+ Thực hiện những bài viết phản ánh tình trạng phá rừng quy mô lớn ở nhiều tỉnh thành khác nhau, nhất là khi tác nghiệp trong rừng sâu, những người thực hiện hoàn toàn có khả năng sẽ phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Anh và đồng nghiệp đã chuẩn bị như thế nào?
- Dù đã thực hiện nhiều loạt bài liên quan đến phá rừng khác nhau, ở nhiều địa phương trên cả nước. Nhưng ở mỗi địa phương về địa hình, thời tiết, loại rừng khác nhau thì nhóm chúng tôi đều chuẩn bị cho mình những phương án điều tra khác nhau. Trước khi đi thực địa chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ địa hình, di chuyển đến bìa rừng trước đó vài ngày để gặp gỡ người dân, hỏi đường đi lại, thậm chí google - map để tìm hiểu. Và nhiều phương án đối phó được lường trước nếu như gặp những người phá rừng. Nhưng việc gặp “lâm tặc” chúng tôi đã gặp rất nhiều lần trước đó ở tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Sơn La nên đã có đôi chút kinh nghiệm.
Đặc biệt là việc chuẩn bị, phân công công việc cho các thành viên trong nhóm điều tra vào rừng là điều rất quan trọng. Vì nhiều nơi ở miền núi không có sóng điện thoại, hoặc sóng rất yếu. Tất cả sự chuẩn bị là vậy nhưng đến khi vào rừng còn nhiều vấn đề phát sinh khác nữa cần tùy cơ ứng biến.
+ Như anh chia sẻ, nhóm tác giả đã thực hiện nhiều loạt bài điều tra về chủ đề này. Vậy loạt phóng sự điều tra này có gì khác so với những lần trước các anh thực hiện?
- Đã từ lâu, chúng tôi chứng kiến nhiều cánh rừng nghiến bị tàn sát, chặt phá không thương tiếc, đặc biệt là khoảng 10 năm về trước tại Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La, giá gỗ đắt đỏ trên chợ đen. Các “Con buôn”, lấy hóa đơn mua gỗ “quay vòng” làm chiêu bài, để tiếp tục ngụy trang cho hành vi phá và mang gỗ nghiến ra khỏi rừng một cách “có giấy tờ”. Trong khi cả nhiều trăm năm (nếu không nói cả nghìn năm) thì thiên nhiên mới nâng niu nuôi dưỡng nên được những cánh rừng nghiến cổ thụ.
Khi tiến hành điều tra vụ này, chúng tôi gặp thách thức lớn từ những người vi phạm pháp luật. Họ đã được các cuộc điều tra của nhà báo, của công an, kiểm lâm, quản lý thị trường trước đó… training (đào tạo) quá bài bản rồi. Trong khi đó, gỗ nghiến là gỗ quý, cơ quan chức năng ra quân bảo vệ khá “đều đặn”.
Qua thời gian, sau mỗi lần bị xử lý, họ càng tinh vi hơn. Để có loạt bài với thông tin khách quan đa chiều, phạm vi rộng, chúng tôi đã đi rất nhiều tỉnh. Từ 300km Hà Nội lên Cao Bằng, 180km núi non từ Cao Bằng vào Bảo Lâm, sang Bắc Mê (tỉnh Hà Giang), rồi lại vòng hàng trăm cây số xuyên cung đường núi đá khủng khiếp về Na Hang (tỉnh Tuyên Quang)...
Đấy là chưa kể nhiều ngày đi dọc các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lào Cai… Chúng tôi cũng dành nhiều ngày “nằm vùng” trên đỉnh đèo Pha Đin tỉnh Điện Biên, “theo chân” lâm tặc. Ở đây, chúng tuyên bố thách thức nhà báo và kiểm lâm ở vùng tiếp giáp giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên…
Để tránh việc lộ, theo dõi, xe của chúng tôi phải liên tục thay đổi “hình dạng” (đi nhiều xe khác nhau). Mỗi lần nhờ người dẫn đường đi bộ 1 ngày trong rừng, đi bộ trong rừng từ khi trời chưa sáng (để tránh bị theo dõi, phát hiện, tránh lộ mặt người dẫn đường), đi cả ngày trong rừng, đi đến khi trời tối mới ra khỏi rừng.
+ Suốt hành trình tác nghiệp anh và đồng nghiệp đã phải trải qua những điều gì mà bây giờ vẫn nhớ nhất?
- Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình thực hiện loạt bài của chúng tôi, có lẽ là lúc vào vai dân chơi, dân buôn tiếp cận các đối tượng buôn bán gỗ quý trái phép, chúng tôi bị chúng kiểm tra khám xét nhiều lần. Hay việc theo dõi các vụ bốc gỗ vài trăm thớt nghiến ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, chúng tôi bị phát hiện và thất bại, vì các đối tượng theo dõi tất cả các xe lạ ra vào địa bàn trên đường độc đạo dọc sông Gâm, theo dõi đến cả các nhà nghỉ…
Thêm nữa là các đối tượng buôn bán thớt nghiến ở đèo Pha Đin giáp ranh giữa tỉnh Điện Biên và Sơn La khi chúng tôi mới tiếp cận, một số người đã buông những lời thách thức lực lượng thực thi pháp luật, thách thức nhà báo điều tra để phủ đầu, đe dọa những nhà báo vào vai như chúng tôi.
+ Sau khi loạt bài được đăng tải, hiệu ứng như thế nào, thưa anh?
- Sau khi đi thực tế, chúng tôi đưa những thông tin, hình ảnh và tài liệu có được đến đối chất với cơ quan chức năng, trong đó tỉnh Tuyên Quang khởi tố vụ phá rừng, khi Cục Kiểm lâm chỉ đạo xử lý các xưởng cưa mở ở cửa rừng… Chúng tôi hiểu rằng: Lời man trá trong rừng nghiến khổng lồ đã bị phanh phui. Cứu một cái cây đã bị chặt thì không thể, song cần tìm ra bản chất câu chuyện để kiến nghị chính sách, cơ chế, quy trách nhiệm sao cho rừng không tiếp tục bị tàn phá.
Chúng tôi phân tích những bất cập trong chính sách đấu giá gỗ, thực tế rất nhiều khi “giấy phép” từ các cuộc hóa giá đó lại làm “bình phong” cho các đối tượng xấu phù phép tàn phá rừng. Đến nay có 5 vụ án đã được khởi tố với 13 bị can. Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng mở rộng điều tra. Không chỉ đi sâu làm sáng tỏ những vấn đề lớn, loạt bài còn có cách trình bày bài bản, công phu, chuyên nghiệp, nhiều chi tiết mang tính phát hiện, phản biện cao. Loạt bài đã đi đến tận cùng của vấn đề, nhờ đó có sức ảnh hưởng lan tỏa lớn trong xã hội.
Tôi thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm vấn đề này cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm. Cũng như có những chính sách, giúp người dân sinh sống trong rừng và gần rừng phát triển kinh tế - xã hội để đời sống được nâng lên, được hưởng lợi từ những gì mà bảo vệ và phát triển rừng mang lại.
+ Vâng, xin cảm ơn anh!
Nguyên Phong (Thực hiện)
Nguồn NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên