Nhà báo Bông Mai và hành trình tác nghiệp đặc biệt 99 ngày, 10.000 km tới 44 tỉnh, thành phố

Thứ hai - 22/08/2022 11:40
Để tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa của các vùng miền, nhà báo Bông Mai (Tạp chí Ngày Nay) đã dành 99 ngày, di chuyển 10.000 km, qua 44 tỉnh thành phố của đất nước. Với chị, mỗi chuyến đi là mỗi cung bậc cảm xúc khác nhau và là "hành trình đổ đầy hạnh phúc".

10.000 km, qua 44 tỉnh, thành phố

Để có chuyến đi này trước đó, nhà báo Bông Mai đã dành gần 3 tháng để tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, địa lý các vùng miền, văn hóa các dân tộc, đọc nhiều sách nghiên cứu về các dân tộc thiểu số, các dân tộc anh em. Đặc biệt là tìm về đời sống, trang phục các trẻ em gái, phụ nữ từng dân tộc.

Đầu tiên chị dành nhiều thời gian để hiểu và đến hầu hết các tỉnh Tây bắc và Đông bắc. Chị bắt đầu phỏng vấn, chụp ảnh, ghi hình và có rất nhiều chất liệu hấp dẫn cho việc viết bài hay sản xuất những tác phẩm truyền hình.

111
Nhà báo Bông Mai chia sẻ tại tọa đàm “Báo chí vì bức tranh tương lai có trẻ em gái: Thúc đẩy sự tham gia của báo chí trong giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số". Ảnh: NVCC

Trong quá trình đó, chị nhận thấy rằng giữa tìm hiểu trên sách vở, trên mạng internet với thực tế rất khác nhau, nguyên nhân nguồn tư liệu trên sách báo còn ít, nhiều sách tài liệu về văn hóa các dân tộc cũng đã xuất bản quá lâu chưa cập nhật. Chẳng hạn như có nhiều bài báo hay sách chụp trang phục truyền thống là của những cô gái ở các làng văn hóa, khu du lịch, các đoàn nghệ thuật nhưng trên thực tế lại chưa thực đúng với màu sắc, chi tiết truyền thống của người dân đó.

Chính vì thế, nhà báo Bông Mai  cho biết: “Tôi muốn tiếp cận gốc rễ của vấn đề nên thường xuyên đi vào những bản làng rất sâu. Đã có những dân tộc tôi tìm hiểu về văn hóa và trang phục là người La Ha và người Thái, từ đó viết, phản ánh qua các tác phẩm báo chí. Qua đó tôi muốn gửi tới công chúng và cả đồng nghiệp một thông điệp rằng, khi tìm hiểu về vấn đề gì nên tìm hiểu một cách chính xác, khách quan cho tất cả mọi người và cần tôn trọng sự khác biệt về văn hóa giữa mỗi dân tộc, địa phương”.

Trong 99 ngày nhà báo Bông Mai đã di chuyển 10.000 km, qua 44 tỉnh thành phố, dừng chân tại 80 thôn bản, chị đã chinh phục nhiều cung đường hiểm trở, đường đèo được cho là thử thách lớn cho các phượt thủ chuyên nghiệp. Không đến những khu dân cư, khu du lịch, đông người chị chọn đến với vùng heo hút, nơi các dân tộc thiểu số ít người đang sinh sống.

111
Nhà báo Bông Mai thực hiện nhiều bài viết, phóng sự về văn hóa, trang phục các dân tộc. Ảnh: NVCC

Trong suốt hành trình ấy, chị đã đến với 33 dân tộc, làm các phóng sự ảnh, quay nhiều thước phim của 53 trang phục, sưu tầm 44 làn điệu dân ca, đời sống sinh nhai, sinh hoạt của từng dân tộc từng địa phương…

Chị chia sẻ: Đã làm văn hóa là phải yêu văn hóa, đặc biệt văn hóa của Việt Nam thì luôn phong phú đa dạng các dân tộc, điều quan trọng nhất đối với phóng viên văn hóa là cần dành thời gian tìm hiểu thực tế.

Trưởng thành từ những kỷ niệm vui, buồn

Không chỉ là những câu chuyện, những con người, những nét văn hóa thoáng qua trong hành trình 99 ngày ấy, chị đã thực sự sống, cảm thông với những con người và những vùng đất xa xôi. Thứ đọng  lại nhiều hơn cả và quan trọng hơn tất cả với chị là tình cảm mọi người dành cho chị. Đồng bào yêu mến, chăm sóc và gần gũi như người thân quen.

Chị luôn tự hào khi được chứng kiến, nhiều đồng bào dân tộc thực hiện những phong tục rất cổ xưa như đặt chõ xôi và đĩa gạo muối, ớt lên mâm cơm của người Thái đen với ngụ ý muốn giữ chân khách lại thêm vài ngày. Và tất cả những điều đó khó có thể diễn tả lại thành lời, thành những bài báo nếu không có được những trải nghiệm chân thật như vậy.

111
Nhà báo Bông Mai chụp ảnh cùng đồng bào dân tộc. Ảnh: NVCC

“Tôi nhớ hình ảnh của một người phụ nữ Thái ở Yên Châu (Sơn La) hái lá, đun nước, múc từng gáo gội đầu cho tôi. Tôi nhớ mãi cái mùi lá thơm thơm bên bếp củi chiều hôm ấy. Tôi nhớ khoảnh khắc nước mắt tôi muốn trào ra khi vợ chồng cô chú ấy đặt cái thố bằng mây đựng cơm và đĩa gạo muối, ớt lên mâm và nói đấy là cách chủ nhà họ muốn giữ chân người khách mình yêu mến. Tôi nhớ cô bạn mới quen dúi vào tay tôi xách bánh chưng chay mà cô ấy tự tay gói để tôi mang theo dọc đường”, nhà báo Bông Mai chia sẻ.

Trong chuyến đi, ở mỗi địa phương chị không chỉ có thêm nhiều tác phẩm báo chí, truyền hình về văn hóa mỗi dân tộc, đặc biệt chị còn có nhiều bức ảnh về những mảnh đời, những số phận mang nhiều cảm xúc cho người xem. Nhà báo Bông Mai luôn cảm ơn quãng thời gian hơn 15 năm gắn bó với lĩnh vực truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) giúp chị có những kiến thức về ảnh, khuôn hình, bố cục, ánh sáng để có thể ghi lại trọn vẹn cảm xúc của khoảnh khắc ấy.

Tuy nhiên trong suốt hành trình 99 ngày không phải chỉ con đường bằng phẳng. Thực tế có những lúc chị ốm nằm co ro một mình trên giường, có những lúc chạy vội về từ thôn bản, tìm về trung tâm huyện giữa bốn bề là núi non hiểm trở khi trời tối đen... Có những lúc đứng khóc một mình không thành tiếng giữa đêm gió lạnh buốt vì những lo lắng bộn bề ập đến... Nhưng không vì khó khăn ấy mà chị dừng chân, bỏ cuộc giữa chừng, chị coi đó chính là một phần, là những bài học trên hành trình của mình.

Sau chuyến đi nhà báo Bông Mai dự kiến sẽ xuất bản cuốn sách nói về hành trình, những câu chuyện, phận đời chị đã gặp. Chị cũng sẽ xuất bản cuốn sách về cuộc sống phụ nữ và trẻ em gái các dân tộc để mong muốn họ cũng sẽ một cuộc sống tốt đẹp hơn.

111
Một bức ảnh trong tác phẩm "Những đôi mắt vùng cao" của nhà báo Bông Mai.

Nhà báo Bông Mai chia sẻ: “Chuyến đi của tôi đúng là để đổ đầy hạnh phúc khi mỗi ngày tôi biết một địa điểm mới, một câu chuyện văn hoá mới, và đáng trân quý hơn đó là gặp gỡ những con người mới. Có câu nói tôi rất thích: Hạnh phúc là hành trình chứ không phải đích đến. Và 99 ngày đến các vùng miền của tổ quốc chính là hành trình hạnh phúc”.
 

Theo Vũ Phong/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây