Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII - Những câu chuyện nghề xông pha và xúc động… “Cảm ơn lắm, Việt Nam” - Chuyện về những bước hành quân đầy tình người
Thứ ba - 25/06/2024 16:52
Đổ nát… Đau thương… Hy vọng…/Vượt qua hiểm nguy từ những cơn dư chấn…/Vượt lên thời tiết khắc nghiệt…/Vượt lên điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn…/Là tình người… Đó là thông điệp ý nghĩa tù ký sự truyền hình “Cảm ơn lắm, Việt Nam” của Liên chi hội Nhà báo Trung tâm PTTH Quân đội do nhà báo Phùng Chí Cương, quay phim Nguyễn Thi Tùng và cộng sự thực hiện. Tác phẩm được trao giải B Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII.
Ước một ngày có nhiều hơn 24 tiếng
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, ngày 10/2/2023, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc giao nhiệm vụ cho các lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ. 76 quân nhân tinh nhuệ được tập hợp thành lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hàng trăm kiện vật tư y tế, hàng chục tấn lương thực, nhu yếu phẩm cùng những trang thiết bị hỗ trợ tìm kiếm hiện đại nhất được các cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chuẩn bị xuyên ngày, xuyên đêm.
Nhận nhiệm vụ của lãnh đạo Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Đại uý Phùng Chí Cương - Biên tập viên phòng Thời sự Truyền hình và Đại uý Nguyễn Thi Tùng - Quay phim, Phòng Quay phim & Đạo diễn hình và cộng sự trong Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội lập tức lên đường, đồng hành cùng Đội cứu trợ của Quân đội nhân dân Việt Nam.
“Đoàn chúng tôi đều là những cán bộ chiến sĩ, phóng viên đã từng có kinh nghiệm nhiều năm tác nghiệp giúp dân trong những trận lũ lụt, thiên tai lịch sử, hay theo chân bộ đội giúp đỡ người dân trên cả nước trong những mùa mưa bão diễn ra. Cũng đã nhiều lần độc lập tác nghiệp tại các sự kiện quốc tế quan trọng, chúng tôi đã học cách tự thực hiện tất cả mọi khâu tiền kỳ để có những tác phẩm tốt, kịp thời chuyển về trong nước phát sóng” - đại uý Phùng Chí Cương chia sẻ.
Các phương tiện máy móc tác nghiệp phục vụ cho quá trình ghi hình, dựng hình, biên tập được chuẩn bị đầy đủ, tính tới các phương án dự phòng. Ngoài ra, phương tiện sinh tồn, thực phẩm dự trữ cá nhân là những vật dụng không thể thiếu trong hành trang của các anh.
Hiện trường tìm kiếm được phân công của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam là khu vực xã Haci Omer Alpagot, huyện Antakya, tỉnh Hatay. Chiến thuật cứu hộ được áp dụng là: Các tổ tiến hành trinh sát mục tiêu. Nếu phát hiện mục tiêu cần đưa ra khỏi khu vực sập đổ hoặc dấu hiệu cần ứng cứu sẽ lập tức báo cáo để chỉ huy trưởng điều động lực lượng công binh tới hiện trường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tiến hành công tác cứu hộ. Lực lượng Quân y ở vòng ngoài sẵn sàng cấp cứu trong trường hợp cần thiết, hoặc thực hiện các biện pháp đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, bàn giao cho giới chức sở tại.
Xung quanh những khu nhà đổ nát, những cư dân vẫn còn đang hốt hoảng, cố gắng chờ đợi tin tức về những người thân yêu mất tích. Một số người đã chọn cách ngủ trong xe của mình mỗi đêm, kể từ khi trận động đất xảy ra, vì lo rằng sẽ có các hoạt động địa chấn mới, sau khi họ cảm nhận được những cơn dư chấn ngắt quãng... Thông qua sự chỉ dẫn của người dân, đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam đã có thông tin về vị trí những nạn nhân đầu tiên.
Đại uý Phùng Chí Cương cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ chênh so với Việt Nam 4 tiếng đồng hồ. Điều đó có nghĩa là khi nhóm phóng viên thức dậy ở Hatay, thì ở Việt Nam đã trôi qua được nửa ngày. “Chúng tôi đã phải nỗ lực cả ngày lẫn đêm để đáp ứng yêu cầu thông tin kịp thời về Việt Nam. Rất may là chúng tôi đã nhận được sự hậu thuẫn tuyệt vời ở “hậu phương”. Với sự chỉ đạo sâu sát của Ban Giám đốc Trung tâm PT-TH Quân đội, trực tiếp là đồng chí Giám đốc, phòng Thời sự Truyền hình, nơi tôi đang công tác - đã thành lập cả một ekip trực sẵn sàng phản ứng nhanh với những thông tin chúng tôi gửi về - cập nhật từng phút. Các phòng, ban liên quan khác cũng luôn có người trực thường xuyên hỗ trợ chúng tôi” - đại úy Phùng Chí Cương kể lại.
Cả đoàn công tác đã làm việc không ngừng nghỉ bất cứ một phút nào kể từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ, cho đến đêm cũng vẫn phải chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau. “Chúng tôi luôn ước rằng một ngày có nhiều hơn 24 tiếng, để có nhiều thời gian hơn thực hiện nhiệm vụ. Màn đêm luôn buông xuống quá nhanh, và quá dài. Mỗi giây phút qua đi, đều quý giá - quý giá cả với đội cứu hộ, và cũng là thách thức đối với ê-kíp phóng viên khi buộc phải vừa đi, vừa tác nghiệp mọi lúc, mọi nơi, mọi điều kiện. Mỗi sáng thức dậy, là một thử thách mới bắt đầu, bởi nhiệm vụ không ngày nào giống ngày nào. Nên nếu chúng tôi không vượt qua được áp lực thời gian, thì cũng sẽ không thể theo kịp được dòng chảy của những sự kiện diễn ra liên tục tại Thổ Nhĩ Kỳ” - đại úy Phùng Chí Cương bày tỏ.
“Khi các bạn đi, những viên gạch này, tán cây này, ngọn lửa này, sẽ luôn nhớ đến các bạn”
“Cảm ơn lắm, Việt Nam”, tên tác phẩm xuất phát từ những lời cảm ơn chân thành mà nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ vì nghĩa cử, nỗ lực của Việt Nam trong cơn hoạn nạn. Họ, từ người già, trẻ nhỏ, người dân hay Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, thường đặt tay lên ngực trái, cúi chào mỗi khi nhìn thấy đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam đi qua.
Đại úy Phùng Chí Cương chia sẻ: “Đó là một hình ảnh đẹp, luôn khắc sâu trong tâm trí của chúng tôi. Và như tâm sự chân thành mà một nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ đã nói với đoàn công tác: “Khi các bạn đi, những viên gạch này, tán cây này, ngọn lửa này, sẽ luôn nhớ đến các bạn”.
Dù đã nhiều năm tác nghiệp trong nhiều môi trường khó khăn, gian khổ, song, nhà báo Phùng Chí Cương và đồng nghiệp chưa từng tác nghiệp báo chí ở vùng động đất. Những ngày tác nghiệp tại Thổ Nhĩ Kỳ đã cho các anh rất nhiều kinh nghiệm quý, cả về khả năng tác nghiệp, khả năng vận hành hiệu quả “tòa soạn hội tụ”, sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong thực hiện các nhiệm vụ, lẫn khả năng sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt.
Tác nghiệp tại một thành phố chỉ còn là những khối đổ nát, nhưng vô cùng ấm áp tình người - đó là những tình cảm quý giá mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã dành cho đoàn công tác. “Những phần lương thực, từng ngụm nước họ san sẻ cho chúng tôi trong quá trình tác nghiệp. Hay những giọt nước mắt, những tràng pháo tay cảm ơn trong ngày từ biệt tại sân bay Istanbul. Tình cảm mà Nhân dân và Quân đội hai nước Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ đã dành cho nhau giữa khung cảnh nghiệt ngã của mùa đông Thổ Nhĩ Kỳ, mới chính là điều lớn lao đáng trân trọng nhất, lớn hơn tất cả những khó khăn, thách thức mà chúng tôi đã nỗ lực vượt qua trong 10 ngày tại đây” - nhà báo Phùng Chí Cương bồi hồi.
Và cái tên “Cảm ơn lắm! Việt Nam” chính là sâu xa bắt nguồn từ những điều giản dị mà thấm đẫm tình người trên mỗi bước đường các anh hành quân tại đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.