Những chuyện lạ, nhớ lại

Thứ sáu - 03/02/2023 14:27
1. Nhớ năm đó tôi lên Măng Lùng (Trà Linh, Nam Trà My), khi Hoàng Thọ lúc đó còn làm phóng viên đài Nam Trà My, nói rằng trên đó có... Tây. Hai thằng chờ từ sáng tới trưa, nhân vật... “Tây” mới đi rẫy về. Những cô gái mắt xanh, tóc vàng, mũi nhọn, da trắng, nổi bật và khác biệt những người Xê đăng xung quanh, dù đó là bà con ruột thịt, và họ chưa từng  xuống núi, ít giao lưu. Người già cho hay, hồi đó Pháp đóng quân ở đây, có hẳn một sân bay dã chiến ở đỉnh Ngọc Linh, lập đồn bốt. Dân làng nhiều người bị bệnh được Pháp cứu, truyền máu, khi tới đời cháu nội họ thì lại sinh ra... “Tây”. Tôi nhớ khi công bố bài viết, có ông cán bộ ngành văn hóa nói tôi bịa. Tôi nghe, không giấu được trận cười, bởi rõ ràng ông kia chẳng biết... ma chỉ hết mà phán nhào, mà có khi do ông không thể tin nổi.
111
Toàn cảnh nóc Măng Lùng nhìn từ trên cao.
2. Cũng Hoàng Thọ nói, vùng  Nam Trà My, hễ ai sinh ra trước là làm anh chị, bất luận đó là con chú con em! Tôi nghe chưng hửng. Bữa đó mò lên, ngồi với ông Hồ Văn Bá nguyên Bí thư huyện Nam Trà My, ông gật đầu cái rụp, kể: “Ngay nhà  tôi ở Trà Mai, rồi lên vùng cao hơn, nhà nào cũng thế, như cô ruột ông là em kế ông già, nhưng con cô lớn hơn nên ông phải gọi là anh chị”! Tôi sau đó hỏi anh Dương Trinh, nguyên Trưởng phòng Văn hóa Nam Trà My, anh cũng gật, rằng quê anh ở Trà Kót, cũng vậy. Cor, Xê Đăng, Mơ Nông chẳng khác nhau trong quan niệm này.

Một lần tôi hỏi nhà báo A  Lăng Ngước, là người Cơ Tu có vậy không, đáp lại là cái... không lắc đầu: Y chang! Tôi nhớ anh Hồ Văn Dang, Phó Chủ tịch xã Trà Linh, trả lời tôi câu hỏi, rằng nghĩ sao về chuyện này: “Theo em là đúng, đó, như con bác cả em, chừ mới 7 tuổi, em nay 31 tuổi, nó gọi em là anh là đúng rồi, chứ không lẽ mình lớn thế này là gọi nó là chị !”. Nhạc sĩ Dương  Trinh giải thích, do người miền núi không có giỗ chạp kiểu gia tộc, họ hàng, nên quan niệm thứ bậc theo người Kinh, không có...

Vậy, tôi thiếu điều chắp tay lạy vì... nể phục, bởi họ vô cùng sòng phẳng, công bằng, như từ trong khởi thủy, yếu tố cộng đồng, chia đều ngợp trong đời sống họ. Sinh ra trước là anh chị. Hễ ai nhìn thấy mặt trời trước thì người đó có quyền hơn. Phải chăng, triết lý này đi từ bóng tối của rừng và mây mù? Sống và chết dưới bóng rừng, mặt trời chính là thần linh. Thấy mặt trời, là khẳng định quyền làm người. Lớn tuổi hơn, thấy mặt trời trước, thì phải cao hơn một bậc. Một quyền năng của sự hiện diện.

3. Tôi về vùng biển, hay bắt gặp người ta ăn cơn ngồi bệt dưới nền. Ở núi có nhà sàn, ăn uống ngồi nhà sàn có khi là nếp, thành quen, thì cớ sao ở biển, cũng ngồi bệt quanh mâm cơm? Nhiều nhà giàu có, bàn ghế sáng choang, cũng bệt khi ăn. Phải chăng là thói quen được thiết lập của một thuở lênh đênh theo con sóng, tranh thủ lúc thả lưới xong là ngồi trên khoang thuyền để ăn? Tôi vô tuốt trong Mũi Cà Mau, cũng thấy y chang. Một bữa nhậu ở nhà của nhà văn Phan Trung Nghĩa tại Bạc Liêu, nhà rường to bự chảng, cũng ngồi bệt quanh mâm (ăn cơm chứ không nhậu). Kỳ lạ, hay là dấu vết thuở khẩn hoang, ăn cơm ngay trên đồng ruộng?

Đó là tôi nói chuyện ăn, chứ nhậu ở nhà người quen, chừ dễ thấy hay trải chiếu. Nói thiệt chẳng thoải mái tí nào, nhất là khi mâm nhậu có phụ nữ, họ hẳn sẽ khó khăn khi ngồi không sỗ sàng như đàn ông.

Chằng dám nói là hay -dở, tôi chỉ nghĩ đó là thói quen, và phải chăng đó là vết dấu của chuyện ăn uống “góc chiếu đình làng” thuở đã xa, nhưng níu kéo mãi đến chừ (đây là tôi nói chuyện nhậu trải chiếu).

Dặm dài đi viết, nhiều chuyện lạ không đủ tư liệu để dựng bài báo cho ra hồn, nhưng những mảnh nhỏ của đó, là chi tiết sắc nhọn cứa trong trí nhớ, như lời nhắc về sự lạ lẫm, diệu kỳ không ngừng, không bao giờ hết của đời sống. Nhiều khi xem trên mạng có những chuyện lạ, đọc xong, xem hết, thấy chẳng hề lạ chi hết, bởi hoàn toàn do sắp đặt có chủ ý, là kết quả của một quá trình được báo trước, hoặc nếu có sự đột biển tự nhiên nào đó, cũng chỉ xuất hiện ngắn ngủi và mất ngay sau đó. Còn có những chuyện, ẩn đằng sau đó là câu chuyện chứa cõng cả một chu trình dài, gắn liền với bao mảng miếng đã góp phần hình thành, định danh một giá trị hoặc phản chiếu tầng vỉa sâu xa của vùng đất, con người. Sức bền của nó vượt thời gian. Vẫn nghĩ rằng, với người viết báo, một khi đời sống còn lắm lạ lẫm lấp lánh, sâu lắng, gợi điều kỳ ảo, thì sự gắn bó của ngòi bút vẫn  còn…
                                                                                
Trung Việt
                                                                       Người làm báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây