Nhà báo Đặng Minh Giang chút trải nghiệm với nghề

Thứ hai - 05/07/2021 10:21
Khoảng 5 năm gần đây, nhà báo Đặng Minh Giang gần như đóng khuôn vào chuyên mục “Văn học nghệ thuật với đời sống” một chuyên mục chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật mà tác giả đã phác họa một cách sinh động loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh gắn với đời sống xã hội của nhân dân các dân tộc, trong đó có các dân tộc thiểu số. Một chuyên mục có thời lượng dài hơi và ngày càng khẳng định vị trí cần thiết trong các chương trình của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh hiện nay. Cùng với việc đảm nhiệm chuyên mục “Văn hóa nghệ thuật với đời sống” Hội viên nhà báo Đặng Minh Giang còn đảm nhận thêm 2 chuyên mục cứng của Đài gồm: Chuyên mục “Chung tay vì người nghèo và mục “Phóng sự”. Là học sinh giỏi văn của trường chuyên Nguyễn Huệ tỉnh Hà Tây cũ và sau 4 năm là “Mọt sách” ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đặng Minh Giang đến với nghề báo tình cờ xong lại như một định mệnh để rồi chất văn, tình yêu cuộc sống chứa chan được chắt lọc áp dụng vào hoạt động sáng tạo báo chí để đến nay chị đã có hàng trăm tác phẩm báo chí, hàng chục chuyên mục được khán thính giả đón đợi.

 Xin ghi lại chút trải nghiệm của Nhà báo Đặng Minh Giang nhân Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng năm nay.

Tôi vào nghề năm 2010, làm phóng viên phát thanh, rồi làm truyền hình. Đây là giai đoạn công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, kỹ thuật phát thanh - truyền hình cũng phát triển mạnh mẽ, từ công nghệ truyền hình tương tự mặt đất analog sang công nghệ số. Đài Phát thanh - Truyền hình Điện Biên đã không ngừng vận động để bắt kịp sự phát triển này. Đây là điều kiện thuận lợi để phóng viên chúng tôi tác nghiệp, nhưng cũng đòi hỏi mỗi người phải không ngừng học tập tiếp cận với xu hướng phát triển mới. Để đáp ứng yêu cầu công việc, trong việc sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình của Đài.
111
Phóng viên Minh Giang (áo đỏ) tại xã Sín Chải, huyện Mường Nhé
Làm báo nói rồi báo hình, tôi cũng như các đồng nghiệp làm việc tại Đài Phát thanh - Truyền hình Điện Biên đều tự ý thức, làm thế nào mang tới khán, thính giả các tác phẩm phát thanh, truyền hình phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống của đồng bào các dân tộc Điện Biên. Để làm được điều đó, mỗi năm chúng tôi phải đi hàng trăm chuyến đến khắp các bản làng vùng sâu, vùng xa trên toàn tỉnh. Với tôi mảng đề tài về văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào miền núi vẫn luôn là đề tài vô cùng hấp dẫn. Tôi cùng đồng nghiệp không quản ngại khó khăn đến khắp các bản làng xa xôi, ghi lại những hình ảnh, âm thanh sinh động nhất về mảng đề tài này. Còn nhớ năm 2014, tôi cùng đồng nghiệp đi ghi hình Tết của đồng bào Hà Nhì tại các xã Sín Thầu và Sen Thượng huyện Mường Nhé. Ngày đầu tiên lên đường thời tiết đã không ủng hộ. Tôi cùng đồng nghiệp mới đi chưa được bao xa thì trời đổ mưa. Dù mưa rừng ào ào đổ xuống, chúng tôi vẫn quyết tâm cuốn bọc máy ghi hình thật cẩn thận và tiếp tục vượt đường xa đến với đồng bào. Từ Thành phố Điện Biên Phủ vào tới trung tâm huyện Mường Nhé, chúng tôi phải dừng lại nhiều lần bởi đường bị sạt lở, phải chờ thông tuyến. Vượt qua 200 cây số đường núi quanh co, bùn đất trơn trượt, mất 12 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được trung tâm huyện Mường Nhé. Trong tình trạng cả người và xe còn bết bùn đất, không kịp nghỉ ngơi chúng tôi tiếp tục lên đường, còn hơn 60 km nữa mới đến xã Sín Thầu. Đường vào xã nhiều đoạn sụt, sạt, khi đó các loại, máy xúc máy ủi không kịp thông tuyến, chúng tôi phải xắn quần cõng đồ, khiêng xe lội qua bùn lầy. Đúng 9 giờ tối chúng tôi mới vào tới xã Sín Thầu chuẩn bị cho ngày hôm sau tác nghiệp. Khó khăn vất vả trên chặng đường dài đã bay biến khi chúng tôi gặp cán bộ xã và bà con nhân dân tay bắt mặt mừng: “Mong phóng viên mãi, cứ lo trời mưa gió đoàn không vào được. Đoàn vào tới nơi là tốt rồi, tốt lắm rồi”. Khi nhớ về chuyến đi này, quay phim Phạm Trọng Lâm nói với tôi:  “Giống như một  cuộc chiến đấu”. Tết Hà Nhì nơi địa đầu Tổ quốc thật ấm cúng. Chuyến đi này, chúng tôi không chỉ ghi được những phong tục đẹp của đồng bào Hà Nhì trong dịp Tết cổ truyền, mà còn được cùng đồng bào chia sẻ cảm xúc ấm áp tình đồng bào, đồng chí trên dải đất nơi địa đầu Tổ quốc.

Năm 2015, theo chỉ đạo của Ban Giám đốc Đài là xây dựng một tác phẩm báo chí có chiều Sâu, phản ánh được rõ nét về lịch sử, văn hóa của vùng đất Điện Biên Phủ. Từ đầu năm 2015 tôi cùng đồng nghiệp tiến hành nhiều chuyến khảo sát trên khắp vùng đầu nguồn và các bản làng trên lưu vực sông Nậm Rốm để xây dựng phim tài liệu về Nậm Rốm 26 tập. Trăn trở của nhóm chúng tôi là làm thế nào để có được những hình ảnh chân thực, sống động, phản ánh được các giai đoạn lịch sử đã qua, cũng như sự đa dạng về văn hóa của vùng đất lịch sử Điện Biên Phủ, nơi con sông Nậm Rốm chảy qua.


Mất 2 tháng vừa đi khảo sát, vừa thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của Phòng Chuyên đề - Văn nghệ và Giải trí, chúng tôi đã hoàn thành kịch bản phim. Sau khi được Ban Giám đốc phê duyệt, chúng tôi dốc toàn bộ tâm sức tiến hành khâu tiền kỳ. Cuối tháng 4 sang tháng 5, Điện Biên bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa. Thời tiết thất thường, khi thì mưa xối xả, khi lại nắng gay gắt, khiến cho nhóm làm phim gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là những chuyến đi ghi hình trên khu vực đầu nguồn của sông Nậm Rốm. Con sông này có tới 4 nguồn chính. Các đầu nguồn này đều nằm trên những đỉnh núi cao, nhóm làm phim phải lội suối, trèo đèo, theo đường đi rừng của người dân bản địa mà đi, Để có được hình ảnh về suối nguồn Nậm Rốm, về những công trình phản ánh lịch sử phát triển, đặc điểm văn hóa của đồng bào trên vùng đất Điện Biên huyền thoại, có những chuyến chúng tôi phải lội suối cả ngày dưới trời nắng gay gắt, cũng có lúc lại phải bám vách đá, leo lên, tụt xuống hàng giờ đồng hồ. Sau hàng tháng vật lộn, chúng tôi mới điểm hết các đầu nguồn của dòng sông. Hành trình phim về dòng Nậm Rốm còn kéo dài hàng năm trời, bởi chúng tôi muốn có được những hình ảnh chân thực, sống động nhất, diễn ra một cách tự nhiên, phản ánh đặc điểm văn hóa và các chuyển động lịch sử trên vùng đất Điện Biên Phủ. Trải qua những chuyến đi vất vả nhưng nhiều điều thú vị, hơn bao giờ hết chúng tôi hiểu rằng, người làm báo nói chung và làm truyền hình nói riêng, không chỉ cần có sức khỏe, trí tuệ để lao động sáng tạo, mà còn cần có tình yêu với cuộc sống, với con người, với mỗi vùng đất mà mình đến. Tình yêu đó chính là cái khiến cho mỗi phóng viên có thể kiên trì, bền bỉ khám phá và sáng tạo nên những tác phẩm báo chí chân thực, sống động. 

Bài, ảnh: Minh Khôi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây