Thoạt tiên, khi tôi đặt vấn đề mời Đoàn Công Huynh làm nhân vật cho "Dân Việt trò chuyện" nhân kỷ niệm 30 năm thành lập báo Hoa Học trò 15/10/1991 – 15/10/2021, anh từ chối: "Thôi, những dịp thế này cứ nhắc đi nhắc lại mãi anh Chánh Văn cũng nhàm chán, nên trò chuyện với lãnh đạo báo nhiều thời kì và anh em trẻ khác". Nhưng rồi hai ngày sau, anh gọi lại cho tôi…
Chúng tôi đến văn phòng của anh, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin Truyền thông, tầng 9 tòa nhà 115 Trần Duy Hưng). Huynh giao hẹn ngay: "Định với mình là bạn. Hai bọn mình đều có mặt ở HHT từ những ngày đầu, cho nên đây không phải là một cuộc phỏng vấn. Đợt này phóng viên các báo cũng muốn hỏi chuyện nhưng mình đều từ chối. Nhưng với Định thì khác. Mình muốn trò chuyện với Định về chuyện nghề, chuyện đời, chuyện người về cái giai đoạn đó, may ra có một cái gì đó đọc được, có ích, chứ không phải câu chuyện lễ lạt, nhiệt náo. Và đã nói thì nói hết những gì mình quan sát, chứng kiến được mà do rời báo sớm trước mình nên Định chưa biết hết."
Thoạt tiên, khi tôi đặt vấn đề mời Đoàn Công Huynh làm nhân vật cho "Dân Việt trò chuyện" nhân kỷ niệm 30 năm thành lập báo Hoa Học trò 15/10/1991 – 15/10/2021, anh từ chối: "Thôi, những dịp thế này cứ nhắc đi nhắc lại mãi anh Chánh Văn cũng nhàm chán, nên trò chuyện với lãnh đạo báo nhiều thời kì và anh em trẻ khác". Nhưng rồi hai ngày sau, anh gọi lại cho tôi…
Chúng tôi đến văn phòng của anh, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin Truyền thông, tầng 9 tòa nhà 115 Trần Duy Hưng). Huynh giao hẹn ngay: "Định với mình là bạn. Hai bọn mình đều có mặt ở HHT từ những ngày đầu, cho nên đây không phải là một cuộc phỏng vấn. Đợt này phóng viên các báo cũng muốn hỏi chuyện nhưng mình đều từ chối. Nhưng với Định thì khác. Mình muốn trò chuyện với Định về chuyện nghề, chuyện đời, chuyện người về cái giai đoạn đó, may ra có một cái gì đó đọc được, có ích, chứ không phải câu chuyện lễ lạt, nhiệt náo. Và đã nói thì nói hết những gì mình quan sát, chứng kiến được mà do rời báo sớm trước mình nên Định chưa biết hết."
Huynh đến với Hoa Học trò như thế nào?
- Năm 27 tuổi tôi về báo Thiếu Niên Tiền phong (TNTP, tờ báo "mẹ" của Hoa Học Trò-HHT) năm 1991. Khi đó tôi đã có mấy năm đi dạy ở khoa Văn ĐH Sư phạm HN, rồi dạy tiếng Việt ở Campuchia. Một ngày đẹp trời, tự dưng anh bạn nhà thơ – nhà báo Trần Quang Đạo, bạn học thời sinh viên rủ: Ông có thích đi làm báo không, báo TNTP đang tuyển phóng viên. Tôi hỏi: "Thế anh làm chỗ nào?". "Tôi làm Nhi đồng". "Thế giống nhau à?". "Không, khác nhau". Thế là nghe anh, tôi quyết định đi thi vào báo TNTP và đỗ. Hồi đó tôi không ở ban nào, tôi không làm phóng viên ngày nào, về toà soạn được anh Phong Doanh – tổng biên tập, cho làm cái gì đó như là "trợ lý" vậy.
Được vài tháng, một hôm anh Phạm Thành Long – Phó tổng biên tập phụ trách trị sự gặp tôi và hỏi: "Em làm báo rất hợp rồi, em có quyết tâm ra không?". Tôi hỏi "ra thì thế nào hả anh". Anh Long trả lời: "Bây giờ ra là phải bỏ biên chế" để kí hợp đồng làm việc. Ngày đó, ra khỏi biên chế là rất kinh khủng. Năm 1987 để tôi được ở lại khoa, thầy Chủ nhiệm khoa khi đó là GS Đỗ Hữu Châu đã phải đi gặp Hiệu trưởng Phạm Quý Tư và thầy Tư phải đích thân gặp Bộ trưởng Phạm Minh Hạc để xin cho tôi một suất biên chế. Bây giờ bỏ biên chế ra làm hợp đồng, hồi đó tôi còn chưa biết làm hợp đồng nghĩa là sao. Nhưng vấn đề nan giải là rời biên chế, rời trường đi là phải trả lại nhà cho trường. Tôi đồng ý. Để rồi bắt đầu nhiều năm nằm bàn, ngủ ghế và nhiều đêm phi xe trong hơi men. Sau này, anh Tổng biên tập Phong Doanh đi đâu cũng khoe như khoe một chiến tích của anh: "Thằng lính của tôi này, nó bỏ biên chế, bỏ cả nhà, về làm HHT với tôi đó!".
Vậy thì tờ Hoa Học Trò đã ra đời như thế nào?
- Cái ý định làm một tờ chuyên đề cho tuổi "trên TNTP", "tuổi mới lớn" đã được các anh ở báo TNTT ấp ủ từ trước đó. Đó là công sinh thành của các anh lãnh đạo và cả cơ quan báo TNTP hồi đó. Trong các cuộc thảo luận, tôi ngồi xa chỉ góp vài ý phụ thôi, nếu giờ chúng ta chỉ "nhô" thêm tuổi mà không thêm chất, không trúng đối tượng đấy nghĩ gì, thể xác ra làm sao, hồn vía thế nào thì không được đâu. Sau đó, anh Tổng biên tập nhấc tôi lên cùng làm chuyên đề này luôn. Trong nhóm tập hợp bài vở lúc đó anh Nguyễn Công Kiệt lúc bấy giờ hình như là Trưởng ban Văn nghệ báo TNTP, có anh Nguyễn Như Mai ở Báo Khoa học-Đời sống về phụ trách ban Khoa học và ngay sau đó làm Trưởng ban Hoa Học Trò.
Chúng tôi đã tập hợp bài để cho ra số đầu tiên vào ngày 15/10/1991. Tôi xem tập bài đó và nói thế này không được, thế này chỉ là tuổi "thiếu niên nhô lên". Anh Phong Doanh đẩy tôi vào sâu hơn. Và tôi đắm đuối vào tờ báo bắt đầu từ đó.
Về đặt tên thì mỗi người mỗi ý. Anh Phi Hùng trưởng ban ở báo TNTP nói "nhà thơ Xuân Diệu có bài thơ "Hoa học trò", lấy tên này được không?" Đến thời hạn rồi cũng không ai nghĩ được cái tên nào khá khẩm hơn thôi thì cứ lấy tên đó chứ không có cách nào. Thú thực, tôi thấy tên HHT cũng chưa hay, hiền lành, hơi sến. Nhưng sau này làm báo lâu rồi, tôi thấy quan trọng nhất là thương hiệu, một khi thành thương hiệu rồi thì tên "khỉ" gì cũng bán được hết. (Cười)
Tôi - người viết bài này - trở thành phóng viên báo HHT vào đầu năm 1992, khi báo đã ra được mấy số. Lúc đó tôi mới tốt nghiệp đại học ở Liên xô về nước. Đang thất nghiệp, xem tivi thấy có một tờ báo tên là Hoa Học Trò thông báo tuyển phóng viên, tôi đánh liều nộp hồ sơ thi và… trúng tuyển, cùng với Lê Anh Hoài (nay là Thư ký Tòa soạn báo Tiền phong Chủ nhật) và Nguyễn Trọng Văn (sau này làm Trưởng ban Văn nghệ Đài PTTH Hà Nội). Hoài và Văn được phân vào báo TNTP. Còn tôi được phân về Ban HHT (HHT lúc đó chỉ là một Ban của báo TNTP). Lúc đó tôi chưa hề biết viết báo là gì. Cái phóng sự đầu tiên Huynh (lúc ấy là Thư ký Tòa soạn) giao cho tôi đi viết đại loại là "Tâm sự học trò Hà Nội những ngày sắp ra trường". Tôi lang thang cả tuần, đến trường Việt - Đức (trường cũ), Trần Phú, Hoàn Kiếm, xuống cả Bạch Mai, sang cả Nguyễn Gia Thiều… Gặp các cô bé nữ sinh lớp 12 còn ngượng đỏ mặt, chẳng biết hỏi gì. Rồi về nộp bài, Huynh phê: "Bài non. Không dùng được!..."
Những người khai sinh ra báo HHT từ những ngày đầu tiên nhận định con đường đi của HHT sẽ phải như thế nào?
- Lúc đó ở miền Nam có Mực Tím rất mạnh, bên cạnh đó còn có Áo Trắng, Tuổi Hồng. Ngoài Bắc có Tuổi Xanh, Ước Mơ Xanh nữa, nhưng không mạnh bằng mấy tờ trong Nam… Làm kiểu Áo trắng thì gần như một tuyển tập văn thơ. Mực Tím thì báo chí hơn một chút. Chúng tôi tự hỏi: Bây giờ mình làm gì?
Lúc đó vẫn là thời kì đầu Đổi Mới, báo chí bung ra mạnh lắm. Báo Văn nghệ với những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, bút ký của Phùng Gia Lộc. Báo Lao động đi đầu trong chống tiêu cực, báo Tiền Phong nổi đình đám "con cua mặt người". Báo TNTP của chúng tôi lúc đó cũng bắt đầu có ý thức đổi mới, đi tìm những chuyện "giật gân". Anh em vẫn đùa: Phóng viên TNTP về trường nào cũng hỏi, ở vùng này có em nào bị hổ vồ không, có em nào bị chết đuối không?... Không à, chán nhỉ! Nghe đùa vui thế thôi, nhưng lúc đó cũng là "cách mạng" đấy, đã biết đi tìm những điều bạn đọc quan tâm. Bởi báo Đội nói chung trước đó rất đậm chất "em là búp măng non, em lớn lên trong mùa cách mạng". Báo chí cho các em, văn học trong nhà trường lúc đó tràn ngập chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Vậy thì HHT phải làm gì?
- Ở cái tuổi khám phá nội tâm, họ có nhiều cảm xúc mới lạ, em nào cũng văn thơ. Tuổi đó em nào cũng nghịch ngợm và em nào cũng muốn có tí khẳng định, tên mình được in lên mặt báo. Những tình cảm tự nhiên, cá nhân, từ trong tim các em biết gửi vào đâu? Lãng mạn có giới hạn không? Cảm xúc suy tư thế nào đúng, thế nào sai? Cả một thế giới nội tâm của bao tinh cầu bé nhỏ như vỡ oà ra trên giấy trắng và mực in…
Và tôi nhớ thành công đã đến với HHT rất nhanh. Chỉ sau một năm ra đời, lúc đầu là 1 kỳ/tháng, rồi 2 kỳ/tháng, và ngay lập tức thành tuần san. Ngày hội báo HHT mừng sinh nhật thôi nôi đã trở thành một sự kiện báo chí gây choáng váng: Vườn Hoa Bách Thảo đầy ắp bạn đọc tuổi hoa, phải vài vạn người. Ông Hà Quang Dự – Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, cùng các Hoa hậu, Á hậu của của cuộc thi Hoa hậu báo Tiền phong năm 1992 gồm Hà Kiều Anh, Nguyễn Minh Phương, Vi Thị Đông đều phải bỏ xe, len bộ vào. Các tờ báo khác đều phải thèm muốn, ngạc nhiên trước sự hâm mộ đông đảo đó. Theo anh, bí quyết nào khiến HHT thành công nhanh như vậy?
- Có cả chủ quan và khách quan. Cái chủ quan là các anh chị trong toà soạn đã nhận ra được đối tượng bạn đọc của mình, nguyên sơ, chưa có gì gọi là rào cản. Từ chỗ phải băn khoăn các biên độ giới hạn đến khi được khai mở thì thành ra như bùng nổ. Ngoài ra, mình phải nói đúng và nói trúng. Thứ nữa, mình phải để cho chính các em tham gia làm tờ báo. Cuối cùng là một thời kì cởi mở, có thể làm nhiều điều. Tất cả những yếu tố đó dồn tụ lại làm nên thành công của HHT ngay từ những năm đầu tiên.
HHT đã mang lại những điều mới mẻ gì?
- Năm tôi về báo TNTP, có tham dự một buổi khai giảng ở trường Bắc Lý (Hà Nam) mà bàng hoàng: Tất cả học trò đều đội mũ cối và thực hành nghi thức quân ngũ, như một điều tự nhiên. Thời còn sinh viên tôi ở trong ký túc xá, một bạn gái ở kí túc xá nữ gửi đứa em trai đang học lớp 3 sang ngủ nhờ kí túc xá nam. Cả đêm đó bọn tôi trong phòng đều nhỏm dậy nghe thằng bé giảng về cách mạng, về chủ nghĩa anh hùng, ba dòng thác cách mạng…. Tôi ở trong kia ra nên thấy rất lạ lùng, nhưng đối với mọi người thì gần như đó là chuyện bình thường.
Ngay từ đầu, chúng tôi đã muốn làm một tờ báo phản ánh đúng tâm hồn, đúng lứa tuổi, cởi mở trước các giới hạn. Nền kinh tế 5 thành phần đã ào ạt xuất hiện trong đời sống xã hội và có nhiều thành tựu lớn lao. Hội nhập với thế giới dần đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, độ trễ của thượng tầng kiến trúc là không tránh khỏi nhưng là cho đến khi nào? Ai sẽ cởi "chiếc mũ" cho các em? Tờ báo HHT lúc này như một làn gió mát dịu, khoan hoà ("khoan hoà" là chữ dùng của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến). May mắn là có những người hiểu và chia sẻ được điều đó. Chính trong bối cảnh đó có 2 thái cực: Ông nào nắm bắt được cái mới, có dũng khí, có tinh thần tự do, hiểu được các biên độ giới hạn, ông ấy xông lên, thì thành công! Ông nào không biết mà cứ sợ, sợ bóng sợ gió thì không làm được gì cả.
Giữa 2 thái cực đó có những người họ biết nhưng họ vẫn bảo "À, anh làm như thế là không phải". Nhưng nếu mình vững rồi, mình nói : "Chính anh mới không phải, tôi mới là phải!".
Thế là, một cuộc trở về trời xanh mây trắng, như thơ của anh Vũ viết: Con trai xách điếu đi cày, con gái quang liềm gặt lúa. Chúng mình đã khởi động lại, trèo lên quán dốc mở hội trăng rằm trong lòng các em sinh ra trong thời hậu chiến. Chúng mình cùng cam kết làm tử tế và tìm lại với hồn dân tộc ngàn đời.
Huynh vừa nói về tình hình học trò miền Bắc lúc đó. Thế học trò ở phía Nam thì sao? Huynh là người Huế, năm 1975 Huynh đã 12 tuổi. Trẻ em trong Nam trước 1975 đọc gì?
- Đến năm 12 tuổi thì những gì tôi đọc đã định hình phần lớn phong cách, lối sống, niềm tin, đạo đức phổ quát cho đến sau này và mãi mãi.
Chúng tôi bắt đầu đọc truyện tranh vui để làm quen với thế giới sách vở chữ nghĩa. Truyện trong nước, nước ngoài, truyện về gia đình, truyện về ma cà rồng… Lớn thêm chút thì có tủ sách Tuổi Hoa, trong đó Hoa Xanh là truyện về tình bạn; Hoa Đỏ phiêu lưu mạo hiểm; Hoa Tím là dành cho tuổi chấp chới, trong đó có những tình bạn có vóc dáng của tình yêu thơ mộng, đó chính là tình yêu thuở ban đầu, tình yêu sơ khai…
Đó là sách báo, còn trong học đường, văn là "Thềm hoang" của Nhật Tiến. Đó là câu chuyện kể về xóm cỏ, phong cách ngôn ngữ thuần Bắc: "Những lúc mặt trời xâm xẩm tối, mọi người trong xóm cỏ đã lên đèn…" ai đọc cũng thấy rung cảm, xúc động, đánh thức tâm hồn non tơ. Hay như "Nhà mẹ Lê": "Đêm ấy một đêm lạnh, mấy đứa trẻ đi mãi chưa thấy mẹ về, mẹ đi vào trong xóm vay gạo. Bỗng có tiếng chân người rầm rập, đến tiếng gọi, rồi lũ trẻ thấy bắp chân mẹ đầy máu, hoá ra người ta không cho vay còn xua chó ra cắn…"
Hay như "Gió đầu mùa": "Hai đứa trẻ nhặt lá bàng, gió ào ạt nhưng chúng nó gào lên gió ơi mạnh lên nữa đi…" Văn thực sự là văn, tình cảm thực sự là tình cảm nhân bản, không bị định vị bởi hoàn cảnh chiến tranh.
Vâng, Thạch Lam và những nhà văn Tự lực văn đoàn ở ngoài Bắc này chúng tôi mãi đến giữa những năm 80, khi đã vào đại học, mới được đọc. Trước đó mà đọc Tự lực văn đoàn bị coi là lãng mạn, tiểu tư sản…
- 7 tuổi tôi đã đi vào chùa làng, giống như sinh hoạt hướng đạo, đọc ít câu kinh, cùng nhau đọc một số câu kệ. Như "Phật tử-tinh tấn! Dạ lê -gắng!" "Em luôn thương người và vật". "Phật tử, sống trong sạch, từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm!" "Phật tử, sống hỉ xả để dũng tiến trên đường đạo!" Cứ như thế, chúng tôi lớn lên, lắng nghe nội tâm chứ không phải nghe ai.
Đến gần đây, trên facebook tôi thấy anh bạn tôi là một giáo sư về golf có viết: "Đã đến lúc lắng nghe lòng mình, hay cứ thụ động chờ lắng nghe cấp trên mãi?" nói về vấn đề dân mình chạy loạn từ các KCN về quê. Nhưng thực ra điều này - lắng nghe lòng mình - chúng tôi đã có sẵn trong lòng.
Slogan ngay từ những ngày đầu tiên của HHT là "cho bạn, vì bạn, là chính bạn", phương châm ấy được thể hiện trong cách làm báo như thế nào?
- Như tôi đã nói có những yếu tố tạo nên thành công của HHT, trong đó chính bạn đọc là những người tham gia, viết bằng ngôn ngữ của các bạn, nói chính bằng những suy nghĩ, tâm tư, tâm hồn của họ, bớt khuôn sáo, khô cứng, nói bằng ngôn ngữ mềm nhất có thể. Cái đó mình nghĩ cũng chỉ thế thôi: Là chính bạn. Từ đó mà tạo ra được cả 'hệ sinh thái từ vựng" của lứa tuổi này và ảnh hưởng vào một thứ ngôn ngữ cởi mở cho mãi tới sau này.
"Là chính bạn" thể hiện một cách hết sức độc đáo: đó là sử dụng chính bạn đọc của mình tham gia làm báo. Rất nhiều bạn đọc, từ chỗ đọc, yêu, tin tờ báo đã trở thành cộng tác viên chuyên nghiệp, nhiều người vào hẳn báo làm việc như Phương Mai, Dương Thụy, Ngô Thị Phú Bình, Phan Hồn Nhiên, Hoàng Anh Tú… Huynh có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Đúng, đó là một đóng góp độc đáo của HHT. Từ chỗ các em làm cho các em đọc đến chỗ các em làm chủ nhân trên các trang báo, từ chỗ là đối tượng hướng tới rồi trở thành đối tượng sáng tạo ra sản phẩm. Trong quá trình gắn bó với tờ báo, các em nhận ra các em là ai, giới hạn bản thân nào các em có thể vượt qua, từ đó em nào có tài, có năng lực sẽ nổi bật lên.
Ngày đó tờ báo đã chạm vào bạn đọc, bạn đọc đã chạm vào tờ báo. Rồi chạm lẫn nhau, tương tác và tạo ra năng lượng chuyển đổi vô cùng lớn. Lớn đến mức 30 năm sau, khi tình cờ chạm lại, còn đủ sức biến than thành lửa.
Điều đặc biệt ở đây là những cú chạm không chỉ gây cảm xúc tình người mà còn là một chiến lược đúng về con người: Không phải là chạm vào số đông vô danh - điều này dễ tạo ra sự hời hợt và giáo điều - mà là chạm vào số phận từng người, từng người một. Đó chính là đánh thức tiềm năng tạo ra thay đổi. Ở phạm vi đất nước mình nghĩ cũng vậy thôi. Chỉ cần chạm vào từng người, mở biên độ khai phóng là dân giàu nước mạnh ngay và luôn.
5 năm đầu HHT đi vào nội tâm thơ văn. 10 năm sau, khi chính các em học trò cũng thay đổi, thì tờ báo phải kích hoạt các năng lượng đã được tích tụ, bung ra quốc tế hoá kinh khủng, từ bóng đá, điện ảnh, Kpop…
Đã có lúc, lứa bạn đọc của 5 năm đầu cảm giác "sốc phản vệ", họ nói dường như một thế hệ bạn đọc bị phản bội. Tôi nói không, cái áo cũ đã chật, các em phải lớn lên theo thời cuộc.
Hoa Học Trò thời tôi ở đó có 2 thời kì. Thời kì nào cũng có giá trị riêng của thời kì đó, như là một quá trình phát triển lịch sử tự nhiên vậy. Thời kì đầu là quá trình nhận lại hồn dân tộc. Trở lại với rau dưa tương cà gia bản là một dũng khí và bản lĩnh. Đó là quá trình "đi vào", phát hiện lại nội tâm. Sau đó là thời kì "đi ra", đi cùng và đi với thế giới. Giai đoạn này cũng cần bản lĩnh và dũng khí không kém. Và sau tất cả là sự tận tuỵ, thông minh, kĩ năng và quản trị.
Không ai cưỡng bức thời kì để quá độ cả. Chuyện xảy ra khi thời kì 1 đã tới hạn. Sự "đi vào" thế giới nội tâm bên trong đã đi hết các biên độ giới hạn. Lúc bấy giờ vấn đề đặt ra là có tiếp tục đi kịp bạn đọc đại chúng không? Có đi cùng nhịp "đi ra" của đất nước mở cửa hội nhập với thế giới, và đi cùng nhịp với thế giới đang ào ạt vào Việt Nam hay không?
Đến đây, mọi sự nằm trong hai chữ mà ta vẫn thường viết hoa: Đổi Mới. Có làm được không? Cơ quan, doanh nghiệp gọi là quản trị trong điều kiện diễn ra thay đổi. Phạm vi đất nước thì gọi là hiện đại hoá, công nghiệp hoá, thoát bẫy thu nhập trung bình. Thành công hay không, là không hề dễ dàng gì, cho nhiều đơn vị và cho các phạm vi nước non cũng vậy thôi.
Chém gió với Định thêm một điều này nữa:
Tại sao nhiều cơ quan không thành công?
Tại sao các quốc gia thất bại?
Mà thành công rồi, cũng có thể xảy ra câu chuyện thành công là ông thất bại (chứ không chỉ thất bại là mẹ thành công đâu nhé!) nếu như mình bị hạn chế lịch sử và bản thân mình cũng tới hạn.
Các thế hệ học trò liên tục gia nhập tờ báo trưởng thành rất nhanh, tạo được tiếng tăm, đưa tờ báo không ngừng đi lên. Chúng tôi gọi đó là "những mùa thay lá" và "những làn sóng vỗ bờ".
Tôi nói, các em cũng như tờ báo ở thời điểm đẹp nhất, có cơ hội là phải "chơi" ngay! Người ta có thể lười, có thể giả vờ ốm nhưng đến thời điểm là phải "xách gươm đứng lên" ngay như Tư Mã Ý. Tôi cũng đã học anh Lưu Quang Vũ: "Lúa đã chín thì đồng phải gặt".
Đến đây, mình nhất thiết phải nhắc lại với Định, những gì mình kể lại ở đây là những gì mình chứng kiến và quan sát được, chứ không phải là chính mình làm được. Đó là công lao từ đầu tới cuối của các anh lãnh đạo báo nhiều thời kì, của toàn bộ cơ quan báo Thiếu Niên Tiền Phong - HHT khi ấy.
Với mình, mình cũng còn nhiều giới hạn chưa thể vượt qua, ai cũng có "những giai đoạn lịch sử" nhất định thôi, chẳng thể nói chuyện ta có tài cán gì mà chỉ có thể nói chuyện ta đã sống như thế nào thôi. Mình được cùng tham gia làm cái tầng tên lửa đẩy là vui rồi. Nó cháy trụi và rơi xuống là xong, là vui rồi. Điều đó kể cũng đáng.
Nhưng có một cái này mới đáng nói, chắc Định sẽ hỏi: Vậy làm tất cả điều đó trong bối cảnh đó có hệ luỵ gì không?
Chém gió với Định thêm một điều này nữa:
Tại sao nhiều cơ quan không thành công?
Tại sao các quốc gia thất bại?
Mà thành công rồi, cũng có thể xảy ra câu chuyện thành công là ông thất bại (chứ không chỉ thất bại là mẹ thành công đâu nhé!) nếu như mình bị hạn chế lịch sử và bản thân mình cũng tới hạn.
Các thế hệ học trò liên tục gia nhập tờ báo trưởng thành rất nhanh, tạo được tiếng tăm, đưa tờ báo không ngừng đi lên. Chúng tôi gọi đó là "những mùa thay lá" và "những làn sóng vỗ bờ".
Tôi nói, các em cũng như tờ báo ở thời điểm đẹp nhất, có cơ hội là phải "chơi" ngay! Người ta có thể lười, có thể giả vờ ốm nhưng đến thời điểm là phải "xách gươm đứng lên" ngay như Tư Mã Ý. Tôi cũng đã học anh Lưu Quang Vũ: "Lúa đã chín thì đồng phải gặt".
Đến đây, mình nhất thiết phải nhắc lại với Định, những gì mình kể lại ở đây là những gì mình chứng kiến và quan sát được, chứ không phải là chính mình làm được. Đó là công lao từ đầu tới cuối của các anh lãnh đạo báo nhiều thời kì, của toàn bộ cơ quan báo Thiếu Niên Tiền Phong - HHT khi ấy.
Với mình, mình cũng còn nhiều giới hạn chưa thể vượt qua, ai cũng có "những giai đoạn lịch sử" nhất định thôi, chẳng thể nói chuyện ta có tài cán gì mà chỉ có thể nói chuyện ta đã sống như thế nào thôi. Mình được cùng tham gia làm cái tầng tên lửa đẩy là vui rồi. Nó cháy trụi và rơi xuống là xong, là vui rồi. Điều đó kể cũng đáng.
Nhưng có một cái này mới đáng nói, chắc Định sẽ hỏi: Vậy làm tất cả điều đó trong bối cảnh đó có hệ luỵ gì không?
Đúng là tôi đang định hỏi câu đó. Ngày đó có câu vè: "Muốn chóng ở cữ đọc báo Hoa Học trò". Câu này như là tổng hợp tất cả những ánh nhìn, quan điểm không thiện cảm với tờ báo vốn đang được bạn đọc rất mến mộ. Là người cầm tờ báo, anh giải quyết vấn đề đó như thế nào?
- Câu vè đó rất dài, trong đó có nhắc: "Muốn cướp hiếp giết thì đọc Tiền phong/muốn chóng ở cữ đọc báo HHT!" Mà đau nhất là câu này thường được trích dẫn bởi chính những cán bộ quản lý chúng tôi, cấp trên của chúng tôi.
Trước hết, như tôi đã nói trên, đầu những năm 90 là thời điểm bắt đầu công cuộc Đổi mới, thời điểm con người ta chọn cho mình đứng ở cực bên này cũng được, cực bên kia cũng được trong biên độ các giới hạn. Ai có dũng khí thì lên đường!
Để giải quyết những "khủng hoảng truyền thông" rất dai dẳng như Định nói, bản thân mình phải trực tiếp làm truyền thông nội bộ. Mình phải đích thân gặp gỡ, giải thích làm rõ, thuyết phục các anh để các anh cùng chia sẻ.
Bằng trải nghiệm sống, bằng lương tri tôi biết mình đúng. Tôi không mưu cầu con đường chính trị, không mưu cầu thăng quan tiến chức. Tôi chỉ làm những gì mình cho là đúng! Chúng tôi cứ miệt mài nới rộng bạn đọc, tuyển người làm, cùng nhau bàn bạc, lo phát triển thương mại… HHT tấn công vào TP.HCM, tấn công về vùng sâu vùng xa, vào tận Đồng bằng Sông Cửu Long, như các trẻ vẫn tếu táo nói đùa là khiến cho các đối thủ "không còn mảnh giáp", "tràn ngập và tiêu diệt"…
Để có một tờ báo tốt, điều bắt buộc là phải có một đội ngũ những người làm báo tốt. Huynh nhớ gì về đội ngũ làm báo HHT "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy"…?
Đầu tiên phải nói về người đứng đầu – Tổng Biên tập Nguyễn Phong Doanh. Anh ấy rất biết thu nạp người giỏi. Khi đã có những người giỏi rồi thì anh ấy chỉ việc "kê cao gối ngủ". Và anh ấy có một cái phẩm chất có thể gọi là vô giá, đó là phẩm chất của một con linh dương săn đầu người. Nghĩa là săn rất nhanh. Không nhiều sếp có phẩm chất biệt nhãn liên tài như vậy.
- Trong đội ngũ những người làm HHT ngay từ những ngày đầu có rất nhiều gương mặt quan trọng: Anh Nguyễn Như Mai ("bác Mai", "bố Mai") tận hiến với công việc và nhiều công lao khai sơn phá thạch, với các em. Chị Phạm Bích Vân một tay "bếp núc" giữ bao nhiêu mục. Phạm Công Luận (Lữ Ân) bao năm cày ải ở phía Nam. Tay máy lãng tử Hoài Linh. Nét vẽ mơ mộng của nữ họa sĩ Mai Hoa, nghịch ngợm của Hữu Khoa (họa sĩ Còm)…
Kể câu chuyện hơi riêng tư một tí: Khi Định xin rời khỏi HHT năm 1996, chúng tôi nghĩ bằng mọi cách phải giữ Định lại. Tôi và anh Đình Trung (Phó TBT) đã rất hồn nhiên sang tận nhà ở Phố Huế để thuyết phục mẹ Định ủng hộ đứng về "phe" chúng tôi để giữ Định ở lại. Nhưng cuối cùng Định vẫn đi. Tôi đau như rụng mất một cánh tay, không chỉ vì mất một phóng viên làm được việc, mà vì biết không đủ sức để giữ chân các bạn, từ quy mô toà soạn, kinh tế, sự danh giá… đều không đủ. Sau này khi Phương Mai đi tôi cũng đau như vậy, cũng… rụng thêm cánh tay nữa. Haha, nhưng có kinh nghiệm rồi, tôi biết mình không giữ được, tôi chỉ chúc các bạn đi thuận buồm xuôi gió. Đến bây giờ tôi vẫn tiếc, vẫn yêu quý các bạn như thế. Và ngay cả tôi rồi cũng rời đi, cũng tiếp tục vượt ra khỏi các biên độ giới hạn bản thân để tiếp tục trưởng thành.
Tôi còn nhớ ngày đó Định có biệt danh là Mụ Mị, còn Huynh là Bay Hoay. Những biệt danh đó nói lên tính cách mỗi người, nhưng tình cờ làm sao, nó cũng nói lên một thời của chúng ta, thời mà ai làm việc gì cũng say mê, cũng hết mình, đến mụ mị cả người đi. Và ai cũng luôn luôn trăn trở, bay hoay để nghĩ ra những mẹo, những chiêu trò làm báo. Thật vui hôm nay, sau 30 năm, Mụ Mị lại phỏng vấn Bay hoay (cùng cười)… À, mà cả hai biệt danh này đều là do một tay chị Tường Vân đặt đấy nhé. Bây giờ chị ấy đang dậy thì ở bên Pháp và cũng đang tiếp tục trưởng thành, như tụi mình.
Huynh ơi, thời đỉnh cao, HHT có những gì?
- Lúc đó, giữa những năm 2000, chúng tôi có HHT (1 tuần/kỳ) với tia-ra 210.000 bản mỗi kỳ, giá 4.500đ/cuốn. Chúng tôi có HHT2! xuất bản 10 ngày/kỳ với lượng tia-ra 110.000 bản/kỳ, giá 10.000đ/cuốn. Nhân lên là một doanh thu khủng khiếp! Ngoài ra là Sinh viên, Thiên thần nhỏ, Tủ sách HHT… Cho nên gần như là chúng tôi ra báo ngày, làm nên cả một hệ sinh thái HHT. Các ấn phẩm của chúng tôi đều được đóng quyển, có tính lưu trữ và được các em học sinh chuyền tay nhau đọc. Cứ tính bình quân mỗi cuốn có 5 em đọc thì hàng ngày có tới cả triệu lượt người đọc HHT. Quảng cáo gạt đi không hết. Doanh thu Tòa soạn mỗi năm vài trăm tỉ đồng. Thứ trưởng Đỗ Quỹ Doãn khi nghe chúng tôi báo cáo mỗi năm đóng thuế cho Nhà nước tới cả chục tỉ đồng thì vô cùng ngạc nhiên vì số lượng các tờ báo làm được như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn chưa kể đóng góp cho cơ quan chủ quản 1 tỉ đồng/năm. Trong khi đó tổng số nhân sự chỉ chưa đến 100 người. Các chỉ số kinh tế có thế nói đều đẹp như mơ!
Người ta thường nói: "báo miền Nam nuôi Nhà nước, báo miền Bắc Nhà nước nuôi" là không đúng đâu!
Đoàn Công Huynh chính thức trở thành Tổng biên tập báo HHT năm 2005, thay cho Tổng Biên tập Phong Doanh về hưu. Được 3 năm, đến năm 2008 anh chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Tiền phong – cơ quan ngôn luận của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đây có thể coi là một bước ngoặt đối với tờ báo tuổi Hoa, cũng là một bước ngoặt trong cuộc đời của chính anh Chánh Văn.
Tôi còn nhớ, trước đó, vào quãng những năm 2004 - 2005, giữa lúc tờ HHT đang phát triển rất tốt, vào một ngày đẹp trời Huynh gọi điện rủ tôi đi ăn trưa. Tôi lúc đó đang là Trưởng ban Thư ký Tòa soạn báo Lao động, cũng rời HHT được ngót chục năm rồi. Hai anh em hẹn nhau ra một quán cơm nhỏ ở phố Bát Sứ, ăn đồ Việt. Mỗi đứa uống một chai bia. Thấy Huynh có vẻ buồn buồn. Hỏi han nhau chuyện này chuyện khác một lúc, rồi Huynh hỏi thẳng tôi: "Theo Định, mình có nên chuyển sang một tờ báo người lớn để làm không?" Tôi ngạc nhiên lắm vì lúc đó tờ HHT đang rất tốt, và Huynh đang nổi lên như là ngôi sao sáng nhất của tờ báo đó. Tôi cũng chẳng hiểu cụ thể chuyện gì đang xảy ra với Huynh, nhưng tôi chỉ nói: "Nên Huynh ạ! Làm thằng đàn ông cứ nên thử thách!"
Muốn có thành công phải cực lắm, không ngẩng mặt lên nổi
Làm báo cho bán được càng là một công việc nhọc nhằn, đòi hỏi những người chuyên nghiệp, không không đơn giản như là việc "chia quả thực" sau khi giành thắng lợi.
Ngày tôi cưới vợ về, đêm tân hôn tôi tiếp tục ngồi vào bàn làm việc, cặm cụi biên tập, cặm cụi làm phác thảo layout, trả lời thư của đám "nhất quỉ, nhì ma…" (Ngày tôi đi học ở Nhật, tôi phải làm trước 8 số báo trả lời văn phòng Divu của anh Chánh Văn). Báo không dừng một số nào còn vợ tôi ra nằm ngủ cạnh tôi, còng queo dưới chân bàn.
Trong căn nhà chật hẹp cơi nới theo kiểu "chị Dậu" ở khu tập thể Quần Ngựa, mùa bóng đá Euro, World Cup ầm ĩ ngoài sân, bên trong tôi vẫn làm việc. Tôi làm quyết liệt như thế suốt 18 năm.
Trước khi rời báo, chúng tôi đã tính digital, lập công ty, nhưng rồi chỉ thành được phần hạ tầng là cơ sở nhà đất ở đường Phạm Văn Bạch bây giờ. Chúng tôi còn tính chuyện mua một kênh điện tử khá đình đám bấy giờ. Tháng 6/2020 nhà nước chính thức ban hành kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, tuy nhiên, ngay thời đó chúng tôi đã nghe thấy tiếng sấm báo hiệu chuyển mùa. Do hạn chế thời cuộc, cơ chế và cả bản thân, chúng tôi hồi đó chưa kịp làm gì.
Tôi nghĩ, rồi đất nước ta sẽ còn phải tiếc nuối những thương hiệu báo chí một thời lừng lẫy. Nếu có cơ chế khác hợp lý hơn, tạo điều kiện cho nó tồn tại, ứng xử với nó một cách hợp lý, nó sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong câu chuyện giữ văn hoá, đạo đức, ổn định xã hội.
Khi chuyển từ HHT sang làm Tổng Biên tập báo Tiền phong, là Huynh muốn đi hay được điều đi?
- Năm 2008, anh Dương Xuân Nam (nhà thơ Dương Kỳ Anh) nghỉ chế độ sau hơn 20 năm liên tục làm Tổng Biên tập báo Tiền phong.
Sau thời gian HHT thành công với độc giả tuổi vị thành niên, sếp chủ quản, một người tuổi trẻ tài cao, quyết đoán, điều tôi về Tiền phong với mong muốn tôi áp dụng phương pháp quản trị như vậy và nhiệt huyết như vậy để thay đổi tờ báo. Cao vọng ngất trời, tôi muốn tạo ra những thay đổi tốc hành trong vòng hai khóa ở báo Tiền phong. Nhưng rồi mọi sự đều cần phải xem lại khi tôi nhận ra không còn hệ sinh thái thuận lợi để phát triển báo chí. Động lực đổi mới, nhu cầu thông tin không còn thời cơ. Báo phát hành theo biểu đồ cắm xuống đất, tôi nghĩ nếu mình làm báo không nuôi nổi anh em trong tòa soạn, để anh em trong tòa soạn trước nguy cơ mất tự chủ là không chấp nhận được, cần phải để anh em có năng lực chống chịu giỏi hơn làm thay mình. Tôi đặt ra chức danh Phó Tổng thường trực để ổn định vị trí hậu bị. Tôi rời Tiền phong chỉ sau chừng 1 nhiệm kỳ - 4 năm.
Tôi sinh con thứ ba, hồi đó bị cho là vi phạm kỷ luật dân số. Lấy cớ không muốn ai đụng đến cháu vì "khuyết điểm" của bố, tôi chủ động viết đơn xin từ chức Tổng biên tập. Hai lần viết đơn, hai lần bị sếp trưởng xé đi. Đến lần thứ ba, khi sếp mới về thay thì tôi mới làm được thủ tục rời Tiền phong.
Quay trở lại tờ HHT thời đó có rất nhiều chuyên mục: Học trò Bình thơ học trò, Cảm xúc suy tư lứa tuổi, Thử tài của bạn, Ký sự sân trường, Tuổi học trò một thủa v.v và v.v… Nhưng chuyên mục hot nhất là Văn phòng Divu. Nhiều em học trò cứ mua tờ báo là giở ngay trang áp chót để giao lưu với "ông chủ" Văn phòng, anh Chánh Văn – "chuyên gia gỡ rối tuổi trăng náu, trăng tròn, trăng xế"…
Ý tưởng lập mục Văn phòng Divu như thế nào, vì sao anh lại lấy tên Chánh Văn?
- "Divu" bởi thời đó là bắt đầu nền kinh tế dịch vụ, cái gì cũng "divu" cả. Mình đặt tên theo "trend" hồi đó, nó như một trang chọc nhau, vui cười với nhau.
Hồi đó HHT còn có một trang của chị Thương Thương (Bích Vân) hay đặt bài các bác sỹ, các nhà tâm lý, nói về tâm sinh lý tuổi mới lớn… Có những thứ bên đó không trả lời được thì chuyển sang bên này, như chuyện tình yêu chẳng hạn, tôi trả lời hết. Biến việc khó thành việc dễ, biến việc nghiêm trọng thành nhẹ nhõm.
Tôi cố gắng không răn dạy, chỉ chia sẻ với các em. Đôi lúc lại hài hài, tếu tếu. Tôi làm Văn phòng Divu cứ thế mười mấy năm, đến khi làm Tổng Biên tập (năm 2005), bận quá mới thôi, nhường cho một bạn trẻ khác. Khi tôi rời mục, thư vẫn còn cao ngất tới tận trần nhà.
Trả lời một kỳ Divu như vậy có mất nhiều thời gian không?
- Tôi thường "làm" mục Divu vào ban đêm, sau khi đã coi lại hậu kì cho cả số báo, viết xong cả bài trang 3 (dạng như Xã luận). Cả đêm tôi ngồi "đánh vật" với đống câu hỏi, thư từ của học trò, mình phải lọc, cắt, đảo dưới lên, trên xuống… Chồng thư dày, mỗi lần chỉ lôi ra mấy cái để trả lời. Khi có thủ thuật rồi thì cũng không khó, chơi chữ, tung hứng là nhiều, đúng sở trường của một "anh giáo ngôn ngữ" như tôi… Khi rời toà soạn, tôi đóng thùng mang về hàng chục thùng thư hiện đang gửi nhờ ở nhà ông bà ngoại ở ngõ Thái Hà.
Vì sao suốt những năm đó, Tòa soạn vẫn cứ "hư hư thực thực" về nhân vật Chánh Văn?
- Đơn giản là vì hơi bí ẩn mới bán được báo. Hơn nữa, viết khác, đời thực khác. Tôi nhớ câu chuyện ở nước ngoài, có một nhà tâm lý nọ được các em nhỏ rất hâm mộ nhưng đến một ngày, khi ông ấy xuất hiện thì các em rất thất vọng vì hình thức xấu, dù trí tuệ rất sắc bén. Tôi rất hãi nên bịa ra là Chánh Văn gầy còm, ốm yếu, cận lòi… Thế là các em lại càng thích thú, tò mò, các em tưởng tượng anh Chánh Văn nghèo, rơi từ trên tầng lầu xuống nhưng nhờ mặc chiếc quần lò xo (không là ủi) nên anh không chết. Vợ anh Chánh Văn bán cá đanh đá lắm, anh có một đàn con nheo nhóc…
Nhân nói đến vợ, vợ Huynh có phải bạn đọc báo HHT, có phải là fan của… Chánh Văn?
- Đúng vậy, vợ tôi là fan của Chánh Văn. Vì thế tôi càng ơn nghĩa với tờ báo nhiều lắm. Thú thực, hồi tôi dạy Sư phạm Văn cũng có người này người kia. Có những mùa hè mình ở Huế ra muộn, mùa ngâu, trở ra Hà Nội thấy sân nhà đầy vết bánh xe nhằng nhịt. Chị hàng xóm bảo vui "có 5-6 cô ngày nào cũng đến mà không thấy chú ra". Nhưng suốt thời kỳ đó tôi cũng không có "ai" cả.
Vợ tôi là một bạn đọc lúc đó làm part time ở báo Hà Nội Mới. Một hôm sao đó gấp gáp, tôi đến xem lại trang 3, anh hoạ sĩ Đắc Bái đẩy tôi đến sau lưng cô ấy để nhờ vả cô ấy sửa giúp chút lỗi morat. Vợ tôi khi ấy người cũng mỏng manh, 42kg, chứ không phải "tấm thân đồ sộ màu nâu với một nụ cười hết cỡ làm tràn ra ngoài cả một bộ răng chắc khoẻ" như bạn đọc mô tả đâu. Sau khi chuyện trò, tôi bảo lúc nào báo ra anh sẽ gửi em một cuốn làm kỉ niệm nhưng sau đó quên mất. Vài tháng sau cô ấy gửi lá thư đến anh Chánh Văn, trong một cái phong bì màu xanh lá. Nội dung thư không nhờ tư vấn gì cả mà nói luôn: "Anh Chánh Văn quá tệ, anh có biết rằng anh đã hứa hẹn cho một tờ báo, hứa hẹn đến chơi nhà, như vậy có phải anh quá tệ không?"
Tôi chạy đến chung cư theo địa chỉ ghi trên phong bì thì thấy bố mẹ cô đang nấu cơm. Nhìn lại, nếu cô ấy không "đeo bám", không có tình cảm mãnh liệt như vậy có lẽ mình cũng đã bỏ qua, mà nếu bỏ qua thì tiếc nuối không gì bù đắp nổi.
Thế ba cô con gái của Huynh có đọc HHT không, có biết cha chúng chính là Chánh Văn không?
- Hai đứa đầu (đều đã ngoài hai mươi rồi) cũng loáng thoáng biết bởi trước đây tôi có đem báo về nhà. Sau này tôi cũng ngại nhắc chuyện ngày xưa, ai nhắc lại tôi cũng gạt đi. Vợ tôi vẫn hay bảo "sao anh cứ phải gạt đi thế, các con biết cũng vui mà".
Còn con bé thứ 3, sinh năm 2011, tôi nghĩ chắc mãi nó sẽ không biết bố nó là ai.
Nhưng cuộc đời rất buồn cười, chính bé thứ 3 lại là đứa hay nhắc chuyện HHT và Chánh Văn nhiều nhất, qua... các cô giáo của nó. Hóa ra các cô trước kia đều là fan của HHT, của Chánh Văn. Các cô thường nhờ tôi đến chia sẻ với các bạn nhỏ chuyện văn hoá đọc sách. Hết lớp này đến lớp nọ lôi tôi sang nói chuyện. Thế là con bé tự hào, sung sướng lắm.
Vào dịp kỷ niệm 30 năm HHT, từ góc độ cá nhân, Huynh có nuối tiếc gì với HHT không?
- Tôi không nuối tiếc gì hết, có gì đẹp nhất tôi đã dâng hiến cả rồi. Nói như anh Lưu Quang Vũ: "Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt…"
Khi có cơ hội tôi đã "xách gươm" dựng nghiệp, dựng hết sức mình, được đến đâu cứ để mọi người đánh giá. Còn chuyện rời đi thì đó là cuộc đời biến thiên, đời tôi chưa khi nào định trước điều gì.
Tôi trưởng thành, rồi phải đi tiếp để trải nghiệm tiếp. Hiện tại tôi vẫn tiếp tục học tập, tiếp tục trưởng thành. Tôi như người suốt đời ở tuổi dậy thì bỡ ngỡ. Nếu ngày đó tôi vẫn ở lại HHT có vẻ "quả thực" sẽ nhiều hơn, nhưng đến tuổi này tôi thấy không gì bù lại được những trải nghiệm. Cũng như bạn có một ngôi nhà ở chân núi, nếu bạn bằng lòng với ngôi nhà đó thì đến khi chết đi rồi bạn vẫn còn băn khoăn phía sau ngọn núi kia có gì, mắt bạn nhắm mà lòng bạn không yên. Phải đi sang phía bên kia ngọn núi…
Xin cảm ơn Huynh về cuộc trò chuyện rất cởi mở!
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên