Những mốc son tiêu biểu của báo chí cách mạng Việt Nam

Thứ hai - 26/05/2025 10:29
“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ.”
(Hồ Chí Minh)
Từ lời dạy thiêng liêng ấy, suốt gần một thế kỷ qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã đi cùng dân tộc qua những năm tháng đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng xã hội mới. Mỗi thời kỳ lịch sử, báo chí luôn là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, là tiếng nói trung thành của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Những mốc son chói lọi của báo chí cách mạng không chỉ là dấu mốc về mặt thời gian, mà còn là biểu tượng của tinh thần dấn thân, phụng sự lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Từ báo Thanh Niên – khởi nguồn dòng chảy báo chí cách mạng
bai nhung moc son nguyen ai quoc dao tao can bo o quang chau trung quoc tranh tu lieu
Nguyễn Ái Quốc đào tạo cán bộ ở Quảng Châu, Trung Quốc (Tranh tư liệu)
Mốc son mở đầu cho lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam chính là sự ra đời của Báo Thanh Niên, số đầu tiên phát hành ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp tổ chức, biên tập, viết bài, xuất bản. Báo Thanh Niên không đơn thuần là một ấn phẩm tuyên truyền, mà chính là công cụ truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, lý luận cách mạng, ngọn đuốc dẫn đường cho phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu.

Tờ báo đầu tiên này đánh dấu sự hình thành của nền báo chí cách mạng chân chính – báo chí gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Không chỉ tuyên truyền lý luận, Báo Thanh Niên còn góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt, truyền bá phương pháp cách mạng vào trong nước, từ đó hình thành tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Báo chí trong cao trào cách mạng và kháng chiến (1930 – 1954): Ngòi bút sắc bén của nhân dân

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, nhiều tờ báo cách mạng lần lượt xuất hiện như Tranh đấu, Giải phóng, Cờ đỏ, Tin tức,... tiếp tục sứ mệnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột, chống thực dân phong kiến.

Đặc biệt trong Cách mạng Tháng Tám 1945, báo chí cách mạng đã góp phần quan trọng trong việc cổ vũ quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền. Báo chí lúc này không chỉ là phương tiện truyền thông mà còn là một lực lượng chiến đấu thực sự.

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946–1954), báo chí kháng chiến phát triển mạnh với hàng trăm ấn phẩm như Cứu quốc, Quân đội nhân dân, Sự thật... Các nhà báo là những chiến sĩ, bám sát chiến trường, thấm đẫm hơi thở của cuộc kháng chiến, vừa cầm bút vừa cầm súng, xông pha nơi tuyến đầu để phản ánh sự thật và khơi dậy tinh thần yêu nước, kháng chiến đến thắng lợi.
bai nhung moc sontrang 1 bao nhan dan so 1
Trang 1 Báo Nhân Dân số 1
Đặc biệt, ngày 11/3/1951, tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, Báo Nhân Dân – cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam – ra số đầu tiên, kế thừa Báo Sự thật (1949) và trở thành một tờ báo chính luận chủ lực, giữ vai trò định hướng tư tưởng trong toàn xã hội. Tờ báo đã và đang đồng hành cùng các chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam, là diễn đàn tin cậy của Đảng và nhân dân, có vai trò đặc biệt trong việc tổng kết thực tiễn, truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.
Từ tờ báo in đơn thuần, đến nay Báo Nhân Dân đã phát triển thành cơ quan báo chí đa phương tiện với hệ sinh thái gồm: Báo Nhân Dân hàng ngày, Nhân Dân cuối tuần, Nhân Dân hằng tháng, Nhân Dân điện tử và Truyền hình Nhân Dân – đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của báo chí Đảng trong kỷ nguyên số.

Báo chí trong hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ biên giới – Tiếng nói từ lòng dân tộc
chang dung chan
Chặng dừng chân của đoàn phóng viên GP10 của Việt Nam Thông tấn xã, có phóng viên Lê Cương, trên đường vào Chiến dịch Hồ Chí Minh để chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng.
(Ảnh tư liệu TTXVN)
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954–1975), báo chí cách mạng tiếp tục phát huy vai trò chiến đấu trên mặt trận tư tưởng – văn hóa. Các tờ báo như Quân đội nhân dân, Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng, Tiền phong, Phụ nữ Việt Nam, Văn nghệ,... hoạt động hiệu quả cả trong vùng tự do lẫn vùng địch tạm chiếm. Phóng viên, nhà báo không ngại hy sinh, gian khổ, đi sâu vào thực địa, phản ánh sinh động đời sống chiến đấu của quân dân ta, đồng thời vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai.

Giai đoạn này, báo chí không chỉ đưa tin, tuyên truyền, mà còn là phương tiện khích lệ tinh thần cách mạng, là "vũ khí mềm" có sức mạnh lan tỏa to lớn trong và ngoài nước, góp phần tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, báo chí tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước trong bối cảnh khó khăn chồng chất.

Báo chí thời kỳ đổi mới (1986 đến nay): Đồng hành cùng công cuộc phát triển đất nước
bai nhung moc son phong vien bao hung yen cung dong nghiep tac nghiep tren bien dao tai vung 3 hai quan
Phóng viên Báo Hưng Yên cùng đồng nghiệp tác nghiệp trên biển, đảo tại vùng 3 Hải Quân
Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986, báo chí cách mạng bước vào thời kỳ phát triển mới, sôi động, đa dạng hơn về hình thức và nội dung. Báo chí không chỉ là công cụ tuyên truyền mà còn là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, phản ánh tiếng nói của người dân, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, văn minh.

Một trong những dấu ấn rõ nét của báo chí cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là vai trò tiên phong trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hàng loạt vụ án lớn được phát hiện, đưa ra ánh sáng có sự góp phần tích cực từ báo chí.

Những tác phẩm báo chí điều tra công phu, chính xác, khách quan đã góp phần tạo ra hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy sự minh bạch, công khai, kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống chính trị.

Nhiều tác phẩm báo chí đoạt Giải Báo chí Quốc gia đã trở thành biểu tượng cho vai trò phản biện, giám sát và đồng hành của báo chí cùng công cuộc đổi mới đất nước. Những tác phẩm ấy không chỉ dừng lại ở thông tin, mà còn là biểu hiện của khí phách người làm báo cách mạng – dũng cảm, nhân văn, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bên cạnh đó, báo chí cũng là lực lượng nòng cốt trong công tác phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Hàng loạt chuyên trang, chuyên mục như “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, “Đấu tranh chống 'diễn biến hòa bình'”... đã được xây dựng, góp phần bảo vệ trận địa tư tưởng trên không gian mạng, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và những thành quả cách mạng.

Hướng tới báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và chuyển động mạnh mẽ của truyền thông toàn cầu, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước thời cơ lớn nhưng cũng đầy thách thức. Đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn và năng lực sáng tạo.
 
bai nhung moc son anh bao c hi toan canh
Luật Báo chí năm 2016, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, cùng các Nghị quyết Trung ương về công tác tư tưởng, báo chí là những kim chỉ nam quan trọng để báo chí cách mạng phát triển đúng hướng: chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại và phụng sự nhân dân.

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, Internet và mạng xã hội đã tạo điều kiện cho báo chí phát triển theo hướng hiện đại, nhanh nhạy, tương tác đa chiều. Báo chí Việt Nam có những bước phát triển nhảy vọt: từ báo giấy truyền thống sang báo điện tử, báo chí dữ liệu, báo chí điều tra chuyên sâu. Nhiều cơ quan báo chí lớn như Báo Nhân Dân, VietnamPlus, Tuổi Trẻ, VTV, Thanh Niên, VnExpress… đã hình thành “tòa soạn hội tụ”, tích hợp đa nền tảng để tiếp cận công chúng một cách toàn diện.

Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam là lịch sử của lòng yêu nước, của lý tưởng cách mạng và sự dấn thân không mỏi mệt. Từ tờ Thanh Niên năm 1925 đến các nền tảng báo chí số hôm nay, ngòi bút cách mạng vẫn kiên trung phụng sự nhân dân, Đảng và Tổ quốc. Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phía trước là những cơ hội và thách thức chưa từng có – nhưng với bản lĩnh, trí tuệ và tâm huyết, báo chí cách mạng Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục viết nên những mốc son mới – rực rỡ và nhân văn – trong lòng dân tộc.

 
NLBHY

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây