Nhà báo Quốc Bảo: “Chúng tôi muốn đưa đến khán giả một cách tiếp cận mới”

Thứ tư - 07/07/2021 11:17
Tác phẩm truyền hình “Chàng trai bị ung thư và lớp học cho trẻ em nghèo” của Đài PT-TH Đắk Lắk đã lấy được nước mắt của khán giả bởi câu chuyện, cách truyền tải cũng như giá trị nhân văn ở trong đó. Tác phẩm đã được Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia năm 2020 đánh giá cao.
111
Ekip đang thực hiện ghi hình

Tác phẩm báo chí nào cũng đều hướng đến công chúng

Để hiểu thêm về tác phẩm này, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện cùng nhà báo Quốc Bảo, một thành viên trong ekip.

- Được xem phóng sự “Chàng trai bị ung thư và lớp học cho trẻ em nghèo”, với vai trò là một khán giả, tôi đã rất xúc động về một cái kết có hậu?

+ Đó là thời khắc chúng tôi nhận được tin báo của gia đình Công Nội rằng bạn ấy đã ra đi mãi mãi. Trước đó dù bị bệnh nặng nhưng tinh thần của bạn ấy rất mạnh mẽ, lạc quan và vui vẻ. Trong hơn 1 năm gắn bó với bạn ấy, chúng tôi không còn là mối quan hệ giữa nhân vật và những người làm phim mà như những người anh em. Nên khi bạn ấy ra đi làm cho ekip chúng tôi rất đau buồn. Chúng tôi chợt nghĩ rằng, lẽ nào người tốt luôn phải chịu số phận bi thảm! Chẳng lẽ câu chuyện “Chàng trai bị ung thư và lớp học cho trẻ em nghèo” phải khép lại mà không có hậu?

Bao nhiêu cảnh quay chúng tôi dự định thực hiện cho tác phẩm này đành dang dở. Nhưng rồi cái kết mới được mở ra, đó là sự “xuất hiện” của 2 người em trai Công Nội, một người thì mới xuất ngũ đang quản lý thư viện của Công Nội, một người thì muốn chuyển công tác về gần nhà để tiếp tục duy trì lớp học. Hai chàng trai trẻ này đã viết tiếp những ước mơ còn dang dở của Công Nội. Chúng tôi xúc động vì câu chuyện về “Chàng trai bị ung thư và lớp học cho trẻ em nghèo” được mọi người biết đến; thông điệp của tác phẩm, giá trị nhân văn, tinh thần cống hiến vì cộng đồng được lan tỏa rộng rãi.

111
Nhân vật chính – Dương Nội và các em nhỏ trong phóng sự

Anh cũng đã từng trả lời phỏng vấn rằng “Khán giả vừa là đích đến vừa là điểm xuất phát” rồi “Điều quan trọng là phải đem đến cảm xúc cho khán giả”… Phải nói rằng, tôi thấy ở anh một sự khát khao cống hiến cho khán giả rất lớn và điều đó đã mang đến cho anh những tác phẩm ấn tượng?

+ Vâng, tác phẩm báo chí nào cũng đều hướng đến công chúng. Công chúng vừa là cái đích của tác phẩm vừa điểm xuất phát để mỗi người làm báo dựa vào đó để soi rọi, để lựa chọn cách thể hiện làm sao để có sự tác động lớn nhất đến cảm xúc của công chúng. Theo tôi, cảm xúc của công chúng, tác động xã hội… chính là thước đo cho sự thành công của tác phẩm. Đặc biệt trong thời đại công nghệ số hiện nay, sự tương tác giữa công chúng và tác phẩm báo chí ngày càng lớn thì vai trò của công chúng trong tác phẩm càng được thể hiện rõ.

Sự thật được bảo toàn gần như hoàn toàn từ thực tế vào tác phẩm

- Trước đó, được biết tác phẩm này cũng đã được trao Giải thưởng “Tương tác nội dung số” bình chọn tác phẩm yêu thích tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 40, diễn ra vào cuối năm 2020. Có thể khẳng định tác phẩm đã không chỉ gây được cảm xúc với Ban giám khảo, những người có chuyên môn mà ngay cả những khán giả bình thường?

+ Theo tôi, cảm xúc của công chúng, tác động xã hội…chính là thước đo cho sự thành công của tác phẩm. Đặc biệt trong thời đại công nghệ số hiện nay, sự tương tác giữa công chúng và tác phẩm báo chí ngày càng lớn thì vai trò của công chúng trong tác phẩm càng được thể hiện rõ. Tác phẩm của chúng tôi nhận được lượt bình chọn cao nhất từ khán giả khắp mọi miền Tổ quốc nên chúng tôi rất vinh dự và tự hào. Đặc biệt đây là lần đầu tiên Liên hoan Truyền hình toàn quốc có một giải thưởng do khán giả bình chọn và chúng tôi trở thành chủ nhân đầu tiên của giải thưởng danh giá này.

111
Ekip thực hiện tác phẩm “Chàng trai bị ung thư và lớp học cho trẻ em nghèo”

Như anh từng chia sẻ là nhà báo không bình luận mà để nhân vật tự lên tiếng, tự chia sẻ và để khán giả cảm nhận. Theo tôi đó cũng là cách làm báo rất thú vị?

+Đây là cách làm không mới nhưng nó ít được phổ biến ở Việt Nam. Mặt khác, khán giả cũng chưa quen với phương thức thể hiện này. Bản thân tôi từng thực hiện nhiều tác phẩm truyền hình không lời bình. Chúng tôi muốn tìm tòi, khám phá cái mới, cái sáng tạo, đưa đến khán giả một cách tiếp cận mới, mang lại cảm xúc mới mẻ cho người xem. Vì nói gì thì nói, truyền hình thì hình ảnh luôn được coi là số một, lời bình chỉ mang tính hỗ trợ, bổ sung. Nếu hình ảnh, âm thanh đã làm tốt vai trò của mình thì không cần sự xuất hiện của lời bình nữa. Lợi thế của phương thức thể hiện này là mang được hơi thở cuộc sống vào tác phẩm, sự thật được bảo toàn gần như hoàn toàn từ thực tế vào tác phẩm. 

Xin cảm ơn anh! 

Ngô Khiêm (thực hiện)
Theo NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây