Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Thứ hai - 27/05/2024 08:51
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bàn nhiều về đạo đức, nhất là đạo đức cách mạng, xem đó không chỉ là "gốc", là nền tảng, là nhân tố chủ chốt của người cách mạng, mà còn là thước đo của lòng cao thượng của con người. Điều đáng nói là, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng đã đạt đến sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa lý luận và thực tiễn, giữa việc công và đời tư.

Đạo đức là nền tảng, là gốc rễ của người cách mạng


Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề đạo đức của người cách mạng từ rất sớm, nhất quán và xuyên suốt.

Năm 1924, trong bài viết “Lênin và các dân tộc phương Đông”, Người đã viết về “đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy” và chỉ ra sự “vĩ đại và cao đẹp đó” chính “là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị” của V.I.Lênin.
chu tich ho chi minh tam guong dao duc cach mang sang ngoi hinh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật sân khấu Trung ương ở Khu Văn công Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh: T.L
Năm 1927, trong Đường Kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh- Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh: Đảng muốn vững thì những người cán bộ, đảng viên của Đảng phải là những người tiên phong gương mẫu, có tư cách đạo đức tốt. Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức sâu sắc rằng: người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, vì nếu không có đạo đức cách mạng thì không tài nào hoàn thành được nhiệm vụ cao cả của cách mạng. Người có đạo đức cách mạng là những người luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, của cách mạng lên trên lợi ích riêng tư của cá nhân; là người biết lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân,… 
chu tich ho chi minh tam guong dao duc cach mang sang ngoi hinh 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô “1-5”,
lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành Công nghiệp Hà Nội (19-12-1963). Ảnh: Tư liệu
Trong cuốn Sửa đổi lối làm việc viết tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít mà những tính tốt sẽ nhiều thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có 5 điều: Nhân, Nghĩa, Trí,  Dũng, Liêm… Đó là đạo đức Cách mạng”.

Những luận điểm vẹn nguyên tính thời sự, mang đậm giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng còn hiện diện đậm nét trong tác phẩm Đạo đức cách mạng được Người viết năm 1958 dưới bút danh Trần Lực. Tuy cuốn sách chưa đầy 20 trang nhưng nội dung rất phong phú, lối viết súc tích, văn phong giản dị, dễ hiểu, chứa đựng những tư tưởng lớn về đạo đức mới – đạo đức cách mạng.

Trong tác phẩm, Người nhấn mạnh: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”. Đạo đức cách mạng giúp mỗi người khi gặp thuận lợi và thành công, vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, không lo kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa...

Cũng  trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, Bác khẳng định, người có đạo đức cách mạng là người có: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”.

Năm 1965 đến 1969, Bác viết Di chúc. Trong Di chúc, Bác cũng nói nhiều về “đạo đức cách mạng”.  "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"- Người căn dặn. 
chu tich ho chi minh tam guong dao duc cach mang sang ngoi hinh 3
Một trang bản thảo bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (3/2/1969). Ảnh: T.L
Ngày 3-2-1969, đúng dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đăng trên Báo Nhân Dân. Trong bài viết này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luận giải cặn kẽ về chủ nghĩa cá nhân và nhấn mạnh: Chủ nghĩa cá nhân thực sự là kẻ địch nguy hiểm của đạo đức cách mạng, đồng thời cũng là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, người cách mạng phải kiên quyết tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân. Muốn tu dưỡng, rèn luyện được đạo đức cách mạng, muốn giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, không thể tách rời với cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.

Đó là những tác phẩm tiêu biểu thể hiện tư tưởng của Bác về đạo đức cách mạng. Trong hàng trăm bài nói chuyện, bài viết khác, Bác đều đã đề cập đến việc bồi dưỡng, giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Người khẳng định, đạo đức như gốc của cây, nguồn của sông, “người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh- Tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời! 
chu tich ho chi minh tam guong dao duc cach mang sang ngoi hinh 4
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954) Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Chuyện kể rằng: Đầu năm 1946, cả nước ta tiến hành cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên. Gần đến ngày bầu cử, tại Hà Nội – là nơi Bác Hồ ra ứng cử – có 118 Chủ tịch ủy ban nhân dân và đại biểu các giới hàng xã đã công bố một bản đề nghị: “Yêu cầu cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa”. Từ nhiều nơi trong cả nước, đồng bào viết thư đề nghị Bác không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào, nhân dân cả nước đồng thanh nhất trí cử Bác vào Quốc hội. Trước tình cảm tin yêu đó của nhân dân, Bác viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào để Bác thực hiện quyền công dân của mình: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới”.

Trước đó, năm 1945, cách mạng mới thành công, nạn đói còn đang đe dọa đồng bào miền Bắc. Bên cạnh các biện pháp khuyến khích tăng gia sản xuất, Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước “Mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi bữa một bơ” gửi số gạo đó cứu giúp những người thiếu ăn. Chính Người cũng thực hiện như vậy. Một lần, đúng bữa cơ quan nhịn ăn để lấy gạo cứu đói cho dân, vì chuyện quốc gia, Hồ Chí Minh phải đi dự tiệc của tướng Tiêu Văn. Khi về, mặc dù suất gạo bữa đó của Người đã được gửi sang quỹ cứu đói, Người vẫn đề nghị “nhịn bù” vào bữa tới. Hồ Chí Minh nói: Mình khuyên dân mười ngày nhịn ăn một bữa, mà đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tì tì thì nghe sao được!

Một câu chuyện khác:

Sau năm 1954, có lần vào một ngày đông lạnh, Bác Hồ đi thăm một ngôi chùa cổ. Vị sư trụ trì ra đón, sợ Người lạnh chân, khẩn khoản xin Người không phải cởi dép như những khách thập phương khác. Bác không đồng ý và lặng lẽ làm đúng những quy định như khách thập phương đến lễ chùa. Trên đường về, khi vào đến thành phố, xe Bác đến một ngã tư thì đúng lúc đèn đỏ bật. Sợ phố đông, xe dừng lâu, nhân dân trông thấy Người sẽ chạy đến chào hỏi, cản trở giao thông, anh em bảo vệ định cử người ra đề nghị công an giao thông cho thay đèn xanh để xe Bác đi (thời đó đèn giao thông điều khiển bằng tay). Bác hiểu ý ngăn lại: - Các chú không được làm thế. Phải gương mẫu chấp hành luật giao thông. Không được bắt luật pháp nhường quyền ưu tiên cho riêng mình.

Đó chỉ là vài ba trong rất nhiều những câu chuyện minh chứng cho việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương mẫu mực về thực hành, trui rèn đạo đức cách mạng.

Trong tác phẩm "Đạo đức cách mạng", đăng trên Tạp chí Học tập, số 12 năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Trong suốt cuộc đời mình, vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam đã không ngừng trui rèn và thực hành đạo đức cách mạng.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), đã từng nhấn mạnh: Hồ Chí Minh là Tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng. Người là biểu tượng về ý chí, nghị lực và sự phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Người luôn nêu gương sáng về tính kiên định, bản lĩnh, lòng trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tấm gương gần dân, tin dân, yêu thương, quý trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Người là hiện thân của tinh thần khoan dung, nhân ái Việt Nam; biểu tượng của đạo đức cách mạng cao đẹp, tinh thần quốc tế trong sáng, thuỷ chung, là sứ giả của hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Những phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý của Hồ Chí Minh không phải tự nhiên mà có. Đó là kết quả của cả một quá trình không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện và hoàn thiện bản thân mình. Vì thế, Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức để trở thành những người chiến sĩ cách mạng mẫu mực. Người là hiện thân của nếp sống giản dị, trong sáng, yêu lao động, coi khinh sự xa hoa, không một chút ham muốn công danh phú quý cho bản thân. Cả cuộc đời Người dấn thân chỉ với một mục đích "phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân". Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lời nói và việc làm, đã trở thành lẽ sống tự nhiên. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đều tìm thấy trong những lời dạy của Người và từ tấm gương đạo đức cao đẹp của Người, từ phong cách Hồ Chí Minh những chuẩn mực cần học tập, tu dưỡng, rèn luyện để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, vươn tới những giá trị văn hoá chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.

Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, Dân tộc ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta, sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một Di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một Tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời!

nguồn: https://www.congluan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây