Hơn hai thập kỷ sau tuổi xưa nay hiếm vẫn "Đọc - Đi - Nghĩ - Viết"
Thứ tư - 05/05/2021 09:50
Cách đây hơn mười năm khi nhà báo Phan Quang vào tuổi 80, NXB. Văn học lúc ấy đã xuất bản một tác phẩm quý: Phan Quang - Tuyển tập mười năm - đánh dấu cột mốc đầy ý nghĩa cho những năm “thất thập cổ lai hi mà tuổi nghề vẫn sung sức” của ông.
Đầu năm 2007 trên số Xuân Tạp chí Người Làm báo tôi có bài bàn về tuổi nghề nhà báo. Lúc ấy, nhiều người tâm đắc với nhận định là sau tuổi 70 - cái mốc mà Đại thi hào Đỗ Phủ nói “thất thập cô lai hï” thì với làng báo, độ tuổi nghề vẫn còn sung mãn. Và, một trong những đại thụ của làng báo được đưa ra để minh chứng chính là; Nhà báo Phan Quang.
Nếu tính tuổi nghỉ hưu mà nhà nước quy định hiện nay là 60, thì 10 năm sau, nhân dịp ông lên lão 70, năm 1999 NXB. Văn học đã cho ra mắt "Tuyển tập Phan Quang” gồm 3 cuốn với 1.675 trang để mừng thọ ông!
Đọc tuyển tập của ông, nhiều người nghiêng mình kính nể, bởi những gì mà Phan Quang làm được qua năm mươi năm làm báo, viết văn xuyên suốt hai cuộc kháng chiến đến thời kỳ đầu đổi mới. Và nhiều người cũng ước mơ giá vào cái tuổi ấy cũng có sức viết như ông, song cũng nhiều người đã tưởng rằng đây là những trang khép lại của một nhà báo tên tuổi...
Ngay cả nhà văn Ngô Thảo - người biên tập tuyển tập này cũng không ngờ sau cái tuổi 70, hầu như những sự kiện nóng nào Phan Quang cũng có bài, năm nào ông cũng có sách xuất bản, mà cuốn nào cũng đáng đọc như: Về diện mạo báo chí Việt Nam, Những người tôi quý mến, Đồng bằng sông Cửu Long (tái bản, bổ sung), Thơ thần Paris, Phác họa chân dung, Bên mộ vua Tần... và mới đây là Thương nhớ vẫn còn viết về gần 50 nhân vật đương đại Việt Nam vừa mới qua đời.
Và để bạn đọc có thể hình dung ra những gì mà nhà báo, nhà văn Phan Quang đã làm trong giai đoạn từ tuổi 70 đến tuổi 80. Nhân năm ông mừng thượng thọ, NXB. Văn học lại cho ra mắt bạn đọc tiếp Phan Quang - Tuyển tập Mười năm (1998-2008) dày 835 trang, phát hành nhân dịp đầu xuân 2009. Đây thực sự là món quà quý đối với đông đảo bạn đọc.
Cuốn sách vừa mới in ra đã được dư luận quan tâm, Viện sĩ Hoàng Trinh, GS. Hà Minh Đức, GS. Nguyễn Lân Dũng... đã có những bài viết đánh giá cao tuyển tập này trên các báo cả trong Nam ngoài Bắc.
Đây không phải là những lời động viên một người cao tuổi cố gắng làm việc mà là những đánh giá sòng phẳng về chất lượng nội dung những gì tác giả đã đem đến cho người đọc.
Viện sỹ Hoàng Trinh trên báo Nhân Dân đánh giá: “Suốt đời Phan Quang say mê học hỏi. Phan Quang là một nhà báo kiêm nhà văn. Anh viết hay và sống động, vừa có lý vừa có tình”.
Là một nhà báo lại là một nghị sĩ, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam ông có dịp đi nhiều nước... có những nước ông đã tới lui hàng chục lần, nhưng có lẽ Pháp và Trung Quốc vẫn là hai nơi ông có những bài viết sâu lắng nhất. Những gì ông viết về Paris phải chăng hình như đã được thẩm thấu từ gần 70 năm trước qua các bài thuộc lòng từ trường tiểu học!
Ai đã từng đặt chân đến Paris thì ắt hẳn khi đọc Paris đời thường, Quán nghệ sĩ Paris, Cà phê Paris, Paris có gì lạ không anh?... sẽ cảm thấy thật thích thú vì những gì mình đã đến, đã thấy mà chưa biết, chưa nghe cho trọn, rồi hình như ai cũng ước gì được trở lại để được “hưởng” những điều mới được khám phá qua những trang sách Phan Quang.
Riêng Trung Quốc, trong những năm gần đây, tôi có dịp cùng anh em trong cơ quan đi Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu... Mỗi lần như vậy tôi đem Muôn dặm Trường thành, Tây hồ mùa thu, Bên mộ vua Tần... để anh em đọc.
Trước khi đi đọc, đến nơi đọc, về nhà đọc lại, ai cũng thừa nhận là nhà báo Phan Quang hiểu biết khá sâu văn hóa Trung Hoa. Ông đã đến Vạn Lý Trường thành nhiều lần, để cuối cùng viết có mỗi một bài về Trường thành sau những gì bao nhiêu nhà báo, nhà văn cổ kim đông tây đã viết, đã nói về kỳ quan này.
Nhưng cái đặc sắc của ông chính là ở cách nhìn của một người Việt đến Trường thành mà nhớ Chinh phụ ngâm, nhớ nàng Kiều, nhớ Hoàng Xuân Hãn, nhớ Nguyễn Hiến Lê... và đọng lại là những đổi thay của lịch sử Trung Quốc gần đây, qua những người đã từng đưa ông đi thăm Trường thành. Bởi vậy, nhiều người đồng tình với viện sĩ Hoàng Trinh là rất thích đọc những trang viết sâu lắng và nên thơ, như những đoạn về khói Cam Tuyền và bóng nguyệt Tràng thành, về Trường An và Tây An của Trung Quốc ngàn xưa trong bối cảnh... kinh tế thị trường.
Phan Quang - đi đến đâu... hội nhập đến đấy
Qua những trang ký của Phan Quang, kỷ niệm lại lôi cuốn kỷ niệm, đó là phong cách riêng của anh mà chính tôi cũng học được nhiều, Tư tưởng của Phan Quang khác hẳn tư tưởng của Ruyard Kipling (Đông là Đông, Tây là Tây, Đông Tây khó gặp nhau). Phan Quang đến đâu là “hội nhập” đến đấy, đến đâu ông cũng thấy dấu tích những nền văn hóa mà ta có thể tiếp nhận tinh hoa.
Là một người đã từng nhiều năm được đi theo ông nhiều chuyến tôi để ý một điều, ông chỉ viết những gì mình đã được chứng kiến, được trao đi đổi lại không chỉ một lần. Có thể nói, khi ông thực sự là người trong cuộc thì ông mới viết. Đặc biệt là khi viết về chân dung - chân dung những người nổi tiếng Việt Nam và thế giới mới qua đời.
Trong “Tuyển tập 10 năm”, có chọn 23 chân dung, trừ ghi chép về các chuyến đi theo Bác Hồ thăm tết đồng bào, thăm nông dân chống hạn... còn thì tất cả các nhân vật từ các vị Tổng bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh... đến các học giả, nhà khoa học, đều được xếp theo vần. Đây là những chân dung mà tác giả mới viết sau này, còn có những vị đã sớm được tác giả “quý mến” trong tập trước như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Viết sâu, viết có hồn, luôn thể hiện sự tương tác giữa người viết và nhân vật, đó là đặc điểm của Phan Quang. Chuyện về nhân vật không chỉ được tiếp xúc có một lần vài lần mà viết, mà có người đó là từ gắn bó cả một cuộc đời mà thôi thúc phải viết. Đọc Tố Hữu, đọc Trần Hoàn, Thanh Tịnh, Quang Đạm... có mấy ai cầm bút có được vốn liếng thân cận như ông với các văn nghệ sĩ đặc biệt là văn nghệ sĩ Liên khu IV.
Nhưng hơi lạ khi bạn đọc thấy Phan Quang viết về bác sĩ nông học Lương Định Của - một nhà khoa học.
Càng đọc thì ngay những người đã từng được làm việc ở trường đại học Nông lâm Hà Nội thời ông Của cũng ngạc nhiên về sự giao tiếp sâu sắc tình nghĩa của một phóng viên chuyên viết về nông nghiệp với một trong số những chuyên gia nông nghiệp hàng đầu thời đó.
Cũng là người cầm bút, tôi thực sự khâm phục trí nhớ, tư liệu của tác giả. Những chuyện xảy ra cách đây 30, 40 năm viết lại mà từng chi tiết, từng cử chỉ con người cứ hiện lên rõ mồn một. Chắc ai đã từng chứng kiến việc ông Của ngay sau khi có quyết định thôi giữ chức quản lý để tập trung làm chuyên môn, đã mang chiếc xe đạp Hungari được phân theo tiêu chuẩn trả lại cơ quan thì càng quý trọng những trang viết của Phan Quang về nhà khoa học mà tên tuổi của ông được nông dân gọi kèm theo nhiều sản phẩm: lúa ông Của, dưa ông Của, rau muống ông Của, táo ông Của...
Phan Quang: Đọc - Đi - Nghĩ - Viết
Nếu ai đã đọc đọc tác phẩm của Giáo sư Bùi Trọng Liễu thì đều nhận ra: dù bàn chuyện Đông Tây, kim cổ gì thì bàn, trước sau thì ông Liễu vẫn quay về chuyện học. Đối với Nhà báo Phan Quang cũng vậy, qua ngàn trang sách bàn chuyện ngàn lẻ một đêm, ngàn lẻ một ngày, huyền thoại Đông Tây... thì rút cuộc Phan Quang vẫn nặng lòng với nghề báo. Từ một nhà báo, ông trở thành nhà quản lý báo rồi nhà “lập pháp báo chí”... Ông dành phần khá đậm trong tuyển tập cho những bài viết nói lên quan điểm, đạo đức và cả những vấn đề nghiệp vụ cụ thể đối với nghề báo.
Không biết bạn đọc sẽ cảm nhận thế nào về những điều ông viết, nhưng là những cán bộ phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thì chắc sẽ nhớ mãi: Ông là người kiên quyết mở ra các hệ thống sóng với các hệ chương trình khác nhau phát cùng thời điểm để cho người nghe được quyền quyết định lựa chọn cái mình muốn nghe. Ông cũng là người chủ trương đa dạng hóa các sản phẩm trong một cơ quan báo chí: trong báo nói có cả báo viết.
Ông luôn nêu cao tinh thần đổi mới: Báo chí không cho phép lặp lại mình! Ông khái quát nghề báo chí gọn trong 4 chữ “Đọc - Đi - Nghĩ - Viết”, nhưng ông cũng sẵn sàng chỉ ra những khiếm khuyết cụ thể trong nghề nghiệp, một ví dụ nhỏ là: Mục đích của mọi trò chơi trên truyền hình là góp phần nâng cao trí tuệ, làm thuần khiết tâm hồn, chứ không chỉ nhằm thu hút được số đông người tham gia vì một mục tiêu nào khác cho dù nó hấp dẫn đến đâu.
Qua hai tuyển tập với 2.500 trang sách khổ lớn, tôi ước giá gì mình là biên tập viên của một nhà xuất bản, tôi sẽ chọn lọc sắp xếp lại những bài viết của ông thành một cuốn sách riêng khoảng 400-500 trang nhan đề: Nghề báo. Chắc chắn cuốn sách sẽ rất có ích cho những người yêu nghề báo và có thể nó sẽ trở thành cuốn sách giáo khoa trong các trường báo chí.
80 tuổi vẫn... email gửi bài
Đọc Tuyển tập Phan Quang, bạn có thể tiếp cận học giả uyên thâm Nguyễn Khắc Viện sau tuổi 80 vẫn say sưa nghiên cứu, từ triết học, văn học lại trở về với nhi khoa đặt niềm tin cho thế hệ mai sau. Hay nhà báo Quang Đạm - bậc thầy của nhiều người, dù gặp bao trắc trở nhưng sau tuổi 80 vẫn hoàn thành tác phẩm Nho giáo xưa và nay hết sức bề thế.
Nhà báo, nhà văn FrancoIse Giroud sau khi làm bà chủ những tờ báo nổi tiếng thế giới như ELLE, LExpress, rồi làm bộ trưởng qua 3 đời tổng thống Pháp lại trở về giữ cương vị người chủ trì mục Bình luận các chương trình TV trong tuần trên tờ Le Nouvel Observateur trong suốt 20 năm cho đến tuổi 87...
Phải chăng đấy là những tấm gương về lao động say mê trên đường tìm học và suy ngẫm, cho nên, đêm đêm qua khung cửa sổ tầng 2 tôi vẫn thấy ông đọc, ông viết trước chiếc máy tính để bàn.
Tôi nhớ, hôm gặp ông Hiệu trưởng Đại học truyền thông Boston Mỹ Tom Fiedler, ông có “khoe” bây giờ bố ông 80 tuổi rồi vẫn sử dụng Internet, tôi nhớ đến cụ Phan Quang nhà mình - 80 rồi cũng gửi bài ảnh đến các báo qua email chứ không như một số người làm báo chưa già, thậm chí chưa về hưu nhưng vẫn chỉ biết gửi bài qua những chiếc phong bì.
Dầu đã có tới hàng ngàn trang viết, nhưng người đọc vẫn thấy thiếu những gì Phan Quang viết về mình. Lúc nào ông cũng xuất hiện để viết, để tả, để bình, nhưng là viết, tả, bình về người; còn ông rất ít nói về ông. Tìm kỹ thì cũng có đôi chỗ, như đoạn kể lại vì sao ông không dùng cái bút danh Hoàng Tùng, v.v... Nhưng với một người như ông, nếu có một cuốn tự truyện, một tập hồi ký thì quý biết bao!
Tôi đã hỏi thẳng ông về chuyện ấy, ông khiêm tốn tỏ vẻ không mặn mà với việc viết hồi ký, trong khi nhiều người ở lứa tuổi ông, ở cương vị ông đang nhờ người viết, nhờ người chép hộ. Vậy khi chưa chịu viết hồi ký thì chắc chắn ông sẽ còn tiếp tục “theo dòng thời cuộc”.
Hơn 70 năm cầm bút, có tới 30 năm làm “quan” ở những chức vụ khá cao nhưng đêm đêm ông vẫn cặm cụi ghi chép, cần mẫn viết. Giờ đây, khi được thư thả và chủ động thời gian chắc sẽ còn những tập, tuyển tập kế tiếp... Là bạn đọc chúng tôi vẫn luôn hào hứng đón đợi các tác phẩm mới của ông!