Do làm phóng viên của đài truyền thanh từ khi còn trẻ tuổi nên tôi thích nghe đài. Ngày về học lớp Báo A, Trường Tuyên huấn Trung ương, nhà trường cũng chú ý tới học viên, đã mắc loa truyền thanh loại nhỏ vào từng phòng ở. Tiếng loa, bản tin hằng ngày tôi được nghe đều như cơm bữa.
Vào dịp 17 tháng 2 năm 1979, nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc, tiếng loa lại càng cấp thiết với các học viên báo chí chúng tôi. Riêng tôi, vợ con đang ở Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn, từng giờ, từng phút muốn biết tin tức quê hương, gia đình nên không gì bằng bám lấy cái loa mà nghe. Các chương trình ấy, tôi nhớ nhất có những bài bình luận sắc bén, vững vàng niềm tin chiến thắng mà Đài tiếng nói Việt Nam phát, giới thiệu trong đó có bài bình luận của Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn. Từ thực tế ấy tôi đã quý trọng cây bút đàn anh ở đài tỉnh mình.
Sau này học xong, về công tác tại Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn công tác, tôi lại được về làm phóng viên, nhân viên của người viết bài đó và là trưởng phòng của tôi. Anh là Nguyễn Văn Xuân, còn có bút danh là Xuân Nguyên. Anh đã từng hoạt động ở Lào Cai từ thời đánh Pháp, tiễu phỉ. Chuyến công tác đầu tiên anh cử tôi lên biên giới. Tôi đề đạt: “mới ở trường ra, về tỉnh mấy ngày, anh để cho em tìm hiểu tình hình có được không?”. Anh bảo: “Nếu được thế thì tốt nhưng phóng viên của đài ít quá, nhất là phóng viên trai tráng lại càng hiếm, trên biên giới thì địch nống sang, thám báo, biệt kích liên tiếp ở nơi này, nơi kia, tốt nhất lúc này là trải qua cuộc sống thực tế”. Thế là tôi xuống phòng hành chính lấy giấy công tác, tạm ứng lương, khẩn trương lên biên giới.
Đi công tác về, đến phòng nộp bài, anh đọc kỹ từng trang viết của tôi, gật gật đầu. Đọc xong, không nói gì đến bài vở, anh hỏi tôi về nhà dân ở vùng biên giới. Tôi nói: Dân làm nhà có tường bằng đất, trình dày đến nửa mét, như lô cốt chắc chắn, anh lại nói tiếp:
- Thế dân biên giới có tập quán bắc máng nước cho chảy vào nhà, tường trình dày thế, thoát nước ra bằng cách nào?
May quá, những ngày ở biên giới, tôi đã quan sát thấy có khe nước chảy vào, chảy ra ở góc nhà. Tôi đã dự tính nếu bị thám báo tấn công sẽ thoát ra ngoài từ chỗ này. Tôi nói lại. Anh cười khà khà “làm phóng viên phải quan sát kỹ càng như thế”. Anh còn bảo: “Kiểm tra như thế tôi biết chú có đến tận cơ sở, không phải gặp hỏi lấy tài liệu từ hội nghị”.
Làm việc dưới sự quản lý của cán bộ phòng hiểu biết thực tế, đã giúp ích cho tôi rất nhiều, anh còn là một cây bút có kinh nghiệm, viết nhanh. Có lần, lên biên giới về, tôi có bài viết “Người mẹ bên suối Lũng Pô”. Sau đó, anh đã tập hợp thành tập truyện ngắn, được nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành ngay trong năm 1980. Cứ cần cù viết, tận tình công tác, từ trưởng phòng biên tập, anh trưởng thành là Phó Giám đốc, phụ trách nội dung của đài tỉnh. Sau này, do điều động của tỉnh anh chuyển sang làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hoàng Liên Sơn vào năm 1988. Dù khác cơ quan, tôi với anh vẫn có quan hệ thân thiết, gần gũi. Và tôi cũng theo anh, tập đọc viết văn. Tôi còn nhớ, có lần tôi liều gửi một tác phẩm viết về biên giới, mà không giám đề thể loại gì về báo văn nghệ, nhan đề “Hương ngải bên rừng” nào ngờ được sử dụng. Anh đọc báo, thấy bài viết của tôi, anh thân mật bảo: “Dưới Trung ương họ đang cần tác phẩm viết về biên giới, dân tộc. Chú thấy có thể viết được gì cứ viết. Mình có điều kiện cứ mạnh dạn rồi sẽ quen và trưởng thành”. Rồi tôi gặp may, vào dịp kỷ niệm 44 năm Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, tôi được báo Nhân dân đăng bài “Trở lại Âu Lâu”. Rất may nữa, bài này lại được nhà văn Dương Duy Ngữ, Trưởng phòng Biên tập Văn nghệ nhà xuất bản Quân đội Nhân dân đọc. Anh đã gọi điện lên Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái gặp tôi. Anh động viên: Đọc “Trở lại Âu Lâu” tôi biết anh có nhiều tư liệu về bến phà lịch sử này, có thể viết thành sách được không?. Tôi thận trọng trả lời:
- Báo cáo với anh, quả tư liệu thì có nhưng tôi chỉ viết được báo, cố lắm thì có truyện ngắn, chứ chưa dám nghĩ đến sách bao giờ.
- Thế anh cố đi dự trại sáng tác quân đội nhé! Tôi ghi tên anh vào danh sách trại viên đây...
Đi dự trại sáng tác quân đội, tôi được anh Nguyễn Tiến Hải, rồi anh Bùi Giang Long tận tình đọc bản thảo, góp ý và tôi ra được sách.
Thế là từ đấy tôi càng có điều kiện đi theo con đường của cây bút đàn anh Xuân Nguyên .
Trần Cao Đàm
Hội Nhà báo Yên Bái