Nhà báo Hồ Quang Lợi: Dù công nghệ thay đổi ra sao, mấu chốt nghề báo vẫn là vì công lý và sự thật

Thứ hai - 28/06/2021 14:50
111

Những lần lên Hội vì việc chung, có thời gian rảnh, chúng tôi lại ghé vào căn phòng của vị Phó Chủ tịch thường trực. Nếu có trong phòng, dù đang bận công việc gì, nhà báo Hồ Quang Lợi cũng dành ra vài phút để tiếp chúng tôi như những người em trong gia đình. Đôi khi chỉ là dăm ba câu chuyện vui tếu táo đời thường, nhấp vài ba ngụm trà nóng rồi lại vội vã chào nhau, ai vào việc nấy...

Nói chuyện với ông trong mùa EURO mà không đề cập tới bóng đá, môn thể thao đặc biệt yêu thích của ông thì quả là uổng phí. Trong phòng làm việc của ông có treo một quả bóng có đầy đủ chữ ký của các cầu thủ Viettel FC tặng. Không chỉ đam mê bóng đá, ngày trước ông còn viết bình luận bóng đá rất ngọt (thời còn làm ở Báo Quân đội nhân dân). Và hơn hết, ông vẫn còn giữ cho mình niềm đam mê chơi bóng đá. Hiện ông là thành viên mang áo số 10 của hai đội bóng: Một là của báo Hà Nội Mới, nơi ông từng làm Tổng Biên tập. Hai là đội bóng báo Nhà báo và Công luận.

"Tôi không có điều kiện tập với anh em hàng tuần, nhưng thỉnh thoảng khi có thời gian rảnh tôi vẫn ra sân. Mỗi khi đến giải đấu, anh em đều mời tôi tham gia. Gần đây có một trận đấu giữa đội của Hội Nhà báo đấu với đội của báo Nhà báo và Công luận, tôi xỏ giày vào sân và ghi 6 bàn", ông hồ hởi nói.

111
"Dịch Covid-19 khiến mọi người không thể ra sân, tôi với con trai (trung tá – nhà báo Hồ Quang Phương, đang công tác tại báo QĐND) và cháu nội vẫn chơi bóng, có khi ở ngay trong nhà. Tôi luôn cố gắng tận dụng mọi lúc, mọi nơi để có thể chơi bóng vì đó thực sự là những phút giây thư giãn quý báu", ông hào hứng tâm sự và giơ điện thoại, giới thiệu với chúng tôi những bức ảnh chụp hình lúc ông đang thực hiện động tác bắt vole rất điệu nghệ trên sân cỏ. Có vẻ bóng đá khiến con người ta trẻ trung và yêu đời hơn.
111

Là một nhà báo đam mê thể thao, sau này cũng làm trong lĩnh vực chính trịtheo nhìn nhận của ông, giữa chính trị và bóng đá có điểm nào giống nhau?

Dường như khá bất ngờ trước câu hỏi này, mày ông hơi nhíu lại, nhưng rồi giãn ra khá nhanh. Ông hít một hơi, rồi trả lời:

- Một câu hỏi khó. Trước hết, thể thao một môn đòi hỏi sức mạnh và sự quyết đoán. Chính trị cũng cần có sức mạnh, sự quyết đoán, nhưng cũng đòi hỏi cả sự khôn ngoan, thao lược và tinh tế. Thể thao cũng vậy.

Có một điểm chung nữa, chính trị chỉ là chính trị đích thực nếu nó vì con người, và phải dựa trên nền tảng của văn hoá. Các quyết sách chính trị phải luôn luôn hướng đến con người và không được làm tổn hại đến con người. Chính trị phải nhân văn thì đó mới là chính trị đích thực, chính trị vì con người.

Bóng đá cũng thế, bóng đá không phải là một môn thể thao thuần túy cơ bắp. Nếu chỉ có cơ bắp thôi thì bóng đá sẽ dễ dẫn đến bạo lực. Bóng đá sẽ rất đẹp nếu có văn hoá. Tôi vẫn nhìn thấy ở các trận đấu bóng đá đỉnh cao ánh lên vẻ đẹp của văn hoá.

Gần đây, tôi xuất bản cuốn sách "Thời cuộc và Văn hoá". Trong cuốn đó, tôi nói về những cú sốc của thời cuộc gắn với thân phận con người, số phận của các quốc gia, dân tộc và thế giới. Người ta có vượt qua những cú sốc định mệnh đó không hay nó sẽ trở thành những thảm kịch, bi kịch... hoàn toàn do văn hoá dẫn đường. Những nơi diễn ra thảm kịch là những nơi nhân văn thiếu vắng, văn hoá bị chà đạp.
 

111

Khi đã là một nhà báo kỳ cựu, nhìn lại thời điểm ban đầu, thực sự ông chọn nghề báo hay nghề báo đã chọn ông, thưa ông?

- Câu hỏi này không chỉ gợi cho tôi nhớ tới một thời điểm, mà nó gợi lại cả quãng đời với hơn 40 năm làm nghề, vì thực sự nghề báo là cuộc sống của tôi. Tôi sinh ra ở nông thôn và tuổi thơ của tôi "lấm lem bùn đất". Quê tôi ở làng Quỳnh Đôi (Nghệ An), một trong những làng khoa bảng nổi tiếng nhất ở Việt Nam "Bắc Hà – Hành Thiện, Hoan Diễn - Quỳnh Đôi".

Tôi ham học Văn từ nhỏ, được đi thi học sinh giỏi miền Bắc, rồi được chọn vào Lớp chuyên Văn của tỉnh Nghệ An. Vào Đại học năm 1973, tôi được cử đi du học ở Rumani, là sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài, Đại học Tổng hợp Bucharest. Năm 1979, tôi về nước, đó là thời điểm đang diễn ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và tôi được động viên vào quân đội. 

Trước khi về nước, tôi từng có ước mơ sẽ được giảng dạy ở một trường Đại học hoặc làm việc ở một viện nghiên cứu văn học. Nhưng do chiến tranh, tôi đã trở thành một người lính, được phân công về báo Quân đội nhân dân, được giao nhiệm vụ phóng viên thường trú Mặt trận biên giới  phía Bắc. Như vậy, số phận đã lựa chọn tôi trở thành nhà báo.

Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những bài viết đầy ắp hơi thở chiến trường khi đó như "Chuyện ghi ở đại đội phía trước", "Vệt mờ trên cò súng"… Cuối năm 1981, khi tình hình chiến sự lắng xuống, lãnh đạo báo điều động tôi về Phòng Thời sự quốc tế vừa làm phóng viên, vừa biên tập viên.

Sau một thời gian không lâu, lãnh đạo báo giao tôi viết những bài bình luận ngắn về thời sự quốc tế. Và rồi cứ thế, dần dần tôi trở thành một nhà báo chuyên viết bình luận. 
 

Trở thành một nhà báo chuyên bình luận, vốn là một lĩnh vực "khó nhằn" trong nghề báo, theo ông, một bài bình luận hay cần những yếu tố nào?

- Quãng thời gian gần 30 năm làm việc tại báo Quân đội nhân dân là thời gian vô cùng quý giá để cho tôi rèn tay bút ở mảng bình luận chính trị, mà chủ yếu là bình luận về quốc tế, bình luận về các vấn đề đối ngoại liên quan đến Việt Nam ở những thời điểm rất phức tạp, gay go, nhạy cảm.

Điều tôi ấn tượng nhất là trong gần 30 năm đó là tôi đã được sống và chứng kiến nhiều biến động dữ dội của thế giới tác động trực tiếp đến đất nước ta. Người bình luận phải đặt mình vào trong dòng chảy cuồn cuộn của các sự kiện đó để cố gắng hiểu đúng bản chất và bình giải về nó.

Đó là trận "động đất chính trị" chưa từng có dẫn đến sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu như một hệ thống thế giới. Rồi tiếp đến là Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991; các sự kiện như: Bình thường hoá quan hệ Việt – Trung,  Mỹ bỏ cấm vận, tiến tới bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ, Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, Việt Nam gia nhập ASEAN, Việt Nam ký Hiệp định khung với Liên minh Châu Âu... 

Sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ châu Á 2 năm 1997, 1998; cuộc chiến tranh với Kosovo 1999 - cuộc chiến tranh cuối cùng trong thế kỷ thứ 20 giữa lòng châu Âu hiện đại, dẫn đến sự kết thúc đau đớn, bi thảm của Tổng thống Nam Tư Milosevich như "một tội phạm chiến tranh" sau phán xét của Toà án quốc tế La Hay.

Sang thế kỷ mới, loài người đang phấn chấn, hy vọng vào một thế giới tốt đẹp hơn thì sự kiện 11/9/2001 nổ ra. Các bạn cứ hình dung: Hình ảnh 2 toà tháp khổng lồ, ngạo nghễ sừng sững như biểu tượng sức mạnh của một nước Mỹ thịnh vượng, đến một ngày, bỗng đổ quỵ xuống như người khổng lồ bị đánh gãy xương sống. Thật sự đó là một cú đánh bạo lực chưa từng có làm chấn động thế giới, dẫn đến cuộc chiến tranh Afganistan - cuộc chiến tranh đầu tiên trong thế kỷ 21...

111

Về những sự kiện đó, cũng như cuộc đấu tranh trên mặt trận đối ngoại về các vần đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, chủ quyền lãnh thổ..., tôi đã viết bình luận trong nhiều năm, tác chiến không kể ngày đêm. Nhiều bài bình luận ăn sâu vào tâm thức mà thật sự cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ lại được những đoạn tôi viết lúc đó.

Nói về thể loại bình luận, theo tôi, bài bình luận cung cấp cho độc giả những thông tin lý lẽ, chứ không phải là thông tin đơn thuần. Và nó nhất thiết phải đảm bảo được 3 yếu tố: Đúng bản chất của sự kiện, vấn đề; đúng xu thế phát triển của thời đại; đúng đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta. 

Nhưng đấy mới chỉ là đúng. Đúng nhưng chưa chắc đã hay. Nên bài bình luận ngoài việc phải sâu sắc, thoả đáng và đầy lý lẽ, muốn hay, lay động lòng người thì phải được viết với một bút pháp sống động, có hồn, có nhịp điệu, có hình ảnh biểu tượng...

Ví dụ câu chuyện tôi nói lúc nãy về sự kiện 11/9/2001, tôi hình dung ra đó là một cổng lửa đang mở ra khi thế giới vừa bước vào thế kỷ 21. Và tôi đã đặt tít bài bình luận cho sự kiện này là "Cổng lửa 2001". 

111

Gắn bó với báo QĐND gần 30 năm, một quãng dài trong đời người, nhưng đến một ngày, ông Hồ Quang Lợi phải đối diện với một trong quyết định khó khăn nhất trong đời cầm bút của mình. Thời điểm đó, báo Hà Nội Mới (cơ quan của Đảng bộ thành phố Hà Nội) cần một Tổng Biên tập, ông Lợi được mời về đảm nhận khi đang là Phó Tổng Biên tập báo QĐND.

Ông tâm sự rằng trước đó, ông chưa bao giờ nghĩ đến một lúc nào đó lại cởi bộ quân phục để ra bên ngoài công tác. Điều làm cho ông cảm thấy day dứt nhất chính là việc phải rời xa toà soạn phố Phan Đình Phùng, nơi ông đã được rèn luyện, học hỏi và trưởng thành, nơi tên tuổi của ông được định vị.

111

Ông đã phải phải trăn trở mất nửa năm để xem có nên chấp nhận sự thay đổi đầy khó khăn này hay không. Phải chăng rời báo QĐND là quyết định "cân não" nhất trong đời làm báo của ông?

- Tôi mang ơn quân đội, mang ơn báo Quân đội nhân dân, mang ơn những người lãnh đạo, đồng nghiệp ở đây quá nhiều đến mức tôi không muốn rời xa. Đó đúng là quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp của tôi.

Tôi nhớ đêm cuối cùng làm việc ở báo QĐND với tư cách Phó Tổng Biên tập trực xuất bản, tôi trở về phòng làm việc nhìn bộ quân phục treo trên mắc áo. Thật sự đó là thời khắc không thể nào quên.

Chỉ nghĩ tới việc ngày mai, mình sẽ không còn được mặc bộ quân phục nữa, không còn được tới ngôi nhà 7 Phan Đình Phùng thân thương này nữa, lúc đó tự nhiên nước mắt tự trào ra. Xúc động, nghẹn ngào. Đến bây giờ, khi trò chuyện với các bạn, cảm xúc đó trong tôi như vẫn còn nguyên vẹn. 

Thời gian ở báo QĐND tôi được gắn với những sự kiện đầy tính báo chí, bầu không khí đầy tình đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp. Có những bài bình luận tôi viết trong những thời điểm rất ngặt nghèo về thời gian, chỉ có 1 - 2 giờ đã phải hoàn thành. Lúc đó tờ báo đã lên khuôn và chỉ chờ bài bình luận của tôi. Có những khi xong việc rồi, đêm về nhà ngủ còn nằm mơ thấy tờ báo chạy rào rào trên máy in...

111

Về báo Hà Nội Mới làm Tổng Biên tập trong một thời kỳ tờ báo phải chịu thách thức từ ngoại cảnh và từ ngay nội tại, ông đã phải ứng phó ra sao trước tình thế đó, khi trước đó ông là một nhà báo – quân nhân, nhà quản lý báo chí trong một môi trường quân ngũ?

- Vào năm 2008, khi tôi vừa chân ướt chân ráo về báo, ở Hà Nội xảy ra vụ 42 Nhà Chung, dư luận cả nước hướng về Thủ đô với nhiều lo ngại. Chúng tôi nhìn thấy độ nóng của vấn đề, độ phức tạp của sự kiện. Tôi đã giao cho anh em viết bài, yêu cầu trình bày trên trang nhất, vị trí nổi bật, tít to. Lúc đó có người nhắc tôi "sự kiện an ninh nhạy cảm như vậy trước đây hoặc là không đăng, hoặc nếu đăng thì chỉ đăng nhỏ, ở trang trong", tôi vẫn quyết định cần thiết phải ở vị trí trang nhất.

"Trước đây chưa làm thì bây giờ chúng ta làm", tôi nhấn mạnh và nói thêm: Đây là một vụ việc điểm xác lập lại trật tự pháp lý và an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô, không thể để giữa Thủ đô tình trạng mất kỷ cương phép nước như vậy. Và chúng tôi lên tiếng không chỉ một ngày, mà nhiều ngày liên tục.

Và sự tham gia của báo Hà Nội Mới một cách quyết liệt đã góp phần rất quan trọng trong việc thuyết phục dư luận, ổn định tình hình. Và có thể nói đó là đợt tuyên truyền đầy tính nhân văn, có lý có tình nên đã đạt hiệu quả.

Sau đó, lại đến một sự kiện trọng đại nữa là mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội, sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội. Không chỉ Hà Nội sáp nhập với Hà Tây về mặt hành chính mà báo Hà Nội Mới cũng phải tiếp nhận báo Hà Tây. Trong khi thời điểm đó, chúng tôi còn đối mặt với cả việc xử lý tờ Hà Nội Tin chiều nữa. Tôi phải đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong việc bố trí, sắp xếp tổ chức, nhân sự.

Cần phải nói thêm, tờ Hà Nội Tin chiều ra được mấy năm với mục đích tiếp cận thị trường nhưng không đứng được. Thời điểm tôi về, tờ báo thua lỗ nhiều. Tôi phải tổ chức rất nhiều cuộc họp và cuối cùng cũng thống nhất kết thúc sự tồn tại của tờ báo.

Trước đó nhiều người thấy rằng để tờ báo tồn tại là rất gay go, thế nhưng không ai dám chấm dứt nó. Với tôi cũng vậy, là người mới về, để đi đến quyết định đình bản tờ báo, cũng phải trằn trọc nhiều đêm. Tờ báo chấm dứt hoạt động thì 35 con người ở đó sẽ đi đâu?

Tôi nghĩ, phải giải quyết vấn đề bằng thái độ nhân văn, không thể đẩy họ ra đường được. Trước hết tôi xin ý kiến anh em ai có nguyện vọng đi đâu sẽ tạo điều kiện, còn ai vẫn muốn ở lại, tôi yêu cầu các Trưởng Ban nhận và thử thách họ trong 6 tháng. Qua 6 tháng rà soát lại, ai đủ điều kiện thì sẽ chính thức làm việc.

Và đó thực sự là những phóng viên tâm huyết, có tay nghề, về cơ bản đều được nhận lại hết và cho đến giờ này, hầu hết họ là những "cây bút cứng" của Hà Nội Mới hôm nay.

111

Có người nói nghề Tổng Biên tập "như đi trên dây" bởi luôn đứng trên những lằn ranh mỏng manh, chênh vênh…?

- Tôi cũng có lúc nghĩ Tổng Biên tập là người "đi trên dây", nhưng là ở những tình huống nào đó thôi. Tính mong manh, thách đố của những quyết định, rằng việc đó có làm không, bài đó có đăng không, tin đó có đưa không, ý kiến của ai đó có nên gác lại không? Ảnh hưởng xã hội sau khi tin bài đăng lên sẽ thế nào? Lợi ích cục bộ và lợi ích toàn cục?... Phải cân đong đo đếm thế nào để quyết định đưa ra, trong một thời khắc nhiều khi rất chớp nhoáng, để kịp thời, phù hợp và chính xác nhất - hoàn toàn không dễ!

Tôi thích một câu nói mà khi vận vào nghề Tổng Biên tập có lẽ rất thích hợp: "Nghệ thuật chính trị là gì? Là tìm ra sự cân bằng giữa cái cần và cái có thể". Câu đó không chỉ đúng với người lãnh đạo quốc gia, những người làm chính trị chuyên nghiệp. Người làm báo, ở đây chính là Tổng Biên tập cũng phải biết tìm cho mình sự cân bằng đó.

Mọi cam go, thách đố, suy cho cùng đều ẩn chứa những thành công hay thất bại khi anh giải mã được thế nào là "cái cần" và "cái có thể" khi anh ở vị trí người đứng đầu. Sự năng hoạt và trí tuệ là những tố chất cần thiết, đặc trưng nhất của nghề Tổng Biên tập giúp anh tìm được lời giải ưng ý nhất cho bài toán "đi trên dây" này.

Tôi nghĩ, để làm đúng, làm không sai thì không quá khó. Nhưng để làm hay, hấp dẫn thì phải nói là rất khó. Đó chính là câu chuyện của cả những cơ quan báo chí lớn, quy tụ nhiều nhà báo giỏi, nhưng tờ báo cứ bình lặng, nguyên nhân không phải ở năng lực đội ngũ yếu kém mà ở cách làm báo theo công thức, đặt lên hàng đầu thói quen "làm báo không sai".

Vượt qua được nếp nghĩ đó, không dễ. Đòi hỏi bản lĩnh, khả năng chấp nhận thách đố và năng lực sáng tạo.

111

Dường như những ngã rẽ trong đời làm báo của nhà báo Hồ Quang Lợi thường gắn với những quyết định của tổ chức. Năm 2010, khi tờ báo Hà Nội Mới sau sáp nhập đã hoạt động ổn định, ông Hồ Quang Lợi đang ấp ủ khát vọng xây dựng một tờ báo Hà Nội Mới vừa là một tờ báo của Thủ đô, vừa mang tầm quốc gia, bất ngờ tổ chức lại điều chuyển ông sang làm Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Đó cũng lại là một quyết định rất khó khăn nữa trong đời làm báo của ông.

Và với tư cách là một nhà báo, nhưng tác phong lối sống được rèn luyện như một quân nhân, ông Lợi vẫn luôn tâm niệm: Chấp nhận mọi nhiệm vụ, và biến nó thành lựa chọn của mình. "Không nên nghĩ là mình bị áp đặt, vì nếu cảm thấy bị áp đặt, khiên cưỡng thì không thể đủ tâm huyết và cảm hứng để hoàn thành nhiệm vụ".

Sau gần 6 năm làm Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, nhà báo Hồ Quang Lợi được điều lên làm Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Khi đó, đời sống báo chí xảy ra rất nhiều sự biến, những lúc như thế, anh em nhà báo phóng viên lại tìm đến ông, không chỉ với tư cách một vị lãnh đạo hội chính trị, xã hội, nghề nghiệp mà còn với tư cách một đồng nghiệp đàn anh, người có thể cho những lời khuyên chân thành.

Phòng làm việc của ông tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (59 Lý Thái Tổ) khi đó luôn mở rộng cửa đón tiếp các vị khách, từ những vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các chính khách quốc tế, tới những người làm báo bình thường. Phóng viên cần phỏng vấn ông, có thể điện thoại trực tiếp hoặc tới gõ cửa vào phòng thoải mái mà không cần phải qua bất kỳ thư ký, văn thư, lịch hẹn... rườm ra, quan cách nào.

111

Với gần 6 năm ở vị trí Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông đánh giá thế nào về hoạt động của Hội và hoạt động của báo chí nước nhà?

- Cuộc đời làm nghề tôi, đúng như các bạn nói, như luôn được sắp đặt bởi số phận. Thực ra nói đời mình không phải do mình lựa chọn cũng không đúng, vì trước khi điều tôi làm các công tác khác, tổ chức thường cho tôi suy nghĩ và lựa chọn. Nếu tôi không sẵn sàng, thì liệu có làm tốt được những công việc được giao?

Tôi cảm thấy thành công nhất trong khoá này chính là Hội Nhà báo Việt Nam đã khẳng định uy tín và nêu cao vai trò trong đời sống báo chí và đời sống xã hội. Hội thật sự có tiếng nói, tiếng nói mạnh mẽ và cần thiết. Tiếng nói của Hội được tôn trọng. Tôi thấy rất rõ vai trò của Hội được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ngành, các cấp,các địa phương, các tầng lớp nhân dân và giới báo chí cả nướcđánh giá cao.

Ở rất nhiều các lĩnh vực, Hội Nhà báo đều được mời tham gia vào các hoạt động như hội đồng khoa học, hội thảo, diễn đàn, toạ đàm, góp ý vào các văn bản pháp luật, văn kiện... Người ta muốn có sự hiện diện của Hội nhà báo ở các sự kiện.

Bản thân tôi rất vinh dự khi được mời làm thành viên Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Tôi thấy đó là do uy tín của Hội nhà báo, do Hội phát huy được vai trò của mình.

111

Tuy vậy, trong nhiệm kỳ này tôi cảm thấy thành công lớn của Hội là đặc biệt coi trọng việc xác lập quy tắc đạo đức nghề  nghiệp. 10 điều quy định đạo đức nghề nghiêp được thực hiện từ 1/1/2017 và bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo được thực hiên tử 1/1/2019 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực rõ nét trong đời sống báo chí. 
111Ngoài ra, để thực hiện Nghị quyết 06 về tinh giảm biên chế, rút gọn các tổ chức thì một số địa phương đã xây dựng đề án sáp nhập Hội Nhà báo vào các tổ chức khác.

Khi phát hiện ra điều đó, Hội đã lập tức có ngay văn bản gửi cho Ban Bí thư và cho các Tỉnh uỷ, Thành uỷ, đề nghị dừng ngay việc sáp nhập Hội nhà báo vào các tổ chức khác, vì chúng ta biết rằng Hội Nhà báo là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của giới báo chí đã được đưa vào Luật Báo chí, có tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương.

Từ đó đặt ra vấn đề phải tổng kết Chỉ thị 37 để từ đó Ban Bí thư ban hànhmột chỉ thị mới nhằm tiếp tục khẳng định Hội Nhà báo Việt Nam là một tổ chức thống nhất từ trên xuống dưới, có vai trò và vị trí của nó, không thể nào nhập vào tổ chức nào được.

Và Chỉ thị 43 của Ban Bí thư với tên gọi "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội nhà báo Việt Nam" đã ra đời. Tôi cho rằng đó là quyết định đặc biệt quan trọng đối với Hội Nhà báo Việt Nam. 

Sự cám dỗ với nhà báo, phóng viên thời bây giờ dường như có vẻ nhiều hơn thời các ông làm báo?

- Tôi rất tâm đắc với câu "hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; Bảo vệ công lý và lẽ phải". Nghề nào cũng có sự thách thức và khó khăn. Không chỉ có mỗi nhà báo mới có cám dỗ. Và bất cứ ở thời điểm nào, thì nghề báo cũng đứng trước những cám dỗ. Nhưng mà ở thời điểm lịch sử khác nhau thì tính chất cũng như mức độ khác nhau.

Cùng với thời kinh tế thị trường này thì thời nay với sự lên ngôi của internet, mạng xã hội, những cái đó tác động rất mạnh đến cách thức làm nghề, đạo đức làm nghề. Báo chí Việt Nam đang trải qua một cuộc chuyển mình mạnh mẽ chưa từng có về phương thức và cách thức làm nghề. 

Tôi nghĩ, phương thức làm nghề, cách thức làm nghề có thể khác, nhưng lý tưởng làm nghề, đạo đức làm nghế của chúng ta thì không thể khác. Chúng ta làm nghề theo phương châm khách quan, công tâm, bảo vệ công lý và lẽ phải, làm nghề vì lợi ích của cộng đồng, đất nước và nhân dân... Điều đó phải được chuyển hoá một cách sâu sắc trong mỗi người làm báo.

111
111

Vậy còn điều gì ông cảm thấy chưa hài lòng trong quãng đời làm báo của mình?

- Hiện giờ, tôi chưa ở trong tâm thế đề nhìn lại và đúc kết về cuộc đời làm báo nên có lẽ điều mà cảm thấy hài lòng nhất lúc này là luôn luôn tìm được sự hoà đồng giữa nhiệm vụ với lại nguyện vọng của bản thân, để từ đó nuôi dưỡng được cảm hứng trong công việc.

Tôi chưa một ngày được học báo ở nhà trường, và khi lên biên giới những ngày đầu chập chững vào nghề, tôi mang theo trong balo quyển giáo trình báo chí để đọc xem thế nào là tin, thế nào là phóng sự? Những bài viết, phóng sự đầu tiên của tôi viết trên chiến trường đến bây giờ đọc lại tôi thấy cái được nhất là tính chân thật...

Còn điều mà tôi không hài lòng ư? Đời làm báo, đi đến nhiều vùng miền của Tổ quốc yêu thương, được thấy bao điều tốt đẹp, nhưng chắc chắn còn bao điều ngang trái, bất công của người dân mà báo chí của ta chưa đề cập đúng mức, chưa nói lên tiếng nói của sự thật và công lý và lẽ phải chưa được bảo vệ. Đó là những điều khiến tôi day dứt khôn nguôi...

111

Được biết, trong gia đình ông, cả con trai và con gái của ông đều làm nghề báo. Ông muốn dạy và truyền đạt lại kỹ năng nghề nghiệp gì cho con?

- Con trai tôi sau khi tốt nghiệp, được tuyển vào báo QĐND. Trước khi cháu đi làm, tôi có bảo: "Chọn nghề báo là quyết định của con. Một khi con đã chọn thì con phải hiểu rằng nghề này đầy khó khăn, thách thức, đừng có nhìn thấy hào nhoáng của nghề mà tưởng rằng có thể với lấy nó một cách dễ dàng. Nếu con đã chọn làm nghề trong môi trường quân đội thì lại càng phải nghiêm khắc, ở đâu cũng phải đi bằng chính đôi chân của mình. Nếu con là người không làm được việc, chính ba là người đưa con đi chỗ khác".

Tôi cũng rất mừng là chỉ nói với cháu một lần đó thôi, và cháu giờ này đã là một nhà báo làm nghề khá vững, đam mê nghề nghiệp và đã có những thành công nhất định: 3 Giải A giải báo chí quốc gia và một số giải báo chí khác, được giao nhiệm vụ quản lý, nhưng rất ham viết, làm việc bất kể ngày đêm. 

Con gái tôi khi thi vào trường báo chí và khi ra trường đều thủ khoa và được kết nạp vào Đảng khi đang học năm thứ 3. Giờ đang làm việc ở một báo hàng ngày của Thủ đô và cũng có được đôi ba giải thưởng cấp thành phố. Trong gia đình tôi luôn là không khí báo chí. Các cháu theo dõi cách làm nghề của tôi một cách lặng lẽ, tự học và cứ ngấm dần, ngấm dần. 

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở và thân tình này!

111

Năm 1991, lần đầu tiên nước ta tổ chức Giải Báo chí toàn quốc (bây giờ là tròn 30 năm), nhà báo Hồ Quang Lợi vinh dự được nhận Giải Báo chí toàn quốc đầu tiên (lúc đó chỉ có 1 giải cá nhân cho báo viết, 1 giải cho truyền hình, 1 giải cho ảnh).

Năm 2006, sau 15 năm, Giải Báo chí toàn quốc được nâng thành Giải Báo chí Quốc gia thì ông cũng vinh dự được trao giải A Báo chí quốc gia đầu tiên.

Đến nay ông Hồ Quang Lợi đã có 9 giải Báo chí Quốc gia, toàn quốc, trong đó có 4 năm liên tục (2003, 2004, 2005, 2006) được trao giải A.

111

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây