Trách nhiệm với ngòi bút, sự đổi mới về cách nhìn, tinh thần nỗ lực, cầu thị sẽ vun đắp tình yêu nghề

Thứ ba - 27/07/2021 14:05
“Hạnh phúc của người làm báo với tôi là tìm được cho mình góc nhìn mới giữa muôn vàn đề tài cũ; là gặp được nhân vật hay; lặng lẽ ngắm nhìn, cảm phục họ và lan tỏa những điều tốt đẹp thông qua bài viết”, đó là chia sẻ của nhà báo Điệp Quyên về hành trình hơn 14 năm theo nghề báo.

Những sáng kiến sáng tạo trong giải quyết thủ tục hành chính

Dù đã chuyển sang Ban Văn xã - Báo Kinh tế & Đô thị nhưng những kỉ niệm hơn 14 năm làm việc trong lĩnh vực Pháp luật - Nội chính (báo Pháp Luật và Xã hội) vẫn luôn là những kí ức khó quên trong hành trình làm nghề của nhà báo Điệp Quyên.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của phóng viên theo Pháp luật - Nội chính. Ngoài việc tuyên truyền nhiệm vụ chung của ngành Tư pháp, Tư pháp Thủ đô, nhà báo Điệp Quyên thường đi sâu vào nhiệm vụ cụ thể của cán bộ chuyên môn để nhìn thấy được những tấm gương cán bộ gương mẫu, mẫn cán với nhiều sáng tạo xây dựng chính quyền “của dân, do dân, vì dân”.

111
Nhà báo Điệp Quyên nhận giải thưởng tại cuộc thi viết “Người tốt, việc tốt trong thực hiện kỷ cương hành chính của cán bô, công chức, viên chức Thủ đô. Ảnh: NVCC

Vào những ngày đầu năm 2017, sau chuỗi thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ban tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm sáng kiến, giải pháp cải cách thủ tục hành chính năm 2016” tại Hà Nội đã tổng kết và trao giải cho những sáng kiến sáng tạo, tâm huyết hướng tới mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), đảm bảo tiết kiệm chi phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của TP.

Là người theo sát cuộc thi qua các vòng sơ khảo, chung khảo, những sáng kiến, giải pháp được chọn để trao giải với chị là hoàn toàn thuyết phục và thấy được ý nghĩa, tính quan trọng của cuộc thi. Sau khi kết thúc cuộc thi, để những ý tưởng này đến gần hơn với người dân, chị đã viết loạt 5 bài: “Những sáng kiến, giải pháp cải cách thủ tục hành chính năm 2016 tại Hà Nội”.

Loạt bài này được thực hiện khá công phu bởi vừa phải theo dõi cuộc thi kỹ lưỡng, vừa phải đọc tỉ mỉ từng sáng kiến cũng như tiếp xúc với các tác giả để hiểu được về công tác chuyên môn của từng người. Loạt bài được đánh giá cao và đạt giải “kép”: “Thủ đô Hà Nội với công tác Cải cách hành chính năm 2017” và giải báo chí Ngô Tất Tố năm 2017.

Cảm động với nghĩa cử cao đẹp

Khi mới vào nghề, nhà báo Điệp Quyên nghĩ rằng, Pháp luật - Nội chính là lĩnh vực tưởng chừng khô khan và khó. Nhưng đi vào thực tế lại hoàn toàn khác, nhờ làm mảng này chị có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, nhiều tình huống khác nhau; tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu phong phú để viết nên các tác phẩm báo chí mà qua năm tháng vẫn chẳng thể nào quên.

Trong kí ức về hành trình tác nghiệp chợt ùa về, chị nhớ lần gặp gỡ với bà Đặng Thị Thanh Bình, sinh năm 1958, trú tại khu 6, phường Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh trong một chuyến công tác tại Trại giam Hoàng Tiến, Tổng cục VIII (cũ), Bộ Công an. Người cán bộ công tác trong ngành LĐ-TB&XH ấy đã làm được một việc thật phi thường, đó là cưu mang, giúp đỡ 3 đứa con của một nữ phạm nhân đang thụ án 8 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Chị nhớ đến câu chuyện kể của bà về cơ duyên gặp 3 đứa trẻ tội nghiệp, đó là trong một lần cơ quan cử đến thăm 3 cháu nhỏ đang ở trọ trên địa bàn để thông báo, giải thích cho các cháu hiểu về việc mình chuẩn bị được đưa vào trung tâm bảo trợ trẻ em. Tại căn nhà trọ ẩm thấp, chật chội, nhìn 3 đứa trẻ tội nghiệp ôm nhau khóc và nói rằng: “Chúng cháu không muốn đến trung tâm, chúng cháu muốn ở nhà chờ mẹ…”. Lời nói đó khiến bà Bình đau xót và suy nghĩ. Sau một đêm không ngủ vì trăn trở, sáng sớm hôm sau, bà đến cơ quan sớm và xin với lãnh đạo được đứng ra làm giám hộ, đỡ đầu cho 3 cháu nhỏ.

Những công việc tiếp theo đầy nghĩa tình của bà với các cháu như làm giấy tờ tùy thân, giấy tạm trú, tạm vắng, xin cho các cháu đi học, đi làm, giúp đỡ các cháu tiền trang trải cuộc sống… Cảm động với nghĩa cử đẹp đẽ của bà Bình, trong cuộc gặp gỡ giữa bà, các cháu nhỏ và mẹ của chúng - nữ phạm nhân đang thụ án trong trại giam, người phụ nữ tội lỗi đã khóc, cầm tay ân nhân của mình cảm tạ việc bà đã làm cho chị, cho các cháu không khác nào “tái sinh cuộc đời của chị”.

Được chứng kiến cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc; được chuyện trò với người phụ nữ giàu tình yêu thương, với các cháu nhỏ, nhà báo Điệp Quyên đã viết bài “Mùa xuân ấm áp của người phụ nữ cưu mang 3 đứa con của phạm nhân…”. Bài báo sau đó đã đạt giải cao trong hạng mục viết về “Người tử tế” ở Giải báo chí “Đồng hành cùng phát triển” do các mạng lưới xã hội dân sự Việt Nam đồng tổ chức.

Yêu những trải nghiệm đã có và sẵn sàng đón nhận những nhiệm vụ mới, thử thách mới

Một trong những nhiệm vụ chính chị được cơ quan giao là theo dõi, thông tin về tình hình đảm bảo an ninh trật tự, chấp hành pháp luật tại các địa bàn được phân công. Tháng 6 năm 2020, khi nhận được thông tin Đội Cảnh sát Hình sự - Công an quận Hà Đông vừa điều tra, triệt phá một đường dây mua bán thận xảy ra trên địa bàn phường Phúc La, chị đã nhanh chóng có mặt tại trụ sở Công an quận Hà Đông để khai thác thông tin viết bài.

“Càng tiếp cận các dữ liệu trong vụ án, kể cả khi đối tượng cầm đầu đường dây môi giới mua bán thận bị bắt, tôi vẫn không thôi trăn trở về những thân phận liên quan đến đường dây này; điều đó thôi thúc tôi tìm hiểu sâu hơn, có cái nhìn đa chiều hơn những về vấn đề, hệ lụy liên quan đến hành vi mua bán thận. Sau tìm hiểu nhiều nguồn, kênh thông tin khác nhau, loạt bài “Những góc khuất sau một đường dây mua bán thận” của tôi đã hoàn thành và được đăng tải trên Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội” nhà báo Điệp Quyên chia sẻ.

111
Nhà báo Điệp Quyên (thứ 2 từ phải sang) họp cùng Tổ Pháp luật. Năm 2021, thực hiện Đề án sắp xếp phát triển và quản lý báo chí TP Hà Nội, Pháp luật và Xã hội sáp nhập vào Báo Kinh tế và Đô thị. Trở thành Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội và phòng Pháp luật Nội chính
trở thành Tổ Pháp luật. Ảnh: NVCC

Loạt bài trước hết biểu dương, ghi nhận những chiến công của lực lượng chức năng - Công an quận Hà Đông và Công an các đơn vị, địa phương trong việc phối hợp, điều tra triệt phá đường dây mua bán thận. Từ đường dây chính, lực lượng chức năng tiếp tục điều tra mở rộng và xác định các đường dây mua bán thận khác.

Tuy nhiên, phía sau “giao dịch” mua bán đó là một thực trạng đau lòng về những người vì tiền bán đi một phần cơ thể đang sống; hoặc những người đứng trước lằn ranh sinh tử đã bỏ tiền tỷ ra mua một phần cơ thể của người khác; sau đó qua tay các đối tượng môi giới, hợp thức hóa thành hiến - tặng thận. Hành vi này là trái pháp luật, đáng bị lên án, xử lý nghiêm theo quy định.

Những nỗi đau, những góc khuất đâu đó trong vụ án là điều trăn trở không chỉ với cán bộ điều tra, với người viết mà còn đặt ra trách nhiệm với các cấp, các ngành; trong đó có vai trò của bệnh viện, của gia đình và trách nhiệm của toàn xã hội. Loạt bài của chị đã được ghi nhận và đạt giải Nhì - Giải báo chí Ngô Tất Tố năm 2020.

Theo chị Điệp Quyên, “Chặng đường gặp gỡ nhân vật, đề tài, thu thập thông tin, viết bài đã và sẽ trở thành kỷ niệm, làm dày lên hành trang tác nghiệp của tôi. Trên chặng đường gắn bó với nghề, tôi đã góp nhặt nhiều điều bé nhỏ, dung dị, biến nó thành hạnh phúc lớn cho riêng mình. Nhìn lại chặng đường làm báo đã qua, tôi thêm yêu cơ quan, yêu đồng nghiệp, yêu những trải nghiệm đã có và sẵn sàng đón nhận những nhiệm vụ mới, thử thách mới. Tôi hiểu rằng, dù ở vị trí nào, lĩnh vực nào, đơn vị báo chí nào thì trách nhiệm với ngòi bút, sự đổi mới về cách nhìn cộng tinh thần nỗ lực, cầu thị, ham học hỏi sẽ vun đắp tình yêu nghề, sự bình yên, vững vàng của mỗi người làm báo”.

 

Theo Lê Tâm/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây