Phước Long - Quê hương của những nhà báo, văn sĩ tài hoa

Chủ nhật - 27/06/2021 17:16
Nằm nép mình bên dòng sông Hàm Luông giàu chiến tích trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, xã Phước Long – vùng đất đã sản sinh, nuôi dưỡng biết bao người con tài năng nổi tiếng trong giới báo chí và văn đàn.

Theo Nhà báo Nguyễn Minh người cầm bút lâu năm và gắn bó với quê hương Bến Tre của vùng đất Nam bộ, nổi tiếng về "viết lách" ở xứ dừa này phải kế đến GS. Ca Văn Thỉnh và những người con tài năng xuất sắc của ông. Trong đó có nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), người đã ngã xuống ven đô Sài Gòn trong đợt tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.
111
Các hội viên Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre

Tiếp đó là Nhà báo liệt sĩ Dương Tử Giang, nhà thơ Chim Trắng, nhà báo Nguyễn Hồ, tác giả - soạn giả Lê Huỳnh, nhà văn quân đội Võ Trần Nhã, nhà báo lão thành Huỳnh Nam Thông cùng nhiều nhân sĩ trí thức khác...

Ở quê hương Bến Tre có thể nói chưa nơi nào có lực lượng viết lách đông đảo như xã Phước Long huyện Giồng Trôm. Từ thời kháng chiến chống Pháp, quê hương Phước Long có ông Lê Hoài Đôn, Lê Tâm (Lê Thị Nhãn – em gái ông Đôn) hoạt động báo chí – văn học tại tỉnh nhà và Sài Gòn. Kế đến là nhà báo Phạm Văn Phan, Đoàn Tý (nhiếp ảnh), Hồ Kiểng (điện ảnh), Võ Trọng Cảnh (tức nhà văn Trang Thế Hy)… 

Trong đó, tiêu biểu thời kỳ này là nhà báo, nhà tuyên huấn Lê Hoài Đôn. Đây là một nhà báo nổi tiếng là nói như viết và viết như diễn thuyết nhờ tầm kiến thức rộng và có nghệ thuật nói trước công chúng.

Những năm đầu cách mạng tháng Tám thành công, tổ chức Đoàn văn hóa kháng chiến Bến Tre (tiền thân của Hội văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu ngày nay) được thành lập, có trên 40 hội viên. Nhà báo, nhà tuyên huấn Lê Hoài Đôn được bầu làm Thư ký (Trưởng Đoàn). Đây là tổ chức văn hóa văn nghệ đầu tiên tập hợp lực lượng báo chí, văn nghệ sĩ của tỉnh Bến Tre.

Năm 1949, khi Bến Tre và một số tỉnh đầu tiên thành lập Ban tuyên huấn Tỉnh ủy thì nhà báo Lê Hoài Đôn (tỉnh ủy viên) được cử làm Trưởng Ban.

Có thể nói, nhà báo Lê Hoài Đôn nhà tuyên huấn, là một cán bộ cách mạng trẻ tuổi, tài hoa. Ông tham gia cách mạng năm 21 tuổi, vào Đảng năm 22 tuổi, vào Tỉnh ủy lúc 24 tuổi và hai năm sau là Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy.

Trưởng ban Tuyên huấn đầu tiên của Bến Tre – nhà báo, văn nghệ sĩ Lê Hoài Đôn, tên thường gọi là Sáu Đôn, bí danh Trường Chiến sinh năm 1924 tại làng Phước Mỹ (ấp 1 xã Phước Long ngày nay). Vốn thông minh, học giỏi, sống chiến đấu kiên cường đã cống hiến tuổi thanh xuân vì dân vì nước, xứng đáng là tấm gương sáng cho các thế hệ làm báo, văn nghệ sĩ, tuyên truyền viên cách mạng.

Từ kháng chiến chống Mỹ đến nay, bảng danh sách các nhà báo, văn nghệ sĩ của xã Phước Long anh hùng càng dài ra. Đi đầu có thể kể là NSND Phạm Khắc – người anh hùng của những thước phim lịch sử (đen trắng) thời phôi thai đầy máu lửa ngay giữa chiến trận từ Bắc vô Nam, đặc biệt là chiến trường sôi động miền Đông và Tây Nguyên.

Nhà báo, nghệ sĩ Phạm Tấn Phước (tên thật của Phạm Khắc) lúc đầu gia nhập bộ đội ở Mỹ Tho tại tiểu hàm 514. Năm 1963, ông tốt nghiệp khóa báo chí và quay phim do Trung ương Cục miền Nam mở, và sớm vang tiếng với Chiến thắng Cây Điệp – phim đầu tiên về ĐBSCL thời kháng Mỹ; phim Chiến thắng Bình Giã; Đồng Xoài rực lửa; Chiến đấu trên đường phố Sài Gòn (Mậu thân 1968).

Coi như tham gia bộ đội và làm báo là nhiệm vụ xuyên suốt trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ. Năm 1971, khi được cử ra Bắc để bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, phim ảnh, Phạm Khắc đoạt nhiều giải thưởng ở Liên hoan phim quốc tế Praha; được đi tu nghiệp ở CHDC Đức từ năm 1973 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975.

Nhà báo Phạm Khắc được nhiều người biết tên tuổi là nhà quay phim, người đặt nền móng cho thể loại phim ký sự Đài truyền hình TP. HCM. Ông còn là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong làng nhiếp ảnh với bộ sư tập trên 20.000 bức ảnh về các miền đất, cảnh sắc thiên nhiên và con người.

Khán giả trong và ngoài nước còn biết đến ông qua bộ phim truyền hình MêKông ký sự dài 84 tập do ông chủ biên và làm tổng đạo diễn. Và biết ông luôn có mặt ở nhiều trận tuyến đầu sóng ngọn gió và rực lửa.

Lê Trần Thy cũng là một nhà báo dạn dày trong khói lửa chiến tranh. Điện ảnh thời gian lao còn có Nguyễn Hoàng – một đạo diễn còn giàu tiềm năng. Hay Nhà báo Lê Văn Nghị (tức Thống Quốc, em ruột ông Thy) vang tiếng một thời về đưa tin thời sự. Và “cây” phóng sự rực lửa đương thời là nhà báo – nhà văn Nguyễn Phước.

Phước Long còn có nữ nghệ sĩ Phạm Thị Lan (Đoàn văn công Quận Khu 8); các nhà báo Nguyễn Nam (TTXNV); Lê Văn Lưu; Huỳnh Văn Thanh báo Chiến Thắng hoạt động xuyên suốt 30 năm trở lên, từ những năm bảy mươi (1970) đến nay.

Vừa đây, Phước Long của huyện “đất thép Giồng Trôm” còn được bổ sung thêm ba nhà báo “gạo cội”: Nhà báo Dương Vũ Thông (Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP. HCM), Nhà báo Huy Phong (Báo Sài Gòn giải phóng), Nhà báo Phạm Lia (Đài Truyền hình TP. HCM). Và bảng danh sách những người hoạt động báo chí, văn chương của quê hương Phước Long giàu truyền thống hẳn vẫn còn dài thêm.

111
Nhà văn - Nhà báo Trang Thế Huy

Hiện người có ảnh hưởng sâu sắc đến lớp hậu duệ văn chương báo chí từ khoảng độ cuối thế kỷ 20 trở về sau hơn hết là nhà văn Trang Thế Hy. Ông được xem là biểu tượng của nhà văn Nam bộ. Tuy nhiên, ngôn ngữ trong văn chương của ông không hề mang tính vùng miền, mà nó phổ quát thậm chí bay bổng.

Văn ông mang tính tư tưởng nghệ thuật đặc sắc cảm hóa con người luôn hướng thiện… Ông từng có tác phẩm đoạt giải thưởng Văn học giải phóng miền Nam những năm 1960 -1965; giải truyện ngắn của Hội Nhà văn và giải thưởng loại A của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

Trang Thế Hy tham gia kháng chiến từ năm 1945 và hoạt động làm báo, viết văn một thời gian dài ở Sài Gòn (ông là cán bộ Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn – Gia Định). Sau đó công tác ở báo Văn nghệ giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn trung ương Cục miền Nam và Hội Nhà văn TP. HCM đến trên 30 năm sau ngày giải phóng 30/4.

Nguyễn Huỳnh
(Hội viên Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre)
Nguồn: NB&CL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây