Nhà báo Lâm Hải Ngọc - cây bút chủ lực của Báo Hưng Yên, khi nghỉ hưu vẫn xuất bản 4 cuốn sách hay
Thứ ba - 21/06/2022 14:40
Những năm đầu tái lập tỉnh Hưng Yên, tại các cơ quan báo chí của tỉnh, mọi người thường thấy một ông già quắc thước, giọng nói sang sảng, áo quần chỉnh tề, sôi nổi bàn về các đề tài báo chí. Đó là nhà báo Lâm Hải Ngọc- cây bút chủ lực của Báo Hưng Yên những năm 50 và 60 của thế kỉ XX.
Nhà báo Lâm Hải Ngọc sinh năm 1927, tuổi Đinh Mùi, quê thôn Kim Quan, xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu. Khi cộng tác viết tin bài cho Báo Hưng Yên và Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, nhà báo Lâm Hải Ngọc đã ngoài 70 tuổi, song sức khoẻ ông còn tốt, đầu óc minh mẫn, nét chữ đẹp hiếm thấy, ông thường đạp xe đến đài và báo gửi tin bài cộng tác…
Nhà báo Lâm Hải Ngọc thuộc lớp người đầu tiên làm báo Hưng Yên. Ông cùng thời với các nhà báo Trần Tuấn Doanh, Lê Ngọc Dưỡng, Nguyễn Như Nhất, Lê Tất Đắc. Lứa sau ông có các nhà báo: Thế Dũng, Hoàng Kim, Cao Hưng, Lê Đình Giao… Trong những số báo Hưng Yên năm 1958 còn lưu giữ được tại thư viện tỉnh, đã thấy xuất hiện bút danh Lâm Hải Ngọc. Ông viết khoẻ, khi đưa tin, lúc viết phóng sự, ông còn làm thơ đăng báo và chụp luôn ảnh đăng kèm bài… Trong nghề báo làm được nhiều việc như ông là hiếm. Có thể nói, ông là cây bút chủ lực và là cây bút xuất sắc của báo chí Hưng Yên thời gian đó. Điều đó được khẳng định qua việc ông được giao làm tường thuật 3 lần khi Bác Hồ về thăm tỉnh Hưng Yên.
Trước đó, nhà báo Lâm Hải Ngọc có vinh dự học lớp bồi dưỡng báo chí số 2 tại ấp Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội năm 1957 cùng nhiều nhà báo lớp trước, trong đó có nhà báo Hữu Thọ- nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Sau này, nhà báo Hữu Thọ về thăm nhà báo Lâm Hải Ngọc tại nhà riêng phố Tây Thành, thành phố Hưng Yên…Trước tinh thần làm việc quên tuổi tác của ông, Chánh án Toà án Tối cao Phạm Hưng, nhà báo Hồng Vinh- TBT Báo Nhân Dân, cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hưng Yên như Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Đình Phú,các đồng chí trong Thường trực Thành uỷ Hưng Yên, thủ trưởng một số sở, ban, ngành cũng như các cơ quan báo chí trong tỉnh đã tới thăm và động viên ông. Trước sự quan tâm đó, ông càng hăng say nghề báo hơn… Và bản thân nhà báo Lâm Hải Ngọc cũng rất quan tâm tới đồng nghiệp và bạn bè cũ. Được con trai đưa đi, ông đã về thăm gia đình nhà báo Lê Ngọc Dưỡng quê Đoàn Đào, Phù Cừ, thăm gia đình nhà báo Hoàng Kim tại xã Tân Hưng và thăm gia đình nhà báo Thế Dũng, phường Minh Khai, thành phố Hưng Yên…
Nhà báo Lâm Hải Ngọc từng đảm đương chức danh Thư kí toà soạn Báo Hưng Yên trong 3 năm, từ năm 1965 đến năm 1967. Khi thành lập tỉnh Hải Hưng năm 1968, nhà báo Lâm Hải Ngọc đã viết một số bài đăng trên Báo Hải Hưng, nhưng một thời gian ngắn sau đó, ông không làm tại Báo Hải Hưng, mà chuyển sang làm tại ty Văn hoá rồi nghỉ hưu.
Trở lại thời kì tái lập tỉnh Hưng Yên năm 1997, nhà báo Lâm Hải Ngọc tích cựcviết tin bài cộng tác cho Báo Hưng Yên và Đài PT&TH tỉnh, trong đó có chuyên mục “Những di tích danh thắng quê ta” đăng thứ tư hàng tuần trên Báo Hưng Yên. Nhà báo Lâm Hải Ngọc còn được Tổng Biên tập Báo Hưng Yên khi đó là nhà báo Nguyễn Thế Đắc nhờ sưu tầm các tài liệu về Báo Hưng Yên…
Trong thời gian cộng tác với Báo Hưng Yên, nhà báo Lâm Hải Ngọc còn sưu tầm, biên tập và viết mới một số bài báo để biên soạn xuất bản 4 cuốn sách có giá trị gồm: “Hạnh phúc đời làm báo” 222 trang(in 1200 cuốn, NXB Văn hoá-Thông tin, năm 2001), “Hưng Yên- Những năm tháng chống Mĩ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội” 444 trang(in 1700 cuốn, NXB Văn hoá- Thông tin, năm 2003), “Những di tích danh thắng tiêu biểu Phố Hiến” 212 trang(in 1700 cuốn, NXB Văn hoá- Thông tin, năm 2005), “Nghĩa tình sâu nặng- Bác Hồ với Hưng Yên, Hưng Yên với Bác Hồ”216 trang(in 2500 cuốn, NXB Văn hoá-Thông tin, năm 2007). Như vậy, vào tuổi 75, nhà báo Lâm Hải Ngọc đã xuất bản cuốn sách đầu tiên và liên tiếp 6 năm sau đó, ông xuất bản thêm 3 cuốn.Với 4 cuốn sách được nhà báo Lâm Hải Ngọc xuất bản trong thời gian nghỉ hưu, đây thật sự là một kỉ lục của Báo giới Hưng Yên. Chưa có nhà báo nào của Hưng Yên xuất bản nhiều sách như ông. Qua các bài báo tuyển chọn được đăng trong 4 cuốn sách, toát lên tinh thần nhiệt huyết đeo bám các sự kiện, đồng thời khẳng định tình yêu của ông đối với quê hương. Nhờ đó ông đã chắt lọc cái hay vẻ đẹp của các miền quê Hưng Yên trong các bài báo của mình. Ông còn tập hợp tài liệu và dự định xuất bản một vài cuốn sách khác như sách về các bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Hưng Yên, sách hồi kí về kháng chiến. Tiếc rằng vì tuổi cao và bệnh tật nên ông chưa kịp hoàn thành. Nhà báo Lâm Hải Ngọc mất năm 2014, hưởng thọ 88 tuổi.
Khi còn công tác, ông là cây bút chủ lực của toà soạn. Khi nghỉ hưu, tuổi đã ngoài 70 mà vẫn cộng tác viết tin bài và xuất bản được 4 cuốn sách hay. Điều đó khẳng định lòng yêu nghề báo cùng sự cố gắng phi thường mà nhà báo Lâm Hải Ngọc có được. Tinh thần say mê nghề báo- tuổi cao vẫn ra sách của ông là tấm gương cho đội ngũ những người cầm bút quê Nhãn học tập, làm theo.uưng H HHhhhhhhh