Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với loạt bài “nói thẳng, nói thật”
Thứ sáu - 21/06/2024 13:30
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn thấm thía “Bác Hồ là nhà cách mạng đầu tiên viết báo cách mạng. Chính tôi đã giác ngộ cách mạng nhờ được đọc những tờ báo cách mạng của Bác như tờ Le Paria (Người cùng khổ). Năm 1945, cả nước chỉ có 5.000 đảng viên, thế mà Đảng đã lãnh đạo được quần chúng nhân dân lật đổ ách thống trị của đế quốc Nhật và Pháp. Vì sao Đảng ta làm được như vậy? Một phần quan trọng là nhờ báo chí đóng vai trò là người cán bộ Đảng, là công cụ giúp Đảng vận động quần chúng làm cách mạng”.
Từ đó, đồng chí đưa ra phương châm chỉ đạo "Thực hiện đổi mới, thì việc chống tiêu cực đã thành nhiệm vụ quan trọng dọn đường cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và các nghị quyết khác của Đảng nhằm đưa nước nhà khỏi cảnh khó khăn, đi đến ổn định tình hình mọi mặt, làm cho dân bớt khổ, ngày càng được hạnh phúc. Đấu tranh chống tiêu cực nhằm “làm cho xã hội ta đã tốt đẹp, càng tốt đẹp hơn, dân ta mới tin Đảng, Đảng mới càng hiểu dân, tin dân”. Với phương châm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đòi hỏi báo chí phải là vũ khí sắc bén, nhà báo phải là chiến sĩ dũng cảm trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, diễn ra từ ngày 15 đến ngày 18/12/1986, đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của cách mạng Việt Nam khi đề ra đường lối đổi mới toàn diện. Những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới là công sức của toàn Đảng, toàn dân và gắn liền với vai trò đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Ngoài những đóng góp thiết thực cho đất nước trong giai đoạn mở đầu của công cuộc đổi mới, tên tuổi đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn liền với Chuyên mục “Những việc cần làm ngay”, gồm 31 loạt bài được đăng trên Báo Nhân dân từ ngày 25/5/1987 đến ngày 28/9/1990, với bút danh N.V.L. Đây là một biểu hiện của tinh thần đấu tranh chống tiêu cực quyết liệt, ngọn cờ đầu của chủ trương đổi mới, xây dựng một xã hội tiến bộ, dân chủ. Đồng chí đã cụ thể hoá chủ trương của Đảng vào những công việc thiết thực nhất nhằm làm cho Nhân dân nắm rõ nghị quyết của Đảng, đường lối xây dựng đất nước, trên cơ sở đó phát huy sức lực, góp công sức vào công cuộc kiến thiết đất nước. Trong thời gian 4 năm tồn tại, chuyên mục “Những việc cần làm ngay” đã tạo nên dấu ấn đậm nét trong đời sống xã hội của những năm đầu đổi mới. Với tinh thần đổi mới thật sự và chống tiêu cực mạnh mẽ để góp phần thúc đẩy công cuộc xây dựng đất nước đi dần đến ổn định, các bài báo đã nhận được sự ủng hộ rộng lớn từ khắp nơi và của hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Từ hiệu ứng của chuyên mục, nhiều vụ việc có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cán bộ lãnh đạo - mà trước đó - chỉ là “sự im lặng đáng sợ” đã được phát hiện, xử lý. Ý nghĩa to lớn của loạt bài ký tên N.V.L thể hiện ở khía cạnh: Vừa là đường hướng lãnh đạo, vừa đáp ứng đòi hỏi của tình hình, vừa phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân, cán bộ cả nước.
Bằng lối viết ngắn gọn, súc tích, lập luận vững chắc, dựa trên cơ sở khoa học, sâu sát thực tiễn với tinh thần dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, nói đúng sự thật, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã lên án mạnh mẽ những hiện tượng tiêu cực cùng với tệ quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, tham nhũng, hách dịch, cửa quyền, buôn lậu, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ lãnh đạo và đảng viên biến chất.
Toàn bộ nội dung chuyên mục tập trung vào 4 vấn đề chính: Phê phán các vi phạm ảnh hưởng đến công cuộc đẩy mạnh sản xuất; phê phán các hiện tượng tha hoá về phẩm chất của đội ngũ cán bộ; khẳng định sức mạnh công luận, pháp chế Nhà nước và vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng; động viên, cổ vũ Nhân dân thực hiện đường lối đổi mới, biểu dương những việc làm tốt, nhân tố mới điển hình.
Những bài báo với bút danh N.V. L đã khơi dậy và dẫn dắt phong trào đấu tranh chống tiêu cực, quan liêu, lãng phí trên cả nước, trong đó báo chí là lực lượng tham gia rất tích cực. Cuộc đấu tranh này thể hiện quyết tâm của Đảng chấn chỉnh lề lối công tác, đẩy lùi tiêu cực, không cho phép bất cứ cá nhân nào, tập thể nào “có quyền đứng ngoài vòng pháp luật và kỷ cương của chúng ta”.
"Những việc cần làm ngay" và phong trào hưởng ứng "Những việc cần làm ngay" rộng rãi trong nhân dân được các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh kịp thời sau đó chính là những nhát búa mạnh mẽ đập vào “sự im lặng đáng sợ” của những người có chức có quyền, của những cơ quan có trách nhiệm về các vụ việc tiêu cực, tạo nên bầu không khí công khai, cởi mở, dân chủ trong xã hội. Đây là nhân tố môi trường xã hội quan trọng để công khai hóa, dân chủ hóa đời sống xã hội, để chống tiêu cực thắng lợi, để Đổi mới thành công, đưa đất nước thoát dần khỏi khủng hoảng và từng bước làm chuyển biến tình hình.
Trong công cuộc đổi mới với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật” và nhất là trên mặt trận đấu tranh chống tiêu cực không thể thiếu vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng khi đó là nơi thể hiện tiếng nói của công luận một cách hữu hiệu nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng đề nghị “dân đã nói, báo chí đã đăng thì các cấp uỷ Đảng và Nhà nước phải nghiêm túc nghiên cứu, giải quyết. Các cấp uỷ Đảng và chính quyền cần ủng hộ báo chí chống tiêu cực. Báo chí đừng sợ bị quy chụp khi đẩy mạnh đấu tranh mà phải tích cực làm cho quần chúng sử dụng tờ báo như cơ quan ngôn luận tin cậy. Và phải chú trọng đăng cả những bài quần chúng phản ánh cái tốt, các điển hình tích cực, các nhân tố mới”. “Vai trò của nhà báo là đem ánh sáng trong lành lan toả rộng ra, đẩy lùi, thu hẹp và xua dần bóng tối”.
Tác giả “Những việc cần làm ngay” đã đi xa nhưng đến nay, đọc lại, ngẫm lại các bài báo đó vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa định hướng, soi đường mặt trận truyền thông trong cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ngày nay.