39 năm 7 tháng công tác và cũng 39 năm 7 tháng ấy, nhà báo Chu Triều Đương may mắn được liên tục gắn với nghề báo. Ngẫm nghĩ lại 1 đời làm báo, làm công tác Hội có lúc chói loà vinh quang và niềm vui nhưng cũng có những lúc có rất nhiều vất vả, khó khăn, nỗi niềm trăn trở… mà không biết giãi bày sao cho tỏ tường.
Nhà báo Chu Triều Đương kể rằng, từ lúc rời làng quê nghèo vùng cao (Nguyên Bình - Cao Bằng) đi công tác đến lúc nghỉ hưu, hiện nay 69 tuổi, là tuổi đang trôi dần tới giai đoạn cuối của 1 đời người. Nhưng với ông, nghề báo là một nghề vô cùng cao đẹp, nếu có kiếp luân hồi, được tái sinh một lần nữa thì ông vẫn chọn nghề làm báo.
Trong câu chuyện nghề nghiệp của nhà báo Chu Triều Đương, toàn cảnh báo chí Cao Bằng những năm tháng xưa và nay được “tái hiện” lại. Trước năm 1975, trên địa bàn Cao Bằng chỉ có 1 cơ quan báo chí và 1 tờ báo là Báo Cao Bằng, số người làm báo chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay; sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, đến năm 1977, có thêm 1 loại hình báo mới là Báo nói, tức Đài Phát thanh Cao Bằng (nay là Đài PT-TH Cao Bằng) và đến năm 1979 Thông tấn xã Việt Nam thành lập phân xã tại Cao Bằng.
Những người làm báo chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 1980 nhiều dần và ngày càng có nhiều người được học hành nghiệp vụ làm báo một cách có bài bản. Đội ngũ làm báo trên địa bàn lúc này thực sự đã cần có một tổ chức của những người làm báo, để tập hợp, đoàn kết đội ngũ làm báo và sinh hoạt nghề nghiệp.
Được sự quan tâm của tỉnh, ngày 18/5/1992 Tỉnh uỷ Cao Bằng có nghị quyết về việc thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cao Bằng và chỉ định Ban thư ký lâm thời và ngày 19/10/1992 UBND tỉnh ra quyết định số 360 UB/QĐ-UB về việc thành lập Hội Nhà báo tỉnh. Từ ngày thành lập đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cao Bằng đã trải qua 6 nhiệm kỳ đại hội, với chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành.
Hiện nay, các cơ quan báo chí và đội ngũ làm báo trên địa bàn tỉnh có: Báo Cao Bằng với các ấn phẩm Báo Cao Bằng, Tin ảnh vùng cao, Báo điện tử Cao Bằng; Đài PT-TH Cao Bằng với các chương trình: Thời sự tổng hợp phát thanh và truyền hình hằng ngày bằng 4 thứ tiếng, các chương trình văn nghệ, chuyên mục hằng tuần và Trang tin điện tử tổng hợp; có Tạp chí Non nước Cao Bằng của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh (là tạp chí Văn học - Nghệ thuật nhưng hoạt động theo quy chế quản lý báo chí); có cơ quan thường trú của phân xã TTXVN, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Cao Bằng và phóng viên thường trú của một số báo, tạp chí của các bộ, ngành Trung ương; ngoài các cơ quan báo chí, trên địa bàn còn có hàng chục bản tin và trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cũng mang tính chất thông tin báo chí nhưng hoạt động theo quy chế xuất bản bản tin.
“Đội ngũ những người làm báo, từ chỗ trước đây với số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay, vào làm báo là do tổ chức phân công, giao nhiệm vụ, trình độ nghiệp vụ chủ yếu là bằng lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm là chính… thì nay đội ngũ người làm báo và cán bộ nhân viên trực tiếp phục vụ trong cơ quan làm báo đã tới con số hơn trăm. Riêng đội ngũ người viết báo: 100% có trình độ đại học, nhiều người có 2 bằng đại học và có trình độ cao cấp lý luận chính trị. Tất cả những người làm báo trong các cơ quan báo chí đều được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí” - nhà báo Triều Đương tự hào.
Trong câu chuyện của nhà báo Chu Triều Đương, hoạt động công Hội cũng được khái quát một cách rõ nét và toàn diện. Ông kể rằng, Hội Nhà báo Cao Bằng là một trong những Hội Nhà báo sớm được bố trí biên chế cho bộ máy làm công tác hội, được bố trí trụ sở và các cơ sở, vật chất cần thiết cho hoạt động của công tác Hội Nhà báo.
Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Cao Bằng nhấn mạnh: “Hoạt động công tác Hội, từ buổi đầu chập chững, không rõ việc nào trước việc nào sau, một buổi sinh hoạt Chi hội Nhà báo là làm những gì… dần dần qua thực tế, những người được giao nhiệm vụ làm công tác hội cũng đã nhận rõ dần được công việc của Hội Nhà báo. Phần đông đều nhận thức rằng, hoạt động của Hội Nhà báo chính là các hoạt động thiết thực góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí”.
Bởi vậy cho nên trong hành trình 30 năm qua, hằng năm Hội Nhà báo Cao Bằng phối hợp với Trung tâm Nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ báo chí cho hội viên, tổ chức xét Giải tác phẩm báo chí chất lược cao, tổ chức cho hội viên tham gia Giải Báo chí Quốc gia…
Đặc biệt, trong Nhiệm kỳ II và Nhiệm kỳ III, Hội phối hợp với Học viện Báo chí - Tuyên truyền đã tổ chức được một lớp đại học báo chí tại chức tại tỉnh với trên 80 sinh viên. Ngoài việc chăm lo bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ làm báo chuyên nghiệp, Hội cũng chú ý đến việc bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ cộng tác viên báo chí trong tỉnh. Hội thường xuyên đảm bảo giảng viên cho các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ báo chí cho các ngành, các đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất bản Đặc san của Hội và triển lãm Hội báo Xuân cũng được quan tâm triển khai. Đặc biệt, Hội đã sớm đề xuất, tham mưu với tỉnh cần bố trí kinh phí ổn định theo kế hoạch cho công việc này.
Năm 2009, Hội đã được giao chỉ tiêu kinh phí cho xuất bản tạp chí của Hội và triển lãm Hội báo Xuân hằng năm ổn định trong kinh phí chi thường xuyên của Văn phòng Hội. Hoạt động xuất bản Đặc san Người làm báo của Hội và triển lãm Hội báo Xuân từ đó đã được tổ chức thực hiện một cách chủ động và ổn định, chất lượng ngày càng được nâng cao…
Giải Báo chí Cao Bằng đã được Thường trực Hội khoá IV xúc tiến xây dựng và đã hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ (đã có nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Giải Báo chí của tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Giải Báo chí Cao Bằng) nhưng vì nhiều lý do, Thường trực Hội khoá V đã không hoàn thiện tiếp được qui chế giải để triển khai thực hiện.
Và trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội, Giải Báo chí Cao Bằng đã được triển khai và đã được phát động lần thứ Nhất - năm 2023. Ngoài ra, bên cạnh việc tổ chức các Chi hội Nhà báo theo hệ thống cơ quan báo chí, Hội đã thành lập Câu lạc bộ Nhà báo nữ, Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi để tạo các điều kiện sinh hoạt cho phù hợp hơn với lứa tuổi, giới tính và đúng qui định của Điều lệ Hội.
Là một người suốt đời làm báo và có thời gian dài tham gia công tác Hội Nhà báo, nhà báo Chu Triều Đương cho rằng, công tác Hội Nhà báo có nhiều việc nhưng cần tập trung làm tốt 3 việc sau đây để nâng cao vai trò Hội Nhà báo và để công tác Hội Nhà báo thiết thực góp phần vào việc nâng cao chất lượng hoạt động báo chí. Đó là tổ chức tốt các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ báo chí cho người làm báo. Thứ hai là tổ chức tốt Giải Báo chí hằng năm. Thứ ba là tổ chức học tập, cập nhật quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước cho người làm báo.
“Hoạt động của công tác Hội Nhà báo mang dấu ấn của BCH hội của mỗi nhiệm kỳ, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch và Phó Chủ tịch chuyên trách. Mỗi nhiệm kỳ, BCH Hội đã có nhiều nỗ lực cố gắng, đã lập nhiều thành tích và cũng còn một số việc chưa làm được hoặc làm rồi nhưng hiệu quả chưa cao... Song tập thể BCH các khoá, các thành viên BCH, ban lãnh đạo các Chi hội Nhà báo, Ban Chủ nhiệm các CLB Nhà báo… đều đã để lại những dấu ấn tốt đẹp đối với công tác Hội Nhà báo trong suốt 30 năm qua” – nhà báo Chu Triều Đương chia sẻ.
Theo Sông Mây/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên