạn đọc về nhà báo Trần Quốc Khải, người có thẩm quyền trong con mắt của công chúng báo chí.
Nhà báo: Trịnh Văn Ánh
Người làm báo Bắc Giang