Phóng viên Hải Yến: Sẵn sàng cho mọi chuyến đi
Thứ ba - 25/10/2022 11:15
Bước chân vào nghề báo khi vừa học xong THPT, lúc đó trong suy nghĩ của chị Hải Yến (phóng viên Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Yên Bình) nghề báo là được cầm máy ảnh, camera, máy ghi âm vi vu khắp nơi, trông rất sành điệu, chỉ đến khi dấn thân vào nghề chị mới hiểu, bên trong cái sành điệu, vi vu đó là cả một sự lao động trí óc, miệt mài, sự đam mê, bền bỉ và không ít những hiểm nguy.
Có bố là nhà văn nên khi còn nhỏ chị hay được ngồi cùng bố và các cô chú nhà văn, nhà báo ngâm thơ, đọc truyện, đôi lúc được phóng viên đến quay phim, lớn hơn một chút thấy các anh chị phóng viên cầm máy ảnh, camera, máy ghi âm vi vu khắp nơi, trông rất sành điệu, chị Hải Yến thích và bắt đầu quan tâm tìm hiểu về nghề báo.
May mắn, khi vừa tốt nghiệp THPT, lúc đó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Bình tuyển phát thanh viên vậy là chị xin tham dự và trúng tuyển. Lúc đầu công việc của chị là phát thanh viên của một đài cấp huyện. Sau 3 tháng, chị bắt đầu thử sức với công việc của phóng viên, từ cách tiếp cận cơ sở, phỏng vấn, rồi viết tin. Viết xong đưa cho các cô chú biên tập cho ý kiến, hướng dẫn, cứ như vậy có những lúc viết một tin chỉ hơn nửa trang giấy nhưng phải viết đi viết lại hàng chục lần, đã có lúc nản nhưng nhận được sự giúp đỡ từ các cô chú đồng nghiệp, đặc biệt là bố chị luôn động viên cộng với với sự quyết tâm của bản thân nên mọi việc quen dần và tin, bài nào bố chị cũng “bắt” gửi cộng tác với Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh và Báo Yên Bái và đã có những tin, bài được đăng, phát sóng, từ đó chị đã có thêm động lực để cố gắng. Rồi chị được cơ quan cho đi học chuyên ngành báo chí, được tham gia nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ, chị tự tin, mạnh dạn hơn trong công việc.
Làm báo chị phải quen dần với công việc không kể là ngày hay đêm, cứ có sự kiện là tác nghiệp, bất chấp hiểm nguy để có thông tin tốt nhất, nhanh nhất, chính xác nhất đến với công chúng và công việc cứ nối dài công việc không có thời điểm giãn cách. Vì thế mà những kỷ nệm với nghề cũng cứ đầy thêm. Chị nhớ chuyến tác nghiệp cùng ( nhà báo Kiều Mười, giờ là Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Yên Bình, đến thôn Làng ven xã Ngọc Chấn của huyện Yên Bình, đây là thôn có chưa đầy 2 chục hộ nhưng hộ nào cũng có người mắc chứng bệnh phong để viết về sự đổi thay của người dân nơi đây khi huyện đã và đang thực hiện thanh toán bệnh phong. Hai chị em long dong trên chiếc xe Loncin cà tàng vượt chặng đường gần 80 km từ trung tâm huyện đến xã Ngọc Chấn. Được anh cán bộ văn phòng dẫn đi thêm gần 3km nữa mới đến đầu thôn, lúc đó muốn vào được Làng ven phải đi thuyền nan, để chiếc xe máy vào lán tạm của nhà dân ven hồ, rồi nhờ mãi mới có người giúp đưa qua hồ, tiếp tục xắn quần cuốc bộ vác máy quay và chân máy men theo bờ ruộng nửa tiếng mới đến được nhà trưởng thôn, xong việc thì trời đã sẩm tối, trở ra đến chỗ để xe máy thì không thấy chìa khóa, đành nhờ người đến đấu nối trực tiếp tạm thời để xe có thể nổ máy. Suốt quãng đường đèo Táng Sính dài 2 km nối liền giữa 2 xã Ngọc Chấn và Cảm Nhân tối đen không một bóng nhà dân, hai chị em đều lo lắng, bất an bởi trước đó đã nghe nhiều về chuyện cướp giật trên đoạn đèo này và trong đầu đã vạch ra tình huống nếu có cướp thì xử lý thế nào, chỉ khi nhìn thấy ánh đèn sáng nhà dân mới thở phào. Vừa đói, vừa mệt nhưng đi tiếp được hơn chục km nữa thì xe hết xăng, phải dắt bộ hơn 1 km mới có chỗ bán xăng nhưng lại không có chìa khóa mở bình xăng, loay hoay mãi mới tìm được người nhờ tháo ốc ở yên xe rồi lật ngược lại để đổ xăng, lọ mọ đến 10 giờ đêm mới về đến nhà.
Rồi gần đây nhất khi chị thực hiện phóng sự dự thi Liên hoan Phát thanh Truyên hình tỉnh, sau khi chọn đề tài viết về sự nguy hiểm từ những chiếc xe công nông tự chế. Thời điểm này các phóng viên trong cơ quan được phân công làm các công việc khác, nên chị phải một mình vác máy đi cơ sở. Chị chọn xã Bạch Hà, nơi mới xảy ra vụ lật xe công nông gần nhất làm một người chết, liên hệ mãi mới có người dẫn đường, hơn 40 phút đi xe máy với vận tốc 10km/giờ vì toàn đường đồi núi, lên đến nơi đã hơn 11 giờ trưa, hỏi thăm những người khai thác gỗ thì được biết: 3 đến 4 giờ chiều các xe mới vào chở gỗ. Lại trở xuống núi, nhiều đoạn xuống dốc sâu phải xuống dắt bộ vì sợ xe mất phanh. Chờ đến chiều chị lại vượt dốc, vậy nhưng vừa đến nơi trời đột nhiên đổ mưa to, các xe công nông không thể lên được, vậy là mất một ngày lăn lộn vất vả mà về tay không, buồn phát khóc. Nhưng đây là đề tài hay nên chị lấy lại tinh thần, quyết tâm lên núi lần thứ ba mới quay được hình ảnh khi trời tối những chiếc công nông tự chế nối đuôi nhau trở gỗ từ trên núi xuống đường quốc lộ kèm theo đó là những nguy hiểm luôn rình rập đến tính mạng của chính những người tài xế và những người tham gia giao thông. Trong phóng sự chị còn có thêm hình ảnh về 3 địa điểm đồi núi hiểm trở tương tự như vậy. Phóng sự “Hiểm họa về những chiếc công nông tự chế” được giải Nhì tại Liên hoan Phát thanh Truyền hình tỉnh và giải C giải Báo chí tỉnh Yên Bái năm 2022. "“Chính những chuyến đi, lăn vào thực tế ấy đã giúp tôi có những tác phẩm đem lại hiệu ứng xã hội, được đồng nghiệp ghi nhận, đó chính là động lực để tôi tiếp tục cố gắng, dấn thân với nghề"" phóng viên Hải Yến chia sẻ.
Ở Trung tâm TT&VH huyện Yên Bình chỉ có 4 phóng viên nên cơ quan không phân công phụ trách từng lĩnh vực mà phân công viết bài theo tháng, ngoài ra có việc đột xuất thì Ban Giám đốc trực tiếp phân công nên các phóng viên hầu hết phải làm việc độc lập vừa phải tự quay phim, tự viết, tự đọc và tự dựng hình hoàn chỉnh. Nhà báo Kiều Mười, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Yên Bình nhận xét “Tuy là nữ nhưng chị Hải Yến luôn xông xáo, mạnh dạn thực hiện nhiều đề tài nóng, cần có sự quyết tâm, dấn thân.”
Dù công tác ở Đài huyện nhưng được tham gia sinh hoạt tại Hội Nhà báo Yên Bái, được giao lưu với các bạn đồng nghiệp trong tỉnh và các tỉnh bạn nên chị học hỏi được rất nhiều. Với chị nghề báo luôn cần có sự vận động, phải học và trải nghiệm, vì vậy mà chị sẽ luôn sẵn sàng cho mọi chuyến đi.
Thùy Linh