Nhà báo Phạm Nguyễn Toan – Tổng biên tập Tạp chí điện tử Reatimes: "Chúng tôi quyết tâm phải tự sửa mình & chủ động thay đổi"

Thứ hai - 22/02/2021 10:37

“Có quá nhiều các “nhà báo sa lông” ngồi phòng lạnh lướt mạng, gộp đôi ba tin báo bạn thành một bài của mình, ngày làm cả chục bài. Thậm chí có những bài “xào” chỉ thay mỗi cái tít và… tên tác giả'.

111

"Mọi người hay đùa nhau, bây giờ cứ “mở mạng” ra là thấy “hành mỡ” thơm nức mũi là vì thế” - Tổng Biên tập tạp chí điện tử Reatimes Phạm Nguyễn Toan đã khẳng định.

Giải pháp đầu tiên là… nghiêm khắc với chính mình

+ Sự nhức nhối lâu nay là nạn vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí giữa các cơ quan báo chí với nhau, giữa báo chí và trang thông tin điện tử, giữa báo chí và không gian mạng xuyên quốc gia… Ông đánh giá nhìn nhận thực trạng này như thế nào, thưa Tổng biên  tập?

- Có lẽ phải nói rằng, tình trạng vi phạm bản quyền nói chung và vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí nói riêng, ở Việt Nam mình đang vào hạng… nhất thế giới! Tất nhiên, “cái nhất” này chẳng vui vẻ gì. Tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay rất muôn hình vạn trạng. Báo chí lấy lẫn bài của nhau; các trang thông tin điện tử, mạng xã hội… lấy bài của báo chí mà không xin phép. Lại có cả tình trạng nhiều “ông” lập nguyên một website na ná một tờ báo, tạp chí nào đó rồi bê hết bài của “chính chủ” sang và dùng công nghệ để SEO, lan tỏa khiến trang giả còn mạnh hơn trang thật. Đó là những hiện tượng dễ thấy, dễ “bắt” nhất, ngoài ra còn một hiện tượng nguy hiểm không kém đó là việc phóng viên các báo, nhân viên nội dung các trang tin “xào bài” của nhau. 

Do tính phổ quát, tính xã hội cao của thông tin báo chí và thói quen làm báo “hợp tác xã” ở ta nên giá trị bản quyền tác phẩm báo chí đã bị coi nhẹ. Coi nhẹ đến nỗi sinh ra suy nghĩ rằng họ lấy bài của mình thì mình cũng lấy bài của họ. Nhẹ đến nỗi đều có suy nghĩ rằng mình cũng sai, mình cũng vi phạm thì còn nói gì người ta.

Chính vì thế, nạn vi phạm bản quyền ở báo chí bây giờ có lẽ đã trở thành quen thuộc đến nỗi… bình thường. Giống như là làm nông nghiệp thì người nông dân phải quen chịu cảnh chuột bọ, thiên địch. Quen đến nản. Quen đến nỗi là “muốn” sống chung với nó như người miền Tây nói chuyện “sống chung với lũ”. Nhìn chung, ý thức bản quyền báo chí lâu nay rất “mờ” trong từng người làm báo, trong mỗi người làm báo nên mới xảy ra câu chuyện hôm nay. Chỉ một đơn cử thôi, tôi thấy rằng, đến tận bây giờ, nhiều tờ báo, tạp chí vẫn “thấy vui” khi được trang thông tin Báo mới dẫn lại bài của báo mình (dù không xin phép).

+ Với tạp chí chuyên sâu về lĩnh vực bất động sản, những tác phẩm thường mang tính chuyên ngành, hàm lượng thông tin cao, thậm chí rất nhiều bài chất lượng, riêng có... Reatimes có gặp những vi phạm, bị đánh cắp tài nguyên không và ông đã xử lý như thế nào?

- Bạn hỏi về Reatimes thì tôi lại… giật mình! Bạn hỏi “Reatimes có gặp những vi phạm, bị đánh cắp tài nguyên không?” thì tôi muốn chia sẻ điều này trước đã:

Rằng trước đây, chính chúng tôi cũng là những người đi vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí. Chúng tôi cũng từng “thuổng” bài báo khác mà không xin phép dù chỉ là để “đẹp mâm, đẹp cỗ” cho trang mình. Phóng viên của chúng tôi cũng từng “xào” bài của phóng viên báo bạn dù tất nhiên là lãnh đạo báo thì chúng tôi đã rất nghiêm khắc với vấn đề này. Điều này là thật và cá nhân tôi cũng đã phải thay mặt cơ quan đi xin lỗi một vài tác giả bị vi phạm. 

Sau một thời gian làm tạp chí chuyên sâu, chúng tôi nhận ra rằng muốn có tí “máu mặt” thì buộc phải làm nội dung thật hay và đặc sắc về lĩnh vực của mình. Muốn kiếm tiền chân chính thì phải đầu tư để làm nội dung chân chính. Vì thế phải cố gắng đầu tư tài lực vật lực để sản xuất nội dung riêng. Nhưng nhiều khi cũng “xót” lắm, bài vừa mới lên là đã thấy bị lấy lại. Chắc bạn cũng hiểu cái nỗi “uất” đến thế nào khi search Google mà thấy bài của “kẻ đánh cắp” nằm chễm trệ ở top đầu còn bài trên trang mình thì không thấy đâu! (Tất nhiên cũng phải tự trách mình là công nghệ không tốt nên mới bị thế). Từ chuyện mình “vô tình”, bị mang tiếng trở thành “kẻ cắp” và chuyện bị vi phạm mà chúng tôi quyết tâm phải tự sửa mình và chủ động thay đổi.              

Giải pháp đầu tiên là… nghiêm khắc với chính mình. Chỉ đăng bài mình sản xuất và đăng tải lại những bài (kể cả để “đẹp mâm đẹp cỗ”) khi được cho phép). Đồng thời rèn quân thật kỹ để viết lách cho tử tế.

Thứ hai là đầu tư nâng cao công nghệ để tờ tạp chí của mình có thể lan tỏa mạnh hơn; có những biện pháp kỹ thuật để chống sao chép và dễ dàng phát hiện sao chép. Đồng thời có biện pháp đấu tranh quyết liệt với hiện tượng vi phạm bản quyền. 

Thứ ba là… cố gắng kiếm ra tiền từ các nghiệp vụ kinh tế báo chí để có tiền chủ động đầu tư sản xuất nội dung “make by Reatimes”, không phải “vay mượn” nữa.

Và thứ tư là Ban Biên tập sẽ hạn chế việc “cả nể”, ngại va chạm để có thể quyết liệt hơn trong công tác bản quyền.

Loanh quanh toàn gặp “người quen” nên cả nể và thiếu quyết liệt

+ Có ý kiến cho rằng: “Nguyên nhân của tình trạng vi phạm bản quyền báo chí nằm ở vấn đề ý thức tuân thủ pháp luật và sự thiếu quyết liệt của chính tác giả và chủ sở hữu tác phẩm”. Ông nghĩ sao về điều này?

- Thì đúng là như thế! Chuyện này bắt nguồn từ việc chúng ta chưa thực sự nhận thức đầy đủ những nguy cơ của nạn xâm phạm bản quyền, chưa thấy nó là chuyện “cháy nhà chết người”. Làng báo, làng truyền thông tưởng rộng nhưng mà lại hẹp, loanh quanh toàn gặp “người quen” nên hay sinh ra cả nể và dẫn đến thiếu quyết liệt.  

Ý thức bản quyền là điều rất quan trọng. Nó cần bắt đầu từ chính mỗi cơ quan báo chí và mỗi người làm lãnh đạo cơ quan báo chí. Chuyện vui thôi, tôi từng được cơ quan chủ quản gửi sang cho một công văn của một cơ quan báo chí lớn, đề nghị cơ quan chủ quản chỉ đạo Tạp chí chúng tôi cho họ được lấy bài để “tuyên truyền” cho ngành bất động sản. Ý thức và phương pháp tôn trọng bản quyền kiểu này thì có vẻ cao ngạo quá! (cười)…

Chia sẻ thêm một chút, tôi nghĩ, trong giới báo chí, để xử lý tương đối việc tôn trọng bản quyền thì nếu có sự minh bạch, quyết liệt là đủ. Nhưng câu chuyện còn nằm ở chỗ là có nhiều vụ phát hiện vi phạm trắng trợn cũng đành chịu. Đó là có những trang tin, mạng xã hội… “ba không”: không biết chủ sở hữu hay cơ quan chủ quản là ai, chẳng biết địa chỉ liên lạc ở đâu và họ không được cấp giấy phép. Thế thì chúng tôi xử lý kiểu gì ngoài việc kiến nghị lên các cơ quan quản lý để có biện pháp ngăn chặn. Mà cơ quan quản lý thì… nhiều việc.

+ Lại nói đến câu chuyện quản lý, vừa qua, tại diễn đàn bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, các đại biểu đề xuất thành lập một Liên minh bảo vệ bản quyền báo chí. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này? Liệu giải pháp này đã đủ để giải quyết triệt để chưa, thưa ông?

- Trong câu chuyện chống vi phạm bản quyền hiện nay, tôi nghĩ hành động tích cực nào cũng là cần thiết; việc thành lập liên minh bảo vệ bản tác quyền báo chí cũng vậy. Ta đã thấy có trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả văn học v...v... và v...v...  dù hoạt động của họ còn có những lúc bị báo chí nhà mình đem ra phân tích, mổ xẻ nhưng tôi nghĩ rằng cơ bản là tốt và góp phần tích cực vào sự phát triển chung. Việc hình thành liên minh bảo vệ bản tác quyền báo chí cũng thế. Còn “đủ” thì không biết thế nào mà đủ đâu! Vi phạm bản quyền là hành động xấu. Xã hội chẳng khi nào hết cái xấu và chúng ta luôn phải đấu tranh với cái xấu thôi. Nói lý thuyết một chút, trong công tác phòng chống tham nhũng, người ta đưa ra nguyên lý cho các nhà quản trị và xã hội là phải làm sao để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng. Việc đấu tranh với nạn vi phạm bản quyền báo chí mà chúng ta trao đổi ở đây cũng vậy. Sau cuộc trao đổi với bạn về chuyện này, cá nhân tôi cũng thấy mình phải ý thức và quyết liệt hơn!.


Sông Mây (Thực hiện)
Theo NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây