Trong một chiều thu Hà Nội, gặp Trung tá, nhà báo Lê Thanh Tăng (Trưởng Ban biên tập Phát thanh Công an nhân dân) rồi mới thấy người đàn ông xứ Nghệ trạc tuổi ngoài 40 thật thân thiện, dễ gần, cởi mở.
- Là người đã có hơn 20 năm gắn bó với chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác”, xin anh cho biết sự ra đời của chuyên mục này trên sóng phát thanh?
+ Chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” ra đời vào năm 1967 do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn cùng Tổng Biên tập (nay là Tổng Giám đốc) Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm khởi xướng. Ý tưởng ban đầu là chuyên mục nhằm đả phá bọn xâm lược, tay sai, lôi kéo quần chúng nhân dân tham gia vào phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Những ngày đầu ấy, chưa có mô hình để học hỏi nên NSƯT Nghi Xuyên - người sản xuất (cả viết và đọc) chuyện cảnh giác từ ngày đầu thành lập - phải vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm nhưng may mắn đã được thính giả nồng nhiệt đón nghe và có nhiều ý kiến phản hồi, góp ý, khen ngợi.
Hiện nay, Ban Biên tập Phát thành Công an nhân dân có 14 biên chế, chúng tôi phải phụ trách lên sóng 30 phút buổi sáng, 30 phút buổi tối trong những dòng tin thời sự. Còn riêng chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác”, tôi phụ trách từ khâu viết kịch bản đến dàn dựng. Trải qua hơn nửa thế kỷ, hiện nay chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” vẫn giữ “kim chỉ nam” là phê phán hiện tượng xấu trong xã hội, các loại tội phạm nhưng đã thay đổi rất nhiều, thiên về giải trí hơn.
-Theo anh, bí quyết nào để chuyên mục này “sống được” trong lòng thính giả trong suốt hơn nửa thế kỷ qua?
+ Chúng tôi – những người viết chuyện cảnh giác luôn tâm niệm, câu chuyện cảnh giác phải hết sức chân thật nhưng lại ly kỳ, hấp dẫn cho đến phút cuối. Để có được thành công, buộc người viết phải lăn lộn với thực tế, đồng thời tìm đọc qua sách báo, để rồi qua sự nhào nặn những câu chuyện trở nên sinh động, lôi cuốn, ly kỳ, hấp dẫn đến từng chi tiết, từng diễn biến nghẹt thở, khiến người nghe không thể rời radio. “Phát thanh là “sóng quốc gia phát ra quốc tế”. Phát thanh hiện nay mặc dù lượng công chúng ít hơn rất nhiều so với truyền hình nhưng nó là loại hình đóng vai trò quan trọng không thể thay thế.
- Viết nhiều chuyện cảnh giác – một chuyên mục được nhiều người quan tâm thì chắc hẳn anh cũng đã đón nhận rất nhiều sự phản hồi của thính giả?
+ Có lần một ông già lưng còng như dấu hỏi, giáp Tết lọ mọ hỏi thăm khắp nơi và mang chai rượu vang lên cơ quan tặng tôi, chỉ vì “câu chuyện cháu viết phát trên sóng giống y chang cuộc đời bác”. Hay một lần đi xe buýt, đúng lúc chuyên mục của anh đang phát. Nghe xong, một ông khách vỗ đùi đen đét bảo: “Thằng cha này viết mất dạy thật...thú quá...mất dạy như thế này mới thú”. Với tôi thì đấy là một lời khen. Rồi ông nội của tôi lúc sinh thời từng tâm sự: “Ông sống thêm vài năm vì có thằng cháu “bên đài thứ 7”! Nhiều lúc làm việc không hẳn còn vì đam mê mà chỉ vì đến ngày đến giờ phải có tác phẩm lên sóng nhưng chưa bao giờ thôi tự hào vì những gì mình đã (bị) chọn.
- Hơn 20 năm viết một chuyên mục, có khi nào anh bị “cạn” ý tưởng, “cùn” cảm xúc?
+ Hơn 20 năm viết một chuyên mục thì rất dễ rơi vào lối mòn, dễ viết nhưng khó hay. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp nhận thông tin trở nên dễ dàng hơn thông qua báo chí và đặc biệt là mạng xã hội mà người viết có thể nhận được rất nhiều “gợi ý” về cốt truyện. Tôi từng có những câu chuyện cảnh giác, thậm chí có những tác phẩm được giải cao tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc là từ những câu chuyện trên mạng. Chẳng thế mà Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/ 6) vừa qua, trong một status trên Facebook của mình, tôi đã viết: “Trong sự nghiệp “báo mồm”, tôi muốn gửi lời biết ơn đến “đối tượng” mà mình chưa bao giờ tri ân cả. Đấy là những nhân vật trong những câu chuyện của mình. Họ đã chịu rất nhiều thiệt thòi, bất hạnh để góp phần làm nên chút thành công nho nhỏ của mình trong suốt hai thập niên theo nghề. Mặc dù chưa bao giờ hiện diện bằng da bằng thịt nhưng họ là những mảnh ghép không thể thiếu trong xã hội”.
- Xin hỏi thật người kể chuyện cảnh giác có bao giờ bị lừa?
+ Thế hệ làm phát thanh chúng tôi còn truyền tai nhau câu chuyện thầy Nghi Xuyên bị mất chiếc xe đạp. Về phần tôi thì cũng đôi lần bị “lừa” mấy chuyện lặt vặt trong cuộc sống như cho bạn vay tiền nhưng người ta không trả, tất nhiên số tiền là không nhiều. Còn chuyện tình cảm thì cũng chẳng ai “lừa” ai cả, chia tay là bởi ta đã hết yêu nhau rồi!
- Trân trọng cảm ơn anh!
Trung tá, nhà báo Lê Thanh Tăng (sinh năm 1976, tại Hà Tĩnh), hiện là Trưởng Ban biên tập Phát thanh Công an nhân dân. Anh đã được nhận nhiều giải tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc: Năm 2010 là giải Vàng với “Không phải phép màu”, năm 2012 giải Bạc với “Thiên đường của bé”, năm 2014 giải Vàng với “Người giúp việc”, năm 2016 giải Bạc với “Phía sau tội ác”, năm 2018 giải Vàng với “Bố ơi, con muốn về nhà”, năm 2020 giải Bạc với “Giấc mơ của mẹ”.
Theo Giang Phú/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên