Mỗi lần từ phương Nam bay ra Hà Nội, dù bận đến mấy tôi cũng tranh thủ đến nhà riêng của thầy trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy thăm thầy giáo cũ Trần Bá Lạn. Thầy Trần Bá Lạn hướng dẫn cho tôi làm tin, viết phóng sự, bút ký... kỹ năng làm báo chuyên nghiệp - rèn giũa tư chất một nhà báo chân chính. Tuổi cao nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, dáng vẻ quắc thước, đẹp lão, tóc điểm bạc, da dẻ hồng hào, đậm nét hào hoa phong nhã của bậc nam nhi xứ Tràng An.
Thầy Trần Bá Lạn sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức dòng dõi, gia giáo ở Hà Nội. Cha ông giỏi chữ Hán, biết chữ Tây, biệt tài hội họa - là họa sĩ sở địa dư Đông Dương, được triều Nguyễn phong hàm cửu phẩm - được gọi là Cửu Giám. Cụ ông có nhiều bức tranh nổi tiếng đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi họa. Cha mất sớm, tuổi thơ Trần Bá Lạn được mẹ và chị gái chăm sóc nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, lưu lạc nên vất vả trăm bề, ông làm thợ thủ công, công nhân đội duy tu cầu Long Biên.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình rời Hà Nội tản cư lên Thái Nguyên. Trần Bá Lạn vào làm việc tại nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ khi nhà máy được di chuyển lên an toàn khu phục vụ kháng chiến. Từ đây, ông được gửi vào học trường kỹ nghệ Liên khu IV. Chàng thanh niên Hà Nội cuốc bộ nhiều ngày vào Thanh Chương (Nghệ An) nhập học. Cũng như cha, ông có năng khiếu hội họa, vẽ giỏi có tiếng ở trường Kỹ nghệ ngày đó. Từ trường Kỹ nghệ, Trần Bá Lạn tham gia một cuộc tập huấn và tháng 11 năm 1953, ông được phân công về Báo Tiền Phong - chiến khu Việt Bắc - bước ngoặt cuộc đời chuyển sang làm báo.
Một thời gian sau, Trần Bá Lạn được Trung ương Đoàn cử đi học Đại học báo chí 4 năm tại Bắc Kinh, Trung Quốc; đoàn có 13 người, từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau. Sau khi tốt nghiệp, ông được điều động về Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương - dưới quyền của nhà văn, nhà báo nổi tiếng Lưu Quý Kỳ. Ngày 16/1/1962, sau một thời gian giảng dạy báo chí cho các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn tại Trường Đại học Nhân Dân rồi Trường Tuyên giáo Trung ương, Trần Bá Lạn được giao nhiệm vụ thành lập Khoa Báo chí và sau đó được bổ nhiệm làm trưởng khoa cho đến ngày nghỉ hưu - năm 1991.
Với Khoa Báo chí, ngẫm nghĩ lại, thầy Trần Bá Lạn gần như “tay không bắt giặc”. Một Trần Bá Lạn chí khí, mà ông vẫn thường nói “đi bắc cầu mở nghiệp”, tập hợp lực lượng giáo viên, viết giáo trình, giảng bài. Ông là người đầu tiên đặt nền móng xây dựng Khoa Báo chí; người có công lớn góp phần đào tạo hàng nghìn nhà báo, trong đó nhiều người đã thành danh, trở nên nổi tiếng là những nhà báo, nhà văn, nhà quản lý uy tín; người kiến tạo, tổ chức biên soạn giáo trình nghiệp vụ báo chí, người có công xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa Báo chí, mở rộng quan hệ đối ngoại, tạo dựng thương hiệu và uy tín của Khoa Báo chí trong nước và quốc tế.
Gần một phần ba thế kỷ giảng dạy, nhiều năm làm Trưởng Khoa Báo chí ở một cơ sở đào tạo báo chí lớn, nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn có nhiều niềm vui không sao kể xiết, đó là nghĩa tình thầy trò, cái giá vô song - như chính thầy tâm sự.
Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn làm báo, giảng dạy báo chí. Viết báo, biên tập, lên trang ma-két là thế mạnh thứ 4. Những điều này giúp ích cho ông rất nhiều khi hướng về cội nguồn. Sau khi nghỉ hưu, thầy Trần Bá Lạn đã dành thời gian “tìm về cội nguồn”, cùng các bậc trí thức, cao niên dòng họ Trần làng Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội thẩm định, xác minh được nhiều điều hệ trọng. Ông đã bỏ ra nhiều công sức sưu tầm và dịch thuật nhiều tài liệu từ tiếng Hán cổ, góp phần thẩm định và tìm ra bia ghi danh cụ Tổ tiến sĩ Trần Trọng Liêu tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, gắn với một giai đoạn lịch sử nhiều thăng trầm của dân tộc.
Năm 2022, về cơ bản khu di tích lịch sử được xếp hạng, mà trong đó tượng và bàn thờ cụ tiến sĩ Trần Trọng Liêu, nhà trí thức lớn được khắc bia trong Quốc Tử Giám gần 3 thế kỷ trước đã được dựng ngay trong hậu cung bên bàn thờ chính thờ cụ Nguyễn Trãi cơ bản hoàn thành. Các tài liệu, thơ, văn tự... ghi lại bằng chữ Hán cổ, hoặc qua các văn tự, hoặc khắc trên bia tượng, bia mộ được hậu duệ Trần Bá Lạn dịch thuật đều đã xong và được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ghi nhận, đánh giá cao.
Những giọt nắng vàng mùa thu Hà Nội, giàn hoa cảnh trước thềm rung nhẹ trong gió, căn nhà bình dị của nhà giáo, nhà báo Trần Bá Lạn khiêm nhường ẩn mình trong khu tập thể cán bộ, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền dường như ấm áp hẳn lên, càng tôn thêm vẻ đẹp nhân cách đáng nể trọng của một trí thức đất Hà Thành: “Mình sống vui, sống khỏe, thanh thản, lúc nào và trong hoàn cảnh nào cũng làm tròn bổn phận của một nhà báo, một nhà giáo tận tụy”... Tự hào thay thầy giáo Trần Bá Lạn - người truyền lửa, truyền nghề - giảng dạy nghề báo cho bao thế hệ học trò, một thời đầy ắp bao kỷ niệm đáng nhớ.
Theo Hải Vân/NLBVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên