Nhà báo, nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn: Người truyền cảm hứng về tình yêu quê hương

Chủ nhật - 09/05/2021 14:46
“Với tôi cuộc đời của mỗi con người, quê hương là trên hết, dù có đi khắp năm châu thì quê hương mình vẫn tuyệt vời hơn cả. Khi mình có cơ hội, dấn thân và chụp được hình ảnh quê hương là điều rất quý" - Nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn chia sẻ.

Đã có nhiều nhà báo, nhà nhiếp ảnh chụp biển và hải đảo Việt Nam nhưng chụp bằng phương tiện máy bay thì chỉ có nhà báo, nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn. Không đơn giản là những bức ảnh từ không trung nhà báo còn thổi vào đó sức sống, vẻ đẹp của đất nước và khẳng định sự linh thiêng chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Những bức ảnh ở những địa danh quen thuộc, nhiều người từng đi qua, từng sống và làm việc, nhưng với góc máy của nhà báo tất cả như khác hẳn, mới lạ và độc đáo. Tuy nhiên đằng sau những bức ảnh đó là cả một quá trình rèn luyện, dấn thân và cống hiến, Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo, nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn để hiểu rõ thêm về nội dung này.

- Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách về Việt Nam nhìn từ không trung, mỗi vùng miền mang những khung cảnh, màu sắc khác nhau, ông có thể nói rõ hơn về những bức ảnh độc nhất vô nhị này?

Ở đó bao gồm hàng ngàn bức ảnh trên cao về các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có những tỉnh nằm dọc theo chiều dài bờ biển đất nước Việt Nam. Tại sao tôi có mặt ở trên nhiều chuyến bay như vậy? tôi may mắn được tháp tùng cùng Trung đoàn Không quân 917 một đơn vị máy bay trực thăng chiến đấu, thuộc Sư đoàn Không quân 370. Vì có nhiều kinh nghiệm chụp ảnh trên không nên tôi được lãnh đạo Trung đoàn ưu ái, hỗ trợ rất nhiều và cho tham gia nhiều chuyến bay.

111
Nhà báo, nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn trong một chuyến bay. Ảnh: NVCC

Có những chuyến bay tôi đi dọc từ mũi Cà Mau, ra tận vịnh Bắc bộ, đó là những chuyến bay rất thú vị. Còn gì thích bằng khi bay trên lãnh thổ đất nước rộng lớn, được nhìn mọi thứ từ trên cao, trên mỗi không trình đó làm cho tôi có nhiều cảm xúc, bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Đất nước có đường bờ biển dài, phi hành đoàn bay ra vùng trời miền Bắc trong vòng 3, 4 ngày, nhiều chặng bay khác nhau. Như từ Cà Mau - TP Hồ Chí Minh, nghỉ ngơi hôm sau bay Phan Rang - Cam Ranh - Khánh Hoà…nghỉ ngơi, nạp nhiên liệu ra Đà Nẵng...

- Không chỉ đơn giản là ngồi lên chiến đấu cơ chụp xuống, tôi nghĩ việc chuẩn bị cho mỗi chuyến bay của nhà báo sẽ rất công phu, chuẩn chỉnh?

Việc chuẩn bị của lực lượng không quân thì khỏi bàn, an toàn, vì họ bay huấn luyện chiến đấu. Đối với tôi, bản thân phải có thể lực và sức khỏe phải rất tốt, tôi được ngồi ở cửa máy bay, được mở cửa, nguyên tắc mỗi khi lên máy bay không ai được mở cửa, nhưng tôi ưu ái được mở cửa để quan sát và chụp ảnh. Mở cửa nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.

111
Ông Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch nước - đến chúc mừng và tham quan triển lãm - Ảnh: Duyên Phan

Trước đó tôi đã trải qua nhiều chuyến bay, những chuyến đầu hoàn toàn đóng cửa, dần dần khi đã quen rồi tôi được thỏa mái nhiều hơn. Bình thường mọi người đi trực thăng sẽ ngồi một chỗ, còn tôi luôn được ngắm nhìn, tìm đúng hướng để bấm máy đúng khoảnh khắc...Tới giờ phút này tôi nghĩ mình là người có cơ hội được tháp tùng nhiều chuyến bay ở nhiều không trình khác nhau trên khắp mọi miền đất nước đó là niềm hạnh phúc. Nhưng để có được điều này cực kỳ khó, làm sao để các anh không quân hiểu được công việc mình đang làm, có sự phối hợp…tạo điều kiện thuận lợi cho mình tác nghiệp.

- Bức ảnh “Hải đăng ở đảo Trường Sa Lớn” từ trên cao không khác gì một tác phẩm hội họa đầy tính nghệ thuật, ông có thể chia sẻ về tác phẩm ảnh này?

Hôm đó tôi được tháp tùng cùng hai chiến đấu cơ, bay từ sáng sớm, trưa thăm hỏi, làm việc với các chiến sỹ ngoài đảo chiều bay về đất liền. Trong bức ảnh ngoài khung cảnh của vùng đảo tôi còn đề cập đến lịch sử xây dựng ngọn hải đăng trên đảo.

111
Tác phẩm "Hải đăng ở đảo Trường Sa Lớn" của nhà báo, nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn. Ảnh: NVCC

Một bức ảnh trên không khó thể hiện được chi tiết các nhân vật, đời sống trên đó, nhưng qua quang cảnh bao trùm đó người xem có thể biết được sức sống của hòn đảo, với màu xanh của cây trái, những ngôi nhà, xung quanh là màu xanh ngọc bích của biển. Nhìn bao quát hòn đảo giống như một trái tim, tôi nghĩ mỗi hòn đảo là một trái tim của đất nước. Để còn được những hòn đảo tươi đẹp đó, bao đời tiền nhân đã đổ xương máu bảo vệ, gìn giữ.

Không trình bay của phi hành đoàn thường ít lặp lại, nên tôi phải tận dụng, phải sẵn sàng một tư thế của người phóng viên, quan sát, phán đoán. Phải nhanh nhạy trong tác nghiệp không để bị động trong mọi tình huống, không để trôi qua một khoảnh khắc đẹp. Theo tôi, ảnh báo chí phải là khoảnh khắc, trên không cũng phải bấm lấy được từng khoảnh khắc.

- Để có những bức ảnh báo chí vừa mang giá trị thông tin vừa có tính nghệ thuật, tôi nghĩ nhà báo đã trải qua những chặng đường đầy cam go, vượt qua nhiều thử thách để có những bức ảnh để đời?

Đúng vậy, nghề báo rèn luyện cho tôi nhiều, nhưng điều quan trọng nhất là làm báo là phải tự bơi, ở bất kỳ toà soạn nào cũng tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là phóng viên phải tự lực, không ai suy nghĩ và làm thay cho bạn được. Tự đi tìm nhân vật viết bài, tự học hỏi và không ngừng tự trau dồi kiến thức.

111
Nhà báo, nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn chụp ảnh cùng nhiếp ảnh gia Nick Út. Ảnh: NVCC

Tôi làm báo từ sau ngày giải phóng, qua sự thích thú, niềm đam mê yêu nghề dấn thân nên biết và chụp khá nhiều, ngoài kiến thức của trường lớp, kiến thức từ thực tế là rất quan trọng.

Hồi tôi mới vào nghề, đi chụp ảnh bằng phim, việc mua phim cũng chủ yếu là tự mua, cơ quan chỉ cấp cho một phần, thời kỳ đó khó khăn, mình muốn nâng cao tay nghề thì phải đi chụp nhiều hơn. Kinh nghiệm nhiều lên là nhờ chụp từ những cuốn phim đó.

- Điều gì khiến ông theo đuổi việc chụp ảnh trên máy bay kéo dài hơn 40 năm nay?

Với tôi cuộc đời của mỗi con người, quê hương là trên hết, dù có đi khắp năm châu thì quê hương mình vẫn tuyệt vời hơn cả. Khi mình có cơ hội, dấn thân và chụp được hình ảnh quê hương là điều rất quý.

Chụp bằng máy bay không đơn giản, có những chuyến bay khi trở về và tôi tự cho rằng hôm nay may mắn. Có những chuyến đi biển mà không thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra. Có những lần đáp xuống phi trường là tai ù, mắt nhòe, đi loạng choạng. Vì bay trên độ cao, thời tiết khí hậu dễ bị say, sốc, máy móc có thể chịu đựng nhưng con người khó chống chọi được.

111
Nhà báo, nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn trong lần tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ phóng viên, biên tập viên Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Ảnh: NVCC

Điều quan trọng hơn trong tôi luôn suy nghĩ đó là cố gắng phải ghi lại cảnh sắc quê hương, sự hùng vĩ, mênh mông của đất nước, vì lẽ đó lúc nào đầu óc tôi cũng phơi phới, không sợ nguy hiểm.
Đi, viết và chụp ảnh là đam mê của tôi từ nhỏ, vượt qua nghèo khó và luôn quyết tâm theo đuổi đam mê của mình. Trong giai đoạn đầu làm báo với nhiều khó khăn, túng thiếu nhưng tôi quyết không từ bỏ nghề, luôn sống trong niềm đam mê. Và hơn hết tôi cũng muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế về vẻ đẹp, tiềm năng du lịch và biển đảo Việt Nam.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Tâm (thực hiện)
Theo NB&CL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây