Nhà báo Nguyễn Hà – Báo Lao Động: “Điều cốt lõi là truyền đi thông điệp tốt đẹp trong xã hội”

Thứ năm - 18/03/2021 11:09

Sinh năm 1993, Nguyễn Hà bước vào nghề báo với tinh thần của tuổi trẻ, đầy nhiệt huyết, sáng tạo, nỗ lực vươn lên và luôn cập nhật công nghệ làm báo mới.

Vào nghề được 6 năm nay, những bỡ ngỡ dần ở lại phía sau và Nguyễn Hà đang ngày càng chứng tỏ năng lực của một nhà báo “đa di năng” của Báo Lao Động. Nhân 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với Nguyễn Hà.

Trẻ là xông pha, trẻ là cống hiến

+ Nhìn vào số lượng giải báo chí mà bạn đang sở hữu, chắc hẳn nhiều nhà báo ở thế hệ 9X cảm thấy chạnh lòng. Việc nhận giải báo chí dù to hay nhỏ đều mang tính khích lệ rất lớn với người làm báo, Hà suy nghĩ thế nào về việc này?

- Năm nay là năm thứ 6 tôi theo đuổi nghề báo với tất cả tâm trí, sức trẻ, lòng nhiệt huyết để cống hiến cho nghề. Dù thời gian chưa phải là dài, nhưng may mắn, nghề báo đã cho tôi những trải nghiệm, kinh nghiệm và cảm xúc thật tuyệt vời.

Những giải báo chí mà tôi đạt được trong thời gian vừa qua là nguồn động viên và khích lệ rất lớn đối với bản thân tôi, nó giống như những cột mốc trong sự nghiệp mà mỗi lần nhìn vào lại cho tôi thêm những động lực để có được những tác phẩm báo chí tốt hơn, chất lượng hơn.

Tuy nhiên, cái quan trọng nhất của một người làm báo không phải chỉ nằm ở các giải báo chí mà theo tôi, nó nằm ở những giá trị cốt lõi của nghề, chúng ta làm gì được cho xã hội, những bài báo của chúng ta truyền đi được thông điệp tốt đẹp như thế nào…

111
Tác nghiệp đa phương tiện trở thành công việc thường xuyên, bắt buộc của mỗi phóng viên tại Báo Lao Động.

+ Báo Lao Động hiện nay đang sở hữu một số lượng phóng viên hùng hậu là những người trẻ, tất nhiên trẻ thì luôn nhiệt huyết, xông pha, máu lửa với nghề rồi. Bạn nghĩ sao về môi trường làm báo tác động đến hiệu quả công việc của mỗi nhà báo, đặc biệt là nhà báo trẻ?

- Tôi may mắn được làm ở Báo Lao Động ngay từ khi ra trường, những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp làm báo của tôi có sự chỉ bảo tận tình của lớp nhà báo, phóng viên giàu kinh nghiệm của một tờ báo tên tuổi.

Những năm gần đây, Báo Lao Động đã trẻ hóa đội ngũ phóng viên, hiện nay báo có những phóng viên sinh năm 1998, 1999, đó là chưa kể đến đội ngũ cộng tác viên đang là sinh viên của các trường Đại học. Nếu như 6 năm trước, khi lần đầu đặt chân đến Báo Lao Động, tôi và một số đồng nghiệp của mình thời đó là những phóng viên trẻ nhất của Báo thì bây giờ chúng tôi thuộc lớp “già” (cười). Đương nhiên, khi làm việc trong một môi trường với rất nhiều người trẻ như vậy bản thân tôi cũng như được truyền thêm lửa. Trẻ là xông pha, trẻ là cống hiến, đây là quãng thời gian mà tôi cho là quý giá nhất trong sự nghiệp để tích lũy, trau dồi, học hỏi những người đi trước bằng tất cả sự nhiệt tình của tuổi trẻ. Lớp phóng viên trẻ chúng tôi có những trải nghiệm rất đáng nhớ, đó có thể là những ngày nắng rát tác nghiệp ở những miền núi xa. Là những đêm lụt lội đến tận bắp đùi, dầm mưa dầm nước chụp ảnh đưa tin về tòa soạn. Những ngày ăn cơm trưa lúc 5h chiều, vừa cầm bát cơm lại vội vàng bỏ đũa đi ngay. Những ngày thức trọn đêm chỉ để ghi lại một khoảnh khắc… Những cảm xúc và trải nghiệm đó của tuổi trẻ với cương vị là một phóng viên, với tôi là vô cùng quý giá.

Để có được những tác phẩm đa phương tiện, đòi hỏi phóng viên có những kỹ năng tích hợp

+ Nếu để ý thì thấy các tác phẩm đoạt giải của Hà đều là những tác phẩm sử dụng công nghệ làm báo hiện đại. Với thời đại công nghệ như hiện nay thì việc đọc một tờ báo mạng với nội dung tốt, trình bày đẹp, bắt mắt sẽ “giữ chân” được độc giả lâu hơn. Nhưng để có được nội dung tốt, cách trình bày bắt mắt theo bạn, người phóng viên phải chuẩn bị kiến thức và tâm thế làm báo như thế nào?

- Chúng tôi vẫn thường nói với nhau ở tòa soạn, Lao Động có những phóng viên “đa di năng”. Một vài tiếng trước có thể còn đang tác nghiệp mưa lũ, nhưng tiếng sau đã có thể trang điểm xinh đẹp để lên hình. Ở Lao Động, lớp phóng viên trẻ chúng tôi được đào tạo bài bản các kỹ năng tác nghiệp từ quay, dựng, biên tập, thiết kế… và các tác phẩm được thể hiện theo hình thức emagazine là những tác phẩm mà chúng tôi hướng đến. Ở những tác phẩm này bao gồm cả text, ảnh, video, đồ họa… bạn đọc có nhiều trải nghiệm hơn khi được tiếp cận thông tin ở nhiều hình thức. Nó không phải đơn thuần là một cụm text dài với 1-2 cái ảnh đi cùng bài, mà được tích hợp. Bạn đọc được đọc, nghe, xem, nhìn và thực sự được “sống” cùng với những gì mà bài báo thể hiện.

Và dĩ nhiên để có được những tác phẩm đa phương tiện này thì cũng đòi hỏi phóng viên có những kỹ năng tích hợp. Luôn học hỏi và trau dồi những cái mới, xu hướng làm báo điện tử mới là điều chúng tôi làm hằng ngày, hằng giờ ở Lao Động. Một lợi thế là do Lao Động có đội ngũ phóng viên trẻ nên việc tiếp cận với cái mới, với công nghệ, kỹ thuật cũng có phần thuận lợi hơn.

111
Nhận giải Báo chí Búa liềm vàng 2020.

Một thông tin hay có thể triển khai thành một bài báo nhưng để bài báo đó hấp dẫn thì những yếu tố đa phương tiện sẽ bổ trợ rất nhiều.

+ Hà là người thường xuyên có nhiều bài viết về xây dựng Đảng, lĩnh vực xưa nay vẫn được ví là 3K (khó, khô, khổ). Một người trẻ như Hà đã làm thế nào để vượt qua nó?

- Tôi may mắn hai năm liên tiếp được nhận Giải Báo chí viết về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng). Có khó, khô và có khổ hay không thì tôi nghĩ do cách tiếp cận vấn đề của từng người.

Trong các bài viết, tôi chọn cách đi từ câu chuyện hết sức bình dị, gần gũi của các nhân vật đời thường. Nếu ai đã từng đọc các bài viết này có thể thấy rõ điều ấy. Chẳng hạn loạt bài đoạt Giải Búa liềm vàng của tôi năm 2019 là loạt bài 4 kỳ với chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, loạt bài đi từ các nhân vật đời thường, là những giáo viên đi theo tiếng gọi của Bác, từ miền xuôi lên Tây Bắc để “thử lửa” trong hành trình mang tri thức, giáo dục đến đồng bào miền núi; Những thầy cô sẵn sàng thay đổi cách dạy học để kiến tạo nên một môi trường giáo dục mà học sinh thực sự cảm thấy hạnh phúc… Một chủ trương, đường lối lớn để thành công là sự góp sức của nhiều người, nhiều tầng lớp, nhiều đối tượng khác nhau và bắt đầu từ chính những điều hết sức giản dị. Và những câu chuyện cụ thể thì sẽ dễ đi sâu và gần gũi với bạn đọc hơn, do đó các bài viết về xây dựng Đảng cũng nhờ thế mà không còn khô và khổ nữa (cười).

+ Trong nhiều buổi nói chuyện trước các nhà báo, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng khẳng định: “Báo chí cách mạng phải khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng”. Khơi dậy khát vọng Việt Nam cũng là nội dung lần đầu tiên được đưa vào Văn kiện Đảng (trong Văn kiện Đại hội XIII). Là một người làm báo trẻ, Hà suy nghĩ thế nào về trách nhiệm nghề nghiệp của mình?

- Ở bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào tôi nghĩ đều có trách nhiệm để xây dựng mục tiêu chung, xây dựng khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng như lời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nói. Và với cương vị là phóng viên trẻ, bản thân tôi cũng tự nhận thấy mình có trách nhiệm. Thông qua những bài báo, hoạt động báo chí của mình để truyền đi những thông điệp tốt, đấu tranh với cái xấu, bảo vệ cái đẹp, tôn vinh những gương điển hình tiên tiến. Để Việt Nam hùng cường sẽ bắt đầu từ những việc làm nhỏ, những việc làm tốt. Mỗi người ở cương vị nào hãy làm thật tốt ở cương vị ấy.

+ Xin cảm ơn bạn!

An Vinh (Thực hiện)
Nhà báo và Công luận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây