Mỗi tác phẩm báo chí để lại dấu ấn đối với công chúng đều cho thấy sự dấn thân của nhà báo.
Thứ ba - 16/02/2021 09:52
Đó là chia sẻ của nhà báo Minh Tuyết, Phòng Thời sự - Chính trị, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa - người từng tham gia thực hiện nhiều tuyến bài về đề tài xây dựng Đảng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Mới đây nhất là tác phẩm “Làm đẹp những con số” đã đạt giải A - Giải Báo chí Quốc gia năm 2019. Người làm báo đã có cuộc trao đổi với chị xung quanh vấn đề này.
PV: Chị và đồng nghiệp đã thực hiện tác phẩm “Làm đẹp những con số” đạt giải A, giải báo chí Quốc gia năm 2019. Đây là lần đầu tiên tỉnh Thanh Hoá có giải A, Giải báo chí Quốc gia. Cảm xúc của chị khi được nhận giải thưởng này.
Nhà báo Minh Tuyết: Tất nhiên là tôi và ekip cùng thực hiện tác phẩm rất vui. Vui vì những gì chúng tôi cố gắng đã được ghi nhận xứng đáng. Sau khi tác phẩm của chúng tôi được xướng tên tại Lễ trao giải, tôi nhận được nhiều cái bắt tay chúc mừng, những lời động viên tích cực. Đặc biệt, tôi rất xúc động khi nghe được những lời nhận xét từ đồng nghiệp, thậm chí là những người có vị trí ở các cơ quan báo chí Trung ương khi nói về tác phẩm như “Báo chí địa phương làm được điều đó thật là dũng cảm” hay “Tôi phục các bạn”. Đây chính là nguồn động viên tinh thần lớn lao với mỗi người làm báo để chúng tôi tiếp tục nỗ lực, gắn bó với nghề và làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.
PV: Nghề báo đã khó, phụ nữ làm báo còn khó hơn rất nhiều. Để có được những tác phẩm hay, ấn tượng, hấp dẫn đến với công chúng, theo chị cần phải có những yếu tố nào?
Nhà báo Minh Tuyết: Đúng như chị nói, nghề báo đã khó, với phụ nữ thì làm báo còn khó hơn nhiều. Có lẽ vì ý thức được cái khó của mình nên tôi luôn nghĩ mình cần phải cố gắng. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, làm báo là phải biết dấn thân, không ngại gian khó và điều đặc biệt là càng khó lại càng khiến tôi cảm thấy muốn khám phá và chinh phục.
Tôi luôn tự hào vì nghề báo đã đem lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc. Khi bài viết của mình giúp được ai đó, địa phương, đơn vị nào đó giải quyết được nút thắt trong công tác quản lý, triển khai, thực hiện nhiệm vụ... thì thấy khấp khởi trong lòng. Còn khi vì bài viết của mình mà địa phương, đơn vị hay bản thân ai đó bị nhắc nhở, kiểm điểm và có cả kỷ luật thì cũng thấy day dứt. Nhưng cũng may là gần 20 năm làm phóng viên Thời sự, có rất nhiều tác phẩm phản ánh mặt trái. Trong đó có tác phẩm sau khi phát sóng cơ sở đã gửi đơn kiện tác giả đến tận cơ quan, thậm chí đưa cả luật sư đến đối chất nhưng tôi vẫn bảo vệ được quan điểm của mình và vẫn an toàn trong nghề. Điều này chỉ có thể có được khi chúng tôi giữ được đạo đức trong nghề, phản ánh khách quan và tôn trọng sự thật.
PV: Chị có thể chia sẻ về tác phẩm “Làm đẹp những con số”
Nhà báo Minh Tuyết: Với tác phẩm “Làm đẹp những con số”, được giải A Giải Báo chí Quốc năm 2019, thành công của tác phẩm trước hết là do đề tài và những thông điệp mới mẻ mà chưa một tác phẩm báo chí nào đề cập đến trước đó. Phần nữa là do tôi đã nghiên cứu kỹ đề tài, thu thập đủ thông tin, tìm hiểu vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ đó có được cái nhìn sâu sắc, chân thật và toàn diện về công tác phát triển doanh nghiệp ở địa phương. Đây là phóng sự có tính chất điều tra, do vậy, trong quá trình thực hiện e kip đã gặp rất khó khăn có được thông tin cũng như tiếp cận với những người trong cuộc để họ nói lên sự thật trước ống kính, Nhưng khi đã tiếp cận được rồi thì chính những câu chuyện khá thú vị của người trong cuộc đã nói lên tất cả.
PV: Tác phẩm truyền hình là sản phẩm của tập thể, mỗi tác phẩm phải biết phát huy được trí tuệ tập thể, tạo được động lực cho cả ekip, nhằm phối hợp thực hiện một cách “ăn ý” mới có thể mang lại hiệu quả, chị có thể chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp.
Nhà báo Minh Tuyết: “Tác phẩm truyền hình là sản phẩm của tập thể” - chúng tôi rất ý thức được điều này nên trong suốt quá trình làm nghề của mình, với những tác phẩm đề cập đến những vấn đề nhạy cảm và có phần gai góc, cần có sự đầu tư cả về thời gian, công sức, trí tuệ, thậm chí cả về kinh phí, điều đó lại càng được chúng tôi đặt cao hơn. Với tác phẩm “Làm đẹp những con số” tôi đã nhận được sự động viên, đồng hành rất lớn của lãnh đạo Đài và lãnh đạo Phòng Thời sự Chính trị. Và nếu không có sự động viên đó thì không biết tôi có đi được đến cùng để cho ra đời tác phẩm. Tên tác phẩm là “Làm đẹp những con số” nhưng với quá trình thực hiện và những thông tin, thông điệp mà tác phẩm đem lại thì phải gọi là “Hành trình đến với những con số”.
Ngoài ra để có được thành công của tác phẩm này, chúng tôi đã xây dựng được một ekip thực hiện khá ăn ý, toàn tâm cho công việc. Đồng nghiệp của tôi là những phóng viên còn rất trẻ: Thanh Tùng, Cao Tùng, Mạnh Tuấn... Tuổi đời và tuổi nghề của các bạn ấy chưa nhiều nhưng cũng là những con người có đam mê làm báo và có lửa trong nghề, cùng trăn trở, hiểu ý và phối hợp rất thành công.
Và điều cuối cùng tôi muốn nói, cũng là điều mà tôi từng chia sẻ trên mạng xã hội Facebook: Nghề báo là một trong những nghề đặc thù mà người sản xuất được lưu tên trên sản phẩm của mình. Cánh đồng làm báo cũng không cho phép người làm báo tin rằng: Thu hoạch ở vụ này ắt sẽ bội thu ở vụ sau. Vì vậy đây là động lực rất lớn để người “nông dân” tiếp tục “cày sâu, cuốc bẫm” trên từng “thửa ruộng”.
Một lần nữa xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sự quan tâm, động viên, chia sẻ của mọi người đến nhóm tác giả trong thời gian qua.
PV: Cảm ơn Nhà báo Minh Tuyết về cuộc trao đổi này./.
Một số giải thưởng tiêu biểu của nhà báo Minh Tuyết - Giải B Giải Báo chí Trần Mai Ninh năm 2015 và 2017 - Giải C Giải Báo chí Trần Mai Ninh năm 2016 và 2018 - Huy chương bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2019 -Giải B Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học nghệ thuật, Báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018 - 2020. - Giải A giiải Báo chí Quốc gia năm 2019. - Ngoài ra còn nhận được nhiều giải thưởng tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc.
Nguyễn Thương (thực hiện) Nguồn Người làm báo Thanh Hóa