+ Có rất nhiều cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo triển khai thực hiện phong trào thi đua. Bản nguyên tắc “5 CÓ – 5 KHÔNG” của Báo Nông thôn Ngày nay có điều gì đặc biệt, thưa ông?
- Thực ra ý tưởng của chúng tôi không có gì mới mẻ mà phần lớn dựa trên tinh thần, ý nghĩa của Lễ phát động thi đua do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân dân tổ chức. Lãnh đạo Báo chủ trương, những nguyên tắc về văn hoá đạo đức nghề nghiệp mà Báo tự xây dựng đều phải nằm gọn trong bộ Tiêu chí cũng như 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Nhưng mặt khác, nó lại phải mang đậm bản sắc của Báo Nông thôn Ngày Nay và phải ngắn gọn để các hội viên dễ thuộc, dễ nhớ.
Dựa trên ý kiến chỉ đạo đó, Chi hội Nhà báo Báo NTNN đã nghiên cứu, học hỏi, tham vấn ý kiến và chắt lọc từ tiêu chí văn hóa của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan cấp trên đã xây dựng. Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm cách cụ thể hóa để gần gũi, sát sườn hơn với hoạt động tác nghiệp của người làm báo cơ quan mình.
Các cơ quan báo chí lớn trên thế giới như BBC, CNN hay như chính các cơ quan báo chí trong nước như Báo Nhân Dân, Đài truyền hình Việt Nam… cũng đều có bản quy tắc hoạt động riêng, vậy sao mình lại không thể tự xây dựng một bản riêng của mình. Và chúng tôi cũng tự hào mình đã có 5 CÓ – 5 KHÔNG.
Tất nhiên, trong số này còn có một số nguyên tắc khi đưa ra thảo luận trong nội bộ vẫn còn nhiều những ý kiến khác nhau như “không nhận bất cứ quà tặng vật chất nào trong quá trình tác nghiệp; không lợi dụng tư cách nhà báo để giải quyết, xử lý chuyện cá nhân; không bao giờ nói không thể trước bất cứ đề tài được giao…”, nhưng quả thực đây đều là những điều xuất phát từ thực tiễn tác nghiệp của Báo NTNN/Dân Việt nói riêng, báo chí nói chung, nên chúng tôi quyết định vẫn đưa vào với mong muốn PV của mình sẽ thuộc “nằm lòng” để không vi phạm những nguyên tắc này.
+ Tôi cho rằng việc đưa ra những nguyên tắc gắn thật thiết thân với hội viên đã khó, để thấm nhuần và hiệu quả trên thực tiễn quả thực còn khó hơn nhiều, thưa ông?
- Đúng như Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi có nói: Làm sao để phong trào “phát rồi nhưng phải động” mới là hiệu quả! Để 5 CÓ – 5 KHÔNG đi vào thực tiễn và ngấm vào các hội viên cũng là một sự thách thức đối với Ban Thư ký Chi hội chúng tôi.
Chúng tôi cũng thấy khá vui là ngay sau khi bản Nguyên tắc 5 CÓ – 5 KHÔNG ra đời, các hội viên bắt đầu trao đổi nhiều với nhau hơn về 5 CÓ – 5 KHÔNG. Thậm chí vừa mới rồi, trong khi trao đổi tranh luận về chuyên môn, một hội viên đã có ứng xử chưa phù hợp ở trên mạng với đồng nghiệp và ngay lập tức một hội viên khác đã có ý kiến rằng tại sao cơ quan vừa phát động 5 CÓ – 5 KHÔNG mà lại có hội viên có những ứng xử chưa đúng mực như vậy.
Sau đó, Ban Biên tập cũng đã đưa vấn đề này ra thảo luận tại cuộc họp giao ban đầu tuần, sau đó đã có phê bình nghiêm khắc hội viên do vi phạm nguyên tắc 5 CÓ – 5 KHÔNG. Vậy nên, tôi nghĩ là tinh thần 5 CÓ – 5 KHÔNG ít nhiều đã bắt đầu đi vào thực tiễn hoạt động báo chí của Báo NTNN/Dân Việt.
+ Đặc biệt, bối cảnh hiện nay, báo chí đang đứng trước rất nhiều thách thức… Những quy tắc rất cụ thể, chi tiết, hướng đến xây dựng một cơ quan báo chí văn hóa là rất cần thiết nhưng triển khai thực hiện trong bối cảnh nhiều sức ép cũng là chuyện không dễ, thưa ông?
- Điều này là hai mặt của một vấn đề. Chúng tôi luôn xác định, càng thách thức càng dễ xảy ra vi phạm và càng có những sức ép thì lại càng phải nỗ lực hơn chứ không thể lấy đó là lý do biện minh cho vi phạm. Trên thực tế, trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu mà nền Báo chí Cách mạng đạt được, các cơ quan báo chí của Việt Nam vẫn còn rất nhiều những tồn tại, đặc biệt là tình trạng xuống cấp về đạo đức báo chí trong một bộ phận những người làm báo.
Những người làm báo phải đối mặt với những hiện tượng tiêu cực, có những nhà báo vướng phải vòng lao lý, vướng phải tố tụng vì vi phạm quy định về pháp luật, vi phạm quy định về đạo đức, vi phạm các quy định trong nghề nghiệp. Số lượng này không phải nhiều, chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng tần suất lại xảy ra khá thường xuyên khiến cho chúng ta phải suy nghĩ. Không may mắn, tại báo chúng tôi cũng đã có trường hợp như vậy. Khi xảy ra sự cố đó, mọi người trong cơ quan lại càng có ý thức hơn những cơ quan chưa gặp phải sự cố.
Chúng tôi cũng nhìn thẳng vào thực tế để thấy từ việc này, trong cái rủi cũng có cái may. Điều “may mắn” đó là các hội viên của mình có được một bài học đắt giá để từ đó điều chỉnh hành vi, điều chỉnh tư duy tác nghiệp của mình! Điều này càng thôi thúc chúng tôi phải có những hành động và biện pháp kịp thời để ngăn chặn.
+ Thông thường trong một bản quy tắc sẽ đưa ra việc “không được làm”, cấm cái này cái khác, Bản nguyên tắc này lại có cả “5 CÓ”… Điều này có vẻ như là sự cân bằng rất thú vị, thưa ông?
- Chúng tôi cho rằng, ở góc độ Chi hội Nhà báo việc động viên, khích lệ hội viên của mình theo kiểu “lạt mềm buộc chặt” là cần thiết. Ở phần 5 CÓ, chúng tôi có những điều nhắc nhở như: “Có trách nhiệm theo đuổi đến cùng những công việc được giao” cũng là điều nảy sinh ở trong thực tiễn tác nghiệp, với đòi hỏi phóng viên phải đeo bám đề tài của mình đến cùng chứ không được bỏ ngang đề tài.
Hay như “Có ý thức giữ bí mật thông tin, kế hoạch của cơ quan”, điều này rất quan trọng, đặc biệt với những cơ quan trong lĩnh vực cung cấp thông tin như báo chí mà làm lộ thông tin bí mật nhiều khi chúng ta sẽ tự làm hại mình.
“Có tinh thần tự hào bảo vệ thương hiệu, uy tín của tờ báo” - tôi nghĩ là tờ báo nào, đơn vị nào cũng cần phải có sự tự hào về nơi mình làm, về thương hiệu của mình và tự bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình. Nhưng để đưa nó thành điều để răn mọi người nhớ chắc là ít người nghĩ đến.
+ Cam kết hay là nguyên tắc thường mang yếu tố động viên, khuyến khích…Thưa ông, vấn đề xử phạt các vi phạm có được đặt ra hay không?
- Những nguyên tắc chúng tôi đưa ra mang tính khuyến khích, động viên tất cả các hội viên thực hiện và muốn tạo ra một nền nếp tốt trong việc ứng xử và tác nghiệp. Còn để có chế tài khi có những trường hợp vi phạm thì chúng tôi đang dần áp dụng một cách mềm mại.
Bởi thực ra, với 5 CÓ – 5 KHÔNG, chúng tôi muốn nhắc nhở, răn đe để ngăn chặn sớm những hậu quả nặng nề hơn có thể xảy ra. Còn để đi thành một chặng đường và ăn vào nếp thì thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục có những phong trào, hoạt động triển khai cụ thể 5 CÓ – 5 KHÔNG vào từng nhiệm vụ, từng tình huống tác nghiệp cụ thể.
Thế nên, chúng tôi chưa gọi là quy định mà chỉ gọi là những nguyên tắc văn hóa, đạo đức báo chí, vẫn mang tính nhắc nhở, khuyến khích nhiều hơn. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên trong những cuộc sinh hoạt của chi hội; tuyên truyền bằng những biển báo, thông báo… những điều này sẽ dần dần ăn sâu, “mưa dầm thấm lâu”.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bảo Minh (thực hiện)
Nguồn: NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên